Nghe âm thanh bài viết và bài thơ do nghệ sĩ Quốc Hưng trình bày tại đây:
Từ lâu, tên tuổi nhà thơ Thanh Tùng gắn với bài thơ “Thời hoa đỏ” và bài hát cùng tên được nhạc sỹ Nguyễn Đình Bảng phổ nhạc, nổi tiếng từ những năm 90 của thế kỷ trước. Một bài thơ tình gắn với cuộc hôn nhân tan vỡ của nhà thơ cùng người vợ đầu. Và sau tất cả những đổ vỡ, để còn lại là câu chuyện của tình yêu, tình người, của sự tha thứ trọn vẹn.
Mỗi mùa hoa đỏ về
Hoa như mưa rơi rơi
Cánh mỏng manh tan tác đỏ tươi
Như máu ứa một thời trai trẻ
Hoa như mưa rơi rơi
Như tháng ngày xưa ta dại khờ
Những câu thơ trong bài “Thời hoa đỏ” của nhà thơ Thanh Tùng đã trở nên quen thuộc và được công chúng biết đến nhiều hơn qua ca khúc cùng tên, được nhạc sỹ Nguyễn Đình Bảng phổ thơ. Hình ảnh màu hoa đỏ trở đi trở lại, ngập tràn trong cả bài thơ trở thành tâm điểm của cảm xúc, của nỗi niềm day dứt tiếc nuối. Màu đỏ của hoa phượng trên những con đường của thành phố Hải Phòng, màu đỏ của dòng máu tươi, của lửa cháy tình yêu, rạo rực, say đắm và cả ồn ào, khi mùa hạ đang về, tiếng ve đang sôi ồn ã, và tuổi trẻ đang căng tràn trong từng tế bào mạch máu.
Nhà thơ Thanh Tùng thuở sinh thời - Ảnh: Nguoiduatin |
Theo nhà thơ Hữu Thỉnh, “Thời hoa đỏ” là bài thơ lạ nhất của Thanh Tùng: “Lạ ở nội dung, lạ ở tình cảm, lạ ở nhịp điệu. Và lạ nhất là ở cấu tứ. Tình cảm ở thực tại, nhưng âm hưởng bao trùm lại thuộc về quá khứ. Một bài thơ cuốn hút chúng ta, day dứt chúng ta vô cùng. Điệp khúc “Hoa như mưa rơi rơi” được nhắc lại tới bốn lần, như một giai điệu chính của bài thơ, cứ mỗi lần nhắc lại thì ý thơ lại chuyển sang một sắc độ khác, một mức độ khác, cũ mà rất mới, đã mà như chưa, như một đoán định của hai người ấy chia tay. “
“Thời hoa đỏ” mang nhiều yếu tố tự bạch. Dường như tác giả cởi hết lòng mình, trút hết những cảm xúc dồn nén qua bao ngày tháng, để giãi bày cùng em, giãi bày và thanh minh với chính mình. Từng câu thơ như từng cánh hoa đỏ, và tụ lại cả một vùng hoa đỏ, một miền hoa đỏ. Màu đỏ của thời gian, của tâm thức, của quá khứ, và quá khứ ấy vẫn bùng lên trong hiện tại cũng như còn khắc khoải mãi trong tương lai. Nhân vật “em” trong bài thơ này chính là người vợ đã mất của nhà thơ. Ông viết về vợ như viết về một người tình, yêu vợ như yêu một người tình, dù họ đã có với nhau hai người con, và có cả một chặng thời gian dài xa nhau."
Không chỉ ở bài thơ này, mà trong nhiều sáng tác của nhà thơ Thanh Tùng đều in đậm dấu ấn người vợ đầu mang tên Thanh Nhàn. Họ đã ở bên nhau những ngày tháng nghèo khổ, giản đơn mà hạnh phúc. Tuy nhiên, cuộc hôn nhân ấy đã tan vỡ, để lại nỗi đau không bao giờ cũ, một vệt cứa xót xa trong tâm hồn nhà thơ.
Nhà thơ Vũ Quần Phương cho rằng, đó là mối tình duyên phận: “Duyên phận của anh lấy được một người vợ rất xinh xắn và cũng rất yêu văn chương. Nhưng hai người sống với nhau lại dẫn tới ly hôn. Hồi đó chúng tôi cũng rất tiếc. Nhưng có điều chúng tôi không thể nghĩ được rằng, là con người thô tháp, con người hành động như thế lại mang nỗi đau âm thầm, đau về mối tình tan vỡ với người vợ. Sau này, khi đang họp hội nghị Hội nhà văn ở Hà Nội, nghe tin chị mất, ngay lập tức anh xuống Quảng Ninh lo tang lễ cho chị, với tư cách một người chồng. “Hôm nay mọi người tiễn em ra mộ/ Còn anh đón em về với trái tim anh” – Chỗ đó là chỗ yên ổn nhất đối với em, chỗ đó không đổi thay (dù em đã thay đổi). Tôi đọc đến đó tôi sững lại. Hai người tan vỡ, tôi không nói lỗi ai, nhưng hàng chục năm thấy anh vẫn âm ỉ đau. Sau đó, trên nền cảm xúc ấy, anh viết “Thời hoa đỏ”. Hoa như máu. Cái hạnh phúc kia cũng đồng thời là tan nát, đau đớn. Tình cảm phức tạp chứ không đơn giản như một ông thợ ăn to nói lớn. Và anh cứ âm ỉ nỗi đau đó”
Nhà thơ Thanh Tùng và người vợ đầu – bà Thanh Nhàn cùng các con. Ảnh: tư liệu gia đình. |
Những câu thơ được bật ra, được sắp đặt tự nhiên, dường như không có sự can thiệp của lý trí, hay yêu cầu cần chặt chẽ của cấu trúc thơ. Rất nhiều trạng thái cảm xúc được trộn vào nhau, cùng tồn tại trong nhân vật trữ tình xưng “anh”: vừa đắm say, tiếc nuối,vừa đau đớn, xót xa, vừa muốn níu giữ, vừa ghen tuông, giận dữ, vừa tự ái, vừa thương nhớ đến quặn thắt. Cho dù họ vẫn đi bên nhau, nhưng ý nghĩ của hai người lúc gần, lúc xa, lúc như hai đường thẳng song song không bao giờ gặp gỡ.
“Anh mải mê về một màu mây xa”
“Em hát một câu thơ cũ”
“Anh biết mình vô nghĩa đi bên em”
Thanh Tùng là nhà thơ của tình yêu, một tình yêu luôn nồng nàn, đắm đuối nhưng không trọn vẹn, mà dở dang, tiếc nuối và đau khổ, với những chia xa đầy cay đắng, như ông từng thổ lộ “Ôi tình yêu như lưỡi câu tự nuốt/Rồi tự mình treo lơ lửng trên cao”. “Thời hoa đỏ”, là kết tinh của tất cả những nỗi niềm ấy.
Đây cũng là bài thơ rất tiêu biểu cho hồn thơ Thanh Tùng, như chia sẻ của nhà thơ Đặng Huy Giang: “Thơ ông hầu như không ngắt khổ, cứ cuồn cuộn chảy. Tôi cho rằng điểm mấu chốt làm nên Thanh Tùng, đó là ở Thanh Tùng có một lòng yêu thương con người rất lớn. Đặc biệt trong tình yêu. Ông luôn luôn nói rằng tình yêu của ông ở phía sau, thuộc về quá khứ rồi. Dù đã chia tay với người vợ đầu tiên, nhưng ông vẫn yêu quý đến tận cùng. Trong “Thời hoa đỏ” có một câu trở thành ý lớn của bài thơ, đó là “chỉ tiếc chúng ta không đi hết tháng ngày đắm say”
Khi còn sống, nhớ về cuộc hôn nhân này, nhà thơ Thanh Tùng tâm sự: "…chúng tôi có những nồng nàn cảm xúc bắt nguồn từ thơ văn, của hai trái tim đương xuân thì rạo rực. Thế nhưng, tình yêu ấy kết thúc nhanh chóng như một tia chớp sáng trong chiều hè, để báo hiệu những trận mưa giông bão tố cho cuộc đời của tôi. Cô ấy đã bỏ tôi đi lấy người đàn ông khác, dù tôi còn đậm tình yêu với cô ấy...".
Giờ đây, cả nhà thơ Thanh Tùng và người vợ, bà Thanh Nhàn đều đã thuộc về cõi khác. Ở cõi khác ấy, nếu gặp nhau, còn gì hơn ngoài sự chia sẻ cảm thông đến tận cùng. Và bài thơ Thời hoa đỏ vẫn ở lại cùng chúng ta hôm nay, như một nhân chứng của thời gian và tình người thấm đẫm.