Khi nữ nhà văn… chống dịch

(VOV5) - Khi đại dịch Covid-19 hoành hành, nhiều nhà văn, đặc biệt là không ít nhà văn nữ đã không đứng ngoài cuộc. 

Bên cạnh chung tay cùng cả nước phòng, chống dịch, làm thiện nguyện, trong những ngày giãn cách xã hội họ đã dành thời gian viết bút ký, tản văn; viết báo và ngẫm ngợi, ấp ủ những cuốn sách mới về đề tài dịch bệnh.

Bắc Giang là địa phương đầu tiên trong cả nước bị ảnh hưởng nặng nề bởi làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư. Cũng như mọi người dân Bắc Giang khác, cuộc sống của nữ nhà văn Nguyễn Thị Mai Phương có thể bị đảo lộn, nhưng chị luôn nghĩ tới những người làm nhiệm vụ chống dịch ngày đêm đối mặt với hiểm nguy. Bản thân chị, nghĩ đến nhiệm vụ xã hội phân công, là một nhà văn, trong lúc dịch bệnh, không thể đi làm công tác trực tiếp chống dịch, thì rõ ràng mình phải đồng hành cùng nhân dân, quê hương bằng cách của riêng mình. Từ những thực tế mỗi ngày chống dịch, từ số phận của đồng bào trong dịch bệnh, những bất trắc, lo lắng, hay chia sẻ, yêu thương... đều có thể giúp nữ nhà văn viết được những câu chuyện, những tác phẩm nhằm cổ vũ tinh thần nhân dân chống dịch, phản ánh những hiện thực đang diễn ra để chính quyền nhìn nhận và điều hành xã hội cho phù hợp.

Khi nữ nhà văn… chống dịch - ảnh 1Nhà văn Nguyễn Thị Mai Phương - Ảnh: vanhocsaigon.com

Không ai khác chính nhà văn là người viết lên tâm trạng, tâm tư của bao số phận con người. Họ lo lắng, bất an, đau khổ khi đối mặt dịch bệnh, hốt hoảng di chuyển về quê tìm nơi an toàn hơn...Chính quyền thì làm việc bất kể ngày đêm tìm phương cách đối phó dịch bệnh...Nhà văn nhìn thấy, nghe thấy những điều đó, gạn lọc, rồi viết về nó.

Viết về những con người quê mình trong cuộc chiến chống Covid, nhân vật của nhà văn Nguyễn Thị Mai Phương là công nhân, là bác sĩ, là người dân nghèo, anh lái xe từ thiện, bà mẹ đơn thân đi cứu trợ, là cán bộ chống dịch...Đó là những con người thật gần, bạn bè, hàng xóm, những người xung quanh: "Công việc viết là công việc sáng tạo cá nhân, nó âm thầm, nó diễn ra là do cái năng lượng bên trong mình thì mình viết. Mình sống với cuộc đời của nhân vật. Nhân vật ở đâu ra? Đó chính là những người xung quanh mình. Những câu chuyện hàng ngày diễn ra ở làng xóm mình, ở quê hương mình…tất cả những điều đó là chất liệu sáng tác. Tôi không coi đại dịch là cơ hội, nhưng cái thực tế ấy có rất nhiều câu chuyện xảy ra, thì tôi nghĩ đấy cũng là chất liệu cho nhà văn."

Ở Hà Nội, ngoài viết những bài bút ký, tản văn bày tỏ suy nghĩ của bản thân trước đại dịch, nhà văn Võ Thị Xuân Hà còn là thành viên tích cực của nhóm “Hà Nội giúp nhau mùa dịch” lan tỏa những câu chuyện tích cực, những thông điệp ý nghĩa cùng những mảnh đời cần cứu giúp: "Nhà văn cũng là một nhà khoa học xã hội. Hàng ngày tôi đọc thông tin từ các trang, nhóm giúp nhau mùa dịch. Trên các trang nhóm đó người ta đưa rất nhiều vấn đề, tôi gạn lọc để đưa những thông tin làm sao mọi người hiểu được tính chất nguy hiểm của dịch covid, để mọi người có hướng cho mình và đồng lòng với chính phủ".

Khi nữ nhà văn… chống dịch - ảnh 2Nhà văn Võ Thị Xuân Hà - Ảnh: Báo An ninh Thủ đô

Suốt thời gian Hà Nội giãn cách xã hội, nhà văn Võ Thị Xuân Hà vẫn luôn làm việc. Chị phụ trách tập hợp và biên tập cho công ty sách Sbooks ở TP.HCM xuất bản hai cuốn bút ký ghi chép về đại dịch: Khi đại dịch thế kỷ Covid-19 đi qua của nhà văn Sương Nguyệt Minh và Covid-19 và cuộc chiến sinh tử của các nhà văn, nhà báo, các tác giả không chuyên. Rất nhiều bài viết phản ánh thực trạng hiểm nguy của đại dịch, những tấm gương của các bác sĩ thầy thuốc, những tấm lòng thiện nguyện vì cộng đồng, những bài học rút ra ngay trong cuộc chiến sinh tử, những mất mát và những điều lớn lao qua thử thách cam go này.

Nhà văn Võ Thị Xuân Hà cho rằng, đại dịch là thử thách đối với người viết văn. Một thử thách mà đâu đó trong tâm thức người sáng tạo vẫn luôn chuẩn bị đối mặt, khi cuộc sống của loài người đang đối diện với những bất an, sự tàn phá thiên nhiên, những tính toán mất cân bằng

Ở tâm dịch TP.HCM, hơn ai hết nhà văn Bích Ngân - Chủ tịch Hội nhà văn TP.HCM hiểu rất rõ những khó khăn của các công dân từ khắp mọi miền đất nước về thành phố này sinh sống. Bà tâm niệm, Covid-19 là một cuộc chiến hết sức khốc liệt mà mỗi người dân-chiến binh phải có đủ miếng ăn, nhất là đối với người nghèo: "Các nhà văn ở TP.HCM thấy rằng cũng phải góp sức gì đó cho thành phố, cho người dân. Chúng tôi đã có những hoạt động thiện nguyện quyết liệt và hết sức tích cực. Cái đóng góp tuy nhỏ bé nhưng cũng là lần đầu tiên Hội nhà văn TP.HCM một cái cách nào đó đã rời xa trang viết của mình, lúc đầu có thể lác đác vài ba người nhưng sau đó hàng chục người thậm chí hàng trăm người. Cái này là tấm lòng mà tôi cảm thấy hết sức cảm động."

Khi nữ nhà văn… chống dịch - ảnh 3Nhà văn Bích Ngân - Ảnh: Báo Công an nhân dân

Nhà văn vốn giàu lòng trắc ẩn. Nhà văn nữ còn thêm tấm lòng người chị, người mẹ. Nhiều chị em viết văn ở TP.HCM đã lao vào cuộc vận động đồng nghiệp, bè bạn tặng gạo cho người nghèo; vận động các đơn vị, các mạnh thường quân tặng thực phẩm cho công nhân; rồi vận động góp khẩu trang, góp tiền hỗ trợ đội ngũ y bác sĩ ở một số bệnh viện tuyến đầu chữa trị bệnh nhân nhiễm Covid-19. Ngọn lửa yêu thương từ tấm lòng của nhiều nhà văn nữ nhanh chóng được lan tỏa. Nhiều nhà văn nam cũng vào cuộc.

Trực tiếp đi trao tặng cho người dân và lực lượng tuyến đầu chống dịch, nhà văn Bích Ngân cảm nhận rõ hơn sức nặng nghĩa tình của người cầm bút có trái tim mà nhịp đập không chỉ cho riêng mình. Chỉ khi trái tim biết đau cùng nỗi đau của đồng loại, thì trang viết của họ mới có thể chạm tới được trái tim người đọc: "Người cầm bút hay tất cả những ai sáng tác văn học nghệ thuật thì mục tiêu cuối cùng cũng là hướng tới giá trị chân, thiện, mỹ; hướng tới thân phận con người. Vì vậy văn nghệ sỹ nói chung người cầm bút nói riêng không thể tách rời đời sống mà mình đang sống. Và đời sống nhân quần luôn là mạch nguồn sáng tạo của người làm thơ viết văn dù mạch nguồn đó có là mất mát có là đau thương đi nữa." - Chị chia sẻ.

Khi nữ nhà văn… chống dịch - ảnh 4Nhà văn Niê Thanh Mai - Ảnh: Báo Sài gòn giải phóng

Hình ảnh các nữ nhà văn TP.HCM xung trận đã có tác động mạnh mẽ tới nhà văn Niê Thanh Mai ở Đắk Lắk. Vậy là trong suốt thời gian TP.HCM phong tỏa, chị đã cùng người dân nơi mảnh đất Tây Nguyên quyên góp hàng tấn rau củ quả gửi về bà con trong tâm dịch: "Tôi dễ xúc động, chứng kiến những người dân trở về quê trong đêm ở các điểm chốt tại Buôn Ma Thuột-Đắk Lắk thì tôi khóc, nhưng mà tôi không muốn viết về những điều buồn hay bi lụy mà tôi muốn mình góp một tiếng nói lạc quan để xốc lại tinh thần của những người dân đang chịu ảnh hưởng rất lớn bởi đại dịch để họ thêm phần tin tưởng vào ngày mới. Tôi nghĩ rằng sau mọi khó khăn thì cuộc sống cuar chúng ta sẽ rất là tốt đẹp."

Covid-19 khiến mọi thứ bị đảo lộn và khiến chúng ta thay đổi nhiều cách nhìn về xã hội, về đời sống, về con người và về chính bản thân chúng ta. Với các nhà văn, đặc biệt là nữ nhà văn có nhiều thứ mà bình thường dẫu trí tưởng tượng có phong phú bao nhiêu họ cũng không thể hình dung ra được, chỉ khi họ trải nghiệm thực tế, trực tiếp đối mặt với hiểm nguy họ mới tỏ tường. Đó chính là chất liệu quý để họ cho ra đời những tác phẩm lớn trong tương lai.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác