(VOV5) - Câu chuyện bản địa là nhu cầu tự nhiên của tất cả các nhà văn trẻ sau một thời gian học hỏi từ nước ngoài.
Thời gian qua, văn học Việt Nam đã có nhiều tín hiệu đáng mừng với sự xuất hiện của các cây bút trẻ. Ở địa hạt của dã sử, truyền kì, kinh dị, họ đã ngày một khẳng định được mình, nhất là với việc khai thác các yếu tố thuần Việt từ bối cảnh, nhân vật lẫn ngôn ngữ. Đây cũng là chủ đề của buổi tọa đàm “Bản địa, thuần Việt, dân gian: Một nhu cầu của thị trường văn học đương đại” vừa diễn ra tại Hà Nội.
Nghe âm thanh bài tại đây qua giọng đọc PTV Kim Phượng:
“Thuần Việt” trong sáng tác không phải là vấn đề bây giờ mới được đặt ra. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện tại, khi các cây bút trẻ đã quen với học và đọc tiếng nước ngoài thậm chí còn nhiều hơn tiếng mẹ đẻ, viết thuần Việt đã trở thành một sự trăn trở, thậm chí là yêu cầu của người đọc.
Những tác phẩm đình đám đầu thế kỷ 20 của văn học hiện đại Việt Nam, đã trở thành kinh điển trong lịch sử văn học chữ quốc ngữ. |
Anh Đỗ Nam, admin Hội thích truyện trinh thám, cho biết: “Trong 20 năm qua, Việt Nam đã du nhập văn hóa phương Tây và chịu ảnh hưởng của truyện ngôn tình Trung Quốc rất nhiều nên các bạn trẻ viết văn bị ảnh hưởng bởi lối hành văn của phương Tây và lối văn của Trung Quốc. Từ vựng và cách hành văn bị lai tạp rất nhiều. Chính vì thế, gần đây, một số bộ phận độc giả sau khi đã đọc quá nhiều truyện Tây, truyện Trung Quốc, họ mong muốn được đọc những tác phẩm văn học Việt Nam có chất lượng, phản ánh được tư duy, suy nghĩ, văn hóa xã hội đặc trưng của Việt Nam. Đó là nhu cầu về mặt tinh thần của độc giả. Xu thế thuần Việt đang được đề cao mạnh lên. Tôi tin rằng trong tương lai, xu thế đó sẽ ngày càng mạnh mẽ hơn và tất yếu là có thể trong vòng 5, 10 năm tới là sẽ có hàng loạt tác phẩm văn học có chất lượng ra đời.”
Theo TS. Đỗ Anh Vũ, Ban Văn học Nghệ thuật, Đài Tiếng nói Việt Nam, “thuần Việt” chưa phải là một thuật ngữ. Chúng ta có thể hiểu “thuần Việt” trong văn học là việc viết một câu chuyện quen thuộc với cách cảm, cách nghĩ của người Việt. Điều này có thể không khó với thế hệ trước. Nhưng với các tác giả trẻ sống trong bối cảnh thế giới phẳng, lớn lên trong phim Mỹ và truyện tranh Nhật, viết thuần Việt lại là một câu chuyện không dễ dàng.
Với tác giả Thảo Trang, người thành công trong việc khai thác các yếu tố tâm linh mang tính bản địa trong “Tết ở làng Địa Ngục” và “Ngủ cùng người chết”, đó là một lựa chọn cần nhiều nỗ lực: “Mình khẳng định với các bạn là mình đọc báo chí nước ngoài, tin tức nước ngoài nhiều hơn đọc tin tức tiếng Việt. Nhưng khi viết văn, mình sẽ luôn sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt, thậm chí là những lời ăn tiếng nói, những biệt ngữ xã hội mà bây giờ thậm chí là chúng ta sẽ không còn dùng nhiều nữa. Mình cảm thấy điều đó phù hợp nhất với mình. Và mình nghĩ rằng thuần Việt luôn luôn là một yếu tố có sẵn trong mỗi chúng ta. Chỉ là đôi khi chúng ta có những bạn ngủ quên mà thôi.”
|
Cùng thế hệ với Thảo Trang, tác giả Đức Anh, đại diện Công ty Linh Lan Books, thừa nhận dù ở vai trò người sáng tác hay người lựa chọn bản thảo để xuất bản, viết thuần Việt vẫn luôn là một thách thức không dễ chinh phục: “Quay lại với câu chuyện bản địa, tôi nghĩ đó là nhu cầu tự nhiên của tất cả các nhà văn trẻ sau một thời gian học hỏi từ nước ngoài. Và đương nhiên là có rất nhiều những khó khăn về cách tư duy như người Việt Nam, lời ăn tiếng nói của người Việt Nam, hay có những yếu tố gọi là tế nhị, thì chúng tôi phải sát với hiện thực đời sống hơn, khai thác nhiều góc độ hơn. Các dòng truyện giải trí của Việt Nam với thế hệ tác giả bây giờ là rất nhiều. Chúng tôi nhận được một lượng bản thảo cực kỳ lớn. Tuy nhiên, có một yếu tố để chúng tôi đánh giá bản thảo có tốt hay không: kinh dị hay truyện dã sử cũng không phải là quá khó, trong quá trình đọc, phần cốt truyện, phần câu chuyện có thể sửa được; nhưng phần đầu tư về mặt văn hóa là yếu tố tiên quyết để chúng tôi lựa chọn xuất bản. Với thị trường, với nhu cầu độc giả bây giờ thì bản thân một tác phẩm có những câu chuyện đó được kể một cách tươi mới, trẻ trung là đã đảm bảo một lượng xuất bản và một lượng bán rất an toàn rồi.”
Dẫu vậy, cần phải nhấn mạnh rằng “bản địa”, “thuần Việt”, “dân gian” đã trở thành một xu hướng. Trong những năm gần đây, các câu chuyện bản địa phương Đông nói chung, Thái Lan hay Việt Nam nói riêng đều thu hút sự quan tâm của thế giới. Sự xuất hiện của các siêu anh hùng có nguồn gốc châu Á trong phim Hollywood hay sự thành công trong việc khai thác câu chuyện hoặc bối cảnh châu Á gần đây là minh chứng cho điều này.
Tác giả Thảo Trang |
Tác giả Thảo Trang khẳng định các nhà xuất bản, nhà sản xuất phim, game… luôn tìm kiếm các câu chuyện mang tính bản địa. Đây cũng có thể coi là một hướng đi cho các tác giả luôn mong muốn “xuất khẩu” tác phẩm của mình ra thế giới: “Ở đây có rất nhiều nhà xuất bản, có rất nhiều biên tập viên và có rất nhiều nhà sản xuất. Họ luôn luôn tìm kiếm những câu chuyện mang tính thuần Việt, thậm chí là các bạn có thể viết về bối cảnh của Trung Quốc cũng được nhưng ngôn từ của các bạn vẫn thuần Việt thì các bạn dư sức có thể ký hợp đồng xuất bản. Thứ hai, nếu như các bạn muốn chuyển thể thành phim, chuyển thể thành game, chuyển thể thành truyện tranh, tức là chúng ta có những sản phẩm phái sinh ấy, các bạn muốn chuyển thể và muốn thành công, muốn được dễ dàng hơn trong việc tiếp cận với các nhà sản xuất, các nhà đầu tư thì hãy thuần Việt. Từ khóa này rất quan trọng. Mọi người đã đọc những câu chuyện ngôn tình Trung Quốc quá nhiều rồi, họ đọc còn nhiều hơn các bạn. Vậy thì hãy cung cấp cho họ một món ăn vừa lạ, vừa quen. Và thuần Việt, từ bối cảnh, từ ngôn ngữ, từ con người, từ nhân sinh quan của người Việt là rất quan trọng. Chúng ta hãy làm điều đó.”
Cùng với việc học hỏi từ văn học thế giới, “thuần Việt”, “bản địa” đã trở thành nhu cầu của thị trường văn học đương đại. Sự chú tâm và khả năng sáng tạo của các tác giả, nhất là những cây bút trẻ, chắc chắn sẽ đem đến hi vọng về việc kiến tạo các tác phẩm mang đậm bản sắc văn hóa Việt, góp phần quảng bá văn hóa dân tộc với bạn bè thế giới.