(VOV5) - "Không gian nghệ thuật nên có sự tập trung, đủ diện tích để các nghệ sĩ có thể tập hợp cùng làm việc, trưng bày, bán sản phẩm, giống như chợ nghệ thuật."
Kiến trúc sư Đoàn Kỳ Thanh |
Các không gian nghệ thuật tại Hà Nội đang bị tản mát và cần lưu ý đến yếu tố cộng hưởng khi xây dựng một hệ sinh thái có nhiều ngành nghệ thuật, cùng tương tác với nhau, với khách hàng” - đó là nhận định của KTS Đoàn Kỳ Thanh khi chia sẻ những nhận định của anh về các không gian nghệ thuật tại Hà Nội hiện nay.
Anh cũng chính là người đưa ra ý tưởng cho Tuần lễ thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023 khi mở cửa Nhà máy xe lửa Gia Lâm, Tháp nước Hàng Đậu…
Bày tỏ mong muốn xây dựng đời sống nghệ thuật, đời sống sáng tạo và công nghiệp sáng tạo, KTS Đoàn Kỳ Thanh cho rằng cần phải xây dựng hệ sinh thái cho các nghệ sĩ được thực hành nghề nghiệp, cùng liên kết, tương tác với nhau.
Câu chuyện văn nghệ cuối năm 2023 giữa phóng viên Đài TNVN với KTS Đoàn Kỳ Thanh về nội dung này, tại không gian sáng tạo nghệ thuật ở Nhà máy xe lửa Gia Lâm, một trong những địa điểm chính tổ chức Tuần lễ thiết kế sáng tạo năm nay của Hà Nội.
Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:
Mô hình quận nghệ thuật sông Hồng. |
"Thực tế là các nghệ sĩ đang rất khó khăn để đưa sản phẩm sáng tạo của mình đến với công chúng hoặc sẽ rất giới hạn về số lượng cũng như tầm ảnh hưởng. Nhưng nếu hoạt động tương tác trong một không gian nghệ thuật, khi các giao dịch ấy xảy ra trong những trung tâm sáng tạo lớn thì nó sẽ được cộng hưởng về mặt truyền thông, về công chúng. Thay vì chúng ta có một nhóm công chúng thì nếu giả sử có 10 nhà sáng tạo thì chúng ta sẽ nhân 10 lần số lượng khán giả có thể tiếp cận được. Chính điều đó tạo nên sự cộng hưởng. Để làm được điều đó, chúng ta cần một không gian đủ kích thước, ở vị trí tốt hoặc có cả hai yếu tố ấy.
Quận Nghệ thuật sông Hồng mà chúng tôi đề xuất là một nơi chốn nằm ở vị trí rất tốt, chỉ cách Hồ Gươm chưa đến một cây số. Như vậy, người ta hoàn toàn có thể đi bộ ra đó, đồng thời phục vụ cho kinh tế đêm của quận Hoàn Kiếm. Tôi nghĩ rằng không gian nghệ thuật nên có sự tập trung, đủ diện tích để các nghệ sĩ có thể tập hợp cùng làm việc, trưng bày, bán sản phẩm, giống như chợ nghệ thuật. Công nghiệp sáng tạo chính là thương mại hóa các sản phẩm sáng tạo. Đó là một trong những mục tiêu khi chúng ta tạo nên những không gian sáng tạo như vậy.”- KTS Đoàn Kỳ Thanh nói.
Với những kết quả đạt được sau khi Hà Nội tổ chức thành công Tuần lễ thiết kế sáng tạo năm nay, KTS Đoàn Kỳ Thanh hi vọng: "Tổ chức sự kiện chỉ mang tính chất “đánh thức”, tác động về mặt nhận thức và đo lường nhu cầu người dân với cộng đồng sáng tạo. Sau khi đo lường được, chúng ta phải duy trì hoạt động, phải xây dựng hệ sinh thái để tất cả những hoạt động ấy trở thành đời sống hàng ngày chứ không phải dừng lại ở các sự kiện."