(VOV5) - "Nếu các bạn có thời gian đọc những cuốn sách của tác giả này, các bạn sẽ tìm thấy thức ăn cho tâm hồn của mình."
Từ ngày 4/10 – 9/10, tại Hà Nội diễn ra chương trình quảng bá văn học và văn hóa Nga tại Việt Nam trong khuôn khổ thỏa thuận cấp nhà nước giữa LB Nga và Việt Nam.
Đây là lần đầu tiên các nhà văn lớn của LB Nga như Evgeny Vodolazkin, Afanasy Mamedov, Evgeny Chigrin, Anna Strokina đế thăm và làm việc tại Hà Nội. Tham dự các hoạt động còn có Tổng biên tập báo Văn học Maxim Zamshev, Giám đốc điều hành Viện Dịch thuật Evgeniy Reznichenko, nhà sử học và tác giả của nhiều dự án văn hóa nổi tiếng Anna Esparsa.
Dịch giả văn học Nga Phan Xuân Loan tham gia chương trình này trong buổi Đối thoại với tác giả về cuốn tiểu thuyết “ Phi công” - nhà văn đương đại nổi tiếng Evgeny Vodolazkin.
Nhà văn Evgeny Vodolazkin và dịch giả Phan Xuân Loan (ngoài cùng bên phải) tại buổi giao lưu, gặp mặt với giảng viên, sinh viên Khoa ngôn ngữ và văn hóa Nga - Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội. - Ảnh: Hoàng Hằng
|
Tiểu thuyết “Phi công” của Evgeny Vodolazkin, như lời nhà phê bình văn học Nga Pavel Basinsky, “đó không phải là tiểu thuyết lịch sử trong cái nghĩa chặt chẽ của nó”. “Trong “Phi công”, nhiều vấn đề đương đại được đặt ra, nhân vật thậm chí đóng phim quảng cáo, trở thành ngôi sao truyền thông. Nhưng tất nhiên, đó không phải là tiểu thuyết về thời đương đại. Đó là tiểu thuyết về việc chúng ta cần có thái độ đối xử với thế kỷ XX như thế nào: nguyền rủa nó hay tự sám hối? Tác giả thiên về tư tưởng sám hối.”
Dịch giả Phan Xuân Loan chia sẻ với phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam về cuốn tiểu thuyết nổi bật này của văn học Nga đương đại, cũng như tình hình xuất bản sách văn học Nga ở Việt Nam.
Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:
PV: Thưa dịch giả Phan Xuân Loan, chị có thể chia sẻ tại sao chị lại chọn dịch Evgeny Vodolazkin trong số các tác giả Nga đương đại?
Dịch giả Phan Xuân Loan: Tác giả Evgeny Vodolazkin là một trong những nhà văn đương đại nổi tiếng nhất hiện nay. Ông vốn là nhà ngôn ngữ học, chuyên nghiên cứu về văn học Nga và lịch sử Nga thời Trung cổ.
Tờ báo Anh The Guardian số ra năm 2017 đã xếp ông là một trong những nhà văn viết hay nhất về Chúa trời . Ở Nga có hai nhà văn là Fyodor M. Dostoyevxky với tác phẩm Anh em nhà Karamazov, và nay là Vodolazkin với cuốn sách Lavr. Ông cũng được xếp thứ 25 trong số 112 nhà văn Nga nổi tiếng nhất. Đặc biệt ông xếp thứ hạng cao nhất trong số các nhà văn Nga còn sống. Bảng xếp hạng này là của tạp chí Russia beyond the headlines số ra tháng 8/2017(Đây là cổng thông tin tiếng Anh về văn hóa du lịch, giáo dục và ngôn ngữ Nga).
Với cuốn Lavr - nhờ đó mà Vodolazkin được xếp vào danh sách nhà văn viết về Chúa Trời hay nhất thế giới - cuốn sách này đã mang đến cho ông hai giải thưởng cao quý nhất của văn học Nga hiện đại: Gỉai Sách lớn và Giải Yasnaya Polyana ngay trong năm 2013. Tức là cuốn sách ra năm 2012 thì năm 2013 đã giành được hai giải thưởng lớn nhất, và là hai giải thưởng cao quý nhất của văn học Nga hiện đại. Cuốn sách đã được in 150.000 bản.
Và cuốn sách tiếp theo, cuốn thứ hai, cũng là cuốn tôi chọn dịch, xuất bản năm 2016, là cuốn Aviator - tôi tạm dịch là Phi công. Các tiểu thuyết tiếp theo của ông hầu hết đều đoạt các giải thưởng lớn ở trong và ngoài nước Nga. Đó là lý do vì sao mà tôi chọn dịch tác giả này.
PV: Vậy tại sao chị không chọn dịch tác phẩm đầu tiên đã đoạt hai giải thưởng lớn, mà lại chọn Phi công để chuyển ngữ ra tiếng Việt?
Dịch giả Phan Xuân Loan: Tôi xin nói sơ về nội dung tác phẩm này để các bạn có thể hình dung: Cuốn sách kể về nhân vật Platonov, sinh năm 1900 và bị đóng băng trong một thí nghiệm khoa học, rồi bị lãng quên suốt từ năm 1932 đến năm 1999. Mãi đến năm 1999, nhân vật mới được giải đông, và dù tuổi đời sinh học đã được 99 tuổi nhưng nhìn bên ngoài anh chỉ mới trông như 30 tuổi.
Khi được giải đông, anh chìm vào hồi tưởng những năm tháng đã sống. Và trong cả hành trình tìm hiểu đời mình đã bị đánh mất trong suốt mấy thập kỷ bị đóng băng - qua hình dung là những mô tả của nhân vật - thì ta thấy lại nước Nga trong giai đoạn thập niên 1930 và sau đó thập niên 1990.
Với những ai quan tâm tới Liên Xô và nước Nga, cuốn sách này sẽ mang đến một góc nhìn cá nhân nhưng không kém cỏi chút nào, không nhỏ bé chút nào về kỳ tích của lịch sử, về tính vấn đề. Vì thế tôi chọn dịch cuốn sách này để chia sẻ góc nhìn đó.
Vì sao tôi không dịch cuốn đầu tiên đã đoạt cả hai giải sách lớn - cuốn Lavr, một trong những lý do là cuốn sách này thiên về tôn giáo, viết về một nhân vật thời trung cổ và là một thầy thuốc, rất khó dịch. Nên tôi nghĩ trước tiên độc giả cần biết đến giọng của Evgeny Vodolazkin trong quyển Phi công, sau khi độc giả đã quen giọng của Vodolazkin rồi, khi đó tôi mới hy vọng sẽ tiếp tục giới thiệu được Lavr - cuốn đầu tiên mà nổi tiếng nhất của ông.
PV: Từ góc độ dịch giả, chị cho rằng cuốn tiểu thuyết Phi công của nhà văn Evgheni Vodolazkin sẽ mang tới những lợi ich gì cho độc giả?
Dịch giả Phan Xuân Loan: Như tôi đã nói, đây là một trong những tiếng nói đặc sắc nhất trên văn đàn Nga đương đại. Như chúng ta biết văn học Nga sau các tác phẩm kinh điển đã được dịch rất nhiều ở Việt Nam, thì gần đây văn học Nga chưa được giới thiệu nhiều ở Việt Nam so với thời văn học kinh điển. Nếu bạn đọc Phi công, bạn sẽ có thêm một giọng Nga trong kho tàng văn học Nga của mình. Ngôn ngữ của ông trong cuốn sách này dung dị nhưng hàm súc, thông minh, điềm đạm nhưng rất hóm hỉnh. Do đó tôi nghĩ cuốn sách rất thú vị.
Giá trị thứ hai mà tôi nghĩ cuốn sách có thể mang đến cho độc giả Việt Nam, là trong thời internet và truyền thông đa phương tiện hiện nay, chúng ta bị lôi cuốn bởi những tiện ích của công nghệ, của internet và truyền thông đa phương tiện, cho nên có lúc - như nhà văn Vodolazkin có lần đã ví von, ông lo sợ là con người có thể bị đột biến thành "người lưỡi" hoặc "người ngón tay". Tại sao ông dùng những từ này, bởi vì theo như ông con người bây giờ phải đối mặt với rất nhiều chương trình truyền hình, talk show - những nơi người ta nói rất nhiều, nói hầu như không kịp nghỉ, từ tuôn ra nhưng lại vô vị, không hàm súc và không tập trung như nhiều thập niên trước. Tại sao lại "người ngón tay", vì ngón tay chúng ta lướt phím, ít khi bạn thấy con người hiện đại cầm một cuốn sách ngồi trên xe bus, trên metro. Do đó chúng ta bị chìm trong những điều mà ông nói nó không đặc trưng lắm để có thể phát triển được giá trị nhân văn của con người.
Việc đọc cuốn sách mang lại lợi ích gì, tôi nghĩ cũng trong cái dòng như tôi nói hồi nãy, cứ mỗi lần tôi đọc lại những cuốn sách của ông (Lavr hoặc Phi công) tôi đều phát hiện ra những chất liệu mới cho mình tư duy. Tôi nghĩ nếu các bạn có thời gian đọc những cuốn sách của tác giả này, các bạn sẽ tìm thấy thức ăn cho tâm hồn của mình.
Xin cảm ơn dịch giả Phan Xuân Loan.