(VOV5) - Giải thưởng về dịch thuật được trao cho người dịch "Châu Phi nghìn trùng", cũng có nghĩa không chỉ trao cho một tác phẩm văn chương, mà còn là trao cho một nỗ lực phát triển, sáng tạo tiếng Việt...
Tiểu thuyết "Châu Phi nghìn trùng" dịch của tác giả Iska Dinesen, do dịch giả Hà Thế Giang chuyển ngữ đã được gọi tên trong Lễ trao Giải thưởng Văn học Hội Nhà văn Việt Nam năm 2021 vừa qua, ở hạng mục Văn học. Nhân sự kiện này, Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam – đơn vị ấn hành tác phẩm – tổ chức buổi giao lưu trò chuyện trực tuyến với chủ đề “Châu Phi nghìn trùng: Sự lộng lẫy của ngôn từ”.
"Châu Phi nghìn trùng" là cuốn hồi ức ra đời sau những năm tháng Karen Blixen sinh sống tại châu Phi (1914 – 1931) tại một đồn điền cà phê rộng 4000 mẫu Anh gần Nairobi, dưới bút danh Isak Dinesen. Tác giả là người Đan Mạch, nhưng tác phẩm viết bằng tiếng Anh. "Châu Phi nghìn trùng" được in lần đầu năm 1937 lập tức gây tiếng vang lớn ở Mĩ rồi châu Âu. Cho tới nay, cuốn sách đã được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới và lọt vào các danh sách bình chọn những cuốn sách phi hư cấu hay nhất mọi thời đại. Cuốn tiểu thuyết nổi tiếng cũng đã từng được Hollywood chuyển thể thành phim Out of Africa – tên dịch tiếng Việt là Xa mãi Phi Châu, bộ phim đoạt 7 giải Oscar và doanh thu khủng.
Tại buổi toạ đàm, bà Khúc Thị Hoa Phượng, Giám đốc Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam bày tỏ: "Đây là một tác phẩm lay động về văn chương, nghệ thuật, đẹp từ bản gốc đến bản dịch và để lại cho bạn đọc rất nhiều suy ngẫm. Một tác phẩm đã ra đời cách đây một thế kỷ mà vẫn nguyên vẹn những giá trị khiến người đọc phải suy nghĩ: Mình sẽ sống như thế nào để hài hòa với thiên nhiên, sẽ sống thế nào để tôn trọng những giá trị khác biệt. Cuốn sách cũng gợi nên những suy nghĩ là đi xa rồi sẽ về gần. Đọc một tác phẩm về một miền xa lắc, nhưng sau đó người đọc cũng nhớ lại những tác phẩm rất gần gũi với lịch sử, với văn hóa của mình.
Nhân vật người phụ nữ trong Châu Phi nghìn trùng, như anh Hà Thế Giang viết trong lời nói đầu, có một khẩu hiệu cô ấy rất thích là "Hãy cưỡi ngựa, bắn cung và nói sự thật". Một người phụ nữ ở cách đây hàng thế kỷ đã dấn thân như thế. Dù bây giờ chúng ta có hẳn một trào lưu Xách ba lô lên và đi, nhưng dường như chúng ta đang đi với một cách đi lướt qua bên ngoài của những nền văn hóa. Với Châu Phi nghìn trùng, không chỉ tường thưởng nó như một giá trị của ngôn ngữ văn chương đơn thuần, mà có thể cảm nhận nó ở nhiều góc độ khác nhau, trong đó có những góc nhìn về văn hóa, lịch sử." - Bà Khúc Thị Hoa Phượng khẳng định.
Âm hưởng chung của toàn bộ cuốn hồi ức là niềm hoài vọng châu Phi, mãnh liệt đến nỗi kí ức trở nên sống động trên từng trang sách. Trong suốt thời gian sống ở châu Phi, nhà văn Isak Dinesen vừa coi sóc một trang trại với quy mô lớn, vừa giữ mối quan hệ thân tình với con người nơi đây. Nhà nghiên cứu, Tiến sĩ Nguyễn Thị Tịnh Thy cho rằng tác phẩm này mở ra nhiều tiềm năng đề tài có thể khai thác. Chẳng hạn như chủ nghĩa hậu thực dân, văn hóa trong văn học, phê bình sinh thái (văn học với môi trường)…"Đối với tôi tác phẩm này hay trên rất nhiều phương diện. Đây là một tác phẩm phi hư cấu hay. Tôi thấy nó mang dáng dấp của một tiểu thuyết. Nếu tác giả thích biết tiểu thuyết thì chỉ cần đầu tư, hoặc thay đổi một chút đã thành tác phẩm rất hay rồi. Nhưng tác giả chọn thể loại hồi ký tạo cho người đọc cảm giác rất chân thật, chân thành của người viết."
"Châu Phi nghìn trùng" là cuốn sách chinh phục được những người mê say tìm kiếm vẻ đẹp và sự biến ảo khôn lường của ngôn từ. Cuốn sách mang đến những hình ảnh lộng lẫy về thiên nhiên, con người và văn hóa châu Phi, qua ngòi bút tài tình của Isak Dinesen. Đặc biệt, vẻ đẹp này đã được thể hiện qua bản dịch tiếng Việt.
Dịch giả Hà Thế Giang chia sẻ, anh đã mất hơn ba năm để dịch cuốn sách. Anh từng bỏ dở một lần vì cảm thấy bất lực, do bản thảo đưa đến quá nhiều thách thức, sự đậm đặc về yếu tố văn hoá bản địa, những điển tích, văn phong…nên người dịch phải tra cứu kĩ lưỡng, nghiêm túc. Dịch giả Hà Thế Giang cho biết: "Ở đây, ngoài việc sử dụng những từ ngay cả trong tiếng Anh rất phong phú thì tác giả còn viết những câu rất phức tạp. Tất cả những câu phức đó tôi đều để nguyên, không cắt ra, không làm cho nó đơn giản đi, thành thử cũng có thể có câu nào đó mang cảm giác hơi khó cho người đọc. Nhà văn lại là một người nước ngoài (người Đan Mạch) viết bằng tiếng Anh. Đây cũng là một điểm rất đặc sắc của tác giả. Viết bằng tiếng Anh, các câu bà viết đa phần không có cấu trúc tương đương trong tiếng Việt. Vì vậy đa phần là tôi phải cấu trúc lại, tất nhiên là phải làm sao thể hiện được ý, làm sao sử dụng được tối đa những từ bà dùng."
Nhà văn Kiều Bích Hậu (thành viên Hội đồng dịch thuật – Hội nhà văn Việt Nam) cho rằng: bản dịch này khiến bà “ngỡ ngàng vì cách dùng từ đáng khâm phục. Đây thực sự là một tác phẩm khiến cho tôi ngỡ ngàng về tình yêu của một con người ở một nơi quá xa xôi và khác biệt, về một vùng đất thuộc địa mà mình đã từng có một giai đoạn sống ở đó. Nó như một nguồn động lực cho những người viết chúng tôi. Đó là khi có tình yêu thiên nhiên, con người, bất kể cho dù đó là vùng đất xa lạ đến như thế nào, chúng ta cũng có thể nhập tâm thả hồn mình vào vùng đất ấy để tạo dựng nên những tác phẩm tuyệt vời."
Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên nhận xét, đây là một bản dịch xuất sắc: "Khi được hỏi cái gì cần nhất của một dịch giả? Thì đó là giỏi tiếng mẹ đẻ. Giỏi không phải chỉ vốn từ vựng, ngữ pháp mà các sắc thái biểu cảm nữa. Giỏi ngoại ngữ thì hẳn rồi. Nhưng có dịch sang được hay không? Cuốn sách của anh Hà Thế Giang chuyển ngữ này còn hơn là một bản dịch. Nó là một sự khuyến khích với những người trẻ. Nên bản dịch này còn (có một vị trí) quan trọng hơn nữa. Trao cho nó một Giải thưởng văn học cũng có nghĩa không chỉ trao cho một tác phẩm văn chương, mà còn là trao cho một nỗ lực phát triển, sáng tạo tiếng Việt,"
Ban tổ chức Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 2021 nhận định: "Dịch giả Hà Thế Giang đã chuyển ngữ thành công tác phẩm, chuyển tải đúng nội dung văn bản gốc, lời văn tiếng Việt tự nhiên, trong sáng với ngôn ngữ văn chương trau chuốt, tinh tế. Đây là một trong số tác phẩm dịch mà không nhìn thấy sự vấp váp của ngôn từ và người đọc có thể cảm nhận vẻ đẹp của ngôn ngữ tương xứng với vẻ đẹp mà nó diễn tả."