Hà Nội qua những thi phẩm được nhạc sĩ Phú Quang phổ nhạc

(VOV5) - Điểm chung của những thi phẩm được nhạc sĩ Phú Quang phổ nhạc đó là gợi lên được nét buồn phảng phất qua những cảnh trí, những đặc trưng của Hà Nội. 

Nghe âm thanh tại đây qua giọng đọc PTV Sơn Tùng:

Hà Nội, với nhạc sĩ Phú Quang, luôn là một nơi chốn đặc biệt.
Ông quê gốc làng Vĩnh Lộc, xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất, Hà Tây (nay là Thành phố Hà Nội) trong một gia đình có truyền thống âm nhạc, có nhà ở phố Khâm Thiên, con phố có từ thời Lý và có nhiều ngõ nhất Hà Nội. Năm lên 5 tuổi, Phú Quang theo gia đình về Hà Nội. 36 tuổi, ông vào Thành phố Hồ Chí Minh sinh sống và năm 2008 (ở tuổi 59 tuổi), ông trở lại Hà Nội và sống ở đây cho đến khi qua đời vào năm 2021.
Như vậy, trong số 73 năm tại thế, nhạc sĩ Phú Quang có gần 50 năm sống ở Hà Nội. Xen kẽ trong những năm tháng ấy là bao khoảnh khắc rời xa và trở về.
Dễ hiểu vì sao ông có sự đồng cảm, đồng điệu và phổ nhạc thành công nhiều thi phẩm viết về Hà Nội. Rất nhiều những thi phẩm đã hay, đã tâm trạng, lại được âm nhạc Phú Quang chắp cánh, càng trở nên nổi tiếng, được đông đảo công chúng biết đến.
Hà Nội qua những thi phẩm được nhạc sĩ Phú Quang phổ nhạc - ảnh 1Nhạc sĩ Phú Quang trong một buổi biểu diễn thuở sinh thời.

Điểm chung của những thi phẩm được nhạc sĩ Phú Quang phổ nhạc đó là gợi lên được nét buồn phảng phất qua những cảnh trí, những đặc trưng của Hà Nội. Song hành với mỹ cảm âm nhạc, nhịp điệu và ngôn từ thơ ca có một sức hút đặc biệt với Phú Quang. Dường như trong sâu thẳm tâm hồn người nhạc sĩ luôn có sự khao khát âm nhạc của mình được đồng điệu, giải tỏa và hợp lưu với thơ ca.

Điểm lại những ca khúc phổ thơ của đồng nghiệp cùng sinh năm 1949, trong đó có những bài lay động về Hà Nội, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha cho rằng bên cạnh những bản nhạc phim, các bản khí nhạc, nhạc không lời và ca khúc tự viết lời, nhạc sĩ Phú Quang đã phổ nhạc thành công cho nhiều thi phẩm. Tên tuổi của các nhà thơ Phan Vũ, Dương Tường, Hoàng Hưng, Phạm Thị Ngọc Liên, Hồng Thanh Quang, Giáng Vân, Thảo Phương, Thanh Tùng, Nguyễn Trọng Tạo, Hữu Thỉnh… thêm sâu đậm trong làng thơ qua sự chắp cánh của âm nhạc Phú Quang.

Có lẽ bài thơ dài có nhan đề “Hà Nội – Phố” của nhà thơ Phan Vũ là ca khúc phổ thơ đầu tiên và thành công nhất của nhạc sĩ Phú Quang. Bài thơ được nhà thơ Phan Vũ viết vào tháng Chạp năm 1972, khi cuộc chiến tranh Mỹ - Việt đang trong giai đoạn cuối. Lúc này, bức tranh Hà Nội nhỏ bé, có phần ảm đạm. Có lẽ vì thế, tuy tâm trạng và đầy ám ảnh, trong một thời gian dài, “Hà Nội – Phố” không được in bất cứ nơi đâu. Cho đến hơn 10 năm sau đó, năm 1987, khi được nhạc sĩ Phú Quang phổ nhạc, nhiều người mới biết đến bài thơ này. Ca khúc “Em ơi! Hà Nội phố” nhạc sĩ Phú Quang phổ thơ Phan Vũ lần đầu phát trên sóng Đài tiếng nói Việt Nam năm 1987 đã ngay lập tức trở thành một trong những ca khúc hay nhất viết về Thủ đô Hà Nội. Trong kho Lưu trữ âm thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam vẫn lưu lại cả bản nhạc của Phú Quang và lời thơ của Phan Vũ:.

Sinh thời, nhạc sĩ Phú Quang và nhà thơ Thái Thăng Long là hai người bạn tâm giao. Phú Quang từng chọn tới gần 20 bài thơ của bạn để phổ nhạc, trong đó có những bài viết về Hà Nội như bài “Yêu Hà Nội” được phổ thành “Mơ về nơi xa lắm”, và bài “Chiều Phủ Tây Hồ” phối theo phong cách dân gian được nhiều người biết đến hơn cả. Nhà thơ Thái Thăng Long tên thật là Thái Gia Trí, sinh ở Đội Cấn, Ba Đình, gia tộc Hà Nội chính gốc 6 đời. Bản thân Thái Thăng Long cũng rời xa Hà Nội từ thời tuổi trẻ và nỗi nhớ thành phố quê hương thường trực trong thơ ông. Và nhạc sĩ Phú Quang đã “bắt” được cảm xúc cũng như âm điệu hoài vọng, đẩy lên cao trào cảm xúc “Chiều Phủ Tây Hồ”.

Hà Nội qua những thi phẩm được nhạc sĩ Phú Quang phổ nhạc - ảnh 2Nhà thơ Phạm Thị Ngọc Liên thời trẻ.

Mùa thu Hà Nội là một trong những nguồn cảm hứng thường trực trong âm nhạc Phú Quang. Ông cũng thể hiện sự tinh tế khi nhận ra câu chuyện, cảm xúc thật của một người Hà Nội trở về khi tình cờ đọc được bài thơ “Im lặng đêm Hà Nội” của nhà thơ Phạm Thị Ngọc Liên.

Nhiều năm đã trôi qua, nhà thơ Phạm Thị Ngọc Liên vẫn bồi hồi khi đọc lại những câu thơ “Im lặng đêm Hà Nội”. Ký ức về bài thơ và bản nhạc phổ của nhạc sĩ Phú Quang khắc sâu trong trí nhớ của nữ nhà thơ người Hà Nội sống ở phương Nam. Khi phổ nhạc cho lời thơ “Im lặng đêm Hà Nội”, nhạc sĩ Phú Quang đã lấy tên bài thơ làm tên ca khúc, gần như giữ lại trọn vẹn từng câu, từng chữ thi phẩm của Phạm Thị Ngọc Liên. Ông đã tìm đến nữ nhà thơ để trao lại cho bà bản phổ của bài thơ.

Đến khi phổ nhạc cho bài thơ nhan đề “Hà Nội” của nhà thơ Thanh Tùng, ông đặt tên ca khúc là “Hà Nội ngày trở về”, gạn lấy những ý hay trong nội dung nửa đầu của thi phẩm này. Và đó cũng chính là những chi tiết ám ảnh trong nỗi nhớ Hà Nội cồn cào của mỗi người xa xứ.

Trong gia tài âm nhạc của nhạc sĩ Phú Quang còn có những ca khúc phổ từ các bài thơ mà trong lời thơ không một từ nhắc tới Hà Nội như bài “Nỗi nhớ mùa Đông” phổ thơ Thảo Phương, “Tình khúc 24” phổ thơ Dương Tường. Ca khúc “Lãng đãng chiều Đông Hà Nội” phổ từ bài thơ “Cuối chiều” của Tạ Quốc Chương cũng để lại nhiều dư vị khó quên, nhất là với những người con Hà Nội và bao người gắn bó với nơi đây. Bằng tài năng âm nhạc và thẳm sâu hơn nữa là tình yêu với thành phố quê hương, người nhạc sĩ luôn nặng lòng với Hà Nội đã gọi về những nét linh thiêng, hào hoa, những nỗi niềm luôn khắc khoải trong mỗi người xa xứ khi nhớ về Thủ đô, trái tim của đất nước…

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác