Trong số giải thưởng Kiến trúc quốc gia năm 2020-2021, có một giải đồng dành cho ấn phẩm rất đáng được lưu ý từ cái tên của nó “Làng xã truyền thống đồng bằng châu thổ sông Hồng ở Việt Nam – một cơ hội cho cảnh quan đô thị”.
Đây là cuốn sách song ngữ Pháp Việt do NXB Khoa học Xã hội ấn hành, của tác giả Tiến sĩ, kiến trúc sư Nguyễn Việt Huy, một trí thức trẻ đã học tập và làm việc nhiều năm tại Pháp trở về Việt Nam làm việc. Dường như với cuốn sách này, giữa những mất mát về văn hóa trong quá trình phát triển đô thị, kiến trúc sư Nguyễn Việt Huy đã tìm ra những cơ hội để lưu giữ văn hóa và nâng tầm đô thị.
Nghe âm thanh bài viết tại đây qua giọng đọc PTV Kim Phượng:
“Toàn bộ quyển sách của tôi xoay quanh một giả thiết, một câu hỏi mà cũng không hẳn là câu hỏi: Đó là, kiến trúc, cảnh quan của làng đồng bằng Bắc Bộ này liệu chăng có là một cơ hội hay một may mắn cho việc thiết kế quy hoạch của những khu đô thị mới ngày nay trong nhu cầu phát triển đô thị hóa? Tại sao chúng ta không dùng những điều đó làm kinh nghiệm, nòng cốt cho vấn đề phát triển, mà chúng ta lại phá hết đi, lại san phẳng cái nguồn cội tuyệt vời như vậy?” - KTS Nguyễn Việt Huy chia sẻ.
Kiến trúc sư Nguyễn Việt Huy |
Sau thời gian dài du học và làm việc tại Pháp, Nguyễn Việt Huy đã trở về Hà Nội làm việc gần 7 năm (là Giám đốc đại diện Công ty cổ phần ADA và cộng sự (Pháp) tại Việt Nam và giảng viên khoa Kiến trúc và Quy hoạch trường Đại học Xây dựng. Khi được hỏi lý do trở về, anh nói: “Có những người bạn cũng có chí hướng như tôi, muốn được chia sẻ những gì mình đã học hỏi, muốn cuộc sống của mình có nhiều ý nghĩa hơn.”
Biên tập viên Nguyễn Thu đã nghe câu chuyện từ người bạn về Nguyễn Việt Huy và luận án tiến sĩ Quy hoạch đô thị tại trường Đại học Paris Panthéon của anh. Với kinh nghiệm của một người làm biên tập lâu năm, chị biết đây chính là đề tài hữu ích cho một cuốn sách biên khảo giá trị, đã đề nghị Nguyễn Việt Huy nên dịch và viết thành một cuốn sách phổ thông hơn: "Điều đầu tiên là đóng góp của Luận án với quy hoạch ở đồng bằng sông Hồng, nếu như vừa bảo vệ được yếu tố truyền thống, mà vẫn có thể quy hoạch, vẫn có thể phát triển đô thị như các nước trên thế giới, đó là điều khiến tôi muốn thúc đẩy, động viên tác giả xuất bản ở Việt Nam. Ngoài ra tất cả những số liệu, luận cứ luận điểm của cuốn sách đều được tham chiếu, có những giá trị rất hữu ích."
Ý thức được bao nhiêu kiến thức văn hóa đã được trao truyền qua các thế hệ hàng ngàn năm qua sách vở, nên khi được động viên nên đưa những thông tin hàn lâm khoa học thành dạng sách đại chúng hơn, Huy đã cố gắng thực hiện, vì nghĩ mình phải có trách nhiệm chia sẻ những gì hiểu biết được. Anh thu xếp giữa bộn bề công việc giảng dạy và làm dự án kiến trúc, để dịch thô ra tiếng Việt, nhờ hiệu đính cho hợp với ngữ cảnh, ngôn ngữ của Việt Nam hơn.
"Cuốn sách này rất đời thường. Tôi viết nó như một món quà tặng ông nội tôi, vì ông cũng rất yêu những cây đa bến nước sân đình, những hình ảnh rất đặc trưng của làng quê Bắc Bộ. Chắc chắn những độc giả bình thường, những người yêu Việt Nam, những người sinh ra và lớn lên ở miền Bắc sẽ yêu nó vì họ sẽ tìm thấy một chút những quá khứ của họ nếu họ sinh ra ở những làng quê. Đặc biệt những người đi xa xứ họ sẽ thấy, à tại sao những vấn đề tác giả nghiên cứu ở Bắc Ninh, nhưng sao lại giống ở Hải Dương, sao lại giống ở Thái Bình…như thế?” - Nguyễn Việt Huy cho biết.
Sinh ra tại làng Chờ, một làng thuần nông và nổi tiếng về sự học ở Bắc Ninh, trong gia đình có truyền thống học hành, Huy nói, anh còn may mắn khi lớn lên giữa khung cảnh làng quê Bắc Bộ thanh bình điển hình. Nhưng đi xa rồi trở về, anh cũng đau xót nhận ra, chúng ta ở bên làng quê, như ở bên một viên ngọc mà đã không thấy quý,
Làng Lại Yên - Hoài Đức, Hà Nội, một ngôi làng cả nghìn năm tuổi ở đồng bằng châu thổ sông Hồng. |
Anh kể: “Đi học, đi làm ở Pháp, tôi được tiệm cận rất nhiều những kiến thức mới về thành phố thông minh, đô thị thông minh… Khi nghiệm lại tôi mới giật mình nhận ra, hóa ra làng quê Việt Nam, làng quê vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng có những cái đó từ lâu lắm rồi. Ngay từ những phân tích về địa điểm, nơi chốn, tinh thần, văn hóa…tưởng phải có những kiến trúc sư đại tài mới tạo nên được, thì đã có hết ở những ngôi làng đồng bằng Bắc Bộ. Nó hài hòa với thiên nhiên, tỷ lệ với con người, sử dụng những vật liệu của địa phương. Từ cây đa, bến nước, đến sân đình…những kiến trúc, những quy hoạch dù không có kiến trúc sư nhưng tại sao vẫn tạo ra được sự thông minh đó?
Đấy là kiến trúc mà sau rất nhiều năm người ta nghiên cứu để hướng tới sự “thông minh”, thì trong bản chất chúng ta đã sẵn có rồi. Cuốn sách này tôi viết với mong muốn, khi người đọc là người làm quy hoạch thì hãy bình tâm lại, hãy mạnh dạn chứng minh với chủ đầu tư rằng: không, anh đừng san phẳng nó, hãy giữ lại những cái đó, nó còn có giá trị hơn rất nhiều. ”
Làm kiến trúc với quan niệm: Kiến trúc có thể thay đổi cuộc sống người dân và cộng đồng, thực hiện nhiều công trình và cũng giành nhiều giải thưởng kiến trúc, Nguyễn Việt Huy vẫn tiếp tục viết nghiên cứu và tiếp tục cho ra mắt sau đó cuốn Kiến trúc xanh, xây dựng và phát triển bền vững (NXB KHoa học kỹ thuật -2021).
Kiến trúc sư Nguyễn Việt Huy nhận giải đồng thể loại tác phẩm lý luận phê bình kiến trúc với tác phẩm "Làng xã truyền thống đồng bằng châu thổ sông Hồng ở Việt Nam – một cơ hội cho cảnh quan đô thị." |
Khi nhìn lại tác phẩm được giải của anh, biên tập viên Nguyễn Thu cho rằng: "Cảm giác đầu tiên khi cầm cuốn sách ở trên tay, không có cảm giác là một cuốn sách khô cứng, mà có hồn cốt rất đặc trưng của làng xã đồng bằng sông Hồng. Khi đọc vào nội dung cũng vậy vừa mang tính hàn lâm, khoa học, vừa có giá trị về văn hóa, địa lý, quy hoạch kiến trúc, những giá trị rất thực tiễn…Như tôi được biết, một người vừa làm thực tiễn vừa làm lý luận như tác giả rất hiếm trong lĩnh vực kiến trúc đô thị này. Tại vì với những người làm kiến trúc sư, làm công trình nhiều thường không mặn mà lắm hoặc không có thời gian để làm lý luận như giảng dạy hay viết sách, viết những bài nghiên cứu. Tác giả có được cả hai."
Trong lời giới thiệu Làng xã truyền thống đồng bằng châu thổ sông Hồng ở Việt Nam – một cơ hội cho cảnh quan đô thị, Giáo sư Eric Dubosc từ Pháp đã viết: “Giá trị của cuốn sách này là mở ra cho chúng ta những giá trị phi vật thể của sự hòa hợp bí ẩn này, mà chúng ta không còn nhận thấy: mối quan hệ giữa con người và môi trường.
Một thủ tướng Pháp, thị trưởng của một ngôi làng đã bị biến thành một vùng ngoai ô nào đó, không có bản sắc và giá trị, đã tuyên bố một cách đau đớn rằng: “sẽ không bao giờ có làng nữa”. Thật đáng tiếc, ông đã không được gắn bó với những giá trị phi vật thể của ngôi làng; quy mô mang tính con người, bố trí không gian, dấu hiệu và những điểm mốc, nơi tạo nên không gian cho sự hài hòa của con người.
Cuốn sách này của Nguyễn Việt Huy không chỉ dành cho những người chỉ quan tâm đến đồng bằng sông Hồng.
Nó có giá trị toàn cầu”
Nguyễn Việt Huy hiện đang là giảng viên khoa kiến trúc và quy hoạch - Đại học Xây dựng Hà Nội và là đại diện văn phòng kiến trúc Dubosc et Associes của Pháp tại Việt Nam. Anh nhận bằng thạc sĩ, bằng Kiến trúc sư Quốc gia tại trường Kiến trúc Paris-la Villette và bằng Tiến sĩ tại trường Đại học Paris Sorbonne - Pantheon, Pháp. Sách đã xuất bản : “Kiến trúc Xanh, Xây dựng và phát triển bền vững” (NXB Khoa học kỹ thuật) ; “Thiết kế kiến trúc, từ lý thuyết đến thực tế trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0” - (NXB Khoa học xã hội) ;“Làng xã truyền thống đồng bằng châu thổ sông Hồng - một cơ hội cho cảnh quan đô thị VN ?” (NXB Khoa học xã hội). Và nhiều bài viết về kiến trúc trên các tạp chí.