(VOV5) - Cần một sự đầu tư và cần phải có một sự quan tâm một cách thấu đáo hơn để lực lượng viết văn phải có thể hệ nối tiếp nhau. Và thế hệ sau ấy cũng là một sự tiếp nối truyền thống của Hội Nhà văn Hà Nội
Cuối tuần qua, Hội Nhà văn Hà Nội đã tổ chức Đại hội toàn thể lần thứ 13, nhiệm kì 2020-2025. Ở một trong những trung tâm lớn nhất cả nước về cộng đồng văn nghệ sĩ chuyên nghiệp, là một trong những hội nghề nghiệp có bề dày truyền thống và nổi tiếng về chất lượng giải thưởng, không thế nói rằng một kỳ Đại hội không mở ra những kỳ vọng mới cũng như sự quan tâm của giới văn chương. Với tân Chủ tịch hội là nhà thơ Trần Gia Thái và ban chấp hành tất cả gồm 8 nhà văn, nhà thơ tên tuổi, vẫn còn đó nhiều vấn đề đang chờ được giải đáp suốt nhiều năm qua.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Vào năm 2017, trong lịch sử hoạt động 22 năm của Hội Nhà văn Hà Nội, một nữ nhà văn đã đắc cử vị trí chủ tịch. Đây là một dấu ấn đậm nét khiến hơn 3 năm sau, nhiều người vẫn tiếp tục đặt kì vọng vào sự đổi mới trong Đại hội Hội Nhà văn Hà Nội lần thứ 13.
Một số tác phẩm của các hội viên Hội nhà văn Hà Nội. |
Tuy nhiên, có thể thấy, theo thời gian, những bài toán khó đặt ra cho Ban Chấp hành nói riêng và Hội Nhà văn Hà Nội nói chung như vấn đề chất lượng hội viên, trẻ hóa đội ngũ, kinh phí sáng tác… dường như vẫn chưa tìm được lời giải.
Hội Nhà văn Hà Nội hiện có hơn 700 hội viên, nhưng đa số là nhà văn cao tuổi với độ tuổi trung bình là gần 70. Yêu cầu trẻ hóa từ hội viên tới Ban Chấp hành đã được đặt ra trong suốt nhiều năm nhưng cho đến nay, vẫn là chuyện chưa được tháo gỡ.
Nhà thơ Lê Thị Bích Hồng - Ảnh: Văn học Sài Gòn |
Nói như nhà thơ Lê Thị Bích Hồng, đây là một trong những kì vọng được đặt ra trong mỗi kì đại hội: "Tôi có một cảm nhận là trong những năm gần đây so với Hội Nhà văn Việt Nam thì lực lượng trẻ tham gia Hội Nhà văn Hà Nội hình như ít hơn. Có lẽ cần một sự đầu tư và cần phải có một sự quan tâm một cách thấu đáo hơn để làm sao lực lượng viết văn phải có thể hệ nối tiếp nhau. Và thế hệ sau ấy cũng là một sự tiếp nối truyền thống của Hội Nhà văn Hà Nội."
Nhà thơ Lữ Mai |
Nhà thơ Lữ Mai – một trong những gương mặt trẻ tuổi hiếm hoi của Hội Nhà văn Hà Nội cũng cho rằng mặc dù Hội cũng có những hoạt động dành cho cây viết trẻ, nhưng việc bồi đắp đội ngũ trẻ vẫn còn nhiều hạn chế: "Người trẻ chúng tôi vẫn mong chờ Hội có những ưu tiên dành cho đội ngũ người viết trẻ, thể hiện qua đội ngũ hội viên được kết nạp hàng năm, rồi tác phẩm của những nhà văn trẻ lọt vào giải thưởng, và bên cạnh đó là những hoạt động dành cho các nhà văn trẻ như là các chuyến đi thực tế, các trại sáng tác.
Tuy nhiên, theo quan sát cũng có thể là hạn hẹp và chưa đầy đủ của tôi, tôi thấy rằng việc bồi đắp đội ngũ người viết trẻ cũng còn bộc lộ những hạn chế. Và giải thưởng dành cho các nhà văn trẻ cũng đã để trống nhiều năm. Bên cạnh đó, các hoạt động của Hội dành cho đội ngũ những người viết trẻ vẫn còn thưa vắng. Chúng ta chỉ có thể điểm đến Hội nghị những người viết văn trẻ thôi."
Hội nghị viết văn trẻ Hà Nội lần thứ 3 do Hội nhà văn Hà Nội tổ chức. - Ảnh: Báo Quân đội nhân dân |
Nhưng cũng cần phải hiểu rằng trẻ hóa hội viên không phải là công việc dễ dàng. Sự xuất hiện của một cây bút trẻ cần tới sự hội tụ của nhiều yếu tố, mà ở phía hội nghề nghiệp hầu như chỉ có thể “đảm nhiệm” phần “ươm mầm”. Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến, Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Hà Nội cho biết: "Trong nhiệm kì qua, nhằm tập hợp những người viết trẻ làm đội ngũ kế cận cho văn học tương lai, Ban chấp hành Hội Nhà văn Hà Nội chúng tôi đã tổ chức thành công Hội nghị viết văn trẻ lần thứ 3 ở Cúc Phương, Ninh Bình, thành lập Câu lạc bộ Văn học trẻ nhằm tạo ra một sân chơi văn chương, cùng với cơ hội chia sẻ giữa những người viết văn trẻ của thủ đô, với sự tham dự tự nguyện của những người viết trẻ, với mục đích cao nhất là thúc đẩy sự sáng tạo nơi người cầm bút, nâng cao chất lượng sáng tác văn học nói chung, phát hiện và bồi dưỡng những cây bút mới cho nền văn học thủ đô của chúng ta."
Có nhiều lí do được đưa ra để giải thích cho việc ít hội viên trẻ. Trong báo cáo tổng kết nhiệm kì trước, nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ, nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội cho rằng “đội ngũ tác giả trẻ kế tiếp hụt hẫng, không nhiều tác giả còn đam mê sáng tác bởi nhiều lí do, trong đó có văn hóa đọc xuống cấp; sự cạnh tranh của nhiều loại hình truyền thông, giải trí; đời sống quá khó khăn của nghề buộc họ phải lựa chọn con đường lập thân, lập nghiệp khác”…
Trẻ hóa đội ngũ sáng tác, thiếu nguồn kinh phí hoạt động, ít hội viên về mảng dịch thuật và phê bình… Có lẽ đây không chỉ là vấn đề của riêng Hội Nhà văn Hà Nội mà là thách thức chung cho các Hội Văn học nghệ thuật từ trung ương tới địa phương.