(VOV5) - Khi tôi dàn dựng thì tôi có một chút thay đổi về kịch bản, thêm vào một số nhân vật để khán giả cảm nhận rõ ràng về câu chuyện cũng như dòng chảy sự kiện và các tuyến nhân vật...
Maria de Buenos Aires là một vở Opera Tango viết bởi nhà soạn nhạc Astor Piazzolla và kịch bản của Horacio Ferrer đã được công diễn tại Sala Planeta ở Buenos Aires tháng 5 năm 1968. Vở nhạc kịch xoay quanh cuộc sống và cái chết của Maria, sự hóa thân của cô vào vẻ đẹp của những người phụ nữ Buenos Aires với vũ điệu tango bất diệt, mãi say đắm lòng người... Tới đây, vở opera nổi tiếng này sẽ đến với khán giả trong một đêm duy nhất 15/11 tại Nhà hát lớn Hà Nội. Trong phiên bản Việt, "Maria đến từ Buenos Aires" được chỉ đạo nghệ thuật bởi NSƯT Trần Ly Ly; chỉ huy dàn nhạc: Nghệ sĩ người Pháp Philippe Lesburgueres; đạo diễn sân khấu Huyền Nga; cùng các nghệ sĩ Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam. Phóng viên Đài TNVN phỏng vấn đạo diễn Huyền Nga về việc tạo dựng những nét riêng độc đáo cho vở nhạc kịch này.
Đạo diễn sân khấu Huyền Nga
|
Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:
PV: Xin chào đạo diễn Huyền Nga. Được biết ngày 15/11 tới, tại Nhà hát lớn sẽ ra mắt vở nhạc kịch Maria de Buenos Aires do Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam tổ chức, đạo diễn Huyền Nga là người dàn dựng chương trình. Theo tôi được biết khoảng 3 năm trước, vở nhạc kịch này cũng đã được Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam giới thiệu tới công chúng?
Đạo diễn Huyền Nga: Đúng vậy. Nhà hát Nhạc vũ kịch VN đã từng dàn dựng vở nhạc kịch này, nhưng với phiên bản năm 2018 này, với vai trò là đạo diễn, tôi sẽ có những điều rất bất ngờ để gửi tới khán giả. Với vở nhạc kịch này, tôi đã đưa về với nguyên tác gốc, đó là có sự kết hợp với tango làm chủ đạo trong vở nhạc kịch này. Tác giả của vở nhạc kịch là một nhà soạn nhạc được gọi là tiên phong trong dòng nhạc kịch mới, vì với tình yêu với điệu nhảy tango, ông đã đưa vào vở nhạc kịch của mình. Và tôi cũng chỉ là người thực hiện. So với bản diễn trước, cơ cấu của vở gồm các số liền với nhau, và sau mỗi số đều có phần dừng lại. Khi tôi dàn dựng thì tôi đã làm nó thành một vở opera hoàn chỉnh, và có một chút thay đổi về kịch bản, và thêm vào một số nhân vật để khán giả cảm nhận rõ ràng về câu chuyện cũng như dòng chảy sự kiện và các tuyến nhân vật.
PV: Như vậy đạo diễn Huyền Nga đã đem những cái mới vào bản gốc của Maria de Buenos Aires ?
Đạo diễn Huyền Nga: Với mỗi đạo diễn, khi tiếp cận kịch bản họ đều có góc nhìn khác nhau. Với tôi, tôi mong muốn làm sao dễ tiếp cận với khán giả nhất. Đến với Maria de Buenos Aires lần này, khán giả không chỉ mãn nhãn với phần trình diễn tango xuất sắc của các nghệ sĩ, mà khán giả còn cảm thấy sự luân hồi là có thật, và cô Maria sẽ được tái sinh – tái sinh. Trong lần tái sinh cuối cùng, khán giả sẽ bất ngờ khi trên sân khấu xuất hiện một cô Maria bé bỏng – do vũ công nhí Candy Gia Như, một vũ công nhí đã được công chúng biết đến qua nhiều kỳ thi dancesport. Bên cạnh đó, lần này tôi đã đưa dàn nhạc lên sân khấu, trở thành một thành phần cũng tham gia tương tác và diễn trên sân khấu, đấy là một trải nghiệm hết sức thú vị với khán giả và cả với các nghệ sĩ, đặc biệt là đối với chỉ huy.
PV: Để xây dựng nên một vở nhạc kịch với nhiều mới mẻ thú vị, đạo diễn Huyền Nga có gặp khó khăn gì khi nhạc kịch ở VN chưa thực sự phổ cập và chưa có nhiều diễn viên được đào tạo bài bản?
Đạo diễn Huyền Nga: Về vấn đề này, không chỉ tôi mà cả các đạo diễn người nước ngoài đã từng sang VN làm việc, họ cũng luôn gặp phải khó khăn khi chọn diễn viên. Nhạc kịch đòi hỏi rất nhiều thứ từ người diễn viên, họ cần có ngoại hình nhưng quan trọng nhất là phải có kỹ thuật về thanh nhạc để thể hiện được nhân vật. Là một người làm nghề, tôi cũng rất đau đáu làm sao khâu đào tạo của chúng ta nên chú trọng hơn phần đào tạo song song các môn bổ trợ bên cạnh đào tạo thanh nhạc, ví dụ như giải phóng hình thể hay kỹ thuật biểu diễn để giúp các sinh viên muốn theo đuổi opera có đủ phương tiện để tiếp cận nghề nghiệp nhau hơn, và các đạo diễn sẽ có cơ sở để cùng nhau sáng tạo hơn.
PV: Chỉ còn ít thời gian nữa thôi là Maria de Buenos Aires sẽ chính thức ra mắt công chúng với một phiên bản mới – phiên bản có dấu ấn của đạo diễn Huyền Nga. Cho đến giờ phút này, chắc hẳn chị đã rất yên tâm với công trình của mình?
Đạo diễn Huyền Nga: Phải nói thật là đến giờ tôi cũng chưa yên tâm thực sự, bởi từ lúc nhận lời mời của Nhà hát kịch VN cho đến khi công diễn chỉ vỏn vẹn có 20 ngày thôi, nên có nhiều công việc phải làm lắm. Nhưng rất may mắn là Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam là đơn vị hoạt động opera hàng đầu của cả nước. Đội ngũ diễn viên của Nhà hát rất chuyên nghiệp, đặc biệt là nữ giám đốc mới của Nhà hát là nghệ sĩ ưu tú, biên đạo múa Trần Ly Ly đã làm rất tốt vai trò chỉ đạo nghệ thuật, cũng chính là người đạo diễn phần múa trong vở. Trần Ly Ly là người có tài và rất quyết liệt trong công việc. Chính vì có những người đồng hành như vậy là nguồn động viên rất lớn để tôi nhận lời thực hiện trong khoảng thời gian nhắn ngủi, và tôi tin tưởng Maria de Buenos Aires sẽ ra mắt công chúng một cách ngoạn mục.
PV: Cảm ơn đạo diễn Huyền Nga, và chúc chị cùng ekip Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam sẽ có một mở nhạc kịch Maria de Buenos Aires thành công rực rỡ trên sân khấu Nhà hát lớn.