(VOV5) -Đạo diễn phim độc lập Phan Đăng Di đang hình thành hai dự án hợp tác với nhà sản xuất Pháp và Nhật Bản.
Phan Đăng Di là một đạo diễn trẻ nổi bật với những bộ phim theo dòng phim độc lập ở Việt Nam và được trình chiếu, dự thi tại nhiều LHP trên thế giới, trong đó có LHP Berlin. Anh cũng là một trong số ít các đạo diễn Việt ngoài những dự án phim cá nhân còn sáng lập, tổ chức các hoạt động điện ảnh cho cộng đồng điện ảnh trẻ Việt Nam. Đạo diễn Phan Đăng Di về những hoạt động điện ảnh mới nhất của anh.
Nghe âm thanh tại đây:
Đạo diễn Phan Đăng Di, diễn viên Minh Trang và diễn viên nam chính của Cha và con và Lê Công Hoàng tại LHP Tokyo.
|
PV: Thưa đạo diễn Phan Đăng Di, anh có thể cho thính giả VOV được biết về những dự án mới nhất anh sắp triển khai sau thành công của bộ phim Cha và con và?
Đạo diễn (ĐD) Phan Đăng Di: Hiện tôi có hai dự án song song một lúc. Dự án đầu tiên khởi động từ năm 2014 là Tiệc trăng tròn, nó được giới thiệu tại LHP Busan và giành giải thưởng cho dự án xuất sắc nhất trị giá 20 nghìn USD. Rất may là với số tiền này thì chúng tôi cũng có thể có bước chuẩn bị cho việc khởi quay. Hiện tại Tiệc trăng tròn đã xong phần chọn cảnh ở Việt Nam, Phim dự kiến quay ở Hà Nội và một số vùng núi phía Bắc. Tuy nhiên dự án tương đối phức tạp và thị trường mà nó hướng đến là ở Pháp, nên chúng tôi cũng đang tiếp tục làm việc với các nhà sản xuất Pháp để mình có thể có đầy đủ tài chính để khởi quay vào khoảng mùa hè năm sau.
Còn 1 dự án nữa hiện tại tôi cũng đang tiến hành, đó là một dự án dựa trên một truyện ngắn tôi được đọc từ năm 16 tuổi của Yasunari Kawabata – văn hào Nhật Bản từng được giải Nobel. Đây là một dự án mà cầu chuyện hoàn toàn Nhật Bản và diễn viên Nhật. Tôi đã giới thiệu nó tại LHP Fukuoka một tháng trước đây. Và bây giờ tôi đang ở Tokyo tham dự LHP Tokyo và cũng có tiếp xúc với một số nhà sản xuất để mà tìm cách quay bộ phim này ngay sau dự án Tiệc trăng tròn.
Nếu mọi việc được tiến hành thuận lợi thì chúng tôi sẽ quay phim vào khoảng năm 2020. Tất cả những dự án của tôi hiện tại đều có yếu tố là phải làm việc với các dự án nước ngoài. Sau hai phim tôi vừa làm thì thực tế là tôi cũng không thực sự có một thị trường tốt ở Việt Nam. Thậm chí phim thứ hai là phim Cha và con và tuy đã được phát hành ở rất nhiểu nước trên thế giới, thậm chí cũng đã đi khoảng hơn 50 LHP trên toàn cầu, nhưng cho đến nay chúng tôi vẫn chưa tìm được nhà phát hành ở Việt Nam. Điều đó đặt chúng tôi trước một lựa chọn: Khi mà phim chúng tôi đang làm gặp khó với thị trường Việt Nam thì tôi buộc phải gặp thị trường khác cho nó. Và cũng phải tìm đối tác khác để họ đầu tư tài chính cho việc quay phim. Tất cả những cái đó nó cũng là việc thông thường mà rất nhiều nhà làm phim độc lập và nghệ thuật ở Châu Á đang phải đối mặt, mà tôi cũng không phải là ngoại lệ.
Gặp gỡ mùa thu 2016 - Ảnh tư liệu GGMT
|
PV: Hàng năm anh vẫn tổ chưc chương trình Gặp gỡ mùa thu (đã được lập ra cách đây 5 năm tại Đà Nẵng). Hiện nay thì Gặp gỡ mùa thu đã trở thành một sự kiện điện ảnh thường niên có sự tham gia của các nhà làm phim quốc tế. Gặp gỡ mùa thu năm nay sẽ có gì đáng chú ý?
ĐD Phan Đăng Di: Năm nay Gặp gỡ mùa thu sẽ bắt đầu vào cuối tháng 11 và kết thúc vào 5/12. Kỷ niệm 5 năm ngày thành lập chúng tôi cũng có những chương trình khá đặc biệt. Bên cạnh những lớp học (thí dụ năm nay chúng tôi có 2 lớp về diễn xuất do các giảng viên và các ngôi sao điện ảnh Hàn Quốc giảng dạy.), chúng tôi còn có thêm lớp thiêt kế mỹ thuật – năm nay thì nữ diễn viên đồng thời cũng là họa sĩ thiết kế mỹ thuật nổi tiếng Trần Nữ Yên Khê sẽ trở về để làm giảng viên. Năm nay chúng tôi sẽ tập trung chủ yếu vào mảng thiết kế phục trang. Ngoài ra chúng tôi cũng có một lớp học đạo diễn, đã bắt đầu cách đây 5 năm và năm nào cũng diễn ra, đó là lớp học với đạo diễn Trần Anh Hùng. Đây là một lớp học gần như truyền thống của Gặp gỡ mùa thu, và là một lớp học quốc tế vì học viên đến từ nhiều nước trên thế giới. Ví dụ năm nay lớp học có 12 học viên thì chỉ có 3 học viên Việt Nam thôi. Có một điểm thú vị là hiện tại Gặp gỡ mùa thu vẫn chỉ là một hoạt động điện ảnh nhỏ thôi nhưng nó cũng khá được biết đến trong khu vực, và rất nhiều nhà làm phim trẻ muốn tham dự.
Đạo diễn Phan Đăng Di và các học viên tham gia Gặp gỡ mùa thu - Ảnh tư liệu GGMT
|
Chương trình này thì không chỉ có ý nghĩa đối với các nhà làm phim trẻ trong nước. Nó cũng bắt đầu có sức hút nhất định đối với những người làm phim quốc tế. Những năm vừa qua chúng tôi cũng mời về dược Gặp gỡ mùa thu một số nhà tổ chức từ các LHP lớn như LHP Cannes, LHP Berlin, LHP Venice. Rồi chúng tôi cũng có những đại diện từ các LHP quốc tế Hồng Kông, LHP Rotterdam chẳng hạn…Tất cả những mạng lưới đó, những khách mời đó đến với Gặp gỡ mùa thu thì họ cũng đến để tìm hiểu các cơ hội, tìm hiểu thêm về nền điện ảnh Việt Nam cũng như điện ảnh của các nước Châu Á thông qua các học viên dự Gặp gỡ mùa thu. Nhưng đồng thời chính ở Gặp gỡ mùa thi rất nhiều bạn đạo diễn trẻ Việt Nam họ có cơ hội gần như có thể làm việc quốc tế, tiếp xúc với những đồng nghiệp quốc tế để khởi động dự án của mình.
Có một điểm thú vị nữa là khi Gặp gỡ mùa thu trở nên sự kiện điện ảnh quốc tế thì nó cũng là một cửa ngõ để nhiều nhà làm phim trong khu vực đến với Việt Nam. Họ bắt đầu đến trước hết với vai trò của người học, sau đó thì cũng bắt đầu nghĩ đến chuyện sẽ quay những bộ phim ở Việt Nam.
Đạo diễn Phan Đăng Di đang chỉ đạo diễn viên trong một cảnh quay - Ảnh: Lê Kim Hưng.
|
PV: Anh có thể nói gì về những thành quả của Gặp gỡ mùa thu?
ĐD Phan Đăng Di: Những thành quả ban đầu của Gặp gỡ mùa thu thì cũng có thể được ra mắt trong thời gian tới. Thí dụ năm nay chúng tôi đã có hai dự án phim rạp và đã được quay thành phim. Đó là dự án phim Người vợ ba của Nguyễn Phương Anh, một nữ đạo diễn sẽ làm phim dài đầu tay. Dự án thứ hai là Thằng Ròm của Trần Dũng Thanh Huy. Đây là hai dự án đã được Gặp gỡ mùa thu chọn, trao giải và đã được sản xuất thành phim. Và hy vọng trong thời gian tới hai bộ phim này sẽ được ra mắt khán giả Việt Nam cũng như các LHP trên thế giới.
Sau 5 năm thì Gặp gỡ mùa thu đã đi vào một chương trình hoạt động khá ổn định. Tuy nhiên phải thú thực là chúng tôi gặp rất nhiều những khó khăn trong việc tìm tài chính để duy trì hoạt động. Những kết quả đạt được cũng giúp chúng tôi có động lực và cũng là nguồn an ủi để chúng tôi quên tạm thời đi những khó khăn về tài chính.
PV: Được biết hiện nay anh đang ở LHP Tokyo để giới thiệu bộ phim Cha và con và?
ĐD Phan Đăng Di: Hiện tại thì chúng tôi cũng đang ở LHP Tokyo để mà giới thiệu cuốn phim này, trong khuôn khổ Crosscut Asia năm nay của LHP. Đây là chương trình tập trung vào giới thiệu thành quả của điện ảnh Đông Nam Á thời gian vừa qua. Cha và con và của chúng tôi đại diện cho Việt Nam trong chùm phim đó. Chúng tôi đã có một buổi ra mắt khá ấm cúng tại Trung tâm của LHP ở Tokyo.
Thực ra cơ hội để phim Việt Nam có thể đến với khán giả thế giới thì cũng không có nhiều, và kênh chủ yếu là vẫn qua các LHP như thế này, Chúng tôi hy vọng thời gian tới chúng ta sẽ có được nhiều phim hơn để giới thiệu ra thế giới một cách rộng rãi. Và đó cũng là cái cách để chúng ta có một tiếng nói riêng trong điện ảnh, có tiếng nói rõ ràng hơn trong điện ảnh. Bởi vì đó là điều rất nhiều nền điện ảnh bên cạnh mình đã làm được.
Xin trân trọng cảm ơn đạo diễn.