Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Từ tập thơ “Ngọn lửa đầu tiên” (1999), trải qua “Lá thay mùa” (2008), đến năm nay, nhà thơ Thiên Sơn cho ra mắt tập thơ thứ ba “Một tiếng gọi”. Khoảng cách từ tập thơ đầu tiên, đến tập thơ này là 20 năm.
“Một tiếng gọi” giống như sự giải phóng một phần năng lượng nghệ thuật mà khi viết truyện ngắn, tiểu thuyết hay phê bình… anh không thể chuyển tải hết. Nói cách khác, những rung động thơ tựa làn hơi mỏng manh quyến rũ đòi hỏi anh phải thu lọc lại và chưng cất riêng, đợi ngày tỏa hương.
Hơn năm mươi sáng tác trong tập là những lát cắt từ quá khứ, hiện tại và tương lai. Hiện tại đầy rẫy nghịch lý, thậm chí vô lý. Tương lai bấp bênh. Còn quá khứ, đẹp nhưng đã trôi qua, chỉ còn lại tiếng thở dài tiếc nuối.
Nói thế không có nghĩa rằng cái nhìn của người làm thơ bi quan. Hiện thực mỗi ngày ở thủ đô nơi anh đang sống và làm việc, rộng hơn là hiện thực ở đất nước này, ngày nào cũng xảy ra bao chuyện đau lòng, bất công, bất ngờ, mà nhức nhối nhất bao trùm nhất là sự hoành hành của cái ác, cái giả dối. Còn gì đau xót hơn khi thế giới tươi đẹp này đã và đang bị tàn phá bởi chính con người.
Thời gì mà đục khoét cả đỉnh trời
Tầng ozon không thể nào vá lại
Thời gì mà đại dương cũng bị khoan thủng đáy
Trái đất đành rỗng ruột mà quay
(Vô đề 2)
Đằng sau những hiện tượng là bao câu chuyện phức tạp, nhức buốt khiến bất cứ ai có nhận thức, có lương tri đều trăn trở. Huống chi, trách nhiệm của một người làm báo, làm văn, và ở góc độ khác, Thiên Sơn còn là người thầy dạy văn cho học sinh phổ thông. Dằn lòng để phô bày cái ác cái xấu, với mong muốn góp một tiếng nói phản biện - đó là thái độ công dân đầy trách nhiệm. Chỉ có điều, tiếng nói ấy, tiếng gọi ấy chạm được đến vỏ tầng nào của xã hội, thì cần lắm sự đồng cảm và tiếp nối của bạn đọc. Vô đề 1, Tấm bản đồ, Bức tường ải mục, Im lặng, Cúi mặt xuống, Anh hề, Một người lặng lẽ…vv… là những bài thơ trĩu nặng ưu tư như thế:
Anh hề nói những lời có cánh
Nói, cười, rồi khóc…
Thì vẫn biết quyền là của anh hề
Nói những lời không ai tin
Nghĩ những điều không có trong sự thật
Chỉ nỗi đau chồng chất mỗi phận người
“Số phận con người” là tâm điểm trong sáng tác của Thiên Sơn. Con người đặt trong bối cảnh xã hội và lịch sử, với biết bao đổi thay, đổ vỡ, dư chấn. Điều này khiến anh không khỏi bùi ngùi: “Thế hệ chúng tôi là một thế hệ trong sáng. Một thế hệ được dạy những điều tốt đẹp từ trong gia đình, ra xã hội đến trường học. Nhưng chúng tôi lại đi ra cuộc đời để chứng kiến tất cả những nghịch lý. Chúng tôi lớn lên trong thời kỳ đổi mới. Thời kỳ của biết bao nhiêu giá trị liên tục đảo lộn, biết bao nhiêu thứ biến đổi nhanh đến mức mà tôi có cảm giác một năm như là ngàn năm. Cuộc biến thiên dữ dội này diễn ra trên toàn thế giới. Con người để đứng được, định hướng được những giá trị bền vững để tồn tại được là điều cực kỳ khó”
Nhà thơ Thiên Sơn |
Trước một hiện thực vụn vỡ, một tương lai vô định, con người ta hay có xu hướng tìm về quá khứ, soi chiếu quá khứ để nhận diện, nâng niu những vẻ đẹp. Cho dù vẻ đẹp đó đã úa tàn, đã tan loãng, đã lướt qua, thì vẫn có sức an ủi xoa dịu con người ta ghê ghớm. Thiên Sơn cũng không đứng ngoài hành trình ký ức. Quá khứ trong anh luôn hiện về. Mảnh vườn, mái nhà tranh như trong cổ tích. Tấm lưng còng của ngoại. Sự dịu dàng bao dung của mẹ. Những gương mặt bạn bè hoa niên. Và bồi hồi xao xuyến là những cuộc tình, mà điều đọng lại là cảm giác tiếc nuối, dở dang, như một giấc mơ.
Đôi mắt ấy, mái tóc dài xõa rối
Lửa cháy trong tim suốt một đời người
(Bài “Nếu mà thu chẳng đến”)
Lá đổ từ trên cành, hoa lấp lối chân đi
Mùa thu hết câu thơ buồn vạn kiếp
(Em, nói gì đi em)
Nếu mảng thơ thế sự cho thấy trách nhiệm xã hội, mối quan tâm, những dự cảm của nhà thơ trước hiện thực và tương lai, thì ở mảng thơ tình thể hiện khá rõ tính cách tâm hồn Thiên Sơn. Ấy là sự dịu dàng, trân trọng, đắm đuối với cái đẹp, luôn hoài nhớ day dứt về quá khứ. Dễ hiểu vì sao anh hay chọn mùa thu là từ khóa cho thơ mình. Một mùa thu, nhiều mùa thu. Từng khoảnh khắc cũng nhuộm thu. Khoảng thời gian trong ngày là hoàng hôn, màu sắc thường trở lại là màu cỏ úa.
Thật khó để chỉ ra rằng anh đem tới điều gì mới cho thu. Bởi trong thơ xưa hay thơ nay mùa thu luôn hiện hữu, đa sắc vẻ, với điểm chung là buồn, là tiếc nhớ. Thời gian và không gian nghệ thuật thơ anh phảng phất sắc màu Thơ mới mà Hàn Mặc Tử và Xuân Diệu có lẽ là hai nhà thơ anh yêu mến nhất, đọc nhiều nhất. Từ chối những ngôn từ thời thượng như “cách tân”, “đổi mới”. Thiên Sơn vẫn trung thành với quan niệm truyền thống: Thơ khởi phát từ trong lòng người ta.
Theo anh, “Tất cả những sự cố gắng, sự cầu kỳ để tạo ra những bài thơ như là những sản phẩm của đổi mới, những sản phẩm của ý nghĩ, những sản phẩm của thời thượng, những thứ không thoát khỏi từ những miền thăm thẳm của tâm hồn, không bắt đầu từ một cái gì tự nhiên và phóng khoáng… Những bài thơ đó sẽ bị tan biến trong thời gian. Bởi vì người cảm nhận thơ không cảm nhận bằng lý trí, cũng không hỏi xem rằng câu thơ này mới ở chỗ nào. Họ cảm nhận thơ ở chỗ câu thơ có đi thẳng vào tâm khảm của người ta không, có đánh thức ở họ những miền ký ức và những tình cảm trong sáng hay không, và nó có neo giữ lại được ở trong tâm khảm hay không. Còn các nhà phê bình muốn nói gì thì nói. Nhưng rồi tôi cam đoan rằng tất cả những người đi theo xu hướng đó sẽ thất bại thôi. Chắc chắn thất bại”
Bên trong tâm hồn nồng nhiệt là thăm thẳm nỗi buồn, sự vụn vỡ của những lý tưởng khi va đập với hiện thực đổ nát. Sự va đập tạo nên chấn thương song không khiến con người ta gục ngã. Ngược lại, nó giúp anh mạnh mẽ hơn, khao khát được làm việc được cống hiến nhiều hơn qua trang viết. Đồng thời, anh cũng thực hiện nhiều hơn những cuộc trở về, trở về với chính mình, tìm lại mình trong thăm thẳm mông lung. Những cuộc trở về ấy đã mở rộng biên độ không – thời gian trong thơ anh, mà bài thơ “Tiếng gọi” là một ví dụ:
Mơ một rừng thu vắng
Lá run theo tiếng đàn
Một làn yêu mỏng mảnh
Rụng xuống trời chênh chao
Ngỡ dấu chân tiền kiếp
Trôi dạt miền chiêm bao
Thảng thốt một tiếng gọi
Vọng đến trong thuở nào…
Ta là ai? Ta đến từ đâu? Tại sao ta có mặt ở đây? …vv… Sự tồn tại của con người trong thế giới vẫn luôn là câu hỏi thu hút sự quan tâm của các nhà khoa học, các nhà tâm linh. Trong chính chúng ta cũng có những thời khắc đặc biệt về nhận thức và nội tâm, chưa kể những giấc mơ, những ám ảnh tiềm thức chi phối. Thả lỏng tâm trí qua các miền không gian – thời gian vô định cũng là cách để nhận thức lại, tìm kiếm bản thể bằng linh giác. Hành trình đó không đơn giản, không dễ dàng, song vô cùng cần thiết với người sáng tạo nghệ thuật. Nếu chỉ bằng lòng với hiện tại, ta sẽ dần lãng quên và xa lạ chính mình. Mất đi bản thể, lãng quên gốc gác – đó có lẽ là bi kịch lớn nhất của con người thời văn minh công nghệ.
“Như mùa thu đã bỏ chốn này đi”, “Những chiếc lá non tươi đã rụng”… Có thể nhận thấy một tâm thế hậu hiện đại trong những bài thơ ấy. Không phải anh cố tình tạo ra. Ngay cả trong quan niệm sáng tác, Thiên Sơn cũng đứng ngoài các lý thuyết mang tính thời thượng. Song ở góc độ vô thức thì anh lại vướng phải, như vướng phải sợi tơ nhện mềm mại có khả năng níu giữ dồn đẩy con mồi. Cái đẹp đã rời bỏ thế giới này. Lý tưởng niềm tin đã vụn vỡ. Văn minh loài người sẽ đi về đâu? Đó cũng là lý do mà “Một tiếng gọi” cất lên, gửi gắm mong muốn được kết nối, được sẻ chia, được xoa dịu những tổn thương.
Hồn ta đã gọi ta
Những tiếng nồng nàn, đớn đau, tuyệt vọng
Ta tới hay lùi?
Ta còn hay mất sau gió bụi thời gian?
“Một tiếng gọi” là tập thơ có tham vọng ôm chứa nhiều vấn đề, nhiều mặt tâm trạng. Đó không phải là tập thơ đọc để bằng lòng, để hoan ca. Đó là tập thơ đọc xong để ngẫm nghĩ, soi chiếu chính mình. Và khi tách từng sáng tác, đọc nhẩn nha ở nhiều khoảnh khắc khác nhau, ta sẽ tìm được nhiều điểm kết nối với tác giả. Mong rằng tiếng gọi da diết ấy không rơi vào cô đơn.
“Tôi là một người ly hương, xa quê từ thuở nhỏ, đi nhiều vùng đất, sau đó định cư ở Hà Nội. Suốt bao nhiêu năm, đến bây giờ tôi vẫn nghiệm lại, nỗi nhớ sâu thẳm nhất là nỗi nhớ về mẹ, về bà, và mình giống như một đứa con đi theo một ước mơ xa xăm, đi theo một ước mơ thanh khiết. Mình nghĩ tới cái đẹp của cuộc sống và muốn làm những điều có ích. Tuy nhiên, trong thời đại đầy khó khăn biến động, đầy những phức tạp này, đôi lúc tôi thấy se thắt ở trong lòng” - Thiên Sơn