(VOV5) - Họa sĩ Lê Huy Tiếp là một gương mặt tiêu biểu, người tiên phong của thế hệ họa sĩ thứ ba trong nền mỹ thuật hiện đại nước nhà.
Ông thành danh trên cả hai lĩnh vực hội họa và tranh in, là tấm gương lao động miệt mài, sáng tạo, khai mở nhiều phương thức sáng tạo nghệ thuật mới.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Trong những năm từ 1969-1970, họa sĩ Lê Huy Tiếp từng theo đuổi trường phái hậu ấn tượng. Trong những năm 1971 -1974, ông chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa hiện thực mới và chủ nghĩa biểu hiện với các đề tài về tội ác chiến tranh tại Việt Nam. Tuy vậy, từ năm 1975, khi nền nghệ thuật ở nước ta đang hướng đến các giá trị cộng đồng, cổ động đời sống lao động chiến đấu và sản xuất, họa sĩ Lê Huy Tiếp đã sớm quan tâm và nhấn mạnh đời sống riêng tư, sự cô đơn và những niềm hy vọng cá nhân.
Họa sĩ Lê Huy Tiếp bên tác phẩm Du thuyền - Ảnh: Báo Thanh niên |
Tiến sĩ Hồ Trọng Minh, giảng viên Khoa Đồ họa, Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, một trong những học trò của họa sĩ Lê Huy Tiếp nhận định: Bức tranh “Cô gái và con chó trắng” chính là tác phẩm mở đầu cho con đường lãng mạn siêu thực mà ông theo đuổi: "Tôi nhìn nhận bức tranh này đẹp về màu sắc và cả ý tưởng, mang một nồi buồn mang mác nào đó khi họa sĩ thể hiện sự cô đơn nào đó. Bản thân ông đã từng nói với tôi về hình tượng người phụ nữ rằng: tôi yêu phụ nữ cũng như tất cả mọi người. Tôi yêu cái đẹp! Và tôi nhìn thấy ở người phụ nữ có nét gì đó có gì đó buồn buồn. Luôn luôn nhìn thấy trong tranh Lê Huy Tiếp không có một chi tiết nào được coi như là ngẫu nhiên tạm thời đưa vào. Tất cả mọi điểm ông đều tính toán kĩ càng."
Họa sĩ Lê Huy Tiếp là người có phong cách nghệ thuật rõ ràng, định hình trong từng giai đoạn. Đặc biệt, ông là một trong số ít họa sĩ mở rộng không gian bức tranh, không phải giới hạn trong hình chữ nhật mà còn là hình vuông, mang hơi thở mạnh mẽ, năng lực biểu hiện của người họa sĩ. Là họa sĩ tiên phong sáng tác theo khuynh hướng hiện đại – hậu hiện đại, ông đã thể nghiệm và rất thành công với bút pháp cực thực.
Tác phẩm của Lê Huy Tiếp - Ảnh: Bảo tàng mỹ thuật Việt Nam |
Nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Hải Yến nhận định: Bút pháp cực thực của họa sĩ Lê Huy Tiếp chứa đựng tinh thần nghệ thuật mới, với những đề tài mạnh mẽ riêng có trên chất liệu sơn dầu: "Đặc biệt nhất là họa sĩ Lê Huy Tiếp không dùng sơn mài. Tôi cảm giác nếu họa sĩ Lê Huy Tiếp dùng sơn mài, những động tác trong làm tranh sơn mài sẽ làm chậm bước đi của hành động hội họa, hành động nghệ thuật. Phải mạnh mẽ, rối rít, dồn dập thì mới thỏa mãn được cảm xúc dâng trào. Họa sĩ Lê Huy Tiếp chững lại ở những năm 90, cũng là mở đầu khuynh hướng nghệ thuật mới- khuynh hướng cực thực."
Từ rất sớm họa sĩ Lê Huy Tiếp đã thể hiện tài năng trong lĩnh vực đồ họa. Ông nắm bắt kĩ thuật in khắc hóa chất thành công trong khắc cao su, khắc kẽm, đồng, đá. Điều đó có được là do trong những năm tháng tu nghiệp ở Nga, ông được học tập kĩ lưỡng về đồ họa phương Tây. Bên cạnh đó, ông cũng là người thực hành liên tục, song song giữa sáng tác đồ họa và hội họa, lấy hình tượng hội họa làm ý tưởng phát triển đồ họa, lấy đồ họa làm cơ sở thẩm mỹ, chất liệu cho ý tưởng được bén rễ. Đặc biệt, vốn là người được đào tạo bài bản về nghệ thuật, khắt khe trong những tiêu chuẩn thẩm mỹ, bao giờ ông cũng có những phác thảo rất kĩ, lựa chọn màu sắc cẩn trọng.
Họa sĩ Hoàng Thị Bích Liên, một học trò của họa sĩ Lê Huy Tiếp cho rằng: nhắc đến họa sĩ Lê Huy Tiếp, người ta thường nhắc đến tranh đồ họa bởi ông là người có nhiều tác phẩm đồ họa, với nhiều cải tiến, tìm tòi về mặt kĩ thuật và phổ biến đến các họa sĩ trong nước: "Ông rất tỷ mỷ, cẩn trọng, say sưa… chính vì thế rất hợp với dòng tranh đồ họa. Ít người có được số lượng tranh in đồ họa có giá trị như của họa sĩ Lê Huy Tiếp. Cuộc đời người họa sĩ làm được như ông không phải nhiều người. Thầy bào “cuộc đời này ngắn lắm nên phải làm việc thôi”. Các học trò chắc phải suy nghĩ nhiều về câu nói này của thầy."
Đối với họa sĩ Vũ Bạch Liên, học thầy Lê Huy Tiếp là học mãi cũng không hết. Có một điều đặc biệt là ông có thể dạy với nhiều chất liệu, không chỉ vẽ tranh sơn dầu hay đồ họa, luôn chỉ dạy tận tình, không giấu bất cứ điều gì. Họa sĩ Lê Bạch Liên nhớ nhất là khi mới theo học, những bài học đầu tiên là khắc kim loại thầy đã “thử thách” mình: "Có rất nhiều chất liệu sau này tôi được học nhưng mãi sau này tôi mới biết một trong những bài học đầu tiên mà thầy dạy lại là những chất liệu khó nhất. Nhưng rất may mắn là tôi có thể từng bước được thầy chỉ dẫn. Và có thể đấy là những kinh nghiệm rất bổ ích và thú vị cũng như là ý chí để giúp tôi sau này khi chinh phục với những chất liệu khác, với những hình thức tạo hình mới thì tôi không ngại khó, không ngại khổ."
Do tính cách cẩn trọng và tiềm thức chịu ảnh hưởng bởi các tiêu chuẩn thẩm mỹ của các trường phái hội họa Châu Âu, những bức tranh của họa sĩ Lê Huy Tiếp luôn được thực hiện kĩ càng, từ khâu phác thảo đến khi nhấn nhá từng lượt màu. Vì thế tranh của ông rất bền màu, từ những bức tranh đầu tiên ông vẽ đến tận bây giờ như bức “Miền Trung” thuộc sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, bức “Chiến tranh”, “Hòa Bình”…
Tiến sĩ Hồ Trọng Minh, giảng viên Khoa Đồ họa, Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, một trong những học trò của họa sĩ Lê Huy Tiếp đã nói về thầy với cả sự tôn trọng và yêu quý: "Chữ thứ nhất tôi học được ở thầy Tiếp chính là sự tôn trọng- tôn trọng những người khác, tôn trọng tác phẩm. Chữ thứ hai tôi có thể học được từ thầy Tiếp là sự lương thiện. Lương thiện trong cuộc đời và cái nhìn lương thiện khi đưa vào trong tác phẩm. Chữ thứ ba tôi học được thầy Tiếp là sự cẩn trọng trong từng nét vẽ."
Con người họa sĩ Lê Huy Tiếp yêu sự sáng tạo từ những góc độ bình thường của cuộc sống. Ông đã từng vẽ túi ni lông bay ngang qua bầu trời, làm tranh đồ họa bằng xương cá, con mực, lá dương xỉ… Con người giản dị và khiêm tốn ấy, sau 50 năm thực hành nghệ thuật mới cho ra mắt triển lãm cá nhân, trình bày toàn bộ gia tài sáng tác của mình trong gần nửa thế kỉ, khi ông đã 70 tuổi. Đó lại là một câu chuyện hiếm có trong làng hội họa hiện nay!
"Họa sĩ Lê Huy Tiếp sinh năm 1951 tại Nghệ An. Năm 1969 ông tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nộị, sau đó có thời gian du học và tham gia thể nghiệm tại Nga và Mỹ. Quãng thời gian 10 năm du học mỹ thuật tại Nga đã góp phần tạo nên một họa sỹ Lê Huy Tiếp với vốn kiến thức vững vàng và nền tảng văn hóa đa dạng. Năm 1975, ông trở về Việt Nam giảng dạy tại Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội. Song song với công việc của một giảng viên, họa sỹ đã ra mắt công chúng nhiều tác phẩm mang dấu ấn trong thời kỳ này. Bút pháp tả thực cộng với kỹ thuật vẽ tranh sơn dầu nhuần nhuyễn của họa sỹ Lê Huy Tiếp đã để lại ấn tượng mạnh mẽ cho người xem. Các nhà phê bình nghệ thuật đánh giá cái nhìn chủ nghĩa hiện thực lãng mạn và yếu tố siêu thực của Lê Huy Tiếp hoàn toàn khác biệt với các họa sỹ cùng thời." - GIới thiệu của Bảo tàng mỹ thuật Việt Nam