Học viện mở Châu Âu

(VOV5)- Trong khuôn khổ “Open Academy Europe“, một chương trình hợp tác giữa các Viện văn hóa và Đại sứ quán châu Âu với các ĐH Mỹ thuật Hà Nội, Huế và TP HCM, một lần nữa Viện Goethe hợp tác với Đại sứ quán Hà Lan để đem các chủ đề cách tân sang Việt Nam: Một hội thảo thực hành nhiều ngày về đề tài “Khắc gỗ trong thời đại số“ với nữ nghệ sĩ Christiane Baumgartner (Leipzig), cũng như “Game Jam“ với các nhà nghiên cứu design Ts. Richard van Tol và Ts. Sander Huiberts từ Đại học Utrecht (Hà Lan).

Hội thảo thực hành: Khắc gỗ trong thời đại số – Nhiếp ảnh, Video và các phương tiện điện tử trong mối tương quan với đồ họa in ấn truyền thống. Từ các tác phẩm đóng góp của người tham gia sẽ làm thủ công ra một cuốn sách mỹ thuật. 
Game Jam
: Phác thảo một trò chơi đa phương tiện trên nền nhạc tự chế.


Hội thảo sẽ diễn ra từ
29/10 đến 2/11/2012 ở Đại Học Mỹ thuật TP.HCM (khắc gỗ): từ 5/11 đến 9/11 ở FPT Arena Multimedia TP.HCM (Game Jam) và ở ĐH nghệ thuật Huế (Khắc gỗ); từ 12/11 đến 16/11 ở ĐH Mỹ thuật - 42 Yết Kiêu Hà Nội (Khắc gỗ) và ở FPT Arena Multimedia Hà Nội (Game Jam)


Học viện mở Châu Âu - ảnh 1 Nghệ sĩ Đức Christiane Baumgartner sinh năm 1967, học ĐH Đồ họa và Nghệ thuật sách Leipzig từ 1988 đến 1994, khoa Đồ họa và Nghệ thuật sách. Môi trường nghệ thuật của chị chủ yếu là in ấn. Các tác phẩm khắc gỗ của chị rất nổi tiếng. Chị thường dùng tài liệu đầu vào là phim video tự quay, sau đó chuyển thành dạng và phong cách khắc gỗ.  Christiane Baumgartner được biết nhiều trên bình diện quốc tế và đã đoạt nhiều giải thưởng. Tác phẩm của chị được trưng bày tại các bảo tàng ở Leipzig, Vienna, London, New York, Amsterdam.


Nhận lời mời của Viện Goethe, Christiane Baumgartner tổ chức một loạt hội thảo nhiều ngày tại các ĐH Mỹ thuật Hà Nội, Huế và TP HCM với chủ đề là sự tương quan giữa kỹ thuật in truyền thống với các phương tiện kỹ thuật số. Kết thúc hội thảo, các tác phẩm của người tham gia sẽ được trưng bày tại một triển lãm. Christiane Baumgartner cũng sẽ thuyết trình với người nghe.


Ts. Richard van Tol sinh năm 1976, nghiên cứu về design (thiết kế) tại ĐH Utrecht School of the Arts, trên lĩnh vực nghệ thuật, phương tiện và công nghệ. Trọng tâm công tác của anh là sáng tác game và chế tạo đồ chơi tương tác. Anh tổ chức các khóa học về chủ đề Thiết kế âm thanh trong trò chơi và đã làm luận án tiến sĩ về đề tài này. Lần đầu tiên vào năm 2011 Richard van Tol thực hiện một “Cultures At Play Game Jam“ ở Istanbul, đó là một chương trình Game Jam liên văn hóa giữa các sinh viên Thổ Nhĩ Kỳ và Hà Lan.  Ngoài ra, ở Bartiméus Accessibility Foundation (Hà Lan) anh nghiên cứu cách loại bỏ các rào cản giữa các trò chơi điện tử dành cho người tàn tật. Năm 2001 Richard van Tol cùng Ts. Sander Huiberts sáng tác “Drive“, một trò chơi điện tử cho người mù.


Ts. Sander Huiberts, sinh năm 1979 là nhà nghiên cứu và thiết kế âm nhạc, bảo vệ luận án tiến sĩ tại ĐH Porthmouth (Anh) về đề tài Nhúng và Âm thanh trong trò chơi điện tử, hiện đang theo học Thiết kế các hệ thống âm nhạc thích ứng tại ĐH Utrecht School of the Arts. Anh tổ chức các khóa học về thiết kế âm thanh trong game, nhạc thích ứng cho game và ghép âm thanh trong phát triển trò chơi. Năm 2008 anh phát hành một phương pháp làm âm thanh trong trò chơi điện tử với tên gọi IEZA, nay được sử dụng tại trường Utrecht School of the Arts và các trường ĐH khác trên toàn thế giới. Ts. Sander Huiberts đặc biệt quan tâm nghiên cứu phát triển các hệ thống với âm thanh và âm nhạc của ngữ cảnh phi tuyến cũng như các công đoạn thiết kế.      


Hai nhà nghiên cứu design, Ts. Richard van Tol và Ts. Sander Huiberts (Hà Lan) sẽ tổ chức một “Game Jam“, trong đó những người tham gia sẽ cùng nhau phát triển một trò chơi mới và âm nhạc thích hợp với trò chơi đó. Không ấn định trước kết quả sẽ là một trò chơi điện tử hay một trò chơi không kỹ thuật số (chơi bài, chơi trên ván). Thời gian hội thảo khá ngắn, nhằm kích thích tư duy sáng tạo của người tham gia để họ sáng tác các trò chơi cách tân và mang tính thử nghiệm. Cuối tuần hội thảo, các trò chơi ấy sẽ được giới thiệu tại trường ĐH Mỹ thuật ở địa phương và mời các sinh viên khác cùng chơi.      

Phản hồi

Các tin/bài khác