(VOV5) - Sự phát triển của các mô hình đào tạo nhân lực văn học nghệ thuật trong các trường đại học đa ngành, đây là một xu thế tất yếu sẽ còn diễn ra mạnh mẽ ở nước ta.
Văn học nghệ thuật là lĩnh vực được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm và đặt nhiều kỳ vọng. Và để lĩnh vực này phát triển tương xứng với vị thế quốc gia cũng như đáp ứng được yêu cầu phát triển biền vững đất nước thì vấn đề đào tạo đội ngũ sáng tác lý luận và phê bình văn học, nghệ thuật luôn đặt ra những yêu cầu mới phù hợp với thực tiễn.
Tọa đàm khoa khọc “Đào tạo đội ngũ sáng tác và lý luận, phê bình văn học nghệ thuật trong các trường đại học đa ngành- những vấn đề lý luận và thực tiễn” đã nhận được sự quan tâm của các cán bộ quản lý tại các trường đại học liên ngành của thủ đô Hà Nội.
Nghe âm thanh bài tại đây:
Các nhà khoa học, nghệ sĩ tham gia tọa đàm. |
PGS-TS Nguyễn Thế Kỷ Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương nêu rõ mục đích của tọa đàm là xây dựng lộ trình mới trong việc đào tạo đội ngũ sáng tạo và lý luận phê bình văn học nghệ thuật ở các trường đại học hiện nay: "Muốn có đội ngũ lý luận phê bình văn học nghệ thuật sung sức thì công tác đào tạo bồi dưỡng trong các trường đại học phải đặt ra yêu cầu cấp thiết. Cuộc tọa đàm khoa học này nhằm nghe ý kiến của các nhà giáo, chuyên gia, lãnh đạo của các trường đại học thì mới thấy là riêng mảng sáng tác học viên theo học đông hơn. Còn mảng lý luận, phê bình văn học nghệ thuật thì số lượng người học ít. Vậy các cơ sở đào tạo cần phải đẩy mạnh công tác đào tạo, có các chính sách thu hút người học thì chúng ta mới không lo là không có lực lượng kế cận hùng hậu."
Khoa Các khoa học liên ngành của Đại học Quốc gia Hà Nội là đơn vị có thế mạnh trong việc đào tạo bậc cử nhân và sau đại học có trình độ lý luận và phê bình chuyên sâu không chỉ ở lĩnh vực văn học nghệ thuật mà còn mở rộng ra nhiều ngành nghề khác. Với sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao gắn liền với nghiên cứu khoa học, chuyển giao tri thức và công nghệ đa ngành, đa lĩnh vực của nền công nghiệp văn hóa sáng tạo, vài năm gần đây số lượng sinh viên của khoa ra trường đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng của nhiều tập đoàn lớn về lĩnh vực nghệ thuật.
Đây là điều được PGS, TS Phạm Quỳnh Phương (Khoa Các khoa học liên ngành của trường Đại học Quốc gia Hà Nội) chia sẻ tại tọa đàm: "Trường đại học đa ngành sẽ khuyến khích sự sáng tạo và đổi mới. Sinh viên nghệ thuật có thể tiếp cận với nhiều ngành mang tính học thuật khác nhau, khơi dậy sự giao thoa trong sáng tạo, sự tiếp xúc với môn nghệ thuật khác, đa ngành sẽ giúp sinh viên có nhiều sáng kiến mới mẻ trong môi trường nghệ thuật.
Trong các trường đa ngành thì hợp tác liên ngành có thể kích hoạt tốt. Việc sinh viên nghệ thuật có thể tương tác với sinh viên từ nhiều nền tảng học thuật khác nhau thì sẽ thúc đẩy sự hợp tác liên ngành, khuyến khích các ý tưởng có tính thử nghiệm và từ đó làm phong phú hơn các hoạt động nghệ thuật. Sinh viên trong các trường đại học đa ngành sẽ được kích hoạt tư duy mới về nghệ thuật, đặt nghệ thuật trong bức tranh rộng hơn trong đời sống tinh thần của con người."
Trong khoảng mươi năm trở lại đây lĩnh vực đào tạo ở nước ta có sự thay đổi theo hướng đa dạng các loại hình đào tạo. Nếu như trước việc đào tạo nhân lực cho lĩnh vực này chủ yếu do các trường chuyên ngành đảm nhiệm, thì nay các chương trình đào tạo sáng tác và lý luận phê bình nghệ thuật bắt đầu được nhiều trường đại học quan tâm. Điển hình là việc giảng dạy điện ảnh, thiết kế, sáng tạo tại Đại học Quốc gia Hà Nội; Việc dạy nghệ thuật ở Đại học quốc gia thành phố Hồ Chí Minh; Dạy sáng tác và phê bình văn học ở một số trường đại học có vốn đầu tư nước ngoài.
Nhà văn Nguyễn Trương Quý cho rằng việc mở rộng hệ thống sáng tác lý luận và phê bình văn học nghệ thuật trong các trường đại học là cần thiết. "Mục tiêu để sáng tác truyện, thơ, ký là phụ thuộc vào năng khiếu. Trong quá trình dạy thì tôi thấy nảy sinh ra nhiều vấn đề. Nhất là từ phía người học. Sinh viên chưa có nền tảng kiến thức tư duy, kiến thức phổ thông còn yếu, mỏng, thiếu cái nhìn tổng quan, dạy đến cái gì thì thiếu cái đó. Thứ nữa là về tổng quan chương trình đào tạo thì phải làm sao đầu ra đáp ứng được nhu cầu của xã hội. Trong khi nhận thức là cả một quá trình chuyển hóa. Không thể 3-4 năm học đại học lại đòi hỏi sinh viên sau khi ra trường có thể đáp ứng công việc chuyên môn luôn. Điều này là rất khó, trừ khi chính họ có ý thức trong việc trang bị kiến thức nền tảng về các ngành liên quan tới chuyên môn."
Còn TS Trần Hậu Yên Thế (Trường Đại học Mỹ Thuật Việt Nam) và PGS, TS Nguyễn Như Trang (Khoa Xã hội học, trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn -Đại học Quốc gia Hà Nội) chỉ ra một số điểm thuận lợi khi hệ thống giáo dục trú trọng với việc đào tạo liên ngành.
"Trong lĩnh vực mỹ thuật thì ở miền Bắc có trường đại học Mỹ thuật công nghiệp, chuyên đào tạo về mỹ thuật ứng dụng. Khoa Mỹ thuật của trường Sân khấu điện ảnh phụ trách mảng mỹ thuật điện ảnh. Trong trường Cao đẳng Mỹ thuật Hà Nội thì chuyên về mỹ thuật thuần túy. Việc chuyên sâu như vậy thì tạo ra một hệ thống cán bộ quản lý có lý thuyết chuyên sâu. Nhưng không đa ngành, liên ngành. Việc phân như thế này thì cũng xảy ra bất cập về học thuật. Ví dụ gần đây tôi có tham dự thẩm định giáo trình lịch sử hội họa. Chương trình đã bỏ phần in đồ họa ra khỏi lịch sử hội họa. Ở Mỹ thuật Việt Nam thì đồ họa gồm làng tranh nổi tiếng như: Hàng Trống, Kim Hoàn, Đông Hồ… hoàn toàn bị bỏ khỏi lịch sử hội họa Việt Nam, thì đấy cũng là thiệt thòi về mặt học thuật. Nếu không nhân lực được đào tạo liên ngành thì xử lý vấn đề này cũng rất khó." - TS Trần Hậu Yên Thế nói
"Lần điều chỉnh khung chương trình gần đây đào tạo cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ thì chúng tôi đã có những thay đổi để tăng cường bám sát chương trình đào tạo lý luận văn học với thực tiễn, cũng như phát huy tính chất liên ngành. Chúng tôi là trường đại học đa ngành nên muốn kết nối văn học với các lĩnh vực khác của khoa học xã hội. Từ đấy một sinh viên ra trường họ có thể đảm nhiệm được nhiều công việc. Họ không chỉ là chuyên gia ở lĩnh vực lý luận văn học mà còn có thể tham gia vào các lĩnh vực khác như viết lách, báo chí truyền hình hoặc lĩnh vực văn hóa." - PGS, TS Nguyễn Như Trang nói.
Khoa Ngữ văn Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn -Đại học Quốc gia Hà Nội là một trong những địa chỉ uy tín đào tạo nguồn nhân lực về lĩnh vực văn học nghệ thuật. Sinh viên của khoa sau khi ra trường có thể đảm nhiệm nhiều vị trí công việc như: nghiên cứu, giảng dạy, sáng tác, truyền thông… Để có được thành công đó thì đội ngũ cán bộ của Khoa luôn không ngừng đổi mới phương pháp giảng dạy bám nhu cầu của xã hội.
Điều này đã được PGS, TS Nguyễn Thị Năm Hoàng (Phó Trưởng Khoa Văn học- Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn -Đại học Quốc gia Hà Nội) chia sẻ: "Do không khuôn người học vào định hướng duy nhất nên chúng tôi đã dành phần lớn thời lượng để cung cấp tri thức cả ở bề rộng và chiều sâu về lý luận, lịch sử văn học của Việt Nam và thế giới. Với không chỉ là kiến thức cơ sở mà là hệ thống kiến thức chuyên sâu về các tiến trình, trào lưu, thể loại, vấn đề, các phương pháp tiếp cận và nghiên cứu phê bình văn học. Nhờ vậy mà người học vừa hình thành được cái nhìn bao quát hệ thống, vừa cụ thể sâu sắc về các nền văn học, biết cách tiếp cận, nhận diện phân tích đánh giá các hiện tượng văn học và xử lý bằng nhiều phương pháp khác nhau.
Đây chính là ưu thế trong việc đào tạo lý luận cơ bản trong lĩnh vực văn học. Nhờ chương trình đào tạo thiên về hệ thống và chiều sâu kiến thức như vậy người học sau khi ra trường có thể đảm nhiệm công tác nghiên cứu, phê bình lý luận văn học. Và tùy theo nhu cầu của cá nhân mà chúng ta tự trang bị thêm các kỹ năng nghiệp vụ khác như: Giảng dạy, báo chí, xuất bản…"
Có thể thấy sự phát triển của các mô hình đào tạo nhân lực văn học nghệ thuật trong các trường đại học đa ngành, đây là một xu thế tất yếu sẽ còn diễn ra mạnh mẽ ở nước ta. Thực tế này đòi hỏi các cấp quản lý cần có sự đổi mới tư duy trong hệ thống quản lý, mở rộng chính sách tạo sự bình đẳng giữa mô hình đào tạo liên ngành và mô hình đào tạo truyền thống để có những lộ trình cụ thể, đóng góp vào sự phát triển của văn học nghệ thuật cũng như của lĩnh vực công nghiệp văn hóa của nước ta.