Đồng bằng Sông Cửu Long góp sức tôn vinh "báu vật phương Nam"

(VOV5)- Festival Đờn ca tài tử Quốc gia lần 2, với chủ đề “Đờn ca tài tử Nam bộ - Bảo tồn và Phát triển”, đang diễn ra tại tỉnh Bình Dương từ ngày 8 đến 12/4.

Đồng bằng Sông Cửu Long góp sức tôn vinh
Một tiết mục trình diễn trong đêm khai mạc - Ảnh: Mai Huệ/ Thể thao văn hóa

Đội ngũ nghệ nhân tiêu biểu và những người làm công tác văn hóa của các tỉnh, thành khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long có nhiều tiết mục đặc sắc đóng góp cho Festival. Qua đó, góp phần tạo nên một Festival đậm đà truyền thống văn hóa nghệ thuật Đờn ca tài tử của người dân Nam Bộ.


Các tỉnh như Long An, Tiền Giang, Hậu Giang, Vĩnh Long, Kiên Giang đều nỗ lực và quyết tâm cao khi tham gia Festival Đờn ca Tài tử lần thứ 2. Chương trình dự thi của tỉnh Long An có chủ đề “Ngọc trời phương Nam” gồm 5 tiết mục do những tài tử xuất sắc của địa phương thể hiện. Tỉnh Hậu Giang trình diễn chương trình mang tên “Ngã Bảy vọng tiếng tơ đồng”, với mô hình ấn tượng là thuyền văn hóa có sân diễn tài tử trên mui vào Không gian nghệ thuật của tỉnh. Chương trình của tỉnh Bạc Liêu có chủ đề “Giữ mãi hồn quê”, với 6 tiết mục hòa đờn, độc tấu, hòa ca, ca ra bộ, ca bài bản và ca vọng cổ. Trong đó, hầu hết bài bản tài tử được viết lời mới, được nghệ nhân, tài tử gạo cội thể hiện. Ông Vưu Long Vỹ, Giám đốc Trung tâm văn hóa Bạc Liêu, cho biết: “Tham dự Festival đờn ca tài tử lần này, chúng tôi với phương châm cùng nhau bảo vệ và phát huy đờn ca tài tử, cùng cất cao tiếng hát, lời ca, giọng đờn để làm cho ngày hội sinh động, góp phần cho cuộc Festival này thành công tốt đẹp cũng góp phần thắt chặt hơn tình nghĩa của 2 tỉnh miền Đông, miền Tây. Nét nữa của  tỉnh Bạc Liêu lần này là nghệ nhân đờn là những người Nam còn lại nghệ nhân ca đều là nữ các thế hệ từ người trung niên, thanh niên đến các bé mầm non.”


Hơn 50 anh chị em tài tử, nghệ nhân, soạn giả của thành phố Cần Thơ tham gia Festival lần này cũng đều  quyết tâm tạo được điểm nhấn tại sự kiện. Đạo diễn, nghệ sĩ Nhật Danh, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa thành phố Cần Thơ, nhấn mạnh: “Toàn bộ anh em nghệ nhân của thành phố Cần Thơ đều dốc hết sự quyết tâm đem hết sức mình biểu diễn. Chương trình của mình tham gia phải có một dấu ấn được sự đầu tư một cách chỉn chu và phát huy được phong trào đờn ca tài tử của địa phương.”


Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ (còn gọi là Đờn ca tài tử) là loại hình nghệ thuật dân gian đặc trưng của Việt Nam, được hình thành và phát triển từ cuối thế kỉ 19. Đờn ca tài tử là nghệ thuật của đờn (đàn) và ca, do những người bình dân Nam bộ sáng tác để hát chơi sau những giờ lao động. Chính vì những nét đọc đáo, Nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ của Việt Nam được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa (UNESCO) công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác