Bộ phim độc lập của đạo diễn Phạm Ngọc Lân từng đoạt giải thưởng Phim đầu tay xuất sắc LHP Berlin, Cánh diều vàng của Hội điện ảnh Việt Nam cho phim điện ảnh xuất sắc nhất.
Như những bộ phim khác của Phạm Ngọc Lân, khán giả sẽ ngay lập tức nhìn thấy những cách thể hiện khác biệt về không gian trong phim dù ở ngoại cảnh khoáng đạt, rộng rãi, hay trong nội cảnh bé nhỏ, chật hẹp. Cách nhìn của một đạo diễn trẻ có điểm xuất phát từ một người học kiến trúc, được chia sẻ với người quay phim (đạo diễn hình ảnh), thiết kế bối cảnh, âm nhạc, để tạo nên một phong cách nhất quán.
Cảnh trong bộ phim Cu li không bao giờ khóc của đạo diễn Phạm Ngọc Lân |
Tại buổi tọa đàm Cu li không bao giờ khóc: Nghĩ về thành phố như một nhân vật điện ảnh, đạo diễn Phạm Ngọc Lân chia sẻ: “Khi xem các phim của Lân, mọi người cũng nói có vẻ như lấy cảm giác rất nhiều về không gian. Về mặt sáng tác, có thể điều ấy bắt nguồn từ những “luật” khi làm phim mà Lân và quay phim với người làm âm thanh cùng đặt ra với nhau. Về cách mà không gian kiến trúc được đẩy lên qua thị giác, thường người ta chỉ chụp hình kiến trúc bằng những góc có độ cao như là độ cao tầm mắt người, rất ít khi thấy những góc hoặc từ dưới lên hoặc trên xuống hoặc những điểm nhìn khác biệt. (Còn với Cu li không bao giờ khóc), ban đầu tôi không hẳn có mục đích tạo ra những khuôn hình đấy. Tuy chúng tôi làm phim có “luật” nhưng “luật” dựa trên việc coi những con người trong khuôn hình đó như nhau: họ đẹp nhưng trên một khung cảnh, trên một cái nền, và việc mình giảm sự xóa phông nền đó đi, cũng trưng được không gian lên rất nhiều, rất mạnh so với những cách làm phim khác.
Khi đưa câu chuyện của mình lên hình, tôi vẫn muốn mọi người nhìn vào và mọi người phải suy nghĩ. Tôi không thích những cái đẹp xoa dịu con người. Bởi vì đấy là cái đẹp dễ dàng, là sản phẩm của tiêu dùng và cũng nhanh quên. Vì với sản phẩm tiêu dùng, sau khi tiêu thụ được món hàng người ta muốn khách quên nhanh đi còn mua tiếp món nữa. Nhưng kiểu làm phim tôi cần, là ghim được vào đầu người xem hoặc để lại những cảm giác dài và lưu luyến.”.
Cảm giác "bồng bềnh" mà bộ phim mang lại, không chỉ từ giọng nói, âm , không gian, mà cả thời gian...
Thành phố trong câu chuyện phim của Lân, đã được thổi vào một linh hồn, để những người từng sinh ra ở Hà Nội, hay cảm nhận sâu sắc về nền tảng văn hóa của thành phố thủ đô này, có thể cảm nhận thấy nó trong Cu li không bao giờ khóc – dù không cần tới những hình ảnh “trend” làm biểu tượng gọi tên thành phố:
“Chúng tôi muốn làm một bộ phim mà mình hiểu là mô tả về nơi mình đang sống, nhưng không cần phải gọi tên nó ra, cũng không đưa ra những biểu tượng, mà khi xem người ta sẽ hiểu, không phải chỉ hiểu về hình ảnh mà còn hiểu cả cảm giác bồng bềnh của âm thanh, của lời, của tiếng nói.
Cũng có sự trùng hợp giữa cách làm phim này với những kỷ niệm trước đây mọi người có với Hà Nội. Vì Hà Nội ngày trước là một trung tâm của điện ảnh, đầu não của điện ảnh phía Bắc. Các diễn viên khóa 1,2,3 có thể từ tỉnh khác đến, nhưng đến học đều phải tập giọng Hà Nội. Mặc dù trước đây khi lên phim, các diễn viên Minh Châu, Thanh Quý hay các diễn viên khác đều bị lồng tiếng, nhưng ở trường họ phải tập phát âm rất chuẩn. Phim này chúng tôi lấy giọng thật, nhưng những giọng nói ấy, cái cảm giác bồi hồi khi chất giọng họ được tôi luyện qua rất nhiều năm ấy, tạo ra một sự rung động.” - Đạo diễn Phạm Ngọc Lân cho biết.
Đạo diễn Phạm Ngọc Lân tại buổi tọa đàm Cu li không bao giờ khóc: Nghĩ về thành phố như một nhân vật điện ảnh - Ảnh: Fp Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội |
Và cái cảm giác "bồng bềnh" mà bộ phim mang lại, không chỉ từ giọng nói, âm thanh, không gian, mà cả thời gian, như đạo diễn bật mí: “Điểm xuất phát là từ những dấu mốc lịch sử. Khi xây dựng câu chuyện chúng tôi cũng phải tìm những dấu mốc lịch sử làm phông nền cho nhân vật, từ đó chọn những năm tháng phù hợp với câu chuyện xảy ra. Đến cuối thì tôi hiểu là phim mình nên cần có một trạng thái bồng bềnh. Và trạng thái bồng bềnh ấy không nên là một cái mốc năm cố định, mà nên là một trạng thái bồng bềnh giữa rất nhiều năm.
Điều ấy cũng phù hợp với hiện trạng sản xuất mà chúng tôi có thể có được. Trước đây khi làm về một thời kỳ nào của Hà Nội, về mặt thiết kế mỹ thuật rất dễ làm, như thời Pháp đã có những dạng công trình đấy, hay thời bao cấp cũng rất sẵn những dấu tích của thời đó cho phim ảnh. Nhưng có một giai đoạn ở Việt Nam mà dân làm phim rất sợ, là từ năm 90 cho đến khoảng hơn 2010, là giai đoạn gần như không có một dấu tích gì đặc trưng. Vì thế trong phim này, chúng tôi cũng nghĩ làm sao để biến điểm bất lợi đó thành một điểm mạnh. Tức là mình tạo ra cảm giác như các nhân vật cứ bồng bềnh trôi trong một khoảng thời gian rất rộng, lớn. Điều đó cũng giúp có thể cho những không gian hoặc những dấu ấn đôi khi lệch khỏi khoảng thời gian đó một chút mà người xem vẫn có thể tin.”
Cu li không bao giờ khóc ghi dấu với những gương mặt diễn viên gạo cội, đình đám của một thời, như Minh Châu, Thương Tín…Diễn viên nổi tiếng Minh Châu đã trở thành diễn viên chính từ các phim ngắn của Lân tới bộ phim này. Như đạo diễn Phạm Ngọc Lân chia sẻ thì: “Chủ đề phụ của phim là về thời gian, nên chúng tôi cũng chủ đích mời lại những diễn viên có dấu ấn với điện ảnh Việt, bên cạnh những gương mặt trẻ, gương mặt mới. Bởi vì có những sự xúc động khi khán giả xem phim, thì họ nhìn thấy không chỉ là hình ảnh ở trên đó mà còn nhìn thấy lịch sử trước đó của người diễn viên, hoặc nhìn thấy lịch sử cảnh quan trước đấy. Ở phim này, tôi cũng muốn khán giả gặp lại những gương mặt từng trở thành biểu tượng. Vì sau bao năm, đã qua giai đoạn thanh xuân đẹp nhất, không còn đóng phim, không vào những vai chính, bây giờ khi họ quay lại màn ảnh, thì chính sự già đi, chính nét buồn phủ lên một lớp thời gian trên người diễn viên ấy. Với tôi điều đấy rất xúc động" - Đạo diễn Phạm Ngọc Lân nói.
Phim đã đến với khán giả trong nước, như mong muốn của Phạm Ngọc Lân trong một lần trả lời phỏng vấn báo chí: “Cu li không bao giờ khóc là bộ phim làm về những phần văn hóa không thể diễn dịch trọn vẹn sang văn hóa khác. Có những điều nằm ngoài và sâu sắc hơn phạm vi câu chuyện và ngôn ngữ điện ảnh - thứ mà các liên hoan phim hay khán giả ngoại quốc có thể đọc. Trên góc độ này, sẽ thật vô nghĩa nếu phim không thể tiếp cận khán giả trong nước.”
Đạo diễn Phạm Ngọc Lân tốt nghiệp cử nhân Đại học Kiến trúc chuyên ngành quy hoạch và thiết kế đô thị năm 2009 và bắt đầu tự học làm phim qua các khóa điện ảnh độc lập của DocLab, Gặp gỡ mùa thu. In đậm dấu ấn phong cách cá nhân qua các phim ngắn như Chuyện mọi nhà (2011), Thành phố khác (2016) Một khu đất tốt (2019), Dòng sông không nhìn thấy (2020), phim của Phạm Ngọc Lân đã được trình chiếu ở một số liên hoan phim quan trọng trên thế giới. Phạm Ngọc Lân cũng là đạo diễn trẻ Việt Nam đầu tiên có phim ngắn được đề cử giải Gấu Vàng vào các năm 2016 và 2019.