(VOV5) - Tiểu thuyết Lão Khổ của nhà văn Tạ Duy Anh, do dịch giả Hiệu Constant chuyển ngữ sang tiếng Pháp với nhan đề “ Trên lưng trâu”, được NXB La Frémillerie ấn hành.
Trong những nỗ lực đưa văn học Việt Nam đến gần hơn với bạn đọc quốc tế, tin vui mới nhất là đầu tháng 11 này sẽ có một tiểu thuyết đương đại của Việt Nam ra mắt bạn đọc Pháp.
Tiểu thuyết Lão Khổ được chuyển ngữ sang tiếng Pháp, là bản dịch từ cuốn tiếu thuyết được nhà văn Tạ Duy Anh sửa chữa lần hai năm 1994, phiên bản tác giả “gần như viết lại” so với ấn bản đầu tiên tại NXB Văn học năm 1992.
Dịch giả Hiệu Constant cho biết: “Thực ra Tạ Duy Anh là tác giả tôi quan tâm từ trước đến giờ. Và tôi đọc khá nhiều tác phẩm của nhà văn này. Tôi thấy Lão Khổ có một cái gì đó đặc biệt hơn về văn phong cũng như về nội dung của tác phẩm. Tôi muốn giới thiệu với bạn đọc Pháp để thấy một phần của lịch sử Việt nam thông qua nhân vật lão Khổ”
Nhà văn Lê Minh Khuê từng nhận xét rằng: “trong dòng chảy của văn học đương đại, ít có người tạo được không khí nông thôn, xây dựng nhân vật đậm chất thôn dã như Tạ Duy Anh.” Với 20 tập truyện (trong đó có bôn tiểu thuyết), và truyện ngắn nổi tiếng đầu những năm văn học đổi mới là Bước qua lời nguyền, thì Lão Khổ vẫn trong mạch truyện đầy không khí nông thôn như thế của Tạ Duy Anh. Dịch giả Hiệu Constant nhận xét: “Tôi đánh giá rất cao cách nhà văn Tạ Duy Anh chọn từ ngữ để diễn đạt ý tưởng của mình. Trong quá trình dịch đôi khi tôi cũng phải tra từ điển xem nghĩa từ đó thực sự có ý nghĩa gì. Tôi và anh Tạ Duy Anh cũng phải trao đổi với nhau rất nhiều quá meail, rằng ý của anh em hiểu như thế này có đúng không…May mắn là đa phần tôi hiểu được những ý tưởng của anh ấy muốn truyền tải qua những con chữ. Anh ấy rất có tài qua việc lựa chọn ngôn ngữ sử dụng trong tác phẩm của mình. Cũng có lúc cảm thấy khó khăn, nhưng đa phần tôi cảm thấy rất thú vị khi được dịch tác phẩm này của Tạ Duy Anh sang tiếng Pháp.”
Từ “Lão Khổ” sang tiếng Pháp thành “Trên lưng trâu” theo đề nghị của NXB, cũng thành một cuộc “tranh cãi” khá “cam go” giữa dịch giả và Nhà xuất bản, nhưng sau đó dịch giả và tác giả đồng ý, để bạn đọc Pháp có thể dễ nhận diện tác phẩm hơn. Dịch giả Hiêu Constant cho rằng, bạn đọc Pháp sẽ quan tâm đến tác phẩm này của Tạ Duy Anh: “Vì người Pháp biết tới Việt Nam qua quảng bá của chính phủ Pháp khác với thực tế những gì Pháp đã từng làm tại Việt Nam. Qua tác phẩm này bạn đọc Pháp sẽ khám phá thêm một phần lịch sử đích thực cuộc sống của người dân Việt Nam dưới chế độ Pháp thuộc như thế nào. Cùng một lúc họ có thể so sánh được Việt Nam dưới thời Pháp thuộc và Việt Nam độc lập”
Trong những nỗ lực chuyển ngữ văn học Việt ra tiếng Pháp, có thế thấy một số tên tuổi gốc Việt như PGS. TS. Đoàn Cầm Thi người sáng lập tủ sách “Văn học Việt Nam đương đại” tại Nhà xuất bản Riveneuves ở Paris, Pháp.. dịch giả Nguyễn Đức, một cựu giáo viên về hưu…
Dịch giả Hiệu Constant |
Và cũng trong hành trình đưa văn học Việt Nam đến với bạn đọc quốc tế, dịch giả Hiệu Constant cho rằng việc các NXB Pháp quan tâm đến văn học Việt Nam cũng thể hiện một cách nhìn cởi mở về văn hóa: “Ở bên Pháp có gần 2000 nhà xuất bản, trong đó có một số NXB cực kỳ lớn, nhưng cũng có những NXB nhỏ, tập trung vào một chủ đề nào đó. NXB mà tôi cộng tác thì tập trung vào những tác phẩm của Việt Nam hoặc những tác giả Pháp viết về Việt Nam, như các nhà báo Pháp thường trú ở Việt Nam, các chuyên gia về Việt Nam…hay sách của Ngô Tự Lập, hoặc họ in lại những phiên bản của Truyện Kiều đã được dịch từ xưa…Ông chủ của NXB nói với tôi ông là người Việt - tuy ông không nói được tiếng Việt - và ông rất quan tâm đến Việt Nam.”
Bản dịch Lão Khổ ra đời, sẽ cần thời gian và đánh giá từ phía bạn đọc tiếng Pháp. Nhưng dịch giả Hiệu Constant cho biết, cùng với sự ra đời của Lão Khổ bản tiếng Pháp, đã có một số lời đề nghị chọn lọc dịch thuật văn học Việt tiếp theo từ các NXB Pháp, là điều khiến chị rất vui khi có thể giới thiệu văn chương Việt tới bạn đọc nước ngoài, song với công việc bộn bề của chị thì “cũng hy vọng là có sức để làm được”.