(VOV5)- Xuân Bính Thân, niềm vui đến với nghệ sĩ ngâm thơ của Đài TNVN Trần Thị Tuyết vì Nhà nước phong tặng bà danh hiệu cao quý Nghệ sĩ Nhân dân.
Nghe âm thanh bài viết và giọng ngâm thơ Trần Thị Tuyết với bài Qua Thậm Thình của nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi tại đây:
Cho đến tận bây giờ,nhiều thế hệ người Việt yêu thơ vẫn nhớ giọng ngâm Trần Thị Tuyết trong chương trình “Tiếng thơ” của Đài TNVN vào những năm 60, 70 của thế kỷ trước. Giọng ngâm thơ vô cùng truyền cảm của bà đã đưa các bài thơ của nhiều tác giả thành ngọn lửa của tình yêu quê hương đất nước. Giọng ngâm thơ ấy cũng đã trở thành một “thương hiệu” trong lịch sử phát triển của Đài Tiếng nói Việt Nam (TNVN), đem đến cho bà Trần Thị Tuyết danh hiệu Nghệ sỹ nhân dân trong đợt phong tặng danh hiệu của Nhà nước lần thứ 8 mới đây.
|
NSND Trần Thị Tuyết |
Năm nay đã ngoài 80 tuổi, sức khỏe không được tốt, nhưng những lúc có thể, bà Trần Thị Tuyết vẫn ngâm thơ và giọng ngâm vẫn rất hay. Bà còn làm thơ, những bài thơ về nỗi nhớ quê hương, những bài thơ về Chủ tịch Hồ Chí Minh và cả những bài thơ về Đài TNVN, nơi bà đã từng làm việc, gắn bó một thời.
Đài TNVN đã đưa giọng ngâm của bà đến với hàng triệu thính giả cả nước và cả kiều bào sinh sống ở nước ngoài. Không chỉ có thính giả, không chỉ có người yêu thơ mà chính các nhà thơ cũng trân trọng, yêu quý giọng ngâm của bà. Ngoài chất giọng trong trẻo, truyền cảm, bà rất ý thức trong sự chuẩn bị, cảm nhận thơ trước khi ngâm, để chuyển tải nội dung bài thơ một cách trọn vẹn nhất, thăng hoa nhất.
Đại tá Nguyễn Như Thiện, người bạn đời của Nghệ sỹ Nhân dân Trần Thị Tuyết, kể: “Có lần bác Xuân Diệu, bác Cù Huy Cận, là hai nhà thơ nổi tiếng ở Việt Nam, đến tận nhà, rất thương, rất mến. Nhà tôi lúc đó khổ lắm, ở trong một cái gara ô tô cũ, mưa thì ướt. Thế mà các vị ấy vẫn đến động viên, chúng tôi cảm động lắm. Bản thân cô Tuyết cũng hăng hái lắm, đi tuyến lửa cũng không sợ, dám hy sinh. Tôi nghĩ rằng cô ấy có sự đóng góp nhất định, cùng với mọi người hào hứng góp cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đóng góp nhất định vào công việc chung của Đài Tiếng nói Việt Nam.”
|
NSND Trần Thị Tuyết trong một lần ngâm thơ cho Bác nghe |
Báo chí viết nhiều về bà, về giọng ngâm đặc biệt, về sự yêu quý của mọi người dành cho bà. Giọng ngâm của bà đã đưa người ta đến với thơ, cảm thơ và yêu thơ hơn. Giọng ngâm của bà tác động đến tâm tư tình cảm của nhiều người, từ thời niên thiếu, trai trẻ đến lúc về già. Nhạc sỹ Trần Mùi, Hội viên Hội Nhạc sỹ Việt Nam, cho rằng chưa có nghệ sỹ nào ngâm thơ hay hơn Trần Thị Tuyết: “Giọng ngâm rất trong sáng, tình cảm, luyến láy và có chiều sâu của người nghệ sỹ này, tôi nghĩ cho đến nay, chưa có một ai ngâm thơ hay, sâu lắng và chinh phục tâm hồn con người đến như vậy. Đây là một nghệ sỹ lớn mà tôi kính trọng. Rất nhiều người, đặc biệt ở miền Nam lúc đó, các chiến sỹ giải phóng quân đều biết chị thông qua Đài Tiếng nói Việt Nam. Giọng thơ hào hùng của chị tạo nên một sức mạnh tổng hợp về mặt tinh thần đối với người chiến sỹ.”
Cũng như Nhạc sỹ Trần Mùi, Nhà văn, Nhà báo Phan Ngọc Quang yêu quý giọng ngâm thơ của Nghệ sỹ Nhân dân Trần Thị Tuyết từ khi còn bé. Chương trình Tiếng thơ với giọng ngâm của bà cùng các nghệ sỹ khác đã theo ông đến tận bây giờ với nguyên vẹn tình yêu và sự trân trọng. Chính những giọng ngâm ấy đã đem đến tình yêu dành cho thơ của ông Quang ngày một nhiều hơn. Ông Phan Ngọc Quang nhớ lại: “Hồi nhỏ, bố tôi có một cái đài, đêm nào gia đình cũng nghe chương trình thơ. Thời đó, nghệ sỹ Trần Thị Tuyết thường ngâm những bài thơ kháng chiến, thơ cách mạng. Cùng thời với Trần thị Tuyết còn có những nghệ sỹ rất nổi tiếng như Linh Nhâm, Tường Vy, Hồ Điệp. Nhưng Trần Thị Tuyết có giọng ngâm rất đặc biệt, vừa trong, vừa vang, vừa ấm, rất phù hợp với thời điểm đọc thơ về khuya.”
Với chất giọng đặc biệt, trong vắt, chính gốc Hà Nội, Nghệ sỹ Nhân dân Trần Thị Tuyết đã ngâm những bài thơ đi cùng năm tháng của Hồ Chủ tịch, Tố Hữu, Chế Lan Viên, Nguyễn Bính, Vũ Cao... Hơn hết, vài chục năm trước, bà là nghệ sĩ có vinh dự được ngâm những bài thơ chúc Tết của Hồ Chủ tịch mỗi độ Xuân về, vào khoảnh khắc giao thừa thiêng liêng. Những người yêu thơ Việt, dù chưa một lần nhìn rõ mặt, vẫn luôn dành cho bà một tình cảm yêu quý, thân thiết và ngưỡng mộ.