(VOV5) - Với chủ đề Điều kỳ diệu, 101 tác phẩm tiêu biểu của cố họa sĩ sẽ được giới thiệu đến đông đảo công chúng, giới sưu tập trong và ngoài nước, từ ngày 21 đến 23-9 tại Park Hyatt Saigon.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Lần đầu tiên, một triển lãm quy mô lớn các tác phẩm hội họa nhiều chất liệu, nhiều chủ đề của họa sĩ Lê Văn Xương (sinh năm 1917 – mất năm 1988) được giới thiệu với giới nghệ thuật và công chúng yêu mỹ thuật tại TPHCM.
Họa sĩ Lê Văn Xương |
Với nhiều tác phẩm vẽ Hà Nội rất sớm, từ thập niên 1950, triển lãm này có tính cách hồi cố, nhân 101 năm sinh và 30 năm mất. Triển lãm tái hiện lại không khí Hà Nội của thập niên 1950-1960
Họa sĩ Lê Văn Xương là ai? Đến nay, câu hỏi này có lẽ vẫn còn làm nhiều người trong giới mỹ thuật bối rối. Trong sách Nghệ sĩ tạo hình Việt Nam hiện đại, một kỷ yếu dành cho hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, in năm 2009, có tiểu sử rất ngắn về Lê Văn Xương. Nguyên văn như sau: “Lê Văn Xương (Văn Xương). Sinh ngày 3 tháng 1 năm 1917 (đã mất). Dân tộc: Kinh. Hội viên ngành: hội họa. Năm vào hội: 1957. Địa chỉ gia đình: 346 Nguyễn Đình Chiểu, TP.HCM. Tác phẩm chính: Du kích Tây Nguyên (phấn màu), Dân chài xã Vĩnh Trà (phấn màu), Chân dung họa sĩ Tề Bạch Thạch (tượng). Khen thưởng: Huy chương Vì sự nghiệp mỹ thuật Việt Nam năm 1997”.
Họa sĩ Lê Văn Xương - dứng giữa - trong một triển lãm của ông. |
Lê Văn Xương học hội họa từ rất sớm, khoảng 1929-1930 đã bắt đầu học, do gia đình rước thầy về nhà dạy. Năm 1937, khi Nhan Chí, người Minh Hương từ làng Trung Hưng (quận Gò Vấp, tỉnh Gia Định) ra Hà Nội học Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, khóa XII (1937-1942). Lê Văn Xương đã nhanh chóng kết giao, thấy hợp tính, nên đã mời bạn làm thầy dạy vẽ nâng cao cho mình. Nhan Chí nổi tiếng với các tranh chân dung bằng phấn tiên (pastel), Lê Văn Xương đã học được kỹ thuật vẽ này, ông cũng khá giỏi với thể loại tranh chân dung, phong cảnh bằng phấn tiên và bột màu.
Trước năm 1954, hiếm có họa sĩ Việt Nam và họa sĩ người Pháp sống tại Việt Nam mà tổ chức được 3-4 triển lãm cá nhân. Riêng Lê Văn Xương làm được. Theo tư liệu của nhà sưu tập Lê Y Lan, con gái ông: Năm 1941, Lê Văn Xương mở triển lãm tranh cá nhân đầu tiên tại Sài Gòn. Ngay triển lãm này ông đã bán một số tác phẩm. Năm 1949, ông triển lãm cá nhân tại phòng tranh riêng ở Hà Nội. Năm 1951, mở triển lãm cá nhân tại Đà Lạt. Đáng chú ý nhất, lúc 16h ngày 28 tháng 4 năm 1953. Lê Văn Xương mở triển lãm cá nhân Hà Nội 36 phố phường tại Nhà hát lớn Hà Nội. Triển lãm thu hút được giới chính khách, quan chức, thương nhân và giới yêu thích nghệ thuật. Đã có nhiều tin bài trên báo chí ca ngợi tài năng và những tác phẩm tuyệt đẹp của ông. Triển lãm giới thiệu 29 tác phẩm, có 9/29 tác phẩm được bán. Trong đó, ông Thủ hiến Nguyễn Hữu Trí mua 4 bức, ông Thị trưởng Hà Nội Đỗ Quang Giai mua 1 bức, ông giám đốc Sở xã hội Đào Sĩ Chu mua 2 bức. Ngay ngày khai mạc triển lãm này, 28 tháng 4 năm 1953, đến dự, họa sĩ Bùi Xuân Phái viết: “Điểm ham làm việc làm tôi thấy ở Văn Xương tương lai rực rỡ. Anh vẽ loại phấn màu đặc sắc hơn những loại khác”. Cũng với triển lãm này, họa sĩ Ngym TRẦN Quang Trân đã bày tỏ: “Trong bao nhiêu lần đến xem triển lãm họa phẩm tại Nhà hát lớn Hà Nội, đây mới là lần đầu tôi được thỏa mãn trong đời khó tính - xin thú thật - của tôi về phương diện mỹ thuật”.
Hà Nội năm 1952, bột màu trên giấy, 40cm x 55,5cm, 1952- họa sĩ Lê Văn Xương |
Tối ngày 17/12/2016, bức tranh lụa Thiếu nữ của ông đã được nhà đấu giá Lý Thị bán thành công với giá 22.500 USD tại một phiên đấu thương mại ở Sài Gòn. Lythi Auction còn giới thiệu nhiều tác phẩm khác của Lê Văn Xương tại sự kiện này, qua đó giới mỹ thuật có dịp chiêm ngưỡng, biết nhiều hơn về một họa sĩ tài hoa, nhưng thầm lặng.
Nhà nghiên cứu mỹ thuật Quang Việt cho biết: “Hiện ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam còn lưu giữ một bức tranh bột màu, phong cách ấn tượng của họa sĩ Văn Xương, vẽ cảnh bờ biển phơi dưới nắng vàng, trong vắt và ấm áp”…”Hội họa, ở đây, thật sáng sủa, mát, là sự trìu mến, là những giai điệu, nhạc âm vang lên từ tâm hồn bình dị, dễ rung động, yêu cuộc sống và yêu sự thanh bình của cuộc sống, một cuốn album hết sức riêng tư, mà người ta chỉ chậm rãi lần giỡ trong yên lặng mới thấy được cái vị riêng, cái hồn riêng của nó” -
Ngày 14 tháng 10 năm 1988, Lê Văn Xương đột ngột qua đời tại nhà riêng ở số 346 Nguyễn Đình Chiểu, quận 3, TP.HCM. Suốt đời, theo gia đình ước tính, không kể tranh lưu niệm, Lê Văn Xương đã vẽ khoảng 1.000 bức tranh và làm khoảng 100 bức tượng. Lê Văn Xương còn chơi được nhiều nhạc cụ như violin, piano, accordion, mandolin và guitar Hawaii…. Có lẽ nhờ gien này mà về sau con cháu của ông cũng chơi được nhiều nhạc cụ, đoạt nhiều thứ hạng cao trong các kỳ thi tại Việt Nam và quốc tế. Lê Văn Xương còn là một kiện tướng về thể thao, ông có giải thưởng và thành tích tốt trong nhiều môn như bơi lội, việt dã, quần vợt, bóng bàn, đấm bốc, đua xe đạp... Kể từ khi ông qua đời năm 1988 đến nay, gia đình cũng có một lần trưng bày tác phẩm để tưởng niệm, nhưng trong khuôn khổ của tư gia, vào năm 1997.
Chợ Đồng Xuân, bột màu trên giấy, 41cm x 60,5cm - Họa sĩ Lê Văn Xương |
Cuộc triển lãm lần này là một cơ hội tuyệt vời để khám phá Hà Nội qua cái nhìn của Lê Văn Xương, và sự gắn bó của ông đối với thành phố này trong các tác phẩm lần đầu trưng bày.
Nhân dịp sinh nhật 101 tuổi của Lê Văn Xương, con gái ông, Lê Y Lan muốn giới thiệu 101 tác phẩm của cha mình: bột màu, sơn dầu, phấn tiên... - mà bản thân sưu tập được. Trong số ấy có một vài chân dung tự họa, hoặc chân dung người thân, còn phần lớn tranh triển lãm là lời mời khách thưởng ngoạn tìm về Hà Nội những năm cuối 1940 và thập niên 1950. Tại đây, giới thưởng ngoạn có thể hòa mình cùng cảnh đường phố xưa, với các di tích gắn liền thành phố và chìm đắm trong cảnh quan ngoại thành.
|
Những bức tranh này tạo ra một bầu không khí yên bình cách xa sự hối hả và nhộn nhịp của Hà Nội ngày nay. Đó là Hà Nội của Thạch Lam, của Nguyễn Tuân... Mời khách du bước vào để bắt gặp những nỗi niềm thân quen, như trong mạch máu đã chứa đựng sẵn hương sắc Hà Nội, chỉ cần thoảng qua một niềm cảm xúc là mọi giây tơ đồng tâm cảm bỗng cùng nhau rung lên giai điệu xướng ca. Nhưng trên tất cả, đó là thể hiện những diệu kỳ của một nghệ sĩ đã gắn liền tâm hồn vào những nơi chốn luyến lưu nhất. Do đó, tựa đề của cuộc triển lãm này mượn từ tựa một tác phẩm thơ của vợ ông, văn sĩ Trần Diệu Tiên: Điều kỳ diệu.
Một số tranh của họa sĩ Lê Văn Xương được trưng bày tại triển lãm Điều kỳ diệu:
Chùa Quán Sứ, bột màu trên giấy, 42cm x 54,9cm, 1953 |
Ga Long Biên, bột màu trên giấy, 48cm x 68cm, 1973
|
Phố Hàng Buồm, bột màu trên giấy, 47cm x 64cm, 1953 |
Phố Hàng Da, bột màu trên giấy, 42,3cm x 58,5cm |
Phố Hàng Xoong, bột màu trên giấy, 40,4cm x 57,2cm, 1953 |
Ô Quan Chưởng, bột màu trên giấy, 39,5cm x 54,5cm, 1952 |
Phố Gầm Cầu, bột màu trên giấy, 43,7cm x 60cm |
Chùa Trấn Quốc, bột màu trên giấy, 42,5cm x 59cm |
Xóm nghèo đường Trần Nhật Duật, bột màu trên giấy, 41cm x 57,4cm, 1952 |
Tác phẩm Phố nhà tôi, bột màu trên giấy, 42cm x 53cm, 1987. Đây là căn nhà mà Lê Văn Xương sống những ngày cuối cùng tại đường Nguyễn Đình Chiểu, TP.HCM |
M.T.