Cái đẹp!

“…Bỗng âm thanh kỳ lạ từ xa vọng lại. Ù ù. Ào ào. Ẩn hiện. Rồi vùng trời trên đầu nhấp nháy sáng. Rồi vàng rực huy hoàng. Rồi hai cây khế, hai cây vối, và những cây bưởi rung rinh bởi đàn chim vàng anh có tới ngàn con sà xuống đậu. Chúng chuyền cành, nhảy nhót, gọi nhau, rồi xúm xít vào hai cây khế ngọt. Đôi mắt ông La phát sáng. Mặt ông rạng rỡ. Hai cánh mũi giãn nở. Con người điềm đạm ấy líu tíu:

-         Mẹ nó đâu rồi! Mẹ nó đâu rồi!

Từ trong nhà có tiếng bà vợ ngạc nhiên và ú ớ nói vọng ra. Ông hối thúc:

-         Mau lên! Mau lên! Mình vàng. Mỏ đỏ. Chân đen. Đời người một lần được thấy đã là diễm phúc.

 
Cái đẹp! - ảnh 1


Đàn chim ríu rít với những quả khế ngọt vàng trắng. Không được! – Ông La ngăn lại khi vợ vừa bước tới-Đừng làm kinh động đàn chim đang say ngự thiện. Tôi đang nhìn chim như thôi miên cũng sững người chẳng hiểu sao vị cựu chiến binh quen trận mạc này lại nói được câu văn hoa gia như vậy. Nhẽ thường đến nửa tiếng đồng hồ. Đàn chim vàng anh no nê, ríu rít cảm ơn gia chủ, rồi tung mình, kết thành đàn, lượn một vòng như rắc vàng rắc bạc trên bầu trời rồi mới bay về phương nam để lại vùng ảo ảnh huy hoàng không bao giờ tàn phai trong trí nhớ.

Ông La, vợ ông La và tôi tần ngần lưu luyến mãi trên sân…”

(Trích truyện ngắn “Xóm cò” của TÔ ĐỨC CHIÊU)

“Bỗng âm thanh kỳ lạ từ xa vọng lại, ù ù, ào ào, ẩn hiện.” Rất thích từ “ẩn hiện”. Vang hưởng của âm thanh vọng tới báo rằng khá mạnh khá đông. Nhưng từ xa lan tới nên “ẩn hiện” , có nghĩa là những “ù ù ào ào” kia có khi đứt nối bởi gió, bởi những vòm cây cao như rặng tre cản lại. Rất chính xác và gợi cảm.

“Máy quay” mở hết cỡ ống kính lia trên bầu trời, thu lấy thật nét, thật đổi màu: “Rồi vùng trời trên đầu nhấp nháy sáng. Rồi vàng rực huy hoàng”. Ống kính từ từ hạ xuống “Hai cây khế, hai cây vối, và những cây bưởi rung rinh bởi đàn chim vàng anh có tới cả ngàn con sà xuống đậu. Chúng chuyền cành, nhảy nhót, gọi nhau, rồi xúm xít vào hai cây khế ngọt. Đôi mắt ông La phát sáng”.

Từ toàn cảnh rộng lớn cả bầu trời, hạ xuống cả khu vườn ba thứ cây khế, vối và bưởi, rồi tập trung dồn vào chỉ hai cây khế ngọt, “đối tượng” chinh phục chủ yếu, thích thú nhất của cả ngàn con chim vàng anh. Tác giả bất chợt lia ống kính sang đặc tả đôi mắt bỗng phát sáng của ông La.

Tác giả miêu tả tiếp, thật nhanh:

“…Mặt ông (La) rạng rỡ. Hai cánh mũi giãn nở. Con người điềm đạm ấy líu tíu:

-         Mẹ nó đâu rồi! Mẹ nó đâu rồi!

Từ trong nhà có tiếng bà vợ ngạc nhiên và ú ớ nói vọng ra. Ông hối thúc:

-         Mau lên! Mau lên! Mình vàng. Mỏ đỏ. Chân đen. Đời người một lần được thấy đã là diễm phúc.”

Thật hay và thật khéo. Vừa lột tả niềm thích thú càng dâng lên vừa miêu tả vẻ đẹp quý hiếm của chim vàng anh. Tới đây, tác giả tiếp tục “đánh” một “đòn” quyết định vào cảm thụ thẩm mỹ chúng ta bằng cách sáng tạo một tình huống (cũng rất đúng với tâm lý bà vợ ông La, người phụ nữ nông dân thật tốt lành đôn hậu nhưng cũng thường rất tằn tiện). Tác giả viết ngay sau lời hối thúc rất đáng yêu của ông La trên đây:

“Đàn chim ríu rít với những quả khế ngọt vàng trắng. Không được! – Ông La ngăn lại khi vợ vừa bước tới-Đừng làm kinh động đàn chim đang say ngự thiện. Tôi đang nhìn chim như thôi miên cũng sững người chẳng hiểu sao vị cựu chiến binh quen trận mạc này lại nói được câu văn hoa gia như vậy”. Vì quá yêu quý như thể tôn sùng đàn chim vàng anh, ông La đã dùng động từ “ngự thiện” vốn thời phong kiến chỉ dùng để chỉ sự dùng bữa của các bậc vua chúa. Loài người, trong đó có nhân dân ta đã tiến xa trong trình độ văn minh dân chủ, mới có thể nâng cao đến mức ấy tình yêu một loài chim. Thời phong kiến nếu ai dám dùng động từ “ngự thiện” để chỉ sự dùng bữa của con người, dù là quan to chăng nữa-huống chi đến loài chim-chắc chắn sẽ bị nhà vua chém đầu.

Thắng lợi của chinh phục cuốn hút đã chắc chắn, tác giả trút hết cảm giác cảm xúc thẩm mỹ trong động tác lia ống kính cuối cùng:

“…Nhẽ thường đến nửa tiếng đồng hồ. Đàn chim vàng anh no nê, ríu rít cảm ơn gia chủ, rồi tung mình kết thành đàn, lượn một vòng như rắc vàng rắc bạc trên bầu trời rồi mời bay về phương Nam để lại vùng ảo ảnh huy hoàng không bao giờ tàn phai trong trí nhớ.”

Từ những chi tiết thật, hình ảnh thật, tác giả đẩy lên “một vùng ảo ảnh huy hoàng” của cảm giác siêu thực. Người đọc chấp nhận ngay, bởi đó chính là chức năng đánh thức thẩm mỹ rất cần phải có ở nhà văn – người nghệ sĩ bao giờ cngx say mê với cái đẹp.

Cho nên không hề sượng, mà vào ngay người đọc cái hình ảnh kết thúc “Ông La, vợ ông La và tôi lần ngần lưu luyến mãi trên sân”.

Nhân vật ông La, một cựu chiến binh từng bảo vệ Tổ quốc, với bản chất nông dân yêu quý đất đai cùng tất cả những gì gắn liền với nó như cây cối, chim muông, ở đoạn văn trên đã bộc lộ một cách tự nhiên trái tim nhân hậu và giàu có chất nghệ sĩ của mình.

TRÚC THÔNG

 

Phản hồi

Các tin/bài khác