(VOV5) - Thơ “trẻ” đang có một đời sống riêng và là tín hiệu đáng mừng cho những sáng tác trẻ.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Nếu như cách đây hơn 10 năm, nói đến việc xuất bản thơ, các nhà xuất bản khá dè dặt. Đơn vị chuyên làm sách văn học là NXB Nhã Nam thường chọn in những tác phẩm của những tên tuổi lớn trong làng thi ca như Lưu Quang Vũ , Xuân Quỳnh, Hoàng Cầm… thì giờ đây đã có sự xoay chiều.
Trong khoảng 6 năm trở lại đây, thơ của những cây bút trẻ dường như có xu hướng nhận được sự đón đọc của một số lượng lớn độc giả. Mở đầu cho hiện tượng này có lẽ là cái tên Nguyễn Phong Việt với tập thơ đầu tay “Đi qua thương nhớ” (xuất bản năm 2012) cho đến nay có tổng cộng 80.000 bản in. Từ đó đến nay mỗi năm anh đều cho ra một tập thơ với số lượng không nhỏ hơn 15.000 bản in một tập. Tiếp đó những Nguyễn Thiên Ngân, Nồng Nàn Phố, Nguyễn Thế Hoàng Linh, Trần Việt Anh, Du Phong… đều là những cái tên hứa hẹn lượng sách tiêu thụ vượt trội.
Nhà thơ Trần Việt Anh trong lần ra mắt sách tại Sài Gòn. - Ảnh: FB cá nhân |
Nhà thơ trẻ Việt Anh, tác giả của cuốn “Rẽ lối nào cũng gặp nhớ thương”, cuốn sách khi mới ra đời năm 2014 đứng đầu trong danh mục những cuốn sách bán chạy trên trang mạng Tiki chia sẻ: “Đúng là có một sự thật, trước đây khi xuất bản một tập thơ người ta thường nghĩ đến việc tác giả phải bỏ tiền túi ra in. Nhưng hiện nay với các tác giả trẻ có thơ xuất bản trên thị trường thì mặc định đó đã không còn đúng nữa. Vì thường thường các công ty sách cũng bắt đầu nhận ra thì trường thơ rất nhỏ bé nhưng tác giả thơ cũng có những độc giả rất trung thành, nên đó có thể là một thị trường tốt. Và bây giờ có thể các tác giả thơ “oai” hơn một chút rồi, họ không phải bỏ tiền ra in thơ, mà các nhà xuất bản sẽ tìm đến những tác giả nổi tiếng, có tiếng vang và cộng đồng bạn đọc nhất định để có lời đề nghị hợp tác xuất bản”
Nhà thơ Nguyễn Phong Việt trong lần ra mặt sách năm 2017. - Ảnh: Tú Anh |
Những tác giả này, có thể gọi họ là những cây bút trẻ bởi đa phần họ là những người thuộc thế hệ Y – thế hệ có tuổi sinh năm 1981 đến 1995. Để nhận diện thế hệ này nói chung thì họ đều là những người tự tin và thành thạo công nghệ. Chính vì lẽ đó mà đời sống công nghệ là yếu tố then chốt quyết định việc họ có một lượng khán giả trung thành. Thế giới mạng khởi đầu với những trang như blog Yahoo 360, Yume, blogspot một thời đã kết nối với người viết và độc giả một cách nhanh chóng. Đáng kể sau đó là Facebook, trang mạng xã hội ăn sâu vào đời sống người Việt.
Nhà thơ 8X Nguyễn Phong Việt nhận định: “Rõ ràng Việt phải thừa nhận một điều nếu không có mạng xã hội thì những cuốn sách của Nguyễn Phong Việt không bán được số lượng lớn, và mọi người cũng không biết đến Nguyễn Phong Việt là ai. Tức là có thể có nhiều người biết, nhưng số lượng ấy không thể nhiều bằng khi có mạng xã hội. Nó giúp cho những bài thơ của mình lan toả đến mọi miền đất nước và gần như là đến mọi nơi trên thế giới. Mạng xã hội là một công cụ rất tốt cho việc PR, marketing. Câu chuyện còn lại là tác phẩm của bạn có chất lượng hay không”.
Nhà thơ trẻ Liêu Hà Trinh trong lần ra mắt sách. - Ảnh: FB cá nhân |
Cũng từ mạng xã hội, nơi những người đọc có thể trích dẫn những câu thơ mình yêu thích và là một cách để lan toả thơ. Nhà thơ trẻ Nguyễn Thiên Ngân trong một phỏng vấn gần đây nhận định “Dù không có mạng xã hội thì tôi vẫn viết, vì viết là hơi thở của tôi. Nhưng có sự tương tác và đón nhận từ thế giới mạng khiến tôi có động lực để sẻ chia những sáng tác mà lẽ ra tôi chỉ dành cho chính mình”.
Nhà thơ trẻ Nguyễn Thiên Ngân. - Ảnh: Fan Page cá nhân |
Còn cây bút Trần Việt Anh, sở hữu một số lượng người theo dõi 17.000 người trên Fan page cá nhân chia sẻ: “Đa số các bạn trẻ hiện nay đều sử dụng mạng xã hội. Mạng xã hội giúp cho cac tác giả viết thơ có lợi thế là sáng tác của các bạn có thể được lan toả rộng hơn và dễ hơn. Thường thường các tác giả trẻ hiện nay có số lượng sách in bán được nhiều trên thị trường theo mình trước hết họ có một đối tượng độc giả theo dõi qua mạng xã hội và họ cũng có Fan page riêng để phát triển nguồn độc giả của mình”
Một đặc điểm dễ nhận diện của dòng thơ trẻ gần đây là ngôn từ hiện đại hơn, giàu tính cảm xúc và tìm thấy sự đồng điệu với nhiều độc giả trẻ. Một Nguyễn Thiên Ngân với những bài thơ hầu như không có tựa, không dài dòng và không lên gân hay Nguyễn Phong Việt với những dòng thơ như những dòng xúc cảm đổ tràn trên giấy. Nhiều độc giả có chung chia sẻ rằng trước khi đọc thơ của các cây bút trẻ này họ luôn nghĩ thơ là điều gì đó xa vời, nhưng họ thấy thơ thực ra cũng dễ hiểu và đồng cảm.
Nhà thơ Nguyễn Phong Việt lí giải: “Thực ra người Việt rất thích đọc thơ. Cứ nhìn vào kho tàng ca dao tục ngữ của Việt Nam thì ta biết văn chương chưa bao giờ chết đi. Tuy nhiên so với những thể loại khác, thơ trong những năm trước đó và cả hiện tại, suy cho cùng thể loại thơ mọi người vẫn ít đọc hơn. Có một giai đoạn những tác giả Việt viết những tác phẩm có thể không phải không hay mà là không chạm được vào số đông. Và khi đọc người đọc không tìm thấy họ và họ sẽ tìm thể loại văn học khác, hoặc loại hình giải trí khác như nghe nhạc, xem film, lướt web. Chính vì lẽ đó theo thời gian thế hệ người đọc rơi rụng đi, mất dần đi người yêu thơ”.
Điều đặc biệt của những tác giả trẻ hiện nay là họ ít nhận đã nhận diện được bản thân mình. Họ thẳng thắn, tự tin thể hiện những cảm xúc của mình và biết cách để chạm được cảm xúc với người đọc. Thơ của họ tồn tại được hẳn bởi đáp ứng được tâm tư của bạn đọc trẻ ngày hôm nay. Đây có lẽ là minh chứng rõ ràng nhất thơ vẫn luôn có sức sống trong lòng độc giả dù là thế hệ nào.