Lần đầu trọn vẹn Truyện Kiều đến với nước Nga

(VOV5)- Nhà thơ V. Popov chia sẻ: “Tôi cảm thấy mọi người đều cùng cố gắng cùng nhau hết sức mình làm sao đạt được đúng tinh thần của Nguyễn Du.”


Nhân dịp kỷ niệm 250 năm ngày sinh của Đại thi hào Nguyễn Du, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam và Ủy Ban Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh phối hợp ra mắt tác phẩm Truyện Kiều dịch sang tiếng Nga; in bằng hai thứ tiếng Nga và nguyên bản tiếng Việt Nam. Buổi ra mắt diễn ra vào chiều thứ 6 6/11/2015.

Nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng, chủ biên việc dịch cuốn Truyện Kiều cho biết: “Cuối năm 2013, việc dịch Truyện Kiều được bắt đầu với nhóm dịch giả Nga- Việt. Bản dịch dựa theo văn bản tập khảo đính Truyện Kiều của Giáo sư Nguyễn Thạch Giang tái bản tại Việt Nam lần thứ 7, dịch sang Tiếng Nga vẫn mang tên Kiều với tên thứ hai là Đoạn trường tân thanh. Quyển sách được in bằng nguyên bản tiếng Việt Nam và bản dịch thơ bằng tiếng Nga cùng với các chú giải chọn lọc và các minh họa. Đây là một công trình tập thể của nhóm dịch giả Việt – Nga, gồm những nhà Việt Nam học, Nga học, trong nhiều năm qua đã tham gia các chương trình trao đổi, truyền bá văn hóa Nga- Việt. Truyện Kiều dịch sang tiếng Nga rất muộn so với các tiếng khác, nhưng tôi nghĩ là đúng lúc, vì với Truyện Kiều thì không bao giờ là trễ cả, lúc nào cũng phù hợp."

Lần đầu trọn vẹn Truyện Kiều đến với nước Nga - ảnh 1
Lễ ký kết tài trợ việc dịch và xuất bản Truyện Kiều sang tiếng Nga tại Hà Tĩnh

"Dịch Truyện Kiều đòi hỏi một sự đầu tư rất lớn. Chúng tôi cũng liên hệ với một người cùng quê Nguyễn Du là anh Hoàng Văn Vinh, chủ doanh nghiệp ở Ekaterenbua và anh đồng ý tài trợ toàn bộ chuyện ấy, Tôi chủ biên, người dịch là anh Vũ Thế Khôi, Sokholov, Đoàn Tử Huyến và Popov – người được rất nhiều giải thưởng của Nga về thơ ca, và là người trong Ban chấp hành Hội nhà văn Nga bây giờ”.

Lần đầu trọn vẹn Truyện Kiều đến với nước Nga - ảnh 2
Các dịch giả Nga và Việt giao lưu gặp gỡ


Nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng cũng cho biết: “Trong quá tình dịch, chúng tôi có tham khảo những bản dịch Truyện Kiều khác đã được công bố bằng tiếng Pháp, tiếng Trung Quốc và tiếng Anh. Để giúp độc giả Nga với các lứa tuổi, các tầng lớp xã hội và học vấn khác nhau bước đầu tiếp xúc với tác phẩm Truyện Kiều, “Lời nói đầu” của bản dịch đã viết một cách khái quát về thân thế, sự nghiệp của nhà thơ Nguyễn Du trong bối cảnh xã hội Việt Nam thế kỷ XII- XVIII. Đồng thời, phần tóm tắt Truyện Kiều được viết một cách chọn lọc, tương đối chi tiết theo tiến trình diễn biến của cốt truyện. Sau đó là sự phân tích ngắn gọn, làm nổi bật Truyện Kiều là một tác phẩm mang tính hiện thực và nhân đạo cao cả; là một bộ Tiểu thuyết bằng thơ được coi là một bộ Bách khoa toàn thư về xã hội Việt Nam trong quá khứ.

Nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng cho biết có nhiều khó khăn về mặt dịch thuật đối với nhóm dịch giả: “Với các tác phẩm văn học thông thường, việc dịch thuật chỉ phải vượt qua rào cản ngôn ngữ là chủ yếu; nhưng đối với việc dịch Truyện Kiều, một tác phẩm đặc biệt, phải vượt qua trùng trùng, điệp điệp những kiến thức tổng hợp về ngôn ngữ, thành ngữ, tục ngữ, tiếng địa phương, điển cố và và các danh xưng hơn hai trăm năm về trước. Điều quan trọng nhất chúng tôi xác định là không phải là giải mã, chuyển nghĩa thông thường, mà mục đích cuối cùng phải đạt tới là làm sao để có một bản dịch nghĩa sát với nguyên bản, một bản dịch thơ hoàn chỉnh, chuyển tải được trọn vẹn nội dung Truyện Kiều mà không làm mất đi vẻ đẹp của nghệ thuật của tác phẩm nổi tiếng bậc nhất trong văn học Việt Nam. Đây là một công việc khó khăn, nặng nề và đầy trách nhiệm của các dịch giả.”

Lần đầu trọn vẹn Truyện Kiều đến với nước Nga - ảnh 3
Ước mơ của những độc giả đặc biệt như anh Hoàng Văn Vinh đã trở thành hiện thực, khi bản dịch Kiều sẽ được trao tặng tới các độc giả tiếng Nga


Cũng từ mong muốn có được một vẻ đẹp hoàn chỉnh của ngôn ngữ, mà ngoài sự tham gia của những dịch giả kỳ cựu như Vũ Thế Khôi, sự hiệu đính của những dịch giả như Đoàn Tử Huyến hay nhà Việt Nam học Sokholov; tiến sĩ Nguyễn  Huy Hoàng đã mời V. Popov – một gương mặt thơ trẻ đình đám của Nga tham gia cùng dịch Truyện Kiều.

Lần đầu trọn vẹn Truyện Kiều đến với nước Nga - ảnh 4
Nhà thơ, dịch giả V.Popov

V.Popov cho biết, anh đã rất vui khi nhận lời tham gia dự án này, trước hết vì tình yêu, vì những cảm nhận về đất nước con người Việt Nam, và vì thơ ca của Nguyễn Du – một nhà thơ lớn của dân tộc Việt Nam, một trong những nhà thơ được nhắc tên trên thế giới: "Cảm nhận về Truyện Kiều, phải là lúc gấp quyển sách lại mới cảm nhận được hết. Bởi vì Truyện Kiều là một trong những tác phẩm vĩ đại của Nguyễn Du. Tôi cảm thấy tác phẩm đó tập hợp được tất cả những tính cách dân tộc, văn hóa dân tộc… Ngôn ngữ Việt trong truyện Kiều đã tác động đến tôi rất lớn, bởi một khối lượng đồ sộ về ngôn ngữ, hình ảnh, hàm ý…Để dịch cuốn thơ này không chỉ là dịch bằng tài năng mà phải dịch bằng cả tâm hồn của mình. Chúng tôi đã dịch Truyện Kiều bằng tất cả tâm hồn. Dịch Truyện Kiều rất khó, bởi vì từ ngôn ngữ phương Đông sang phương Tây, đây là lần đầu tiên tôi chuyển dịch một tác phẩm như thế. Hơn nữa lượng từ ngữ vừa cổ vừa mới nên rất khó nhưng chúng tôi đã cố gắng khắc phục. Và tôi hy vọng là tôi đã truyền đạt được phần nào tinh thần của Nguyễn Du sang tiếng Nga."

Về công việc bếp núc dịch thuật này, tiến sĩ Nguyễn Huy Hoàng cho biết: “Trong quá trình dịch Truyện Kiều, chúng tôi tuân thủ theo một tiến trình mang tính nguyên tắc sau đây: sau khi dịch Truyện Kiều ra văn xuôi, sẽ được hiệu đính lần thứ nhất; sau khi hiệu đính xong lần thứ hai, lúc đó mới dịch ra thơ. Bản dịch thơ sẽ được đối chiếu với bản dịch văn xuôi một cách kỹ lưỡng và thận trọng trên cơ sở trao đổi, góp ý và cuối cùng thống nhất ý kiến. Trong Truyện Kiều có tới 3236 điển cố, điển tích, thành ngữ, tục ngữ, các cụm từ Hán Việt. Vì bản dịch Truyện Kiều không phải là một quyển sách tra cứu, nên chúng tôi không có kỳ vọng chú thích toàn bộ mà cố gắng diễn giải ngay trong từng câu thơ, giúp các độc giả nắm bắt được ý nghĩa nội dung. Chỉ những điểm thật cần thiết nhất, chúng tôi mới chọn lọc để chú thích, chú giải.”

Lần đầu trọn vẹn Truyện Kiều đến với nước Nga - ảnh 5
Nhóm dịch giả trong một buổi gặp gỡ tại Hà Nội


Nhà thơ V.Popov cũng chia sẻ: “Nhóm làm việc là nhóm tuyệt vời nhất từ xưa đến nay tôi chưa từng thấy, đặc biệt với dịch giả Việt Nam dịch và chuyển tất cả những điều rất chi tiết, rất cụ thể. Sau đó thông qua dịch giả Sokholov, là người rất hiểu Việt Nam, đã giúp đỡ rất nhiều. Tôi cảm thấy mọi người đều cùng cố gắng cùng nhau hết sức mình làm sao đạt được đúng tinh thần của Nguyễn Du.”

Điều khiến chính nhà thơ Popov kinh ngạc, đó là khi nhận lời cùng thực hiện dự án dịch thơ này, thoạt đầu anh tưởng đó là dự án của nhà nước vì tầm cỡ của nó, nhưng ngay sau đó anh mới biết đó là những nỗ lực của các cá nhân từ cộng đồng người Việt ở Liên bang Nga, mà ngoài những dịch giả, thì quan trọng nhất vẫn là những người bảo trợ để công trình có thể ra đời. 5000 bản Kiều tiếng Nga đã được in để tặng bạn đọc tiếng Nga, đẹp trang nhã và gói tâm sức của bao người, trong đó có người tài trợ văn hóa chính là anh Hoàng Văn Vinh, chủ tịch Hội người Việt Nam tỉnh Xvetlov (LB Nga), Tổng giám đốc công ty Rồng Vàng (Dolotoi Drakon). Anh Hoàng Văn Vinh cho biết: "Tôi sinh ra ở quê hương Nghi Xuân, nơi sinh của đại thi hào Nguyễn Du, đã được học lớp chuyên văn dưới mái trường mang tên của cụ. Tôi rất thích Truyện Kiều. Mà Truyện Kiều đã được dịch ra nhiều thứ tiếng, như tiếng Pháp được dịch ra 7 bản dịch, nhưng tiếng Nga thì chưa có bản nào. Từ suy nghĩ đó, là một người trưởng thành ở nước Nga, tôi muốn các bạn Nga hiểu được về thân thế sự nghiệp cụ Nguyễn Du (vì cùng thời Puskin). Tôi ấp ủ điều đó rất lâu rồi. Tôi phải cảm ơn các nhà dịch giả của Việt Nam và dịch giả Nga đã biến ước mơ tôi thành hiện thực. Và đặc biệt cảm ơn Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam và Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đã tạo điều kiện cho ra mắt cuốn sách này nhân dịp kỷ niệm 220 năm ngày sinh cụ Nguyễn Du. Phải chăng đây là viên gạch chống đầu tiên để các bạn Nga hiểu được giá trị của Truyện Kiều? Tôi hy vọng không chỉ tôi, mà nhiều người Việt  tại các nước khác, cũng sẽ có nhiều người làm như tôi để các bạn trên thế giới hiểu được nền văn hóa Việt Nam.”

Truyện Kiều tiếng Nga có một lễ ra mắt thật ân tình tại Viện hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, nói như tiến sĩ Nguyễn Huy Hoàng, đến với bạn đọc Nga “không bao giờ là muộn”. Sau Nhật ký Đặng Thùy Trâm bản tiếng Nga ra mắt nhờ sự tài trợ của Hội dệt may Việt Nam tại Liên bang Nga, thì việc bản Kiều tiếng Nga đến với bạn đọc từ công cuộc sẻ chia tinh thần văn hóa này của các nhà tài trợ, cũng là một cánh cửa để văn học nghệ thuật Việt có thể ra thế giới.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác