(VOV5) - Sự nổi tiếng của “Truyện Kiều” đã trở thành một “cú hích”, khiến nhiều nhà nghiên cứu Trung Quốc muốn tìm hiểu thêm...
Tên tuổi của PGS.TS Hạ Lộ không còn quá xa lạ với độc giả Việt nhất là sau khi bà đã chuyển ngữ tiểu thuyết “Nỗi buồn chiến tranh” của nhà văn Bảo Ninh và tiểu thuyết “Số đỏ” của nhà văn Vũ Trọng Phụng sang tiếng Trung. Bên cạnh công việc dịch thuật, GS. Hạ Lộ còn có nhiều nghiên cứu khác về văn học Việt Nam, trong đó có “Truyện Kiều” của đại thi hào Nguyễn Du. Gần đây, bà đã góp mặt tại tọa đàm “Tân Thanh vì ai mà thương cảm” của khoa Văn học, Đại học KHXH & Nhân văn, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh để bàn về quá trình tiếp nhận “Truyện Kiều” ở Trung Quốc.
Hình ảnh minh họa nhân vật Thúy Kiều chơi đàn trên các ấn bản Truyện Kiều - Nguồn: Báo Thanh niên |
Khi bàn về tiểu thuyết “Nỗi buồn chiến tranh”, nhà văn Diêm Liên Khoa cũng từng nhắc đến việc nghiên cứu văn học Việt chưa được đánh giá xứng tầm ở Trung Quốc: “Bất luận cây lê nhà hàng xóm có kết trái to đến mấy cũng chỉ là trái táo nhỏ tầm thường”. PGS. Hạ Lộ cùng thừa nhận điều này. Tuy nhiên, cũng theo bà, việc nghiên cứu “Truyện Kiều” của đại thi hào Nguyễn Du có phần khả quan hơn. Thậm chí, sự nổi tiếng của “Truyện Kiều” đã trở thành một “cú hích”, khiến nhiều nhà nghiên cứu Trung Quốc muốn tìm hiểu thêm về “Kim Vân Kiều truyện” của Thanh Tâm tài nhân và nhân vật Thúy Kiều trong lịch sử: “Vương Thúy Kiều là một nhân vật lịch sử tồn tại vào thời Minh ở Trung Quốc. Những câu chuyện về Thúy Kiều đã trải qua nhiều diễn biến từ sử liệu, truyền thuyết đến tiểu thuyết, hí khúc, rồi lại từ tiểu thuyết, hí khúc đến truyện thơ, từ truyện thơ đến truyện dân gian. Đến tới cuối Minh đầu Thanh, sau khi Thanh Tâm tài nhân viết nên tiểu thuyết tài tử giai nhân “Kim Vân Kiều truyện”, câu chuyện này đã có một tầm ảnh hưởng vô cùng rộng rãi, lan xa tới tận Hàn Quốc, Việt Nam, Nhật Bản. Tuy nhiên, nếu nhìn trong toàn cảnh văn học lịch sử Trung Quốc thì tác phẩm không hề có vị trí quan trọng. Rất ít người Trung Quốc biết đến tác phẩm này. Có thể nói nhờ Nguyễn Du mà trong khoảng mấy mươi năm trở lại đây, chúng tôi đã phải tái nhận thức câu chuyện về Vương Thúy Kiều cũng như vị trí của “Kim Vân Kiều truyện” trong lịch sử văn học Trung Quốc. Chúng tôi vô cùng biết ơn Nguyễn Du về điều này. Cám ơn ông đã bằng tài hoa tuyệt thế của mình phục sinh một tác phẩm từ lâu chìm đắm trong bụi mờ lịch sử.”
TS. Nguyễn Thanh Phong, Đại học An Giang, người từng nghiên cứu “Truyền Kiều” nhiều năm, cũng đưa ra nhiều thông tin về “Kim Vân Kiều truyện” của Thanh Tâm tài nhân, tác phẩm mà Nguyễn Du đã vay mượn cốt truyện: “Có thể nói “Kim Vân Kiều truyện” thời Minh Thanh không phải là một tác phẩm ít người biết tới, tức là nó không phải là một tác phẩm quá nổi nhưng cũng không phải là một tác phẩm quá chìm. Bằng chứng là chúng ta thấy rằng trong quá trình phát triển, ra đời của tác phẩm này từ khi nó là sử liệu rồi lưu truyền trong dân gian dưới hình thức tiểu thuyết văn ngôn cho đến khi nó trở thành tiểu thuyết thoại bản, hí khúc rồi đến tiểu thuyết của Thanh Tâm tài nhân, chúng ta thấy rõ ràng nhiều tác giả quan tâm tới tác phẩm này. Tôi xin đưa ra một số ví dụ như Thái Cửu Đức có “Oa biến sự lược”, tiếp theo có “Vương Kiều Nhi truyện” của Từ Học Mô, rồi “Lý Thúy Kiều truyện” của Đới Sĩ Lâm, “Vương Thúy Kiều truyện” của Phùng Mộng Long, “La Long Văn truyện” rồi “Hồ Thiếu bảo bình Oa chiến công”.”
Cũng cần phải nói thêm rằng đã có nhiều học giả so sánh “Kim Vân Kiều truyện” và “Truyện Kiều”. Quan điểm không phải lúc nào cũng đồng nhất. Học giả Đào Duy Anh đã từng so sánh hai tác phẩm này một cách có hệ thống, xét ở cả hai góc độ nội dung lẫn nghệ thuật để đưa ra nhận định rằng: “Nguyễn Du giữ nguyên tích của tiểu thuyết Tàu, hầu như không thêm bớt chút gì. Song nguyên văn thì tự thuật rườm rà, tỉ mỉ, kết cấu theo một trật tự dễ dàng đơn giản, mà Nguyễn Du thì châm chước và sắp đặt lại thành một tổ chức có giàn giá chặt chịa, có mạch lạc khít khao.” Trong đó, vào khoảng năm 1986-1987, trong hai bài viết đăng trên “Minh Thanh tiểu thuyết luận tùng”, tác giả Đổng Văn Thành, một giáo sư văn học Trung Quốc từng đưa ra nhận định: “tôi thấy “Truyện Kiều” của Nguyễn Du bất luận về nội dung hay về nghệ thuật đều không vượt được trình độ của bản gốc”. Điều này đã từng gây xôn xao trong giới nghiên cứu văn học cổ điển. Về phía PGS.TS Hạ Lộ, bà cho rằng mặc dù vay mượn cốt truyện nhưng “Truyện Kiều” của Nguyễn Du đã có nhiều sáng tạo từ thể thơ lục bát đến cách gia giảm hoặc thêm vào các chi tiết. Bà đã có những ví von khá thú vị khi so sánh “Truyện Kiều” và “Kim Vân Kiều truyện”:
Nguyễn Du đã hết sức dụng công trong việc mĩ hóa hình tượng Thúy Kiều. Cũng giống như ngày nay chúng ta sử dụng các app để chụp ảnh cho xinh đẹp hơn và nhờ đó, một nhân vật vốn đã đẹp sẽ được mĩ hóa đến mức tuyệt sắc, không thể đẹp hơn được nữa. So sánh “Kim Vân Kiều truyện” của Thanh Tâm tài nhân và “Đoạn trường tân thanh” của Nguyễn Du thì các nhà nghiên cứu thường cho rằng Nguyễn Du quả thực là một thợ may giỏi bởi ông đã cải biên một tiểu thuyết khoảng 130.000 chữ thành một truyện thơ chỉ khoảng 23.000 chữ thôi, 1/6 dung lượng của nguyên tác để chuyển tải một câu chuyện có nội dung tương tự. Bậc thầy của tiểu thuyết và hí khúc của Trung Quốc là Lý Ngư đã nói biên soạn một vở kịch cũng giống như may áo. Ban đầu là cắt rời thành từng mảnh, sau đó là ghép nối những mảnh ấy thành một tác phẩm hoàn chỉnh. Cắt rời thì dễ nhưng ghép nối thì khó. Có thể thấy “Nghề chơi cũng lắm công phu” và Nguyễn Du đã thể hiện trọn vẹn tài hoa nghệ thuật của ông khi cắt tấm vải khổ lớn là “Kim Vân Kiều truyện”. Có điều theo quan điểm của cá nhân tôi, Nguyễn Du không chỉ là một thợ may giỏi mà còn là một nhà toán học giỏi. Ông đặc biệt thành thạo trong các phép cộng trừ. Ông không đơn giản chỉ ghép nối mà còn căn cứ vào tình huống cụ thể để có những xử lí vô cùng khéo léo.
Những nét đặc sắc đã góp phần tạo nên dấu ấn của “Truyện Kiều”, khiến “Đoạn trường tân thanh” trở thành kiệt tác của dân tộc Việt. Tuy nhiên, đây cũng là cái khó của người dịch, dù là ở tiếng Anh, Pháp hay gần gũi nhất với nhà nghiên cứu Hạ Lộ là tiếng Trung: “Bên này tôi đã đọc được bốn người dịch Truyện Kiều rồi. Đầu tiên xuất bản bản dịch Trung Quốc vào năm 1959 do giáo sư Hoàng Dật Cầu dịch. Sau đó thì đến năm 2006, Việt Nam xuất bản “Truyện Kiều đối chiếu Việt Trung” của học giả La Trường Sơn. Ông ấy là người Quảng Tây nhưng sinh ra và lớn lên ở Việt Nam. Đến năm 2011 thì Trung Quốc lại xuất bản bản dịch của Kỳ Quảng Mưu và sau đó, có giáo sư trường Đại học Bắc Kinh, giáo sư Triệu Ngọc Lan xuất bản bản dịch mới vào năm 2013.”
Theo PGS.TS Đoàn Lê Giang, Nguyên trưởng khoa Văn học, Đại học KHXH & Nhân văn, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, có nhiều cách tiếp cận “Truyện Kiều”. Cách của nhà nghiên cứu Hạ Lộ là từ góc độ mĩ hóa. Ông cũng đưa ra một vài so sánh về nàng Kiều ở Việt Nam và nàng Kiều ở Nhật Bản khi xứ sở Phù Tang cũng có nhiều bản dịch, phóng tác “Kim Vân Kiều truyện”: “Sự khác nhau giữa nhân vật Thúy Kiều và nhân vật của ông Bakin thì rõ ràng Ngư Tử là được Nhật Bản hóa. Cơ bản nhất là ông Bakin đã Nhật Bản hóa cô này rất là sâu sắc. Thứ hai là bình dân hóa, dân gian hóa và kể chuyện thì li kì hóa “Kim Vân Kiều truyện”, biến cô ấy thành người Nhật luôn, điều kiện hoàn cảnh cũng là Nhật hết. Ví dụ cô Hoạn Thư đánh ghen cô Thúy Kiều rất đẳng cấp, không bao giờ động chân tay. Thế nhưng cô Hoạn Thư ở trong “Kim Ngư truyện” đánh thường xuyên. Có lần cô Hoạn Thư của Nhật Bản bắt cô Ngư Tử lấy cái cây can con rắn và con mèo ra, lóng ngóng thế nào mà con rắn chui vào áo. Thế là cô ấy chết giấc một tuần lễ. Ông Bakin đã biến thành kiểu kể chuyện dì ghẻ con chồng mà đầy ải theo cái dạng đó là đầy ải bằng khổ chứ không phải đày ải bằng tâm lý như cô Hoạn Thư Việt Nam.”
“Truyện Kiều” của đại thi hào Nguyễn Du đã được dịch sang nhiều thứ tiếng. Có một số nhà Kiều học là người nước ngoài cũng cho thấy kiệt tác này đã được tiếp nhận một cách rộng rãi. Tuy nhiên, để có cái nhìn cận cảnh hơn về việc dịch và tiếp nhận “Truyện Kiều” trên thế giới thì việc tổ chức các tọa đàm như “Tân Thanh vì ai mà thương cảm” là cần thiết, giúp các chuyên gia lẫn các độc giả phổ thông hiểu thêm về kiệt tác của dân tộc.