(VOV5) - Chất trẻ ở đây nên hiểu theo khía cạnh là sự tươi mới, năng động cùng sự nhạy bén trong cách nhìn nhận và đặt vấn đề
“Festival Mỹ thuật trẻ” được tổ chức định kỳ 3 năm một lần nhằm giới thiệu những sáng tác mới, những gương mặt mới của các nghệ sỹ trẻ từ 18 đến 35 tuổi. Năm nay tròn 10 năm “Festival Mỹ thuật trẻ” được tổ chức. Sau hơn 6 tháng phát động, ban tổ chức “Festival Mỹ thuật trẻ 2017” đã nhận được gần 400 tác phẩm của 185 tác giả gửi đến tham dự. Hội đồng nghệ thuật của Festival đã tuyển chọn 95 tác phẩm của 80 tác giả để trưng bày, trong đó 18 tác phẩm xuất sắc đã được trao giải thưởng gồm: 4 giải Nhì, 6 giải Ba và 8 giải Khuyến khích.
Khán giả trước tác phẩm "Hình dung" của Đoàn Thị Ngọc Anh - Ảnh: Hồng Bắc/VOV |
Khác với ba kỳ Festival trước, lần này được diễn ra tại không gian Trung tâm nghệ thuật đương đại Vincom Hà Nội hiện đại góp phần cho các tác phẩm trưng bày được hiệu quả tốt nhất. Sức trẻ, sự tươi mới luôn là không khí nghệ thuật đặc trưng của Festival, hội tụ nhiều loại hình, thử thách và khám phá các hình thức, thái độ tạo hình thị giác khác nhau. Những tác phẩm đoạt giải là những tác phẩm rõ ràng, nổi trội về ý tưởng cũng như giải pháp tạo hình.
Phát biểu tại Lễ trao giải cũng như Lễ khai mạc Triển lãm, ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật “Festival Mỹ thuật trẻ 2017” cho biết: “Tại Festival năm nay, những dấu hiệu của tài năng đã hé mở, tư duy sáng tạo cởi mở, chủ động, tự do. Và cái hay nữa là ngôn ngữ nghệ thuật đã được biểu hiện rất rõ nét. Các tác giả trẻ nhưng đã tỏ ra vượt xa và làm chủ ngôn ngữ nghệ thuật của mình đang theo đuổi, đang sáng tạo. Cái ý tưởng nghệ thuật được chuyển ngữ bằng ngôn ngữ nghệ thuật thực sự hiệu quả, chứ không còn chấp chới giữa việc chạy theo sự kiện hay là minh họa văn học”
|
Đề cập chất trẻ ở kỳ Festival năm nay, nghệ sĩ Nguyễn Như Huy (Giám đốc nghệ thuật, Không gian nghệ thuật Ga 0, TP.HCM) đã viện dẫn câu nói của danh họa Picasso, rằng phải mất rất nhiều thời gian con người mới có thể trẻ được. Vì vậy, khái niệm già - trẻ ở đây cũng chỉ mang tính chất như một barem để lựa chọn các nghệ sĩ tham gia. Chưa kể trong nghệ thuật thì chất lượng chuyên môn rất cần sự già dặn, chững chạc. Chất trẻ ở đây nên hiểu theo khía cạnh là sự tươi mới, năng động cùng sự nhạy bén trong cách nhìn nhận và đặt vấn đề. Công chúng nhận thấy sân chơi Festival có nhiều tác phẩm có được điều này, tuy nhiên không hẳn nó đã đạt được đến mức như kỳ vọng của tất cả…
Là người tham gia kỳ Festival đầu tiên, lần này đến tham quan triển lãm với tư cách là người thầy và đã tạo dựng được chỗ đứng của mình trong nền mỹ thuật nước nhà, họa sĩ Trần Hậu Yên Thế không tránh khỏi đôi chút bâng khuâng: “Đến với Festival mỹ thuật trẻ này tôi có nhiều cảm xúc: Cảm xúc của người từng là nghệ sĩ trẻ, cảm xúc của một người từng là thành viên của hội đồng nghệ thuật. Với góc nhìn như vậy thì tôi cảm nhận được, thứ nhất là niềm vui về quy mô và điều kiện tổ chức triển lãm; thứ hai, người nghệ sĩ trẻ thực sự đã khẳng định được mình với trình độ và tay nghề. Và họ không còn vướng những khiếm khuyết đôi chỗ còn vụng dại như những tác phẩm của chúng tôi dự thi ban đầu”
Nghệ sĩ Ly Hoàng Ly chia sẻ, Festival Mỹ thuật trẻ 2017 cho thấy triển vọng của loại hình điêu khắc kết hợp với nghệ thuật sắp đặt. Điều đó thể hiện ở ngay cả các tác phẩm hội họa, vốn được coi là ngôn ngữ tạo hình truyền thống hơn so với sắp đặt, nghệ thuật trình diễn hay video art. Như đồ họa chẳng hạn, người nghệ sĩ không bằng lòng với việc chỉ chuyển tải sáng tạo qua kỹ thuật vẽ đồ họa mà đã đem không gian ba chiều vào tác phẩm thông qua sắp đặt, biến tác phẩm đồ họa thành một khối điêu khắc.
Tác phẩm “Hình dung” của nghệ sĩ trẻ Đoàn Thị Ngọc Anh, 26 tuổi ở Hà Nội đã thể hiện rất rõ điều này. Qua chất liệu đồ họa in kẽm, mỗi gương mặt người thể hiện một cảm xúc khác nhau. Sau đó tác giả sắp đặt những bức tranh vẽ gương mặt người ấy theo vòng tròn thể hiện cho vòng quay của thời gian.
Đoàn Thị Ngọc Anh “bật mí” về ý tưởng hình thành tác phẩm đạt giải Nhì và được Hội đồng nghệ thuật đánh giá rất cao: “Ý tưởng hình thành tác phẩm này nảy ra trong quá trình tôi bị stress quá nhiều. Tôi đã nhớ lại những người mà tôi đã gặp từ thuở ấu thơ cho đến bây giờ. Có những người mình gặp nhiều lần, nhưng cũng có những người chỉ gặp một lần rồi không bao giờ gặp lại nữa. Họ là những người trong quá khứ đã giúp cho mình trưởng thành hơn, giúp cho con người mình hoàn thiện hơn về nhân cách về cảm xúc. Cả cuộc đời sẽ còn gặp nhiều người nữa nhưng những người mình đã gặp thì sẽ không bao giờ quên…Festival này là cơ hội để tôi đưa tác phẩm của mình giới thiệu tới công chúng.”
Bên cạnh sức trẻ và sự tươi mới, thế hệ đi trước cũng mong ngóng tìm kiếm những yếu tố lãng mạn, phiêu lưu trong hành trình sáng tạo của các nghệ sĩ trẻ. Dù Festival 2017 đã chọn ra được những tác phẩm hay, có chất lượng chuyên môn để giới thiệu đến công chúng nhưng theo họa sĩ Trần Hậu Yên Thế, nếu chỉ dừng lại ở đó thì chưa thực sự phản ánh đúng với tinh thần sáng tạo trẻ. Người trẻ thường sở hữu “cái ngông thị giác”. Cái “ngông” ấy dễ tạo ra đột phá trong ý tưởng và hành động. Đột phá vượt bậc thì tạo nên sự xuất sắc: “Nhìn nhận lại tôi thấy vẫn thấy hơi thiếu những cái đột phá, tìm tòi về chất liệu, về cách thể hiện, về các chủ đề, cách đặt vấn đề và các tâm trạng nghệ thuật cũng như tâm trạng của đời sống...Cũng như lần này thiếu vắng các hình thức nghệ thuật đương đại như trình diễn, body art, vidio art”
Cùng chung sự tiếc nuối, họa sĩ Vũ Bạch Liên-thành viên Hội đồng nghệ thuật cho biết, nghệ sĩ hôm còn có nhiều cơ hội tiếp cận thêm những khuynh hướng nghệ thuật và kỹ năng sáng tạo mới, được tự do bày tỏ quan điểm nghệ thuật của mình thông qua “thế giới số”. Điều này rất thuận lợi cho quá trình sáng tạo nghệ thuật: “Tuy nhiên, qua các tác phẩm tham gia Festival lần này, các nghệ sĩ trẻ Việt Nam lại dường như đang bộc lộ sự thận trọng và rụt rè trong cách đặt vấn đề, ý đồ nghệ thuật và cách thức sáng tạo tác phẩm. Các tác phẩm hay, độc đáo dường như vẫn còn ít và quá thiếu mảng tác phẩm video art, body art...Tôi hy vọng các bạn mạnh dạn hơn nữa. Chúng ta có thể không giàu có nhưng trẻ đã là một sự đặc biệt và giàu có. Vì thế hãy làm một điều gì đó để chúng ta không nuối tiếc”.
Vâng “Chúng ta có thể không giàu có nhưng trẻ đã là một sự giàu có”. Vì thế, những điều còn thiếu, còn theo lối mòn không phải là sự thách thức mà đó là sự chờ đợi và hy vọng. Chờ đợi để thấy sự xuất sắc, những sáng tạo độc đáo trong những kỳ Festival sau.