Cảnh nóng trong phim Việt

(VOV5) - Trên thực tế, có những bộ phim được khen ngợi về cảnh nóng, cũng có những bộ phim bị phá sản chỉ vì cảnh nóng.

Đã xưa rồi cái thời dùng cảnh nóng để tăng rating cho một bộ phim. Bởi thực tế cho thấy thời gian qua nhiều tác phẩm điện ảnh trong nước thất bại thảm hại về doanh thu, cho dù nhà sản xuất đã đẩy mạnh truyền thông gắn với chiêu trò “cảnh nóng”.

Một tác phẩm hay một sản phẩm nghệ thuật, bên cạnh đặc thù riêng thì cũng cần các tiêu chí đánh giá chung: Ấy là sản phẩm làm ra có tốt không, có đẹp không, có hữu ích với cuộc sống hay không. Những câu chuyện bên lề không phải là tiêu chí để đánh giá chất lượng sản phẩm.  

Ra rạp tháng tư năm nay, B4S - Trước Giờ Yêu (đạo diễn: Michael Thái, Huỳnh Anh Duy, Tùng Leo, Phan Gia Nhật Linh) được truyền thông là bộ phim đầu tiên của điện ảnh Việt khai thác sâu về vấn đề tình dục gắn với quan niệm sống và yêu của tuổi trẻ hôm nay. Ngay từ bản trailer, bộ phim đã gây ra khá nhiều tranh cãi. Nhà làm phim kỳ vọng phim sẽ đem tới một làn gió mới, trẻ trung, hút khách. Song sau đó phim đã phải rời rạp chiếu sớm.

Còn nhớ trong chiến dịch truyền thông cho phim “Bẫy ngọt ngào” - phim điện ảnh đầu tay của đạo diễn trẻ Đinh Hà Uyên Thư – “cảnh nóng” là một từ khóa được nhấn mạnh, trở đi trở lại qua nhan đề và nội dung các bài viết, qua các đoạn trailer, teaser. Dàn diễn viên với nhiều tên tuổi “hot” như Quốc Trường, Minh Hằng, Bảo Anh, Diệu Nhi gây chú ý bởi sự trẻ trung, lịch lãm. Tại buổi họp báo ra mắt phim, đạo diễn Đinh Hà Uyên Thư khẳng định các cảnh nóng không nhằm câu view, gây sốc mà đều đã được tiết chế để phục vụ nội dung, đường dây phát triển của câu chuyện và tính cách nhân vật.

Cảnh nóng trong phim Việt  - ảnh 1Cảnh phim Người tình của đạo diễn Lưu Huỳnh.

Ra rạp sau phim “Bẫy ngọt ngào” mấy ngày, phim “Người tình” của đạo diễn Lưu Huỳnh cũng dán nhãn 18+, và trước đó, phim đã trải qua một quá trình dài để hoàn thiện, chỉnh sửa lời thoại cùng một số cảnh nóng theo yêu cầu của Hội đồng duyệt phim. “Cảnh nóng” cũng là một từ khóa để truyền thông cho phim, song đạo diễn và e kip thực hiện luôn khẳng định đây là một bộ phim nghệ thuật, được đầu tư tâm huyết.

Vào vai nhân vật giới tính thứ ba, diễn viên Đức Hải đã phải giảm 10kg trong 3 tuần, nuôi tóc dài, thâm nhập thực tế để lấy chất liệu và cảm xúc cho vai diễn. Anh hài lòng bởi đã cống hiến hết mình cho nhân vật. Cảnh nóng trên phim, với anh là phục vụ cho vai diễn, phục vụ cho nghệ thuật.

Cảnh nóng trong phim Việt  - ảnh 2Poster phim Đảo của dân ngụ cư

Nổi tiếng qua các phim như Đời cát, Người đàn bà mộng du, Thung lũng hoang vắng, Tâm hồn mẹ…, NSUT Hồng Ánh rất nhập tâm vào các vai diễn có hoàn cảnh khó khăn trắc trở. Các phim này đều có cảnh nóng do chính chị thực hiện, góp phần lột tả nội tâm nhiều khao khát giằng xé và cả đớn đau của nhân vật. Ở vai trò đạo diễn, bộ phim “Đảo của dân ngụ cư” của Hồng Ánh cũng có nhiều cảnh nóng. Chị quan niệm những cảnh nóng trên phim là điều cần phải có đề khắc họa tâm lý, tính cách nhân vật, chứ không phải để thỏa mãn nhu cầu giải trí.

Cảnh nóng là điều bình thường trong một tác phẩm điện ảnh. Cảnh nóng kéo dài bao nhiêu là đủ? Lời thoại, âm thanh ở chừng mực nào? Các cảnh có yếu tố hở hang hay khỏa thân thì hở đến đâu là vừa, góc quay cần phải xử lý thế nào cho khéo, cho tinh, vừa là chuyển tải tốt nội dung, vừa phù hợp với thẩm mỹ, với văn hóa, không để sa đà vào tầm thường, câu khách? Đó là những câu hỏi luôn cần đặt ra với những người làm phim. Bởi trên thực tế, có những bộ phim được khen ngợi về cảnh nóng, cũng có những bộ phim bị phá sản chỉ vì cảnh nóng.

Hiện nay, những quy định trong luật điện ảnh liên quan đến cảnh nóng cũng còn nhiều bất cập, có thể phù hợp trong trường hợp này nhưng lại cứng nhắc giáo điều trong hoàn cảnh khác. Và ai cũng hiểu quy định về mặt văn bản chỉ là phần cứng, là cái vỏ. Nghệ thuật luôn sáng tạo, đổi mới. Điều quan trọng nhất khi xử lý cảnh nóng là trình độ, vốn văn hóa, gu thẩm mỹ của người làm phim.

Trên màn ảnh, ranh giới giữa thanh và tục, giữa cái đẹp và sự phản cảm rất mong manh. Chỉ cần một góc máy không phù hợp thì bao tâm sức chuẩn bị cho cảnh quay cũng đổ sông đổ bể. Ngược lại, một quyết định hợp lý của biên kịch hay đạo diễn có thể nâng tầm của cả một bộ phim.

Khi khán giả có những phản ứng trái chiều, thiết nghĩ nhà làm phim cũng cần nhìn lại chính mình. Bởi nếu làm nghệ thuật với cái tôi chủ quan duy ý chí thì một ngày nào đó sáng tạo sẽ rời bỏ họ mà thôi.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác