(VOV5) - Nhạc sĩ, nhà thơ, họa sĩ Đặng Đình Hưng (1924 – 1990) là một trong những tên tuổi làm mới thơ tiếng Việt, tìm tòi sáng tác văn chương Việt với phong cách thơ thử nghiệm, thơ tối giản.
Nghe âm thanh bài tại đây:
Với những tìm tòi, thử nghiệm tiếng Việt quyết liệt, việc tiếp xúc với thơ của Đặng Đình Hưng là khó, ngay kể cả với các nhà thơ, vì rất mới, ngay cả với thế giới ở thời điểm những bài thơ của ông ra đời.
Những phân tích, nghiên cứu về “cơ chế tạo chữ” trong thơ Đặng Đình Hưng, của nhà nghiên cứu văn học Nguyễn Thị Thúy Hạnh, ngõ hầu giúp bạn đọc có thêm chìa khóa mở vào những tầng lớp ngữ nghĩa, âm vang của ngôn từ trong những thể nghiệm của thơ Đặng Đình Hưng.
Nhà thơ Đặng Đình Hưng ((1924 – 1990) |
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Thúy Hạnh, thơ Đặng Đình Hưng rất khó nắm bắt. Điều này cũng gợi nhớ đến phong cách sống có phần trầm lặng và bí ẩn của tác giả: "Với tôi là một nhà nghiên cứu, đây là một ca khó bởi vì do tính chất hướng nội, duy cảm và cơ chế tạo chữ phức tạp. Nếu như những nhà thơ cứ cho là nhà thơ Dòng chữ như Trần Dần, Lê Đạt, dường như những nhà thơ đó trong tâm thức của họ vẫn hướng đến những quần chúng tưởng tượng trong khi không ngừng tự thâm canh chính mình, thì thơ Đặng Đình Hưng theo tôi là một thứ thơ hướng nội tận cùng. Mỗi bài thơ giống như một cuộc cách mạng về tâm trí.”
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Thúy Hạnh, chị nhận thấy trong thơ Đặng Đình Hưng có một cảm quan lưỡng phân hiện diện: Đó là giữa trạng thái cô độc khi thường xuyên bứt khỏi thực tại, với những tiếp xúc với không gian bên ngoài. Sự khác biệt giữa tính riêng tư và tính công cộng, giữa cá nhân, giữa tiểu sử và lịch sử: "Chẳng hạn như là ở trường hợp tập "Ô mai" và "Bến lạ", có thể thấy được sự tương phản giữa hai không gian, đó là không gian "hầm", "siêu hầm" hoặc "buồng" là không gian cá nhân riêng tư và không gian "chợ", "quán" là biểu tượng của không gian xã hội công cộng. Trong khi đó thì hiện lên trong tác phẩm rất nổi bật, đó là chủ thể trữ tình đang không ngừng đào sâu vào chính mình; cùng đối thoại nội tâm với mình. Và không gian "cầu thang" trở thành một không gian ráp nối, có tác dụng liên kết, kết nối giữa không gian này với không gian khác, hoặc là nơi chứng kiến sự ra đi hay trở về của nhân vật "Tôi".
Những chuyển dịch về mặt thời gian và sự thay đổi điểm nhìn của người kể chuyện Đặng Đình Hưng, khiến cho tiến trình tự sự mất đi độ trôi chảy tuyến tính: "Vì vậy mà tôi nhận thấy, tác phẩm "Ô mai" chẳng hạn, không chỉ thú vị về ý tưởng hay chữ lạ, mà còn gây ấn tượng về ngữ pháp tự sự. Chúng ta sẽ thấy cấu trúc tự sự của Ô mai là câu chuyện của người thể nghiệm, đi từ căn hầm của mình ra chợ. Sau đó, đối thoại nội tâm về sự sáng tạo, gặp gỡ và trò chuyện cùng em "Ô mai" trong tâm thức, sau đó chia tay em để về hầm và cuối cùng là xuống hầm tu luyện. Trong đặc trưng của thơ Ô mai, tính logic của lời nói bị mờ đi, còn tính cấu trúc và tính tự chỉ của ngôn ngữ thơ nổi bật lên, khiến cho chức năng của thơ trở thành một kiến tạo mới so với ngôn từ tự nhiên.”
Về mặt thi pháp, theo nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Thúy Hạnh, “thơ Đặng Đình Hưng có thể sẽ xếp vào dạng thơ thử nghiệm - một trào lưu thơ hiện đại và hậu hiện đại trên thế giới, với 3 đặc điểm cơ bản là: chống quy tắc chống logic và phản tín điều. Đặc điểm của thơ thử nghiệm, là nó luôn luôn đề cao tinh thần phá cách trong kỹ thuật tạo chữ; đào sâu vào việc khám phá, tập trung vào sự đổi mới ngôn từ. Ở bất kỳ trường hợp nào Đặng Đình Hưng đều cho thấy rằng, ông luôn luôn là người tìm cách cưỡng lại những thói quen đã mòn, nhằm tái cấu trúc ngôn từ nghệ thuật."
Nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Thúy Hạnh dẫn chứng thử nghiệm của nhà thơ Đặng Đình Hưng trong việc phát triển lối thơ tối giản, trong bài Lyric: “Nếu như Bến lạ và Ô mai là một lối thơ thử nghiệm theo cách kết hợp giữa tính tự sự và tính kịch thoại thì Lyric hay là thơ 1958- 1959 lại là lối thơ thử nghiệm theo trường phái tối giản. Thực ra lối thơ này đã được nhiều nhà thơ trên thế giới thử nghiệm. Không rõ Đặng Đình Hưng có chịu ảnh hưởng của một trong số những tên tuổi đó hay không, nhưng mà rõ ràng ông đã tìm ra được một lối thơ tối giản của riêng mình: Đó là một dạng thơ trọng âm. Chẳng hạn như trong bài Lyric hay là một số những bài thơ tương tự như vậy, chúng ta thấy rằng mỹ cảm âm trong thơ Đặng Đình Hưng phần lớn được tạo ra từ sự tương tác giữa nguyên âm và phụ âm, trong sự tương tác giữa các vần và thanh điệu. Những vần này thường sẽ là vần bội được lặp lại nhiều lần và gợi cảm giác vô tận các hiệu ứng ngôn ngữ. Ví dụ như đây là vần bội 2, vần kép và lặp lại 2 lần, tức làm những âm cuối của nó sẽ được lặp lại hai lần: "Khói tay rơi/ thày/ thày ơi/ Nó đói/ khói tắt/ Nín đi/ Mưa nút bia". Đôi khi là vần bội 3, lặp 3 lần: "Tích tắc/ ngựa song song/ con nghé vàng/ soi bóng hồ dong/ động chương đống". Hoặc vần 4 lặp 4 lần: "Tôi đi vào đô thị già/ mắt đá trắng dã/ nhớ nhà/ tôi quay ra" .
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Thúy Hạnh, những bài thơ theo trường phái tối giản mà Đặng Đình Hưng đã cấu tạo nên, thường không nhấn mạnh vào câu chuyện hoặc tự sự hay không tìm cách dụng cảnh, mà tập trung vào từ ngữ: “Đặng Đình Hưng tìm cách chơi giữa khoảng cách các chữ cái hoặc dấu, chủ ý làm gián đoạn tính liên tục âm thanh và hình ảnh. Nó không chỉ dựa vào ý nghĩa của từ. Mà bản thân vị trí hoặc kích thước, hoặc hình thức của từ ngữ trên mặt giấy cũng tạo ra hiệu ứng đáng kể. Vì vậy mà mỗi bài thơ hay là một đoạn thơ, đồng thời nó trở thành một thị giác chủ quan.”
Cũng theo nghiên cứu của Nguyễn Thị Thúy Hạnh, là về cơ chế tạo chữ thì Đặng Đình Hưng cho thấy ông rất chú ý đến việc lựa chọn từ ngữ, khi tính đến khía cạnh âm thanh, âm của các từ, bao gồm sự kết hợp giữa nguyên âm, phụ âm hay là sự lặp lại của vần. Mỗi bài thơ là một mô hình mà yếu tố thành phần như là từ và trật tự từ, âm thanh và nhịp điệu, hình ảnh hay là tiếng vọng của từ… đều có một vị trí cụ thể. Sự tương tác, kếp hợp các yếu tố này mở ra khả năng vô tận của ngữ nghĩa. Và nó tạo ra một sự cộng hưởng mới.
"Chẳng hạn như bài thơ "Bảng lời: đầu tiên là các từ ngữ được kết hợp với nhau trước hết là ở tương quan ngữ âm: "Hòn cuội/hình khối/cười/ ngôi sao vá quả cà/ trắng/ nắng/ gạo vv… Và sau đó mới là tương quan ngữ nghĩa. Chúng đều nằm trong một trường từ vựng về sự vật đời thường. Và tên của bài thơ là "Bảng lời" cũng mang tác dụng chỉ dẫn. Nó khiến người ta hình dung về nhà thơ giống như một đứa trẻ đang chơi với từ ngữ, đang khám phá thế giới qua sự vật và mối liên hệ âm thanh giữa các từ. Và bài thơ gợi suy tưởng về một thế giới nguyên sơ được bảo toàn, giống như trong lời trong Kinh thánh đã nói: đó là "khởi thủy là lời". Khi đó chúng ta sẽ thấy sự kết nối của ngôn ngữ thơ Đặng Đình Hưng đã biến tác phẩm trở thành một sự tự trị riêng của chính bản thân nó.”
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Thúy Hạnh, ngôn ngữ thơ luôn luôn là một thị kiến về thế giới. Và vì vậy mà thơ ca một mặt vừa thể hiện được cái riêng của nhà thơ, kinh nghiệm của nhà thơ thông qua ngôn từ, nhưng mà cũng là một cách thức để qua đó, những giọng nói truyền thống được cất lên: “Vì thế cho nên trong thơ Đặng Đình Hưng chúng ta cũng thấy các chất liệu dân gian được đưa vào thơ một cách rất thú vị. Thí dụ như là quả bầu, con vành khuyên, con bướm vàng... những hình tượng dân gian đó đều được tái sinh trong một tương quan mới.”
Nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Thúy Hạnh nhận định: "thơ Đặng Đình Hưng đã in đậm dấu ấn riêng trong cơ chế tạo chữ, đặc biệt ở hình thức thơ thử nghiệm và thơ tối giản. Đây là những dấu ấn đặc sắc của Đặng Đình Hưng. Và nó cũng là những đóng góp của Đặng Đình Hưng cho kho từ vựng tiếng Việt. Nhìn chung theo tôi thơ Đặng Đình Hưng vẫn là một nơi lý tưởng để mời gọi những nghiên cứu sâu hơn từ góc độ thì pháp và ngôn ngữ. Và Đặng Đình Hưng đã làm mới thơ bằng cách, là ông nhận ra những cấu trúc mới của tư duy và thế giới ngôn từ. Và cuối cùng như chúng ta đã thấy, cùng đứng bên những nhà thơ lớn, những gương mặt lớn như là Văn Cao, Trần Dần hay Lê Đạt, cuộc đời Đặng Đình Hưng đã để lại chúng ta một bài học rất cảm động về những con người đã không ngừng khát vọng và sáng tạo, không ngừng lao động để biến cuộc đời mình thành một sự cống hiến cho nền nghệ thuật của thế kỷ.”
“Trong hơn 20 năm Đặng Đình Hưng viết 6 tác phẩm chính, trong đó có ba tập thơ và ba bài thơ dài Khóc Mị Châu, Bến lạ, Ô mai (Ô mai là tác phẩm cuối cùng ông đặt là thơ tiểu thuyết). Sinh thời thơ ông chỉ xuất hiện có một lần, trên tạp chí văn nghệ Cửa biển của Hội Văn nghệ Hải Phòng có bài thơ Khóc Mị Châu. Sau khi ông qua đời gia đình mới xuất bản tập Bến lạ ở NXB TP HCM năm 1991. Rồi đến tập Ô mai NXB Hội nhà văn năm 1993. Việc xuất bản này đã gây một chấn động trong giới thơ Việt Nam vì sự độc đáo, khác lạ của thi pháp Đặng Đình Hưng và sau đó tên ông đã được đưa vào từ điển văn học Việt Nam". (Nhà thơ Hoàng Hưng)