Khi trinh thám không chỉ là phá án - câu chuyện sách trinh thám Việt

(VOV5) - Tâm lí tội phạm dưới góc độ gia đình là một hướng đi hứa hẹn đối với nhiều tác giả viết trinh thám nhất là khi trinh thám Việt gần đây đang ở thời kì “trăm hoa đua nở”, được đón đọc và ủng hộ ngày càng nhiều.

Là một thể loại văn học được yêu thích và sở hữu số lượng người đọc đông đáo, trinh thám luôn là “món ăn tinh thần” không thể thiếu đối với nhiều độc giả. Sự khởi sắc của trinh thám thuần Việt trong những năm gần đây cũng đem đến nhiều tín hiệu đáng mừng cho một thể loại từng bị coi là “á văn học”.

Trong bối cảnh hiện tại, trinh thám mở ra cơ hội nào cho người viết lẫn người đọc? Tọa đàm “Khi trinh thám không chỉ là phá án – Câu chuyện tâm lí tội phạm dưới góc độ gia đình” của NXB Phụ nữ Việt Nam đã đem đến một góc tiếp cận mới mẻ cho câu hỏi này.

Nghe âm thanh bài tại đây:
 
Khi trinh thám không chỉ là phá án - câu chuyện sách trinh thám Việt - ảnh 1Các nhà văn và dịch giả nói chuyện về thể loại trinh thám ở Việt Nam - Ảnh: NXB Phụ nữ

Thông thường, nhắc tới trinh thám là nhắc tới một thể loại kịch tính, giật gân, thậm chí kinh dị, trong đó, “vụ án” là một yếu tố không thể thiếu. Chính vì vậy, khi bàn tới câu chuyện “trinh thám không chỉ là phá án”, nhiều người đã băn khoăn: một cuốn truyện trinh thám ngay từ đầu đã tiết lộ hung thủ thì điều gì sẽ giữ chân độc giả? Theo dịch giả Hoàng Anh, người đã chuyển ngữ một loạt các tác phẩm trinh thám nổi tiếng như “Kẻ nhắc tuồng”, “Người ru ngủ”, bộ ba “Cô gái trong lồng”, “Cô gái trong sương mù”, “Cô gái trong mạng nhện”…, yếu tố vụ án không phải là tất cả.

“Trong một cuốn tiểu thuyết trinh thám bất kỳ thì yếu tố xuyên suốt vẫn luôn là yếu tố vụ án. Nhưng xoay quanh vụ án đấy thì danh tính của hung thủ chỉ là một phần, chỉ là một yếu tố của vụ án thôi. Và nhà văn có quyền giữ yếu tố đến cuối cùng. Họ cũng có quyền tiết lộ yếu tố đó ngay từ đầu và giữ kín những yếu tố còn lại. Chẳng hạn như động cơ của hung thủ, những hoàn cảnh đưa đẩy, sự đền tội của hung thủ sẽ như thế nào, rồi bối cảnh xã hội, những câu chuyện đằng sau và diễn biến tâm lí của hung thủ. Tất cả những điều đó là những yếu tố mà một nhà văn có thể giữ kín để tạo ra một sự hấp dẫn và tò mò nơi độc giả.”

Việc tiết lộ hung thủ ngay từ đầu không phải là một mô típ quá hiếm trong truyện trinh thám. Tuy nhiên, đây lại là mô típ được trinh thám phương Tây sử dụng khá nhiều. Vụ án có thể chỉ là cái cớ để soi vào tâm lý nhân vật với những khiếm khuyết trong gia đình hoặc đời sống cá nhân. Chia sẻ quan điểm này, nhà văn Phong Điệp khẳng định điều mà người viết quan tâm vẫn luôn là số phận con người: “Với tư cách là một người viết văn và người làm báo, thâm nhập vào đời sống, gặp gỡ những con người, và mỗi khi gặp gỡ nhân vật thì trong tôi  luôn có một câu hỏi: Chúng ta sinh ra mang tính thiện hay tính ác?... Điều đấy tôi luôn trăn trở và nó như là một cách để mình thâm nhập vào thế giới của những con người sống quanh mình, để giải mã những suy nghĩ của họ, những cách hành xử của họ, những cách đối nhân xử thế trong cuộc sống của chúng ta đối với nhau.”

Chính vì vậy, ở tác phẩm mới nhất của mình là “Cuốn sổ máu” (NXB Phụ nữ Việt Nam ấn hành), nhà văn Phong Điệp không mải mê mô tả cuộc đấu trí giữa điều tra viên và hung thủ mà tập trung hơn vào những số phận bi thảm, bị cuốn vào vòng xoáy của tội ác. Dĩ nhiên, nếu so sánh bối cảnh của trinh thám phương Tây, hẹp hơn là trinh thám Bắc Âu với bối cảnh của trinh thám Việt sẽ có nhiều khác biệt. Nhưng dù ở đâu, con người cũng luôn đối diện nhiều áp lực và khủng hoảng, như khoảng cách thế hệ, thiếu sự đồng cảm, bạo lực gia đình, áp lực đồng trang lứa… Có nhiều cách lý giải về việc tại sao một người lại trở thành tội phạm, nhưng nhà văn Di Li cho rằng gia đình là một trong những yếu tố quan trọng.

 “Có những kẻ tội phạm sinh ra trong gia đình rất hoàn hảo, cha mẹ rất tử tế, thụ hưởng một nền giáo dục rất tốt. Tại sao họ có thể hình thành một nhân cách như vậy? Nhưng phần lớn chúng ta cũng thấy rằng tội phạm có một tuổi thơ không bình thường, và chính tuổi thơ không bình thường này hình thành nên sự méo mó về nhân cách, dẫn đến con đường phạm tội. Đôi khi chúng ta nhìn bên ngoài, chúng ta thấy gia đình nào cũng giống nhau cả thôi. Đặc biệt, trên facebook, các gia đình hay chụp ảnh, hay post facebook. Thế nhưng đằng sau câu chuyện, đằng sau mỗi gia đình, khi một cánh cửa đóng lại, chúng ta không biết điều gì diễn ra điều gì trong đó. Đó chính là nhiệm vụ của người viết văn. Chúng ta mở từng cánh cửa của mỗi gia đình để đưa ra bức tranh mà họ hoàn toàn giấu kín.” – Phong Điệp nói.

Chia sẻ quan điểm này, dịch giả Hoàng Anh cho biết: “Đối với tác phẩm trinh thám, đặc biệt là trinh thám Bắc Âu, các nhà văn rất chú trọng khai thác tâm lý tội phạm, nhất là chuyển biến làm sao để từ một con người bình thường trở thành một tội phạm. Và một trong những mô-típ thường gặp nhất đó là những con người bình thường, sinh ra và lớn lên trong một gia đình khiếm khuyết, có những cái xung đột giữa cha mẹ với con cái, giữa cha mẹ với nhau hoặc giữa anh chị em với nhau. Từ những yếu tố đó sẽ dẫn đến việc hình thành nhân cách của tội phạm. Và những người đó thậm chí có thể trở thành những người cực kỳ xấu xa và có những hành động mất hết cả nhân tính.”

Tâm lí tội phạm dưới góc độ gia đình cũng là một hướng đi hứa hẹn đối với nhiều tác giả viết trinh thám nhất là khi trinh thám Việt gần đây đang ở thời kì “trăm hoa đua nở”, được đón đọc và ủng hộ ngày càng nhiều. Nhà văn Nguyễn Xuân Thủy, tác giả của tiểu thuyết “Sát thủ online” và “Có tiếng người trong gió”, cho biết: “Có thể chúng tôi không đi sâu vào câu chuyện phá án, đi sâu vào những kỹ năng của tiểu thuyết trinh thám nhưng điều chúng tôi quan tâm hơn có thể không phải là thủ phạm là ai mà là đi tìm câu trả lời cho câu hỏi cái Ác từ đâu đến?”

Hấp dẫn, hồi hộp và gay cấn… đó những điều cơ bản mà độc giả chờ đợi ở một tác phẩm trinh thám. Nhưng nói một cách chính xác, trinh thám, từ trước đến nay, chưa bao giờ chỉ là phá án. Bởi phía sau một tội ác rất có thể là một lít nước mắt, những con người méo mó cả nhân cách lẫn hình hài, hoặc những số phận khổ đau bất tận… Có điều trong bối cảnh hiện tại, người viết trinh thám sẽ phải đối diện với nhiều thách thức hơn, để kể câu chuyện phía sau một cách thuyết phục và đáng để chờ đợi.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác