(VOV5) - Đạo diễn Xuân Bắc đã có những sáng tạo ra cái mới, khai thác được lợi thế của kịch nói.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Vở diễn “Đêm trắng” của cố tác giả Lưu Quang Hà, được đạo diễn, NSƯT Xuân Bắc dàn dựng với sự thể hiện của gần 100 nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát kịch Việt Nam và sinh viên trường ĐH Sân khấu, Điện ảnh HN đã tạo được hiệu ứng tốt. Nhiều gương mặt nghệ sĩ tài năng đã vào vai như: Nghệ sĩ Minh Hải (vai Bác Hồ), NSƯT Trịnh Mai Nguyên (vai Đại tá Hoàng Trọng Vinh), NSND Việt Thắng, các NSƯT Đình Chiến, Minh Hiếu, Tạ Tuấn Minh... thành công.
Một cảnh trong vở diễn Đêm trắng của Nhà hát kịch Việt Nam do đạo diễn Xuân Bắc dàn dựng. |
Kịch bản được viết dựa trên một câu chuyện có thật trong thập niên 1950, khi toàn dân, toàn quân ta dồn sức người, sức của cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Bên cạnh không khí hừng hực của kháng chiến là nỗi lo thiếu lương thực, khiến Bác Hồ và toàn thể quân dân trong khu ATK đều phải mỗi tuần nhịn ăn một bữa, mỗi ngày dành một vốc gạo bỏ vào hũ gạo tiết kiệm cho kháng chiến. Màu sắc dường như u ám hơn khi đại tá Hoàng Trọng Vinh đối lập với tất cả, lao vào ăn chơi hưởng lạc với rượu vang, hoa, âm nhạc, mỹ nhân…, bất chấp hi sinh của chiến sĩ để phục vụ những lạc thú đó.
Chính em trai đại tá Vinh là luật sư, chiến sĩ Hoàng Trọng Dũng đã đấu tranh, tố giác anh mình, thanh lọc những phần tử thoái hóa biến chất khỏi đội ngũ cán bộ. Bác Hồ đã có nhiều đêm trắng để xử vụ đại án tham nhũng này, án tử hình đã được đưa ra cương quyết và đầy đau đớn đối với kẻ phản bội cuộc cách mạng của nhân dân.
Dựng lại vở diễn này, có khá nhiều áp lực đối với một đạo diễn lần đầu “ra quân” như Xuân Bắc. PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ đã phân tích: “NSUT Xuân Bắc đi vào con đường người khác đã đi và đây là một thử thách vì trong nghệ thuật nếu không khéo thì anh đi vào lối mòn. Đây là một vở chính kịch, đề cao thượng tôn pháp luật nhưng trong đó cũng lại đề cao tình cảm của Bác. Bác là một lãnh tụ nhưng Bác cũng là một con người. Bác nhìn ông Trần Dụ Châu là một kẻ có tội nhưng bác cũng nhìn cả gia đình họ. Bác đời thường nhưng để đề cao phép nước thì Bác cũng sẵn sàng vì cái chung. Tôi cho rằng đạo diễn Xuân Bắc đã có những sáng tạo ra cái mới, khai thác được lợi thế của kịch nói.”
NSUT Xuân Bắc đã tìm được cách để mở kịch bản: “Tôi dựng lại kịch bản Đêm trắng dưới góc nhìn của tôi về Bác, dưới góc nhìn của tôi vì về một sự kiện có thật đã diễn ra trong lịch sử. Tôi có chia sẻ với các diễn viên của tôi, vở kịch này, với lời thoại này tôi cần có hai niềm tin. Niềm tin thứ nhất là niềm tin của nhân vật vào những câu mà mình đang nói. Niềm tin thứ hai là niềm tin của chính chúng ta những người của hôm nay. Và quả nhiên khi diễn với những niềm tin đó thì chúng tôi đã thổi được đến với khán giả để khán giả thấy được ý chí và lòng quyết tâm, sự chân tình, mộc mạc, chia sẻ ấm áp của Bác. Tất cả những điều đó nó diễn ra một cách rất tự nhiên...”
Một cảnh trong vở diễn. |
Một trong những điểm được đặc biệt chú ý của vở diễn là vai Bác Hồ được giao cho nghệ sĩ Minh Hải. Nhờ vào nhiều tiểu phẩm trước đây từng thủ vai Bác Hồ, nhờ vào ngoại hình tương đối giống, anh đã hoàn thành vai diễn khó này
Cái khó nhất của Minh Hải là hình tượng của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn và mãi mãi sống trong tất cả người dân. Minh Hải vẫn phải bám sát chủ đề, bám sát nhân vật, bám sát tư tưởng... Có một cái sự thay đổi đó là cái hơi thở hôm nay, là diễn xuất đời thường, gần gũi hơn.
Nhờ vào việc cân bằng giữa những mẩu chuyện đầy máu và nước mắt của một thời cách mạng rất khó khăn, đạo diễn vẫn giữ sở trường hài hước của mình để đan xen, đưa một loạt những tình tiết hài hước mà duyên dáng được đan cài suốt vở kịch. Đạo diễn lý giải
Những chi tiết hài hước dí dỏm của đời sống hằng ngày buộc phải đưa vào bởi vì nếu không đưa vào thì nhân vật sẽ bị cương. Bí quyết khi tôi dựng vở đó chính là tất cả các nhân vật đều phải có sức sống riêng và sức sống đó phải được thuyết phục thông qua những hành động diễn, thông qua những cử chỉ, thông qua những hoạt động... Trong vở Đêm trắng có hai tuyến nhân vật rất rõ ràng. Một tuyến là những nhân vật chính diện mà mà biểu trưng rõ nét rõ nét nhất đó chính là Bác Hồ. Một tuyến nhân vật là đại tá Đại tá Hoàng Trọng Vinh... Tôi còn nhớ Minh Hải hôm đó hưng phấn, căng thẳng quá, có tát Hoàng Trọng Dũng rất mạnh, đỏ cả má. Nhưng trên thực tế, Bác chỉ tát nhẹ vào má Dũng để Bác nói câu chuyện rằng, tay bác là tay nhà văn tát yêu một cái mà cũng đau. Như vậy, cháu đánh các chiến sĩ thì họ đau như thế nào...”
Vì thế, vở diễn đã trở nên dễ tiếp nhận hơn trong một câu chuyện nặng nề về phiên tòa nhiều giằng xé đớn đau vì sự biến chất của đồng đội. Đây là một lựa chọn thông minh của đạo diễn, để lại những ấn tượng tốt, những nhận xét tích cực từ người xem. Nhà báo Hà Tùng Long đánh giá: “Vở kịch rất là tự nhiên. Trong bi mà cũng có yếu tố hài nhưng cái hài đấy không làm cho người ta quên đi câu chuyện kịch mà nó càng khơi dậy cho người ta những sự suy ngẫm.”
Trong những đêm diễn đầu, khán giả đánh giá tốt về vở, tuy nhiên, vẫn còn mong muốn vở diễn được trau chuốt tốt hơn, gọn gàng và hợp lý hơn, không kéo dài tới 2 tiếng rưỡi. Gọt sửa những cảnh còn dàn trải như cảnh trong nhà giam đại tá Vinh, vài lời thoại thừa thông tin, thay cảnh mất nhiều thời gian… Nhìn chung, đây là lần “ra mắt” của Xuân Bắc trong vai trò đạo diễn khá thành công.