(VOV5) - Đạo diễn Lê Hồng Chương khao khát sáng tạo để thỏa mãn đam mê nghề nghiệp, và hơn thế nữa, để hiểu sâu về trầm tích lịch sử, về văn hóa dân tộc, số phận của đất nước mình nhân dân mình.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Đạo diễn, NSND Lê Hồng Chương |
Ý tưởng thực hiện bộ phim tài liệu về những người lính đã hy sinh ở chiến trường, chỉ còn hiện diện trong chúng ta hôm nay là những trang thư và những trang nhật ký để lại đã được đạo diễn NSND Lê Hồng Chương ấp ủ từ rất lâu.
Trong nhiều năm, ông lặng lẽ sưu tầm tài liệu, đi thực tế, đến các bảo tàng, tìm kiếm nhân vật. Song chỉ đến khi gặp câu chuyện kỳ lạ liên quan đến số phận cuốn Nhật ký Đặng Thùy Trâm thì những hình ảnh của bộ phim mới thực sự được khai mở.
Ông cùng các đồng nghiệp dõi theo hành trình của hai cựu binh Mỹ trở lại Việt Nam tìm gặp gia đình bác sỹ Đặng Thùy Trâm ở Hà Nội, cùng gia đình liệt sỹ về Đức Phổ, nơi bác sỹ Đặng Thùy Trâm đã anh dũng hy sinh.
Những lá thư những trang nhật ký của bác sỹ Trâm cùng những lá thư, những tấm ảnh của nhà quay phim Nguyễn Văn Giá và nhiều liệt sỹ khác kết nối với nhau làm thành sợi chỉ đỏ xuyên suốt bộ phim “Còn lại với thời gian”, chia sẻ thông điệp về chiến tranh, về tình yêu và tâm thế của một thế hệ dấn thân cho độc lập tự do của Tổ quốc, cả nỗi lòng, sự thủy chung của người đang sống.
Khoảng thời gian thực hiện bộ phim này đã đem đến cho đạo diễn NSND Lê Hồng Chương những trải nghiệm vô giá. “Trong khoảng 10 năm tôi đi sưu tầm những lá thư thời chiến. Thời đấy thông tin trên Internet chưa phong phú. Gặp cái gì tôi cũng chụp lại, ghi chép lại. Tài liệu tích lũy qua năm tháng rất nhiều, nhưng phải có những thời điểm, những cơ hội trong thực tế đời sống thì mới triển khai được. Lúc ấy một bộ phim được bắt đầu”.
“Còn lại với thời gian” thuộc dòng phim tài liệu hậu chiến. Ở đó góc nhìn của nhân vật, góc nhìn của đạo diễn thấm thía bao chiêm nghiệm thời gian. Nhịp phim lắng nỗi buồn da diết, xót xa với thân phận của người ra đi và người ở lại. Nhưng cao hơn hiện thực khắc khoải ấy, là những giá trị về tình yêu Tổ quốc, tình yêu gia đình, tình yêu đôi lứa được khắc sâu, được giữ gìn như lẽ sống, kết nối quá khứ - hiện tại và tương lai. Chiến tranh và hậu chiến là một phần trăn trở trong đời sống và sáng tạo của NSND Lê Hồng Chương, và ông mong muốn tìm kiếm những câu hỏi khác, những câu trả lời khác, đáp ứng suy tư của người trí thức về chiến tranh, về sự khác biệt giữa các nền văn hóa, về những giá trị nhân văn kết nối con người với nhau.
Khao khát sáng tạo để thỏa mãn đam mê nghề nghiệp, và hơn thế nữa, để hiểu sâu về trầm tích lịch sử, về văn hóa dân tộc, số phận của đất nước mình nhân dân mình. Có lẽ bởi vậy nên Lê Hồng Chương luôn có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho từng đề tài ông ấp ủ. Ông miệt mài đọc sách, đi thực tế, và nuôi dưỡng ý tưởng. Khi ý tưởng gặp gỡ hiện thực đời sống là những nhân vật cụ thể, ấy là lúc bắt đầu lập tứ và lên kịch bản cho từng khung hình. Trường hợp của phim tài liệu “Thang đá ngược ngàn” là một ví dụ.
Vốn sinh ra trong gia đình có cha làm nghệ thuật, mẹ là dược sỹ công tác ở viện da liễu thường có những chuyến công tác về các trại phong nên từ nhỏ cậu bé Chương đã biết được nhiều điều, nghe được nhiều chuyện về căn bệnh phong - một căn bệnh từng nằm trong “tứ chứng nan y” nhưng y học hiện đại đã chữa khỏi, đã chứng mình đây là căn bệnh vốn không lây, không di truyền, song người bệnh vẫn chịu nhiều sự xa lánh của người đời. Ông mong muốn thực hiện một bộ phim để góp phần làm thay đổi, giúp người bị bệnh phong được cất lên tiếng nói, phần nào xóa đi những định kiến xã hội, để họ và con cái họ có thêm cơ hội hòa nhập cuộc sống, chữa lành nỗi đau tâm hồn.
Cơ duyên đã đến khi ông đọc được bài phóng sự của nhà báo Đỗ Doãn Hoàng, và nhân vật của bài báo – cô giáo Lương Thị Mùi lớn lên trong trại phong Quỳnh Lập tình nguyện vào dạy chữ cho trẻ em ở bản Phá Đáy – xã Châu Bính – huyện Quỳ Châu – Nghệ An cũng trở thành nhân vật chính của phim tài liệu Thang đá ngược ngàn. Bản Phá Đáy vốn là vùng xa xôi heo hút nhất của tỉnh Nghệ An, nơi một số người từng bị bệnh phong tìm đến sinh sống đùm bọc lẫn nhau.
Concert, Về với buôn rừng, Thang đá ngược ngàn, Còn lại với thời gian, Ký ức Trường Sơn, Muốn được sống... Đó là những tác phẩm về những nhân vật bình dị, tỏa sáng giữa đời thường bởi vẻ đẹp nội tâm và khao khát vượt lên cái đời thường, tầm thường.
Đạo diễn Trịnh Quang Tùng, Phó giám đốc Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương khẳng định: tác phẩm của đạo diễn Lê Hồng Chương luôn đem đến màu sắc riêng, hàm xúc, mới mẻ, ẩn chứa nỗ lực và tài năng của người làm nghệ thuật: “Đó là một người có kiến thức sâu rộng. Anh có nhiều tác phẩm phim tài liệu được khẳng định ở trong nước, đồng thời cũng là một đạo diễn được các bạn đồng nghiệp quốc tế đánh giá rất cao. Bản thân NSND Lê Hồng Chương được đào tạo bài bài ở nước ngoài. Vì thế, kiến thức của anh cũng hỗ trợ rất nhiều cho sự phát triển của Hãng phim tài liệu, trong đó có những thế hệ như chúng tôi được học hỏi rất nhiều. Khi anh tiếp cận, khai thác một đề tài một khía cạnh nào đó, thường anh trăn trở rất nhiều, sống cùng nhân vật, sống cùng với những thước phim”.
Bận bịu với việc làm phim, đi dạy, làm quản lý, song mỗi khi gặp bạn bè đồng nghiệp, họ vẫn nhận thấy ở đạo diễn NSND Lê Hồng Chương một nguồn năng lượng tích cực, tươi mới. Có điều ấy, bởi ông luôn sống tận cùng với đam mê được kể lại những câu chuyện cuộc đời.
Sinh năm 1957, theo học chuyên ngành quay phim ở Liên Xô (cũ), về nước và thành danh với vai trò đạo diễn phim tài liệu, NSND Lê Hồng Chương từng trải qua nhiều vị trí công tác như: Giám đốc Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp, Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh. Ông nhận nhiều giải thưởng danh giá như Giải đạo diễn xuất sắc nhất Liên hoan phim Việt Nam 2009 (phim Ký ức Trường Sơn), Giải phim tài liệu xuất sắc nhất Liên hoan phim châu Á -Thái Bình Dương lần thứ 51, giải Cánh diều vàng của Hội Điện ảnh Việt Nam năm 2005 (Phim Còn lại với thời gian)... Hiện đạo diễn NSND Lê Hồng Chương là Phó Chủ tịch Hội điện ảnh Việt Nam.