(VOV5) - Giới thiệu có lớp lang, bền bỉ với độc giả Việt Nam về nền văn học đáng kinh ngạc của một đất nước bé nhỏ có tới 15 người được giải thưởng Nobel trên các lĩnh vực, không thể không nhắc đến Giáp Văn Chung.
Nghe âm thanh tại đây:
Gấp lại những trang cuối cùng của “Cánh cửa” của Szabó Magda –trong mạch đọc lôi cuốn liền không dứt, người đọc có thể bàng hoàng nhận những day dứt của kiếp người được dẫn dắt trong mê cung tâm lý từ một ngòi bút bậc thầy. Và người đọc hiểu vì sao Szabó Magda được coi như là “bà hoàng của văn học Hungary”.
Hay gấp lại những trang sách Bốn mùa, Trời và Đất của Márai Sándor, không ít người kinh ngạc trước tầm tư tưởng vĩ đại từ những đoản văn suy niệm triết lý, cô đọng.
Những giọng văn rất khác nhau, của những nhà văn – nhà tư tưởng lớn ấy, được chuyển ngữ sang tiếng Việt, vẫn giữ được cái hồn vía lấp lánh của nguyên tác, qua cầu nối có tên Giáp Văn Chung.
Dịch giả Giáp Văn Chung thời điểm nhận giải thưởng Vì nền văn hóa Hungary - Ảnh: Nhịp cầu thế giới. |
Ông là cựu du học sinh Khoa Giao thông, Ðại học Kỹ thuật Budapest thời kỳ 1970-1976, học một ngành rất xa với văn chương, là ngành đầu máy toa xe: “Năm 1977 tôi tốt nghiệp đại học và sau 1 năm thực tập ở Hungary thì tôi quay về nhận công tác ở ĐH GTVT Hà Nội. Tôi đã tham gia giảng dạy ở đó 12 năm đến 1988 thì tôi quay lại Hung làm nghiên cứu sinh. Năm 1991 tôi bảo vệ luận án tiến sĩ và ở lại bộ môn ở trường đại học Bách khoa Budapest, tham gia giảng dạy ở đấy đến năm 1997 ra làm kinh doanh. Đến năm 2007 cuộc sống gia đình tương đối ổn định và các cháu cũng lớn lên, thì tôi quay lại với đam mê của mình là đam mê văn chương.”
Nói cho ngay, người đầu tiên dịch văn học Hungary từ tiếng Hung sang tiếng Việt, là dịch giả Lê Xuân Giang, với bản dịch gây sốt ngay thuở ấy năm 1972 “Những ngôi sao Êghe” và một số tác phẩm khác. Lê Xuân Giang đã được nhận Huân chương Chữ thập Vàng của Cộng hòa Hungary, một trong những phần thưởng cao quý nhất của Nhà nước Hungary năm 2012. Sau ông, cũng có một lực lượng dịch giả, tuy chưa nhiều, nhưng đã nối tiếp con đường đó, như Vũ Ngọc Cân (người đã làm nên “kỳ tích” về lượng độc giả với cuốn sách dịch đình đám một thuở Những cậu con trai phố Pan cùng 1 số cuốn khác ), như Trương Đăng Dung, hay Nguyễn Võ Lệ Hà…
Song giới thiệu có lớp lang và ngày càng bền bỉ với độc giả đương đại Việt Nam về nền văn học đáng kinh ngạc của một đất nước bé nhỏ - đất nước có 10 triệu dân nhưng có tới 15 người được giải thưởng Nobel trên nhiều lĩnh vực, thì không thể không nhắc đến Giáp Văn Chung.
Dịch giả Giáp Văn Chung |
Say mê viết và dịch thuật, từ những năm tháng sinh viên, ông đã chuyển ngữ một số thi phẩm của các nhà thơ Hungary ra tiếng Việt: “Cái này có xuất xứ từ hồi sinh viên, vì tôi ở cùng phòng với rất nhiều bạn Hungary, trong đó có những bạn rất yêu văn học. Đến nhà họ tôi rất ngạc nhiên vì những tủ sách rất đầy đủ, sắp xếp rất khoa học. Và tôi cũng rất ngạc nhiên khi một nước nhỏ như Hungary mà có một nền văn học đáng kinh ngạc, đáng trân trọng, có chiều dày khoảng 1000 năm. Ngay từ khi lập quốc. văn học Hungary đã có những văn bản viết bằng tiếng Latinh đầu tiên. Và kể từ thế kỷ thứ 13 trở đi, thì đấy là một nền văn học phát triển liên tục, có nhiều tác gia lớn mang tầm châu Âu và thế giới. và giai đoạn từ thế kỷ 15 đến thế kỷ 19 là giai đoạn phát triển rực rỡ của văn học Hungary, đã để lại rất nhiều tác gia lớn, đặc biệt thi ca Hung được đánh giá là một nền thi ca đẹp và phong phú vào loại nhất ở Châu Âu.”
Tuy nhiên, cũng phải mấy chục năm lo chuyện “cơm áo gạo tiền” vốn không đùa bao giờ, đến khi cuộc sống gia đình ổn định, Giáp Văn Chung mới quay lại với mối tình đầu là Văn học Hungary.
Từ bước thử sức với Ngọn nến cháy tàn của Marai Sandor, được trước hết người Việt ở Hungary, sau đó là bạn đọc trong nước đón nhận; hơn chục năm qua, dịch giả Giáp Văn Chung đã đưa độc giả Việt Nam tiếp cận một số tên tuổi lớn của nền văn học lớn này qua các tác phẩm như: Những ngọn nến cháy tàn, Bốn mùa, Trời và Đất, Casanova ở Bolzano, Lời bộc bạch của một thị dân của Márai Sándor; Thế giới là một cuốn sách mở của Lévai Balázs; Không số phận, Kinh cầu cho một đứa trẻ không ra đời của của Kertész Imre; Cánh cửa của Szabó Magda, “bà hoàng của văn học Hungary” và Chiến tranh và chiến tranh của László Krasznahorkai...
Một số tác phẩm văn học Hungary do dịch giả Giáp Văn Chung chuyển ngữ |
Năm 2011, Nhà nước Hungary trao tặng Giáp Văn Chung giải Vì nền văn hóa Hungary, là giải thưởng Nhà nước được trao cho các công dân nước ngoài có những cống hiến lớn trong hoạt động giới thiệu, quảng bá các giá trị văn hóa Hungary, củng cố các mối quan hệ văn hóa giữa Hungary và các dân tộc khác trên thế giới.
Có lẽ, điều đặc biệt ở một số dịch giả văn học xuất thân từ ngành khoa học kỹ thuật, từ điểm sẵn có là tư duy khoa học logic, cộng với lòng yêu văn chương vô bờ bến khiến họ rẽ ngang để chia sẻ tình yêu đó với bạn hữu, nên những bản dịch của họ đều có những thành công nhất định, bởi tiếng nói từ trái tim luôn đến với trái tim. Khi được hỏi về điều này, dịch giả Giáp Văn Chung cho rằng:” Nếu có tình yêu văn chương, có niềm đam mê, khiêm tốn học hỏi (tôi luôn luôn quan niệm dịch cũng là học), thì vẫn có thể vượt qua được sự thiếu hụt về các kiến thức cơ bản mà các bạn học văn chương được đào tạo. Thực tế cũng cho thấy số dịch giả không phải người được đào tạo cơ bản về văn chương khá đông và cũng khá thành công.”
Thật nâng niu và cẩn trọng, Giáp Văn Chung mở rộng hơn Cánh cửa của văn học Hungary với bạn đọc Việt Nam, giới thiệu từng kho vàng lấp lánh trong nền văn học đó. Điều mong ước lớn của ông, là sẽ có thêm những người trẻ đồng hành, bởi dù Cánh cửa đã mở rộng, vẫn cần lắm những người đi tiếp, trên con đường rất nhọc nhằn của dịch thuật văn học.
“Văn học Hungary dù có nhiều tác gia và tác phẩm rất giá trị, vẫn chưa được biết tới ở mức xứng đáng tại Việt Nam.” Là một trong những ngôn ngữ khó bậc nhất thế giới, “sự dị biệt, đơn lẻ và xa lạ của ngôn ngữ Hungary, bên lề những đại gia đình ngôn ngữ Châu Âu” có lẽ là một trong những nguyên nhân khiến nền văn học Hungary đến giờ mới tiếp cận được nhiều hơn với độc giả Việt Nam.
|