(VOV5) - Qua đôi mắt hiền triết của Trịnh Lữ, dù trong những ngày khó khăn nhất của đại dịch covid 19, cuộc sống vẫn lấp lánh những niềm hy vọng.
Nghe âm thanh bài tại đây qua giọng đọc PTV Kim Phượng:
Họa sĩ, dịch giả Trịnh Lữ đã từ Mỹ trở về ở hẳn tại quê hương trong mấy năm qua. Mấy năm nay, ông bà Trịnh Lữ trở về mảnh đất xưa, địa chỉ nổi tiếng 108 Quán Thánh - Hà Nội, nơi lưu giữ những kỷ niệm của cha ông, họa sĩ, thiền sư Trịnh Hữu Ngọc, người gây dựng thương hiệu nội thất MEMO lừng danh đầu thế kỉ 20, nơi “tiếng dương cầm trong căn nhà đổ” của người em gái ông – pianist Trịnh Thị Nhàn - từng đi vào thơ Phan Vũ và âm nhạc Phú Quang. Địa chỉ ấy, những gia đình người thân của ông vẫn ở; và hai ông bà có phòng vẽ, phòng trưng bày tranh và di sản của cha mẹ.
Không khí xuân trong căn phòng của gia đình họa sĩ Trịnh Lữ tại 108 Quán Thánh, Hà Nội. - Ảnh: FBNV |
Trong căn phòng ấm áp không khí nghệ thuật và hương xuân mới, hỏi ông về những gì ông đã làm được trong năm qua, và tác phẩm nào đón mừng năm mới, năm của những hy vọng đổi thay tốt đẹp hơn qua những ngày đại dịch, họa sĩ, dịch giả Trịnh Lữ nói: "Tác phẩm đón Xuân năm nay ư? Hoá ra phần nhiều là “truyền thông” nghệ thuật. Như là: đặt tên và vẽ, các ấn phẩm của chương trình âm nhạc “Cảm hứng Chiềng Đi” của Phó An My, Quyền Thiện Đắc và Đặng Tuệ Nguyên. Viết giới thiệu cho triển lãm tranh sơn mài của nữ hoạ sỹ Công Kim Hoa. Đặt tên cho triển lãm tranh của Bùi Thanh Thuỷ. Viết lời mở đầu cho cuốn sách về bộ tranh phong cảnh Hà Nội rất đặc biệt của lão hoạ sỹ Ngọc Linh. Viết giới thiệu mười cuốn sách dịch trong Tủ sách Nghệ thuật của nhà Omega +. Những bài viết ấy đều có cả một bản tiếng Anh đi kèm.
Một công trình đón Xuân còn đang dang dở nữa là chỉnh lý bổ sung để tái bản cuốn sách “Trịnh Hữu Ngọc – Từ những tác phẩm còn lại”, đã ra từ 2017, và lần này may mắn có nhà Omega + làm bà đỡ.
Đã kể đến việc truyền thông, thì cũng có thể ghi nhận một buổi chuyện trò với bạn đọc về việc dịch văn học, do nhà sách Phương Nam tổ chức, cùng với dịch giả Lê Quang, với sự điều khiển của TS Quyên Nguyễn. Một buổi rất vui vì bạn đọc đến dự rất đông đảo và có nhiều câu hỏi sâu sắc.
Rồi còn một buổi TED-Talk đặc biệt nữa với các bạn trẻ do đại học RMIT tổ chức, bàn về nhiều thách thức của tuổi trẻ hiện nay, trong đó có vai trò của nghệ thuật trong sự hình thành và nuôi dưỡng nhân cách.
Và mới nhất là một cuộc podcast rất vui trong chương trình “Have a Sip” của Vietcetera, lên sóng đúng ngày 30 Tết, tưởng chỉ là về “khoái lạc hội hoạ”, mà rồi sang đủ thứ chuyện khác về nghệ thuật và tuổi trẻ tuổi già.
Bộ lịch 2023 từ tranh sen của họa sĩ Trịnh Lữ |
À mà cũng có thể gọi là một tác phẩm ở dạng phái sinh ra đời chỉ để đón xuân Quý Mão 2023 này: một bộ lịch mà mỗi tháng là một bức tranh hoa sen của tôi, chọn từ những bức đã vẽ từ 2020 cho đến nay. Tác phẩm phái sinh này là sáng kiến của Hội quán Di sản, và sản phẩm hoàn toàn của do Hội quán thiết kế, in ấn và phát hành.
Đấy, quá bận với những việc ấy nên chưa khai bút đón xuân được bức tranh nào."
Trịnh Lữ vẫn lặng lẽ viết, lặng lẽ vẽ như đã từng bao năm, nhưng những năng lượng lan tỏa từ trữ lượng tri thức và hiểu biết của một người đã trải nhiều dâu bể, đã tạo nên một từ trường thu hút những bạn đọc, những người yêu tranh, yêu hội họa, nghệ thuật.
Khi chúng tôi hỏi ông, đi nhiều, quan sát nhiều, ông nhận thấy những điều gì về hoạt động mỹ thuật hiện nay ở ta, họa sĩ Trịnh Lữ chia sẻ: "Tôi cực kỳ ngạc nhiên vì rất nhiều triển lãm ở khắp nơi, rất nhiều nhóm mỹ thuật trên mạng xã hội, rất nhiều kết nối giữa hoạ sỹ với nhà sưu tập, rất nhiều các không gian mỹ thuật, nhà đấu giá… Tóm lại là mỹ thuật ở ta đã nở rộ đến mức có thị trường của mình.
Hình như mỹ thuật của ta đang lặp lại những gì đã diễn ra ở Âu Mỹ từ hơn một thế kỷ trước đến giờ, và đang cố đi tắt để đuổi kịp và sánh bước với họ trong quan niệm đương đại rằng ta gọi cái gì là nghệ thuật thì nó là nghệ thuật.
Thi thoảng lắm, tôi cũng gặp được một vài cuộc triển lãm bộc lộ những cảm hứng nghệ thuật chính đáng và sâu sắc, được diễn đạt đầy tự tin với kỹ năng nghiêm túc và lộng lẫy khiến cho tác phẩm có sức lay động tự thân thực sự thuyết phục. Cũng chả có gì lạ. Tôi nghĩ ở đâu và bao giờ thì cũng như vậy thôi."
Những tháng năm trở về, người họa sĩ, dịch giả, cựu phát thanh viên tiếng Anh lừng tiếng của Đài Tiếng nói Việt Nam, đã cùng đất nước trải qua đủ cung bậc vui buồn, nhưng qua đôi mắt hiền triết của ông, dù trong những ngày khó khăn nhất của đại dịch covid 19, cuộc sống vẫn lấp lánh những niềm hy vọng.
Ông bà Trịnh Lữ với đạo diễn Nguyễn Thị Xuân Phượng (ngồi giữa) tại TP Hồ Chí Minh - Ảnh: FBNV |
Sau hai năm đại dịch, ông bà vừa có một chuyến ngược xuôi Nam Bắc. Ông nói: “Tôi có ba tuần lễ ở Sài Gòn, sát Tết mới về Hà Nội. Cảnh trí trong kia có vẻ vẫn chưa được như thời trước đại dịch. Nhiều cửa hàng vẫn đóng cửa chờ người thuê mới. Câu chuyện với các tài xế Grabcar và Grabike vẫn có màu bi quan. Mọi người lo khi tin đưa đã có nhiều ca nhiễm biến chủng Covid mới. Quán ăn bình dân cũng không có cảm giác hào hứng như trước, cả người ăn lẫn người phục vụ. Phim Avatar tràn lan mọi rạp. Phim Tro tàn Rực rỡ thì chỉ còn mỗi một rạp chiếu trong quận 3, vào xem chỉ có độ hơn hai chục thanh thiếu niên.
Ra đến Hà Nội thì đường xá đông quá. Mà nhà nào cũng là cửa hàng. Đường phố đi bộ cũng dày đặc cửa hàng. Mà không có cửa hàng thì cũng chả ai muốn đến. Trang trí toàn quảng cáo. Chỗ nào cũng như sân khấu. Cuộc sống có vẻ ngoài như một sắp đặt trình diễn. Cái gì cũng phải thật to thật kêu thật nổi bật.
Vì trót sinh ra và lớn lên ở đây, nên cảm xúc về mùa Xuân bây giờ của một người già như tôi phần nhiều là nhớ tiếc thời xưa, khi Hà Nội chưa thành một rừng bê tông hừng hực quảng cáo và khẩu hiệu như bây giờ.
Chỉ có điều: trong cái hừng hực ấy, có thể thấy được sức sống rất tươi trẻ đang sinh sôi nẩy nở không gì có thể cản trở được. Sức sống ấy chả cần phải Xuân về mới trỗi dậy. Nó khiến tôi hồi hộp, chỉ mong sao cho nguồn sinh lực ấy được hướng thiện hài hoà theo lẽ Chân Thiện Mỹ.”