Hình ảnh cố hương mãi mãi trong tim

Mỗi lần về thăm đất nước, tôi thích đi tản mạn khắp nơi, tìm kiếm những hình ảnh quen thuộc hoặc đã sống qua hoặc đã tưởng tượng khi đọc những áng văn hứng thú, những câu thơ gợi tả. Những hình ảnh nầy, như mọi kẻ sống tha hương, tôi rất thèm muốn sau một thời gian không được mục kích. Dĩ nhiên có những băng, dĩa phim ảnh, nhưng xem ở máy truyền hình, gò bó trong một khung màn nhỏ bé, dù hình quay điêu luyện, màu sắc hữu tình, phim ảnh thiếu một chiều sâu, thiếu hương vị mà chỉ có đứng trước cảnh sắc mới trực tiếp nhận thức được.


Vì vậy, mỗi lần tại chỗ tôi cố ghi nhớ sâu đậm từng chi tiết trong ký ức để mong giữ được lâu dài. Và để giúp trí óc với tuổi tác ngày càng suy sụp, mặc dầu không phải phương cách tối ưu, nhưng thà có chút ít còn hơn không, tôi chụp ảnh những phong cảnh đã thấy, những cảnh tượng đã sống, cố gắng ghi nhận trung thực được chừng nào hay chừng nấy để sau nầy mỗi lần xem lại dễ ôn tưởng những cảm giác đã làm rung động lòng mình. Cái khó là máy ảnh lắm lúc không thực hiện đúng như mong muốn của người chụp. Có điều lạ lùng là mỗi lần tôi lại sợ không có dịp về lại hay về mà không có dịp sống những cảnh tượng đầy cảm xúc nên chụp thật nhiều ảnh, đôi khi quá nhiều. May bây giờ có máy số numérique nên mặc sức chụp mà không sợ thiếu phim như hồi trước với máy bạc argentique. Mấy đứa cháu tháp tùng thường ngạc nhiên hỏi sao tôi chụp nhiều ảnh thế nhất là những cảnh tượng đối với chúng không có một ý nghĩa gì : con trâu về chuồng, bông lúa mới trổ hay gánh hàng bán bún trên đường Lê Lợi.


Thật ra, tất cả các ảnh chụp không đạt kết quả giống nhau, có khi gấp chụp mau thì ảnh xấu lại nhiều hơn ảnh tốt. Nhưng về nhà, soát trên máy, mặc sức loại bỏ những hình ảnh không thích, giữ lại một phần ba, một phần tư tổng số. Có bạn nhận xét tất cả những hình ảnh của nữ sĩ nhiếp ảnh Đào Hoa Nữ đều rất xinh đẹp. Thật thế, đấy là nhờ tài năng của nhà nghệ sĩ. Để đạt những kết quả tuyệt vời đó, chắc cô cũng đã ngược xuôi tất tả chạy tìm góc độ, chờ đợi ánh sáng, chứ chỉ trông mong ở may mắn thôi để có đủ điều kiện chụp được hình đẹp thì mấy lúc mà gặp được, mặc dầu tôi thường quan niệm may mắn hay lại với ai biết khích động nó, dọn đường cho nó, sẵn sàng đón nhận nó, và biết đâu cô cũng đã loại bỏ một số ảnh không vừa ý…

 Hình ảnh cố hương mãi mãi trong tim - ảnh 1
Gia đình GS Võ Quang Yến tại Phật đường Khuông Việt (Orsay, miền Nam Paris)


Rời nước vào tuổi đôi mươi, lại vào thời chiến tranh, tôi chẳng biết bao lăm cảnh đẹp của đất nước. Vì vậy, trong hai mươi năm gần đây, mỗi lần có dịp về thăm quê hương, tôi không tiếc công lặn lội bắc nam, chạy miền duyên hải, trèo núi cao nguyên, khi xe hơi, xe máy, khi cuốc bộ bao bị trên vai. Tôi lại còn phấn khởi tiện dịp giới thiệu cho nhà tôi, một cô dâu xa lạ, những phong cảnh hùng vĩ, những cảnh tượng hữu tình của quê hương mình. Trong nam, đồng bằng sông Cửu Long với dòng sông bạc ngầu cuồn cuộn, với những kênh lạch lao xao lau sậy để lại một ấn tượng khó quên. Đâu đây những cầu khỉ bấp bênh, mảnh dẻ cống hiến một hình ảnh sâu đậm của quê hương một thuở. Gần đây, nhiều hội đoàn đã thực hiện công tác hữu ích xây dựng những cầu bê tông thay thế, tiện lợi và an toàn thật, thế là hình ảnh các cầu khỉ  dần dần sẽ biến mất trong phong cảnh miền quê.


Làm sao quên được những ngày đi viếng quê hương Đồng Khởi, vượt Tiền Giang ở bến phà Rạch Miểu, để rồi mặc sức ngắm nghía các cô gái Bến Tre có nét mặt thanh tao trên một cơ thể vạm vỡ, với một giọng nói "ngọt ngào như sông nước Cửu Long". Tôi nhớ  được mời ngủ một đêm ở hoa lạc viên Nhân Nghĩa, nghe tiếng gió rì rào trong hàng dừa cao vút, đầy trái ngọt lịm, cùng bác Minh nhấp chén rượu mùi ở đài Vọng Cảnh, cạnh các khóm long, kim, thủy trúc, các chậu nguyệt bạch, trang đài tỉa gọt công phu. Đi xa xuống miền nam, không khi nào tôi cảm thấy gần đất nước bằng lúc xe chạy qua những cánh đồng bát ngát, ruộng lúa xanh rờn, đàng xa những bầy cò vỗ cánh bay tít tận chân trời xanh thẳm. Tôi rất hãnh diện chụp được cảnh mặt trời lặn trên Biển Đông ở cạnh Hà Tiên. Về Pháp, khi cho bạn bè xem ảnh, tôi tự hào khoe khoang đã lặn lội hơn một vạn cây số mới chụp được những ảnh ấy.

 

Lên miền trung, nhà tôi và tôi đã chạy dọc đất nước Champa tìm xem những di tích Chăm cổ hiện đang được thế giới chú ý và nhiều nhóm khảo cứu bỏ công khai quật, tìm hiểu. Kỷ niệm khó quên là hôm chúng tôi muốn viếng xem nhóm tháp Pô Dam. Xe hơi, xe máy không chạy lại được, chỉ còn một cách là cuốc bộ dưới nắng mặt trời gay gắt, trên hai đường rầy xen lẫn cỏ hoang gai góc, đầy dẫy rắn rết, có khi phải qua cầu nhảy từ thanh gỗ nầy đến thanh gỗ khác, chờ lúc tàu hỏa không bất thường chạy qua. Phần thưởng là trên đường về, không có quán cơm, người làng mời thưởng thức nước mấy trái dừa mát dịu vừa mới hái. Và kết quả là dương bản hình ảnh hiếm có của tôi được một ông giáo sư chiếu ở lớp dạy nghệ thuật điêu khắc Chăm ở điện Louvre.



Ngoài bắc, những thửa ruộng bậc thang xếp hàng trên sườn núi vùng Sa Pa cống hiến những bức tranh đẹp mắt mà tôi đã từng mục kích được trên các nẻo đường ở Tích Lan, Ba Li. Tô điểm vùng quê hùng vĩ nầy là y phục các cô gái sắc tộc, đủ màu muôn vẻ. Đáng tiếc là với cuộc phát triển của thời đại, hết còn thì giờ thêu thùa chuẩn bị một đám cưới cổ truyền, các cô đang mua vải Tàu loè loẹt may áo quần thay thế, bắt đầu một cuộc cách tân cần thiết nhưng chưa chắc đã đi đúng với chiều hướng mỹ quan. Miền bắc may mắn có được nhiều chùa chiền xưa quý, kiến trúc độc đáo, chứa đựng những tượng hình chạm trổ tinh vi như tượng Quan Âm thiên thủ thiên nhãn ở Chùa Bút Tháp, những tượng Kim Đồng, Ngọc Nữ ở chùa Dâu, những tượng La Hán ở chùa Tây Phương được xếp vào những kỳ quan không những chỉ ở nước ta mà còn khắp thế giới. Làm sao không hãnh diện được khi thấy chiếu ở điện Louvre hình ảnh những hình tượng nầy xem là tượng trưng cho nghệ thuật Việt Nam !

 

Phong cảnh đẹp đẽ, nước non hữu tình khắp nam, trung, bắc, bên ta có thiếu gì. Tôi rất lấy làm lạ và cũng có phần buồn khi nghe một anh bạn bảo không muốn về nước nữa vì không còn gì để xem… Tội nghiệp cho bạn ấy không biết tận hưởng cái đẹp Trời đã ban cho. Riêng phần tôi, hơn mười lần về thăm đất nước đã cống hiến cho tôi biết bao hạnh phúc và cũng biết bao kỷ niệm đã dồn lại trong mấy cuốn sách và mấy dĩa hình. Tuy vậy, hình ảnh đẹp từ nam ra bắc, xem đi  coi lại trong sách, trong dĩa mãi không chán, đối với tôi cũng còn thiếu một cái gì đó. Khó đòi hỏi ở một cái ảnh một giọng nói, một lời bình, một điệu bộ thân thuộc. Khi nghe một con gà gáy trên đảo Cồn Phụng hay ở thôn Lao Chải, tôi tưởng như nghe một giọng nam hay giọng bắc tuy luôn vẫn là tiếng một con gà Việt Nam. Có lẽ trong thâm tâm tôi cái giọng tùy thuộc cái thấy. Xin đừng cười, nếu nghe con gà gáy ở An Cựu, chắc tôi nhận ra một giọng Huế !



Vì vậy, mỗi lần về thăm cố đô, tôi không quên đưa nhà tôi rong dạo khắp vùng, xem xét tường tận nơi quen biết cũng như chốn chưa bao giờ đặt chân đến. Những năm nhà tôi soạn thảo luận văn về chùa Thiên Mụ, con đường quen thuộc của chúng tôi là từ nhà khách (nay không còn nữa) đường Lý Thường Kiệt, qua cầu Phú Xuân rồi dọc sông Hương lên đến Kim Long. Mấy anh phu xích lô hằng ngày thấy chúng tôi thường năn nỉ mời chúng tôi lên xe, không hiểu đi bộ đối với chúng tôi là một điều cần thiết. Có anh nhìn nhà tôi rồi quay qua tôi mạnh dạn: răng bố tiết kiệm không chịu lên xe, vài đồng tiền xe đã có bà Mỹ kia trả mà ! Dạo ấy, quầy quán còn đang tấp nập trên bờ sông Hương, đi dạo ở đây chịu khó nghe nhìn là một điều thích thú. Cũng ở đây, chúng tôi đã hân hạnh có dịp kính cẩn nghiêng mình trước lăng mộ cha Léopold Cadière, người đã bỏ nhiều công khảo cứu, ghi nhận phong tục tập quán vùng quanh Huế mà những bài đăng trong tờ báo của Đô thành hiếu cổ BAVH ngày nay là những tập tài liệu quí báu. Và có phong cảnh nào hữu tình bằng khi ngồi trên thềm chùa Thiên Mụ nhìn con đò dọc yên tĩnh xuôi mái vào lúc chiều tàn, mây hồng lặng lẽ che bóng mặt trời sắp khuất.

 

Một con đường khác không kém phần thú vị là từ Gia Hội dọc theo sông Đông Ba đến Bao Vinh. Một lần đầu chúng tôi ngạc nhiên vui thú gặp được không biết bao quán bán chè đủ loại. Chúng tôi la cà từ quán nầy qua quán nọ, thưởng thức đủ thứ chè trong lúc các chị bán hàng mặc sức bàn tán về mái tóc của nhà tôi mà họ không biết là vàng hay bạc, thật ra lẫn lộn hai màu. Năm sau trở lại, các quán chè đã biến mất, để lại cho chúng tôi một nỗi thất vọng khôn xiết. Qua khỏi cầu Bao Vinh, chúng tôi rơi vào một lăng mộ tuy hoang vắng, rêu phong, cỏ dại mọc đầy nhưng còn giữ vẻ hoành tráng. Bên hông lăng, một đống bình vôi sứt mẻ hay còn nguyên vẹn nhưng đụng đầy vôi cứng. Một người qua đường giải thích đó là mộ táng một một vị khai canh. Chắc trong sách vở của làng còn có ghi tên tuổi sự nghiệp của con người hùng xưa đó. Đượm một nỗi luyến tiếc, chúng tôi không khỏi xao xuyến suy nghĩ về khái niệm vô thường và ngậm ngùi tự hỏi đâu là giá trị vĩnh cữu trên cỏi đời nầy. Đi ngang qua làng Phụng Hiệp, những làn điệu câu hò ru con giọng Huế đặc sệt vang vọng từ sau mầy hàng rào bông kiểng xác nhận đây chính là quê hương tôi. Một thích thú khác bất ngờ lại đến với tôi : bản tên quán nước Đã đành trong một ngỏ hẽm, như tiếng thở dài của một thiếu phụ chịu đựng số phận của mình. Tên quán nầy là bước đầu một cuộc săn kiếm thú vị : Giọt đắng, Chiều nhớ  gợi lên biết bao tâm tình của kẻ phải chịu đau khổ hay đang phải xa cách người yêu. Quán Lộng gió thể hiện trời nước mênh mông trước một sông Hương sóng nước khuynh thành, một dãy Trường Sơn trùng trùng điệp điệp. Và bao nhiêu cảm xúc chỉ còn biết thổn thức trong quán Thì thầm trên đường lên các lăng, sau núi Ngự Bình trụi bóng cây xanh, trong tiếng gió rì rào mấy đồi thông xào xạt.

 

Một chuyến dạo chơi ghi  nặng trong trí ức là băng qua Đập Đá, xuống đến Vỹ Dạ, thẳng đường Cồn Hến. Ở đây, muốn ăn cơm hến, phải lại thật sớm và thích cơm nguội. Buổi chiều chỉ còn có đi nhìn mấy hàng cau để tưởng nhớ đến nhà thi sĩ đa tình mặc dầu mấy câu thơ bất hủ ca ngợi ánh nắng ban mai. Cảnh vật tĩnh mịch ở đây rất phù hợp với những ngôi miếu có phần điêu tàn, nghe nói sẽ được trùng tu. Có cô con gái giải thích cho chúng tôi là để thờ Bà. Nhà tôi đang còn dang dở với Bà Trời Thiên Mụ nên muốn tìm biết là thờ Bà nào. Thì Bà là Bà ! Có lẽ chỉ có một Bà nên dân chúng không cần chỉ định là Bà nào. Nhớ đến hồi Nguyễn Hoàng vào trấn nhậm ở đây, có thể không muốn cùng thờ bà Liễu Hạnh như ở ngoài bắc, nên phải tạo ra một Bà Trời riêng biệt để khẳng định bản chất độc lập của mình, dù phải dựa vào một vị thần bản địa có thể là Thiên Y A Na, không phải Việt mà Chăm. Thì thôi, cứ việc Việt hóa bà ta đi.



Hơn nhiều trăm năm trước, vị chúa Nguyễn đầu tiên đã có ý chí thống nhất các sắc tộc thành một dân tộc Việt Nam mà ta là người thừa kế làm sao cho xứng danh truyền thống. Bên cạnh bờ sông có thờ một phiến đá hình tam giác gọi là ông Mốc, lúc trước là cái cọc để đánh dấu ranh giới hai làng. Một phiến đá khác ngày nay nằm ngay giữa đường nhưng không ai dám chạm vào vì nghe nói rất linh thiêng. Cô gái hồi nảy căn dặn chớ đá chân vào, sẽ bị Ngài trừng phạt ngay. Từ biệt Bà, từ biệt Ngài, trên chuyến đò chở từ Cồn Hến (bây giờ hết còn đò !) về đến bến cầu Trường Tiền, nhìn mây trời bát ngát, sóng nước dao động, chúng tôi không khỏi bâng khuâng về chuyện tín ngưỡng của người Huế nói riêng, của người Việt Nam nói chung. Nhưng nói cho cùng, dân tộc nào mà không có chuyện tin tưởng thần linh, ngay cả bên Nhật Bản là một nước tân tiến về mặt khoa học kỹ thuật mà vấn đề thờ cây, cúng đá luôn vẫn tồn tại, còn có người Phù Tang hãnh diện tôn vinh việc thờ phụng thiên nhiên, tạo hóa. Đừng nói đến những nước khác như Ấn Độ, Nam Dương, Miến Điện, …thì tín ngưỡng dân gian vô cùng phong phú và chắc còn lưu lại lâu dài.

 

Chuyến dạo chơi quanh thành nội gợi lại trong trí ức tôi cả một thời đang lớn lên. Từ nhỏ, thời tiểu học, trọ ở Kho Rèn, tôi đã từng theo các anh tôi vượt cầu Trường Tiền qua phố, vào thành nội, đi quanh các cung điện, viếng thăm mấy Viện Bảo tàng rồi vào Tịnh tâm xem sen, mỗi lần là cả một cuộc hành trình xa xôi đầy cảm hứng. Vào ngày sinh nhật vua Bảo Đại, học sinh các trường từ sáng sớm đã phải tập trung diễu hành trước lầu Ngọ Môn, hô to Hoàng đế vạn tuế, từ xa chỉ thấy đức vua khăn áo vàng hoe thấp thoáng giữa đám quan viên triều phục chỉnh tề. Bất bình là sau cuộc diễu hành, nghe nói chỉ có con cháu Tôn thất được mời dự tiệc mừng vua còn bao nhiêu học sinh khác phải lủi thủi ra về. Sau nầy, ở Paris, tôi có dịp gợi với lại Cựu Hoàng những kỷ niệm xa xôi nầy vài năm trước khi Ngài mất và chúng tôi cùng nhau cười. Lớn lên, ở tuổi trung học, theo Hướng đạo, Kỳ đài là nơi thi truyền tin để thi lấy badge : tôi còn nhớ một anh thủy quân được nhờ lại đứng trên chân cột cờ, phất hai cánh cờ nhỏ đánh một bản sémaphore ; hồi ấy tôi tự hào đọc giỏi khi học tập, vậy mà trước tốc độ biểu diễn của người chuyên nghiệp ngày thi chỉ biết lắc đầu chịu thua. Sau nầy đây là nơi tôi được chứng kiến những cuộc thả diều ngoạn mục. Nhưng kỷ niệm sâu đậm nhất là những năm cách mạng, trường Khải Định dành cho Giải phóng quân, học sinh phải vào học trong nội. Đây là cung cấm thời trước, bây giờ mặc sức chạy nhảy, đùa giởn, đá banh. Chúng tôi ngang nhiên tranh nhau trong vài phút ngồi lên ngai vàng ở Điện Thái Hòa, đóng vai vua nhìn ra bái đình tưởng như đang có chín hàng quan lại phủ phục tỏ lòng tôn kính. Ngày nay, Điện Thái Hòa được sơn son thép vàng chói lọi mới tanh nhưng ở đằng sau Tử cấm thành chỉ còn là một khuôn viên điêu tàn, vết tích một thời vàng son không bao giờ trở lại nữa.

 

Tôi còn muốn kể thêm một chuyến hành hương đầy kỷ niệm thời xưa : dọc con sông đào An Cựu. Trước khi rời Huế, tôi trọ tại nhà anh tôi truớc tản cư ở gần cung An Định (bây giờ thành quen biết với mấy quán bèo-nậm-lọc bên cạnh), tản cư thì về ở bên kia sông, ngay truớc Dòng Cứu Thế. Sông An Cựu không nắng đục mưa trong như trong câu hò mà vào kỳ khai giảng thường mưa lớn và nước sông dâng lên đục ngầu, ngập hai đường bên bờ sông. Ngược dòng sông một khoảng là xóm Kho Rèn, nơi tôi trọ tại nhà anh cả lúc còn học tiểu học. Tôi còn nhớ mỗi lần về khuya, đi ngang qua Nhà Máy Điện nghe máy chạy rầm rộ mà sợ vô cùng. Lên một khúc nữa là xóm Phủ Cam, nhà anh cả tôi dọn lên ngay trước trụ sở đức Hồng Y mà mỗi chủ nhật có xe hơi đưa bà Nam Phương lại rửa tội. Mấy năm đầu mới về, tôi thích vào các hẽm xóm xem gọt tre, ủi lá làm nón, một nghề ngày nay đang mai một. Tiếp theo xóm nầy là Bến Ngự của cụ Phan Bội Châu. Đâu còn nữa chiếc đò đậu gốc cây sung ? Ở cạnh cầu là một dãy quán bán guốc đủ loại, chọn xong là người bán đóng ngay quai guốc theo đúng chân mình. Lên một chút nữa là Nam Giao. Làm sao quên được ngày tế, đứng đợi trên đường từ sáng để xem đoàn rước cờ xúy rập trời, đức vua Bảo Đại trẻ đẹp, nghiêm nghị trong chiếc kiệu sơn son thép vàng mà đúng ra người dân đen phải cúi đầu, không có quyền nhìn ngó. Và trước khi đổ vào sông Hương, dòng sông lướt qua trước nhà ga với những chuyến đi, chuyến về từ Mỹ Chánh trước và sau các kỳ nghỉ học, những cuộc chen chúc mua vé, dành chỗ ngồi, những nỗi buồn ly biệt, chia tay,… Từ An Cựu tiến vế phía nam là Nghẹo Dàng Xay dẫn lên chân núi Ngự Bình, nơi có mồ mã cụ mạ và anh tôi. Năm vừa rồi, tôi có đem gia đình đứa con trưởng về đây đốt nén hương tưởng nhớ ông bà đã có công gây dựng một gia đình mà họ không hề có một ý tưởng ngày nay đã phát triển rộng lớn thế nào trên khắp năm châu.

 

Hình ảnh quê hương biết bao lưu luyến, nhất là những hình phong cảnh gợi lên những nơi chốn đã sống, những hình cảnh tượng ghi lại những kỷ niệm vui buồn. Đêm khuya không ngủ, dù không có tiếng gà gáy eo óc, tiếng chuông chùa ngân nga, cuốn sách, dĩa ảnh, dù không có giọng nói quen thuộc, tiếng hò da diết, là nơi khuây khỏa lòng thương thầm kín, nỗi nhớ mông lung của kẻ tha hương nơi đất trời xa lạ.

  Xô thành tiết lập hạ 2006

Giáo sư, tiến sĩ hóa học Võ Quang Yến, Việt kiều Pháp, là một cộng tác viên lâu năm của Chương trình phát thanh Dành cho đồng bào Việt Nam ở xa Tổ quốc, với những bài viết dạng ký hoặc tản văn về đất nước, đặc biệt là về mảnh đất Cố đô; cũng như những bài viết thường thức khoa học. Ông là người sáng lập và từng là Chủ tịch Hội những người yêu Huế tại Pháp.

 

Phản hồi

Các tin/bài khác