(VOV5) - Trong trái tim hầu hết những “đứa trẻ đã lớn”, những người lớn chúng ta, sinh ra ở nước Việt, lớn lên và trưởng thành ở nước Việt hay bất cứ phương trời nào, khi qua tuổi thơ, qua những năm tháng vô lo, bây giờ mỗi lúc nghe tin bão, lũ là trái tim lại lạc nhịp, chênh chao...
Ngập lụt sau bão Yagi ở Thạch Thành, Thanh Hóa - Ảnh: VOV |
Khi tôi còn là một đứa trẻ, giống như mọi đứa trẻ khác, tôi thích mưa bão, lũ lụt lắm. Bởi đó là dịp được nghỉ học, đương nhiên. Bởi sau đó là lang thang khắp xóm để nhặt hoa quả rụng, ăn cả tuần những bưởi, ổi, chuối, hồng, khế… Bởi đó có thể là dịp được ăn thịt gà, thịt lợn, thậm chí là thịt trâu, bò liên tục – những con vật gặp nạn trong mưa lũ. Rồi cùng lũ bạn dầm mưa bắt cá róc lên bờ, rồi đi theo người lớn nhấc vó, giăng lưới bắt tôm cua cá đầy nhóc các mương máng sông ngòi…
Ngày ấy tôi còn quá nhỏ để hiểu giọt nước mắt của mẹ khi lôi con gà mái ấp đã chết cứng vì ngập nước và ổ trứng đang ấp dở ra luộc cho đàn con ăn. Tôi chưa đủ lớn để nghe thấy tiếng thở dài cố giấu của cha tôi khi ông xách về một tảng thịt trâu chia từ con trâu nhà bác hàng xóm bị tường bếp đổ què chân…
Trận bão lớn cuối cùng mà tôi chứng kiến và nhớ nhiều nhất cách đây mấy chục năm, mùa thu năm 1986. Bão đổ vào ban đêm, con nhóc chục tuổi là tôi khi ấy ngồi thu lu cùng chị trong gầm bàn run rẩy nghe gió rít bên ngoài nhìn cha mẹ tôi tất tả chằng bên đông chống bên tây. Cha tôi đội mũ cối khoác áo bạt cầm dao rựa ra đầu ngõ chặt ngọn cây mít để phòng gió đánh trốc cây, đập vào nhà. Sau này nghe ông kể lại, ông vừa chặt vừa đếm đến 50 nhát, nóng toát cả mồ hôi mà ngọn cây vẫn trơ trơ. Lúc ấy ông mới sờ con dao, thì ra ông đã dùng sống dao để chặt. Có một điều khôi hài nữa là sau khi ông cố chặt cho bằng được ngọn cây mít vứt về sân cho an toàn thì sáng hôm sau cái ngọn cây ấy lại nằm chễm chệ trên mái nhà. Gió lốc đã nhấc ngọn cây mít vứt lên mái, làm vỡ vài chục viên ngói mà sau bão cha tôi lại phải cặm cụi dặm lại. Đó cũng là trận bão mà làng tôi có người chết vì bị đổ nhà, còn trâu, bò, gà, lợn, hoa màu thiệt hại không biết bao nhiêu cho kể…
Tôi lớn lên đi học xa nhà, rồi làm việc và sinh sống ở thành phố khác, những trận bão quê nhà chỉ còn trong ký ức. Đó là bởi ở thành phố tôi đang sống rất hiếm khi hứng chịu bão lũ trực tiếp mà chỉ bị ảnh hưởng phần nào, chỉ mưa to gió giật 1-2 ngày rồi lại trở lại bình thường. Nhịp sinh hoạt của tôi thường không bị đảo lộn vì bão lũ, và tôi cũng chẳng bị thiệt hại gì. Mưa bão với chúng tôi có thể chỉ đơn giản là một ngày được nghỉ làm đột xuất, một bữa vét tủ lạnh còn gì ăn nấy vì sáng không đi chợ được. Những mùa mưa bão cứ vô tâm trôi đi cùng tuổi trẻ - khi mà những mối quan tâm của tôi nằm ở những điều ‘to tát’ và ‘hoang đường’ khác cơ…
Rồi tuổi trẻ qua đi, tôi ‘hạ cánh’ với những lo toan vụn vặt đời thường cho một gia đình nhỏ của riêng mình và những nỗi trăn trở không dễ nói với một gia đình lớn và những vòng sóng rộng lớn hơn, những cơn bão lại ‘đột ngột’ trở về trong tâm trí. Phấp phỏng từ khi chương trình dự báo thời tiết phát những tin đầu tiên về cơn áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành bão và đi vào biển Đông, khắc khoải ngóng đường đi của bão để phán đoán xem sẽ vào quê mình hay quê bạn, rồi thấp thỏm âu lo khi bão đổ bộ đất liền, sốt ruột chờ những cơn mưa hoàn lưu qua đi…
Tôi quan tâm đến bão nhiều hơn ở cái tuổi nhận ra quỹ thời gian của cha mẹ mình chẳng còn bao lâu nữa. (Những năm cuối đời, nhìn cha tôi chậm chạp men tường đi từ đầu này căn nhà tới đầu kia căn nhà, tôi thường quay đi lén lau nước mắt. Và trong tôi lại hiện về nguyên vẹn hình ảnh cha tôi lao ra ngoài chặt cây, chằng cửa giữa cơn bão dữ năm nào!) Mỗi khi đài báo mưa to, gió lớn, việc đầu tiên tôi nghĩ đến là gọi điện về nhà vấn an cha mẹ. Nhà tôi đã kiên cố hơn xưa nên không còn nỗi lo mất an toàn khi tường đổ, nhà sập, nhưng nghĩ tới cảnh hai người già lụi cụi che chắn cửa trước cửa sau trong ngôi nhà rộng mênh mông tôi lại nhói lòng...
Cách đây mấy năm, lại một trận bão lớn quét qua làng tôi, vặt trụi bằng sạch những cây to, thổi bay hàng trăm tấm tôn và téc nước trên mái nhà vứt ra giữa cánh đồng. Cơn bão ập đến trong sự thờ ơ chủ quan của những người cả đời sống bằng kinh nghiệm, qua rằm tháng Chín (âm lịch) thì làm gì còn bão to nữa mà lo. Cơn bão trả lời cho tất cả mọi người rằng khí hậu đang biến đổi khó lường, rằng chuyện gì cũng có thể xảy ra, rằng kinh nghiệm bao nhiêu năm cũng có thể trở nên lỗi thời, lạc hậu…
Mưa bão với mẹ tôi là mối bất an của người già sống một mình sau khi cha tôi khuất núi, là nỗi tiếc những hoa trái quanh nhà sắp đến ngày được thu hoạch bị dập vùi tan nát, không còn được thu va hà vén để gửi cho con xa, cháu gần…
Nhưng mưa bão với đa phần những người nông dân khác luôn là một tai họa lớn khi cả gia sản mà họ đổ mồ hôi sôi nước mắt tạo dựng bỗng chốc tan tành theo gió theo mưa, biến họ thành những người ‘vô sản’ trắng tay…
Mưa bão lũ với đồng bào miền núi hay dải miền Trung chật hẹp còn là thiệt hại về người, tang thương và đau đớn…
Tôi đã đi qua những năm tháng vô lo, bây giờ mỗi lúc nghe tin bão, lũ là trái tim lại lạc nhịp, chênh chao, nghiêng về phía quê nhà...