(VOV5) -Từ dịch phẩm "Những ngọn nền cháy tàn" còn tự in, đến Huân chương Chữ thập vàng được trao tặng. con đường dịch thuật của Giáp Văn Chung để ông trả ơn hai Tổ quốc: nơi sinh thành và nơi tiếp nhận.
Ngày 25/9, dịch giả Giáp Văn Chung, người Việt định cư tại Hungary vừa được trao tặng Huân chương Công trạng Chữ thập vàng Hungary ngạch Dân sự , phần thưởng cao quý của Nhà nước Hungary, cho những nỗ lực bền bỉ trong nhiều năm qua giao lưu văn hóa giữa hai nước. Buổi lễ diễn ra trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Hungary Orbán Viktor từ 24-26/9.
Theo Quyết định do Tổng thống Hungary đã ký, việc trao phần thưởng cao quý này cho tiến sỹ Giáp Văn Chung là sự ghi nhận những cố gắng của dịch giả "cho sự truyền bá văn học Hungary tại Việt Nam, cũng như cho hoạt động làm sâu sắc thêm những mối quan hệ hữu nghị và văn hóa giữa hai dân tộc."
Phóng viên VOV5 phỏng vấn dịch giả Giáp Văn Chung về những hoạt động dịch thuật văn học của ông.
Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:
Bà Novák Katalin, Quốc vụ khanh Bộ Nguồn nhân lực Quốc gia Hungary trao Huân chương cho dịch giả Giáp Văn Chung. (Ảnh: Nguyễn Hoàng Linh/Vietnam+) |
Xin chào dịch giả Giáp Văn Chung. Cảm ơn ông đã trả lời chúng tôi cũng như chia sẻ với thính giả Đào Tiếng nói Việt Nam về công việc dịch thuật của mình.
Cháo thính giả VOV5. Tôi là Giáp Văn Chung, hiện đang sinh sống với gia đình tại Hungary.
Thưa ông, được biết là Huân chương Công trạng Chữ thập vàng của nhà nước Hungary vừa trao cho ông, cũng là để ghi nhận những đóng góp của dịch giả cho sự truyền bá văn học Hungary tại Việt Nam. Vậy tác phẩm đầu tiên mà ông lựa chọn cho hành trình đó có phải Những ngọn nến cháy tàn?
Thì được sự khích lệ của bạn bè tôi bắt tay vào dịch Những ngọn nến cháy tàn, một tác phẩm nổi tiếng của tác gia lớn người Hung Márai Sándor. Tác phẩm này đã được dịch ra rất nhiều thứ tiếng, có số lượng xuất bản rất lớn và được chào đón rất nồng nhiệt ở các nước Châu Âu. Có những nước chúng ta không ngờ tới cũng đã chuyển ngữ tác phẩm này, ví dụ như Hàn Quốc, như Braxin. Tôi đọc, thấy tác phẩm quá hay nên thử làm. Lúc đầu vì chưa có kinh nghiệm nên cứ làm thôi, cũng chưa biết tìm ai để in hay giải quyết vấn đề bản quyền như thế nào, Vì thế chúng tôi chỉ gửi in ở Hungary cho bà con và gửi biếu bạn bè một số nơi ở Việt Nam. Sau khi cuốn này được in ra thì có sự phản hồi rất tích cực của bạn đọc. Có nhiều người nói rằng giọng văn dịch của tôi rất hợp với giọng văn sang trọng, cổ điển mà Márai Sándor đã thể hiện trong tác phẩm đó. Được sự khích lệ của bạn đọc và bè bạn thì từ năm 2007 đến nay, trong vòng 11-12 năm thì tôi lần lượt cho ra đời những tác phẩm nổi tiếng của văn học Hungary.
Vậy tiêu chí nào để ông lựa chọn sách dịch, thưa ông?
Tôi xác định ngay từ đầu là không lựa chọn những tác phẩm nhẹ ký, chỉ có giá trị tức thời. mà tôi khai thác mảng văn học cao cấp và có giá trị lâu dài. Tiêu chí của tôi, là sẽ lần lượt giới thiệu những tác giả lớn của văn học cận đại và hiện đại Hungary, chứ không đi lại những tác phẩm cổ điển của thế kỷ 19, chẳng hạn như bác Lê Xuân Giang đã dịch Những ngôi sao Ê-ghe hay một số tác phẩm khác. Đấy cũng là những tác phẩm rất quan trọng trọng trong thời kỳ chúng ta đang đánh Mỹ, vì đó là những tác phẩm mang tính chất anh hùng ca. Nhưng tôi nghĩ hiện nay những câu chuyện đó đã thuộc về quá vãng, do đó tôi đi sâu vào khai thác những tác phẩm cận hoặc là hậu hiện đại.
Dựa trên những tiêu chí đó, đối với ông những tác phẩm nào việc chuyển ngữ có nhiều khó khăn?
Một trong những tác phẩm khó mà tôi bắt đầu làm là Không số phận của Imre Kertész, là tác phẩm đã đưa ông tới đỉnh cao, đoạt giải Nobel văn chương 2006. Đây là một tác phẩm mà tác giả đã viết trong 13 năm dài liên tục, kể về câu chuyện một cậu bé bị đưa vào lò thiêu, đưa vào trại tập trung lúc mới 14 tuổi và sau hơn 1 năm sống ở trại tập trung, trải nghiệm cuộc sống khắc nghiệt và vô nhân tính trong trại tập trung thì cậu được trở về Hung. Câu chuyện nói về trải nghiệm lò thiêu của người Do Thái trong thế chiến lần thứ 2.
Cụ thể sự khó khăn trong việc dịch thuật (tác phẩm) đó là như thế nào thưa ông?
Tôi được biết trước đó có ít nhất 4-5 người đã bắt tay dịch tác phẩm này sau khi nó được giải Nobel. Nhưng vì có đặc điểm là nó rất khó chuyển thể, văn học Hung vốn có đặc điểm đã khó rồi, người Do Thái tư duy lại phức tạp. Họ tư duy theo lối kể chuyện của người Do Thái, thường là lặp đi lặp lại chồng lớp lên nhau, và nhiều khi bị ảnh hưởng bởi một thể loại âm nhạc riêng có tên gọi Fuga, trong đó có nhiều âm thanh, nhiều bè khác nhau cùng một lúc lên tiếng, hòa thành một âm điệu rất phức tạp. Mà điều này họ thể hiện được trong văn học. Tôi được biết 4-5 người đã bắt tay dịch, có những dịch giả kỳ cựu, trong đó cả bác Lê Chu Cầu cũng nói với tôi đã dịch được 100 trang từ tiếng Đức, nhưng bỏ dở sau khi bác thấy tôi dịch xong. Tôi kiên trì làm xong và được in ra. Đấy là tác phẩm đầu tiên gọi là cao cấp, và có thể là đề tài holocaust (lò thiêu) hơi xa lạ với người Châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng. Nhưng cuối cùng Nhã Nam cũng thấy đó là một mảng đề tài rất cần thiết để độc giả Việt Nam tiếp cận với đề tài lò thiêu bên cạnh những tác phẩm của một số tác giả khác. …
Có một nhà báo cộng đồng thân thiết với ông đã từng nhận xét: Xét cho cùng thì anh Giáp Văn Chung vẫn là con người của cộng đồng, của xã hội. Được biết là ông tham gia rất nhiều hoạt động cộng đồng, nhưng đồng thời vẫn song hành việc dịch thuật?
Lúc Hội người Việt Nam mới thành lập, còn đang chập chững những bước đầu thì tôi cũng tham gia, và liên tục tham gia vào Ban chấp hành Hội khoảng 9 năm, trong đó có những năm làm chủ tịch Hội người Việt Nam ở Hungary. Sau này có những bạn trẻ thay thế, tôi vẫn tham gia những hoạt động chung của cộng đồng, mặc dù tôi rất quý thời gian. Hay như vừa rồi ở Hungary thành lập Hội trí thức Việt ở Hungary, các anh có mời thì tôi vẫn tham gia vào Ban chấp hành. Mình luôn luôn ý thức là một người sống trong cộng đồng, mà lại là người được học hành, được đào tạo ở đó, có thể có hiểu biết hơn mức trung bình, việc hoạt động để giữ hình ảnh cộng đồng trong mắt bạn bè tốt hơn thì mình không ngại gì mà không làm.
Còn việc dịch tôi luôn luôn nghĩ đấy là việc mình làm để trả ơn hai miền đất, nơi đã sinh ra mình là Việt Nam, và tổ quốc thứ hai đã tiếp nhận, đã cho mình kiến thức và hiện nay cả gia đình mình đang sinh sống, định cư ở đó. Tôi coi việc cố gắng làm một cái, nói thì hơi “to” một tí, là một mắt xích hay một cây cầu nối giữa hai nền văn hóa đó, cũng là việc làm để trả ơn hai miền đất mà mình đã mang ơn.
Xin cảm ơn dịch giả Giáp Văn Chung. Và tôi tin độc giả vẫn đang đón đợi những dịch phẩm mới của ông.