(VOV5) -Câu lạc bộ ca trù Thái Hà của gia đình nghệ nhân Nguyễn Văn Mùi đã và đang góp phần gìn giữ những nét tinh túy của nghệ thuật ca trù đất Thăng Long xưa.
Nghe âm thanh bài tại đây qua giọng đọc PTV:
Trong dòng chảy âm nhạc Việt Nam, nghệ thuật ca trù đã thể hiện trọn vẹn những nét tinh túy của một loại hình nghệ thuật dân gian bác học.
Với niềm đam mê và tinh thần phục cổ, Câu lạc bộ ca trù Thái Hà của gia đình nghệ nhân Nguyễn Văn Mùi đã và đang góp phần gìn giữ những nét tinh túy của nghệ thuật ca trù đất Thăng Long xưa thông qua các chương trình biểu diễn cũng như những buổi truyền dạy bộ môn nghệ thuật này cho thể hệ trẻ.
Nghệ sĩ Ưu tú Nguyễn Văn Khuê và ca nương Thúy Hoa tại một buổi biểu diễn. Ảnh: Phương Khanh |
Trong không gian cổ kính của Trung tâm giao lưu văn hóa phố cổ Hà Nội (50 Đào Duy Từ, Hoàn Kiếm, Hà Nội), khán giả đang được thưởng thức những làn điệu ca trù cổ, một loại hình nghệ thuật truyền thống ở miền Bắc Việt Nam, qua sự thể hiện của các nghệ sĩ trong Câu lạc bộ ca trù Thái Hà.
Trong trang phục áo dài truyền thống, ca nương, kép đàn và tay trống chầu đã mang tới những trải nghiệm mới mẻ về ca trù cho nhiều khán giả trẻ: "Bình thường mình có thể xem trên TV và nghe những giai điệu “Hồng hồng, Tuyết tuyết…”, nhưng khi đến với chương trình, mình thực sự được sống trong không gian đó, được ngửi hương trầm trong lúc nghe hát và cảm nhận được giọng ca nhẹ nhàng của các ca nương. Toàn bộ những cảm giác đó làm cho cảm nhận của mình về ca trù khác hẳn so với lúc xem trên TV." "Những nghệ nhân ngồi biểu diễn trên tấm chiếu cói và chỉ sử dụng những nhạc cụ truyền thống. Không gian này mang cho mình cảm giác hoài cổ." - Những khán giả chia sẻ sau buổi thưởng thức ca trù tại đây.
CLB ca trù Thái Hà được thành lập vào năm 1993, do nghệ nhân ca trù Nguyễn Văn Mùi (1930 - 2019), tay trống chầu đệ nhất ca trù đất Thăng Long khởi xướng. Hiện nay, câu lạc bộ do Nghệ sĩ Ưu tú Nguyễn Văn Khuê, con trai nghệ nhân Nguyễn Văn Mùi, dẫn dắt. Thừa hưởng niềm say mê ca trù của các thế hệ đi trước, đến nay, ông Khuê đã có 60 năm gắn bó với ca trù và nổi tiếng với khả năng chơi đàn đáy (loại đàn 3 dây, cổ dài, được sử dụng trong biểu diễn ca trù). Cùng với đó là các thành viên Thúy Hoa (ca nương), Mạnh Tiến (trống).
Ca nương Thúy Hoa là truyền nhân đời thứ 6 của gia đình. Cô được biết đến với giọng hát trong trẻo, nhẹ nhàng và có hồn. Một trong những tiết mục nổi bật của cô là ca khúc “Đào Hồng, Đào Tuyết”.
Điều khiến CLB ca trù Thái Hà khác biệt so với các câu lạc bộ ca trù khác ở Việt Nam đó là họ chú trọng vào các buổi biểu diễn gia đình. Trong CLB đặc biệt này, theo truyền thống, cha hoặc anh trai là người chơi đàn, trống, còn con gái hoặc em gái đảm nhận vai trò hát chính. Điều này tạo thành sự liên kết đặc biệt giữa các thành viên.
Buổi biểu diễn của thành viên Câu lạc bộ ca trù Thái Hà tại Pháp (ca nương Thúy Hoa thứ 3 từ phải sang). Ảnh: Phương Khanh |
Ca nương Thúy Hoa chia sẻ: "Chúng tôi là người trong cùng 1 gia đình nên có thể hiểu về tâm lý của nhau, cũng như hiểu từng tiếng đàn, tiếng hát. Có những lúc quên lời thì có thể dùng tiếng đàn để nhắc lời hát. Cùng gia đình nên chúng tôi cũng tập với nhau rất nhiều. Không nhất thiết phải có buổi tập mới tập với nhau, mà ngay cả trong các hoạt động sinh hoạt hằng ngày, trong bữa cơm… chúng tôi cũng có thể tập với nhau."
Những năm qua, CLB ca trù Thái Hà thường xuyên có các buổi biểu diễn tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Nhà hát lớn Hà Nội và xung quanh khu phố cổ Hà Nội để giới thiệu loại hình nghệ thuật này tới công chúng.
Qua đó, góp phần duy trì truyền thống gia đình trong việc góp phần bảo tồn, gìn giữ và phát huy nghệ thuật ca trù. NSƯT Nguyễn Văn Khuê cho biết: "CLB ca trù Thái Hà phối hợp cùng Sở Văn hóa Hà Nội, Viện Âm nhạc tập hợp những người yêu thích ca trù để truyền dạy, quảng bá môn nghệ thuật này. Hằng năm, Sở Văn hóa Hà Nội sắp xếp khoảng 30 ngày để CLB ca trù Thái Hà đi dạy để nâng cao ca trù cho các địa bàn ở Hà Nội, như: Chán Thôn, Ngải Cầu, Thượng Mỗ… để giúp những người yêu ca trù nâng cao, học thêm những làn điệu ca trù đã bị thất truyền."
Tại mỗi địa phương, CLB ca trù Thái Hà tổ chức 2 lớp ở 2 trình độ: sơ cấp và nâng cao. Mỗi lớp có từ 10 đến 12 học viên, độ tuổi từ 12 đến 70 tuổi. Ngoài việc dạy người dân đánh đàn dây, đánh trống và hát các làn điệu ca trù truyền thống, Thái Hà còn dạy về lịch sử phong phú của ca trù.
Ngoài các hoạt động trong nước, CLB ca trù Thái Hà còn tham gia vào nhiều chương trình được tổ chức ở nước ngoài. Các nghệ sĩ từng có các buổi biểu diễn ca trù ở Italy, Nhật Bản, Trung Quốc, và tham gia Liên hoan Âm nhạc Thế giới ở Pháp vào năm 2014.
CLB ca trù Thái Hà còn lưu giữ được hơn 30 làn điệu ca trù cùng kho băng đĩa ca trù của các nghệ nhân nổi tiếng trong và ngoài dòng tộc, đã được sưu tầm từ năm 1927 - 1935, với nhiều làn điệu cổ, làn điệu khuôn mẫu của ca trù. Đó là di sản của dòng tộc mà ca trù Thái Hà được thừa hưởng; đồng thời cũng là những tư liệu quý, góp phần bảo tồn, gìn giữ và phát huy nghệ thuật ca trù.