(VOV5) - Cuốn sách mang đến một cái nhìn đa diện về một thế hệ trẻ những người Việt hiện đại.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Những tác giả trong 30 câu chuyện của “Gần như là nhà” phần lớn thuộc thế hệ Y, hay còn gọi là thế hệ 8X đầu 9X, những người sinh ra ở thời kỳ Việt Nam hội nhập nên có cơ hội và sự tự tin đi khắp thế giới. Nhưng chính lúc họ đứng giữa các nền văn hoá là lúc họ băn khoăn, trăn trở giữa các lựa chọn.
Những suy nghĩ giữa cái cũ và mới, giữa quê hương nơi họ sinh ra và nơi họ đang vật lộn sinh tồn, giữa việc trở về Việt Nam hay tiếp tục ở lại nơi xứ người. Họ là ai trong thế giới đầy biến động này, họ băn khoăn về danh tính, và đặc biệt câu hỏi nơi đâu là nhà dường như trở thành một ý niệm xuyên suốt trong cuốn sách.
Nhà văn Trương Quý nhận xét: “Tôi nghĩ rằng họ không hoang mang, họ là thế hệ dám đặt ra sự hoang mang trong ý niệm, bản sắc. Họ tìm cách khắc phục điều đó chứ không còn che dấu nữa. Tôi rất kính trọng những bạn trẻ thế hệ Y, Z, họ đã vượt qua rào cản ngại ngùng, những điều vốn mà người Việt rất hay thể hiện ra trong giao tiếp với cộng đồng xa lạ, xung đột văn hoá dễ làm người ta chạnh lòng.
Theo tôi cuốn sách này đối với những người làm việc về nghiên cứu nhân họ ở Việt Nam, có thể tìm thấy những mẫu người, câu chuyện, mẫu có tác dụng để khảo sát. Bởi vì ở đây toàn những bạn có profile rất tốt”.
Nói họ là thế hệ những người dũng cảm cũng không sai, thay vì bảo thủ với suy nghĩ “nhà” luôn là một khái niệm cố hữu, họ dũng cảm đối mặt với nỗi hoang mang, đặt câu hỏi nơi đâu là nhà, mình là ai, để rồi từ đó mỗi người tự tìm thấy câu trả lời cho riêng mình.
Toạ đàm: Người trẻ bước ra thế giới - nơi đâu là nhà? giao lưu cùng các tác giả của cuốn sách "Gần như là nhà" |
Là một người sống theo chủ nghĩa “xê dịch”, Nhà văn Trương Anh Ngọc, tác giả cuốn “Nghìn ngày nước Y, nghìn ngày yêu” lý giải về khái niệm “danh tính” và “nhà” trong thế hệ những người Việt trẻ: ‘Thế hệ trẻ bây giờ đặc biệt là thế hệ Y, họ là những người đi ra thế giới và là công dân toàn cầu. Ranh giới giữa việc họ là ai rất mong manh. Việc họ là ai không đơn thuân họ là con của nước nào, con của bố mẹ nào. Họ là chính họ, và họ có gì trong tâm hồn của họ.
Đó là lí do tại sao, tôi càng đi tôi càng nghiệm ra rằng nhà không chỉ đơn thuần là bốn bức tường và một cái trần, nhà là nơi ta cảm thấy hạnh phúc nhất, khoảnh khắc ta thấy vui vẻ nhất, vậy thì nhà có thể là khắp nơi trên thế giới này”.
Toạ đàm: Người trẻ bước ra thế giới - nơi đâu là nhà? giao lưu cùng các tác giả của cuốn sách "Gần như là nhà" |
Tới mỗi miền đất, những người trẻ khám phá sự khác biệt trong văn hoá, tôn giáo, ngôn ngữ và từ đó có cái nhìn đa diện hơn về bản thân và quê hương mình. Rất nhiều bài viết trong cuốn sách đề cập đến vấn đề này. Trong “Ở đâu đó luôn có Plan B”, tác giả Chi Nguyễn, một nghiên cứu sinh ở Mỹ đã chia sẻ về những khám phá thú vị của cô về ngôn ngữ - những điều mà chỉ khi bước ra thế giới và nhìn lại, cô mới chiêm nghiệm được rõ ràng nhất.
Chi Nguyễn bộc bạch: “Tôi nhận ra khi ở Việt Nam, tiếng Anh của tôi so với mặt bằng chung là khá bởi tôi giao tiếp bình thường với người nước ngoài, đồng nghiệp, giáo sư. Nhưng khi sang bên Mỹ tôi thấy rất nhiều người không nghe được giọng của mình, mình phải nhắc lại hoặc nói chậm lại rất nhiều để cho họ hiểu và phải phát âm rõ hơn.
Cuốn sách "Gần như là nhà" (NXB Trẻ, 2019) |
Sau này tôi mới hiểu tại sao, đó là bởi những giáo sư và bạn bè mình khi đến Việt Nam, họ là những người cởi mở và nghe những âm điệu Việt Nam quen rồi nền họ dễ nghe mình hơn và mình dễ hiểu họ hơn. Khi sang Mỹ, lâu dài tôi phát hiện ra là tôi phải luôn trau dồi vốn tiếng Anh của mình thì mới có thể hoà nhập được”
Vanessa Muhleim lại là một trường hợp khác với hầu hết những tác giả còn lại trong cuốn sách. Cô sinh ra và lớn lên tại Pháp, cha là người Pháp, và mẹ là người Pháp gốc Việt. Nếu như mọi người tìm thấy “nhà” ở xứ xở khác, hay có những người đang loay hoay và mãi cảm thấy nơi mình đang sống chỉ “gần như là nhà” thì Vanessa lại chọn Việt Nam là ngôi nhà vững chãi của mình.
Cô tâm sự, nếu như thế hệ trẻ gốc Việt sống ở nước ngoài thường hay tự ví mình như quả chuối, bên ngoài vàng, bên trong trắng thì Vanessa ngược lại, như một quả trứng luộc, vỏ trắng nhưng bên trong vàng – ngoại hình của một người Pháp nhưng lại mang tâm hồn của người Việt Nam.
Các tác giả tham gia ký sách |
Vanessa tâm sự: “Em cũng nghĩ bây giờ là thế kỷ 21, thế giới phẳng, em nghĩ rằng đôi khi việc bạn từ đâu đến không quan trọng bằng việc bạn muốn đi đâu. Nếu bạn hợp giá trị của đất nước này, ẩm thực của một nước khác, thậm chí cả tín ngưỡng của một nước khác thì, thậm chí cả tín ngưỡng của một nước khác thì đó là đặc tính do bạn tự lập cho bạn. Còn em mặc dù bên ngoài không giống mọi người Việt nhưng bên trong em là màu vàng”
“Gần như là nhà” có lẽ là cuốn sách không chỉ dành riêng cho những người đã, đang và sẽ học tập sinh sống làm việc ở nước ngoài, mà dành cho nhiều lứa tuổi độc giả, những người muốn tìm hiểu về một thế hệ những người Việt trẻ dám đối diện với những khó khăn chủ quan lẫn khách quan. Để rồi từ đó, họ dũng cảm bứt phá khỏi vùng an toàn để sống hạnh phúc với ước mơ của mình.