Trí tuệ nhân tạo giúp ích gì cho sáng tác thơ ca?

(VOV5) - "Cách một nhà thơ nên làm là tận dụng những thế mạnh của AI để làm công cụ hỗ trợ hữu hiệu thay vì xem trí tuệ nhân tạo là công cụ thay thế sáng tạo của con người".

Nhà xuất bản Hội Nhà văn vừa phối hợp cùng công ty Cổ phần Sách điện tử WAKA tổ chức tọa đàm “Thơ ca trong thời đại công nghệ số và phương thức đưa sáng tác đến công chúng”. Ba khách mời chính của tọa đàm đại diện cho ba thế hệ người sáng tác thơ là các nhà thơ Trần Đăng Khoa, Trần Kim Hoa và Lữ Mai, đã chia sẻ với khán giả về những trải nghiệm, điểm nhìn đồng thời đánh giá về khả năng sáng tạo văn chương và thơ ca của trí tuệ nhân tạo.

Trí tuệ nhân tạo giúp ích gì cho sáng tác thơ ca? - ảnh 1Quang cảnh buổi tọa đàm.

Nhà thơ 8x Lữ Mai tự nhận mình là người thường xuyên vận dụng sự giúp sức của trí tuệ nhân tạo trong sáng tác thơ. Theo chị, cách một nhà thơ nên làm là tận dụng những thế mạnh của AI để làm công cụ hỗ trợ hữu hiệu thay vì xem trí tuệ nhân tạo là công cụ thay thế sáng tạo của con người, đặc biệt là người làm thơ. AI giúp ích trong việc giúp tổng hợp kiến thức mà mình chưa biết, tiết kiệm thời gian tìm hiểu dữ liệu. Quá trình đặt ra câu hỏi, phản biện những câu trả lời của AI sẽ nảy sinh ra nhiều ý tưởng, cảm hứng. Quá trình làm việc chứ không hẳn là những câu trả lời mang lại cho Lữ Mai những giá trị.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa có những thí dụ cụ thể về sự thông hiểu của trí tuệ nhân tạo, đặc biệt là trong sáng tạo văn xuôi. Ông ví von AI như “Ma xó”, chuyện gì cũng biết, cũng thông tỏ. Nhà thơ Trần Kim Hoa cũng đánh giá cao về thế mạnh của trí tuệ nhân tạo. Bà cho rằng AI chứng tỏ khả năng thống trị ngôn ngữ bằng sự siêu hoạt, thông minh, tức thì. Tuy nhiên, là người nhìn thấu những đặc trưng của văn chương và thơ ca, vốn là câu chuyện của trái tim, tình cảm, cảm xúc chỉ con người mới có, bà cho rằng đây là những lãnh địa không dễ gì trí tuệ nhân tạo có thể đào sâu và là điều cần phải chờ đợi trong tương lai.

Trí tuệ nhân tạo giúp ích gì cho sáng tác thơ ca? - ảnh 2Các khách mời và khán giả tại buổi tọa đàm.

Rõ ràng khi chúng ta đưa ra một “đề bài” cho trí tuệ nhân tạo thì kết quả là điều rất hên xui. Những lời thơ được AI sáng tác ra có thông tin, có câu chuyện nhưng ngôn từ quá thông dụng, cảm xúc thì dường như chung chung, đi vào lối mòn. Từ trải nghiệm cá nhân, nhà thơ Lữ Mai đề xuất cách tiếp cận và sử dụng trí tuệ nhân tạo cho đúng chức năng, cho đúng với giá trị phong phú, tích cực của nó. Theo chị, cách một nhà thơ nên làm là tận dụng những thế mạnh của AI để đây là công cụ hỗ trợ hữu hiệu thay vì xem trí tuệ nhân tạo dẫn dắt hay là công cụ thay thế sáng tạo của con người, đặc biệt là người làm thơ. Bởi khi kỳ vọng câu trả lời của AI là một tác phẩm, điều đó không đúng với đạo đức nghề nghiệp của người sáng tác, không đúng về nguyên tắc sáng tạo.

Như vậy, việc quá phụ thuộc hoặc phó mặc cho trí tuệ nhân tạo sáng tác thơ thay cho con người rồi đem công bố tới công chúng là điều không tưởng. Nhà thơ Trần Kim Hoa với niềm tin cá nhân cho rằng AI cần thêm thời gian để đồng hành và khám phá con người, khám phá chủ thể sáng tạo để tự hoàn thiện; Và không riêng gì trí tuệ nhân tạo, chính con người, người sáng tác cũng đang trên hành trình tiến hóa, hành trình khám phá chính mình.

Trong khuôn khổ tọa đàm mới chỉ nêu ra nhìn nhận từ kinh nghiệm cá nhân của các khách mời trước làn sóng thử sử dụng trí tuệ nhân tạo để sáng tác thơ văn. Câu chuyện “Thơ ca trong thời đại công nghệ số và phương thức đưa sáng tác đến công chúng” vẫn còn nhiều nội dung chưa được khai thác. Tuy vậy, tọa đàm cũng đã chạm đến được sự quan tâm của một số công chúng, đặc biệt là công chúng trẻ.

Thiết nghĩ, nếu được thác sâu vào từng điểm nhìn cụ thể, thiết thực cùng với sự tham gia của khách mời là các nhà văn, nhà thơ trẻ, hiện đại, am hiểu và vận dụng thành thạo công nghệ, đây tiếp tục sẽ là một chủ đề lôi cuốn, có nhiều thảo luận, tranh luận sôi nổi. Câu chuyện trí tuệ nhân tạo giúp ích gì cho sáng tác thơ ca có lẽ vẫn chưa dừng lại ở đó…

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác