Chuyện kể của những nữ nghệ sĩ tại Photo Hanoi 2023

(VOV5) - "Kể chuyện về những nữ nhiếp ảnh gia Việt Nam và Châu Âu xuất sắc, để hiểu về con đường mà họ chọn, về ngôn ngữ riêng của họ..”

Nghe âm thanh bài viết tại đây qua giọng đọc PTV Đoàn Hùng:

 "Trong lĩnh vực nhiếp ảnh nghệ thuật và nhiếp ảnh báo chí, số lượng nam nhiếp ảnh gia luôn áp đảo số lượng nữ nhiếp ảnh gia”. Đây là những thông tin được những người tổ chức Bienale nhiếp ảnh quốc tế Photo Hanoi 2023 khi tổ chức triển lãm của các nữ nghệ sĩ nhiếp ảnh cũng như thảo luận về hành trình của họ, “để kể chuyện về những nữ nhiếp ảnh gia Việt Nam và Châu Âu xuất sắc, để hiểu về con đường mà họ chọn, về ngôn ngữ riêng của họ, về các thế mạnh và cả những thách thức khổng lồ.”
Chuyện kể của những nữ nghệ sĩ tại Photo Hanoi 2023 - ảnh 1Nhiếp ảnh gia Maika Elan - Nguồn: photohanoi.com

Nhiếp ảnh gia Maika Elan (tên thật Nguyễn Thanh Hải) bước chân vào con đường nhiếp ảnh từ năm 2005 khi tình cờ tham gia Hành trình nhiếp ảnh photovn tại Hà Nội. Những năm sau này, Maika Elan chụp nhiều ảnh lomo (ảnh ngẫu hứng, tự do), kiếm sống bằng ảnh thời trang, cho các Tạp chí Đẹp, Sành điệu… Maika Elan tâm sự, chỉ đến năm 2010 trở đi, cô mới thấm thía những khó khăn của một nữ nhiếp ảnh gia khi học kỹ năng chụp ảnh báo chí và tư liệu của IMMF (Quỹ tưởng niệm Báo chí Đông Dương) với thành viên là các nhà nhiếp ảnh từng tham gia chiến tranh tại Việt Nam. Cô đã đạt được dấu mốc lớn với dự án The Pink Choice (Sự lựa chọn màu hồng) vào năm 2011 -2012, và triển lãm ngay sau đó “Yêu là yêu” tại Viện Goethe năm 2013, dưới sự tài trợ của Quỹ Văn hóa Đan Mạch.

Maika Elan cho biết: “Triển lãm đầu tiên của Pink Choice cũng từ Viện Goethe năm 2013, Pink Choice được giải thưởng Word Press Photo Foundation - mình nghĩ cũng là một cột mốc. Giải thưởng là một phần nhưng sự ghi nhận của giải thưởng làm cho những tác phẩm của mình có rất nhiều đời sống khác nữa khi đi triển lãm rất nhiều nơi. Cũng như sau này mình có những dự án khác thì bản thân mình cũng có độ tin cậy nhất định để mình làm những việc khác được dễ dàng hơn. Trong quãng sau đó mình thực hiện rất nhiều dự án khác. Nhưng 2013 mình chụp bộ ảnh của bố mình "Như là bố thôi", trong thời gian bố điều trị ung thư.  "Như là bố thôi" như một điểm hơi chậm lại để mình có thể gần gũi hơn với người thân của mình và chụp một cột mốc cũng với chính bản thân họ, và cùng chia sẻ khoảnh khắc đấy với gia đình mình.”

Hứa Như Xuân là nhiếp ảnh gia người Việt, sinh ra tại Pháp và hiện đang định cư tại London. Hành trình trong nghệ thuật nhiếp ảnh của cô cũng là hành trình chia sẻ những câu chuyện chân thực thông qua nhiều hình thức trực quan khác nhau, trong đó nhiếp ảnh là phương tiện biểu đạt chính. "Tôi thích khám phá nhiều câu chuyện kể về một địa điểm, một người hoặc một đối tượng và bằng cách nào những câu chuyện này có thể liên kết với nhau trên cùng một bức ảnh. Đó quả thật là những công việc khó khăn và phức tạp nhưng rất thú vị.”

Chuyện kể của những nữ nghệ sĩ tại Photo Hanoi 2023 - ảnh 2Nhiếp ảnh gia Hứa Như Xuân nói về các tác phẩm của mình - Ảnh chụp màn hình hội thảo.

“Tôi bắt đầu hành trình làm một nhiếp ảnh gia ở tuổi còn rất trẻ, khoảng 15 năm trước. Tôi nghĩ rằng việc tôi tìm hiểu về công cụ này này giống như cách tôi tìm hiểu về hội họa trong những lớp học về nghệ thuật. Và tôi rất hứng thú với tranh vẽ lúc đầu bởi vì cha tôi cũng là một họa sĩ.” – Cô nói.

Thừa hưởng tình yêu nghệ thuật từ cha, nhưng cũng như với bao gia đình châu Á khác, theo đuổi nghệ thuật với Hứa Như Xuân là một quyết định khó khăn và không được khuyến khích. Tuy nhiên, bằng đam mê và nhiệt huyết của mình, Hứa Như Xuân đã quyết tâm theo đuổi việc học nhiếp ảnh. Với kinh nghiệm và tài năng xuất sắc, Hứa Như Xuân cộng tác với nhiều đơn vị quốc tế uy tín như tạp chí TIME, Financial Times, Dazed Beauty, Dior,  Kenzo… và cũng đã tham gia nhiều hoạt động nghề nghiệp tại Việt Nam.

Điều đặc biệt có thể thấy qua câu chuyện chia sẻ của các nữ nghệ sĩ nhiếp ảnh cũng như các nhà nghiên cứu nhiếp ảnh tham gia Photo Hanoi 2023 này, là hầu hết trong số họ, đều có những ảnh hưởng nhất định từ gia đình hay lịch sử gia đình, tới quyết định đi theo con đường này.

Chuyện kể của những nữ nghệ sĩ tại Photo Hanoi 2023 - ảnh 3Eleanor Trần chia sẻ về hành trình đến với việc nghiên cứu lịch sử nhiếp ảnh.

Và với những nghệ sĩ gốc Việt, thì chính một phần dòng máu Việt Nam đã định danh con người của họ, là nguồn cội để họ muốn tìm về, muốn khám phá. Eleanor Trần, nghiên cứu sinh tiến sĩ về lịch sử nghệ thuật đương đại, người Pháp gốc Việt tham dự Photo Hanoi 2023 với vai trò một nhà nghiên cứu lịch sử nhiếp ảnh chia sẻ: “Mọi thứ bắt đầu từ bố tôi, người rất có đam mê với nhiếp ảnh, và đã chụp rất nhiều tấm ảnh, chủ yếu là bằng phim. Bố đã dạy tôi những kĩ thuật chụp trong nhiếp ảnh, tuy nhiên chúng không hề dễ dàng và tôi thì không phải người kiên nhẫn.

Nhưng sự yêu thích với ngành nhiếp ảnh của tôi lớn dần khi tôi tìm thấy những bức tranh, album cũ của gia đình và biết rằng tôi là kiểu người hay bâng khuâng, nhung nhớ và thường cần nhiều thời gian để quên đi một việc gì đó. Tôi cũng không thích suy nghĩ phải quên điều gì đó đi.

Tôi có thể dành nhiều giờ để ngắm nhìn những bức ảnh gia đình và tự hỏi bản thân những người đó từng là ai, họ từng làm gì trong cuộc sống. Và đó cũng là cách mà việc nghiên cứu của tôi bắt đầu. Tôi thu thập rất nhiều tranh ảnh, có khi hàng đống những bức ảnh của gia đình tôi và cả gia đình người khác, nhu kiểu tôi có một niềm đam mê tới những câu chuyện về gia đình tôi có thể thấy.

Và khi tôi viết càng nhiều, tôi thấy nó như một cách để ghi nhớ, như thể ghi nhật kí, ghép (ý nghĩa) từng bức ảnh với nhau. Tôi thấy khi làm Luận án Tiến sĩ của mình, là điều giúp ích cho việc kết hợp việc viết lách và sở thích của tôi dành cho những bức ảnh gia đình.”

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác