(VOV5) - Giáo sư Trần Đình Sử hi vọng cuốn sách mới có thể đem đến một góc nhìn riêng, nhất là khi cho đến nay, “phê bình văn học không có một chỗ đứng rõ ràng”.
Nghe âm thanh bài tại đây:
Không một nền văn học nghệ thuật nào có thể thiếu phê bình. Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng, ở nước ta, phê bình nghệ thuật nói chung và phê bình văn học nói riêng chưa có một vị trí xứng đáng. Đội ngũ phê bình còn mỏng so với lực lượng sáng tác. Việc nhìn lại lịch sử và chân dung phê bình văn học Việt Nam hiện đại cũng đòi hỏi sự thận trọng, kỳ công khi tồn tại một số vấn đề gây tranh cãi hoặc chưa được thỏa đáng. Trăn trở này ít nhiều đã tìm được lời giải qua công trình mới của GS. Trần Đình Sử - “Phê bình văn học Việt Nam hiện đại – Lịch sử và chân dung”. Sách do NXB Đại học Sư phạm ấn hành.
Là tác giả của nhiều công trình nghiên cứu nặng ký, năm nay, GS. Trần Đình Sử tiếp tục cho ra mắt cuốn sách “Phê bình văn học Việt Nam hiện đại – Lịch sử và chân dung”. Tác phẩm bao quát lịch sử phê bình văn học hiện đại nước nhà qua 5 giai đoạn: 1885 – 1931, 1932-1945, 1945-1975 và từ 1976 đến nay cùng với gần 60 bài viết chân dung các tác giả phê bình, như một sự nhìn lại của GS. Trần Đình Sử với một chặng đường mà mình đã dự phần.
Giáo sư Trần Đình Sử tại buổi giới thiệu sách. |
“Cuốn sách “Phê bình văn học Việt Nam hiện đại – Lịch sử và chân dung” của tôi không có tham vọng trình bày một cách đầy đủ tất cả các mặt về phê bình văn học Việt Nam hiện đại. Một lý do rất đơn giản: công việc đó đòi hỏi nguồn tư liệu rất phong phú mà một cá nhân không thể làm được. Thứ hai là có những vấn đề của lịch sử phê bình văn học Việt Nam bây giờ vẫn chưa đến lúc được phép trình bày đầy đủ và ngọn ngành ở trong nước. Ở đây, chúng tôi sẽ trình bày lý luận phê bình văn học Việt Nam ở một số góc độ riêng, tức là từ góc độ diễn ngôn phê bình và không trình bày đơn giản theo một chiều lịch sử mà trình bày theo góc nhìn đổi mới. Tiếp đến, nhìn phê bình không tách khỏi lý luận, tức là so sánh về mặt lý luận phê bình của Việt Nam với các nước gần gũi để thấy lý luận Việt Nam mức độ thế nào. Thứ ba, phê bình và người phê bình không tách rời. Không có nhà phê bình thì không có nhà phê bình văn học mà nhà phê bình văn học không tách khỏi lịch sử nói chung. Họ bị ràng buộc bởi diễn ngôn, hệ trí thức của thời đại mình. Khi hệ trí thức đổi thay thì nhà phê bình cũng buộc phải đổi thay theo.” - GS Trần Đình Sử nói.
Thừa nhận “không có tham vọng trình bày một cách đầy đủ các vấn đề của lịch sử phê bình văn học Việt Nam” nhưng GS. Trần Đình Sử vẫn hi vọng cuốn sách mới của mình có thể đem đến một góc nhìn riêng, nhất là khi cho đến nay, “phê bình văn học không có một chỗ đứng rõ ràng”. Đây cũng là điều khiến nhiều nhà nghiên cứu đánh giá cao công trình mới này.
Theo nhà nghiên cứu văn học La Khắc Hòa, có nhiều cách để viết lịch sử văn học. GS. Trần Đình Sử đã chọn viết lịch sử phê bình văn học nước nhà như là tổng thể lịch sử của các sự kiện, không đơn giản là ghi lại “điều đã xảy ra” mà chỉ ghi nhận những gì có tính đột phá: “Trước đây, chúng ta biết có nhiều cuốn sách viết về lịch sử phê bình. Nhưng thời điểm ra đời của nó chưa cho phép bao quát một quãng lịch sử dài. Ví dụ quyển của Thanh Lãng chẳng hạn. Nó là quyển rất quan trọng. Tuy nhiên, ông ấy viết từ những năm 60 thì làm sao bao quát được cho đến bây giờ. Cho nên, do thời điểm, nó không thể bao quát lịch sử phê bình một thế kỷ. Hoặc sau này, những quyển của thầy Nguyễn Văn Long chẳng hạn, ông ấy chỉ viết khúc sau 1975 hay tôi cũng hay viết lịch sử. Nhưng thông thường, chúng tôi viết lịch sử, chúng tôi nhìn chéo theo góc nhìn của tôi thôi. Còn quyển của thầy Sử, nó là lịch sử đúng theo ý nghĩa của nó, tức là mô tả quy luật vận động của lịch sử trong bề rộng và chiều dài tư liệu cho nên cuốn sách mới lên tới hơn 500 trang. Đọc công trình của thầy Sử, ít nhất chúng ta sẽ biết được một khu vực tư liệu rộng rãi bề bộn của một thế kỷ nghiên cứu phê bình văn học.”
Về phần chân dung, PGS.TS La Khắc Hòa cho rằng GS. Trần Đình Sử đã có những trang viết thú vị, dù chưa thể đầy đủ: “Chỗ thú vị nhất của cuốn sách là phê bình chân dung vì tác giả không quan tâm đến tiểu sử của nhà phê bình. Thông thường, nhiều người viết chân dung khoái nhất là tiểu sử. Văn bản chỉ là cái cớ để nói người ngoài văn học. Trần Đình Sử quan tâm tới hướng đi khoa học của nhà phê bình đấy. Thứ hai, chân dung nhà phê bình không phải là chân dung tĩnh tại mà là chân dung trong toàn bộ tiến trình vận động của họ. Và từ tiến trình vận động đấy cũng chính là lịch sử. Mỗi nhà phê bình cũng là lịch sử. Hoài Thanh từ phê bình nghệ thuật mỹ học chuyển sang phê bình chính trị. Ông Hoàng Trinh, Đỗ Đức Hiểu chống phương Tây rồi sang theo phương Tây. Ông Lại Nguyên Ân thì từ phê bình sang khảo cứu văn bản. Tất cả đều ở trong sự vận động chứ không đứng im. Thứ ba, tác giả chú ý tới thân phận của nhà phê bình.”
Nhà nghiên cứu Đỗ Lai Thúy, gương mặt quen thuộc trong giới phê bình, bày tỏ sự thích thú với những bài viết chân dung của GS. Trần Đình Sử. Ông cũng cho rằng phải tới công trình này, những người làm phê bình văn học mới có danh xưng cụ thể là “nhà phê bình”, không bị ghép vào những cụm từ như “nhà lý luận phê bình”, “nhà nghiên cứu phê bình”: “Anh Sử đã nhiều lần nói với tôi là trước đây, Hoài Thanh, Hoài Chân có cuốn “Thi nhân Việt Nam”, Vũ Ngọc Phan có bộ “Nhà văn hiện đại” nhưng riêng lĩnh vực phê bình thì chưa có cuốn nào. Hiện nay, trong diễn ngôn chính thức và chính thống, không có khái niệm “nhà phê bình” mà thường nói là “nhà nghiên cứu phê bình”, “nhà lý luận phê bình”, chứ phê bình chưa đủ tư cách để đứng riêng trong lý luận văn học. Vì thế, công trình này đóng góp thêm một tiếng nói quyết định để phá vỡ thành kiến đó.”
Kể chuyện lịch sử phê bình văn học nước nhà là một công việc không hề dễ dàng, vẫn cần tới nhiều sự trao đổi, góp ý, bổ sung một vài gương mặt hoặc một số cuộc tranh luận văn chương. GS. Trần Đình Sử thừa nhận công trình của mình “không thể không có khuyết điểm” nhưng ông luôn nỗ lực thể hiện sự trân trọng với những nhà phê bình, những người đã trải qua thăng trằm để gắn bó với một công việc đầy khó nhọc. Sự ra đời của cuốn sách “Phê bình văn học Việt Nam hiện đại – Lịch sử và chân dung” chắc chắn sẽ gợi mở thêm cho độc giả cũng như giới chuyên môn những cách đọc, cách nhìn mới.