Trong lĩnh vực sáng tạo, rất cần có dấu ấn cá nhân, đặc biệt là cần sự nổi trội, bứt phá vượt lên của những tài năng. Với sân khấu, những nghệ sĩ mang trong mình nhiều vai trò: vừa là người sáng tạo, vừa là phương tiện, là tác phẩm sáng tạo… thì tài năng đóng vai trò quyết định làm nên tên tuổi các nghệ sĩ và sẽ trở thành sức hút để khán giả tới với sân khấu. Vì vậy, những cuộc thi tài năng trẻ liên tục diễn ra gần đây đã và đang thu hút sự chú ý của người làm nghề.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Nghệ sĩ Lê Thanh Thảo (phải) trong trích đoạn “Bão táp Nguyên Phong”, 1 trong 7 huy chương vàng của giải Trần Hữu Trang 2020, xứng đáng là nghệ sĩ kế thừa của gia tộc Minh Tơ - Thanh Tòng. Ảnh: NLĐ |
Mỗi cuộc thi đều tìm thấy những diễn viên trẻ có tài, trải qua sự luyện tập khắt khe để tỏa sáng. Diễn viên là một trong những thành phần sáng tạo quan trọng nhất, là trung tâm của nghệ thuật sân khấu.
Đạo diễn, diễn viên Lê Trung Thảo cho rằng: "Nếu nói thành phần sáng tạo thì diễn viên là một trong những khâu quan trọng làm nên tác phẩm sân khấu.Nếu kịch bản, đạo diễn, phục trang, âm thanh, ánh sáng, cảnh trí… là khâu sáng tạo ban đầu thì người diễn viên là khâu sáng tạo sau cùng và cũng là khâu sáng tạo quan trọng nhất. Vì người diễn viên kết nối tất cả các khâu đó lại với nhau và truyền tải thông điệp đến khán giả. Vì thế, nếu không có diễn viên sáng tạo trên sân khấu sẽ không có vở diễn, không có lớp diễn và cũng không có sân khấu."
Nguyễn Thị Chúc (Xuân Hồng) - Đoàn Nghệ thuật Quân Khu 9 (vai công chúa Ngọc Hân) đoạt Huy chương vàng Triển vọng và Xuất sắc giải Trần Hữu Trang năm 2014 và Hoàng Quốc Thanh (vai Nguyễn Huệ) trong trích đoạn "Tâm sự Ngọc Hân". Ảnh: NLĐ |
Vì thế, tìm kiếm tài năng cho các kịch chủng, đặc biệt là kịch hát dân tộc trở thành nhu cầu cấp thiết. Các nghệ sĩ lớn, được vinh danh là những nghệ sĩ nhân dân của ngành cũng rất trông chờ vào các cuộc thi tài năng này.
NSND Trần Minh Ngọc hi vọng vào lớp trẻ và cho rằng, sân khấu cải lương đang trên đà phục hồi khi nhìn vào thế hệ nghệ sĩ trẻ qua Giải thưởng Trần Hữu Trang năm nay: "Sân khấu Cải lương khi lên khi xuống. Trong quá trình lịch sử cũng có nhiều thăng trầm. Tôi cho rằng, hình sin đó bắt đầu trỗi dậy ở cái đỉnh của nó. Chúng tôi cũng hi vọng rất nhiều vào cái cuộc thi này, chọn lựa được tài năng để mà chấn hưng sân khấu Cải lương"
Những giải thi tài năng trẻ nghệ sĩ được tổ chức vừa qua đã đem lại cảm xúc vui mừng của thế hệ đi trước đối với nghệ sĩ trẻ. NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội đồng giám khảo cuộc thi tài năng trẻ Tuồng và Dân ca nhận định: "Chất lượng trong nghệ thuật Tuồng thì các em thí sinh nắm bắt được những trình thức, trích đoạn, những cái loại vai và thể hiện rất nhuần nhuyễn, điêu luyện, có những em đã tạo được những thăng hoa.
Ngày hôm nay, ngoài học kỹ cái mà các thầy dạy, thì các em có vốn văn hóa. Lớp trước, các em không có mạng (internet) để mà xem, nghe, học. Nhiều trích đoạn rất khó, do nhiều thế hệ nghệ sĩ đã thể hiện, cứ tưởng rồi nó sẽ nhạt nhòa đi. Nhưng mà các em đã thổi được hồn vào. Những tình huống rất phức tạp nhưng các em đã chuyển tải bình tĩnh, và nó diễn, nó tả, có lúc nó nhập hồn vào nhân vật, đẩy đến mức thăng hoa. Ngồi xem, có lúc chúng tôi rớt nước mắt và cảm thấy ấm lòng vì nghề đã có người nối nghiệp."
Cuộc thi Tài năng trẻ Diễn viên Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc - 2020 không những là "sân chơi" để các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp và các nghệ sĩ thể hiện tài năng, mà còn là dịp nhìn lại và đánh giá đúng thực trạng hoạt động của hai loại hình nghệ thuật diễn xướng truyền thống trong đời sống sân khấu nước nhà hiện nay. - Ảnh: Lê Thủy/cucnghethuatbieudien.gov.vn. |
Nhà báo Mai Văn Lạng theo dõi cuộc thi tài năng trẻ ngành Chèo cũng phấn khởi: "Cá nhân tôi rất mừng. thứ nhất là trong thời buổi kinh tế thị trường khó khăn, vất vả như thế này nhưng các bạn trẻ vẫn yêu chèo, đến với nghệ thuật chèo, say mê và mang hết tài năng trí tuệ, sức lực để cống hiến cho sân khấu Chèo, đặc biệt là trong cuộc thi này. Thứ hai, các em cũng đã phần nào tiếp thu được tinh hoa của nghệ thuật Chèo, có những tiết mục được đánh giá khá xuất sắc. Với những tiết mục đã được xem, tôi nghĩ rằng nghệ thuật Chèo đang trên đà phát triển và việc các bạn trẻ đã say mê với nghệ thuật Chèo cũng là niềm vui cho những người làm Chèo chuyên nghiệp."
Có thể thấy, khi lực lượng nghệ sĩ trẻ của sân khấu kịch hát đã xuất hiện không ít những tài năng trẻ hội tụ các yếu tố cần thiết cho sân khấu, để các nghệ sĩ tiền bối yên tâm khi nghề đã có người tiếp nối. Các nghệ sĩ đi dự thi cũng xác định, đây là cơ hội để học tập. Diễn viên Võ Hoài Lang của Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang cho rằng: "Gọi là tài năng sân khấu mà, nên đến với cuộc thi mình được các cô chú anh chị chỉ dẫn chi li từng chi tiết. Gọi là ca diễn nên từng chi tiết nhỏ mình cũng phải khai thác và học hỏi được rất là nhiều từ cuộc thi này."
Theo một nhà nghiên cứu thì, điều quan trọng nhất của diễn viên trẻ là sự làm chủ được sàn diễn, hiểu được cái đủ độ rất mong manh của nghệ thuật, đừng ỷ vào sức trẻ, mà cần luyện tập, đo lường để có được sự nhạy cảm, biết được cái mức độ trong diễn xuất, trong hát, trong múa…Vẫn còn những vấn đề cần tiếp tục khắc phục như có những vai diễn vẫn còn non, chưa đủ mức độ sâu trong diễn xuất; diễn viên chưa sạch nước cản nhưng đã đi thi tài năng, không làm chủ được sàn diễn; hay những lỗi từng thấy qua nhiều cuộc thi trước như sự lấn át của xử lý đạo diễn làm mờ sự chủ động của vai dự thi… Tuy nhiên, điều khiến nhiều người băn khoăn là sau khi tìm ra vàng tài năng thì nên có những chính sách, cơ chế, sự đào luyện ra sao để các em có thể tỏa sáng. Cần có nhiều hơn những hoạt động nghề nghiệp để thế hệ diễn viên trẻ trưởng thành, sẵn sàng cống hiến hết mình cho nghề nghiệp.
NSND Lê Tiến Thọ phân tích: "Hiện nay các em không được biểu diễn nhiều, mà có được biểu diễn thì sức lao động của nghệ thuật truyền thống đòi hỏi nhiều calo như vậy và nó đòi hỏi phải điêu luyện đến một mức độ nào thì mới có thể chuyển tải được, thì cái hưởng thụ của người bỏ công sức, chưa đáp ứng được."
Sau những ngày đón nhận sự tôn vinh từ người làm nghề, từ khán giả, trở về với hoạt động nghệ thuật đời thường, không ít tài năng trẻ, đặc biệt là các tài năng diễn viên sân khấu truyền thống lại phải lao vào cuộc mưu sinh bởi Nhà hát không dựng vở mới nhiều, không thường xuyên đỏ đèn. Mà chỉ trông chờ vào lương để chuyên tâm luyện tập thì mức lương hiện tại không thể giúp nghệ sĩ an tâm mà dốc hết tài sức cho nghề. Thậm chí cả khi các đơn vị đỏ đèn thì với khung bồi dưỡng hiện thời, khi sân khấu truyền thống quá thưa vắng khách, việc có được một thu nhập khả dĩ để an tâm tái sáng tạo vẫn chỉ là trên lý thuyết. Thế là quá thuộc câu “hãy tự cứu mình trước khi trời cứu”, hầu hết các tài năng này lại quay về việc đi làm thêm như hát tại các quán với ngành cải lương, hát đám, hát hầu, hát án của diễn viên Tuồng, Chèo để bươn trải kiếm sống. Vì vậy, chính họ cũng bị mai một đi nghề nghiệp, tài năng của mình khi phải làm những việc không thuần nghề như vậy. Hy vọng những cơ chế, chính sách ưu đãi của Nhà nước mau chóng đi vào đời sống, để thế hệ nghệ sĩ trẻ yên tâm cống hiến với nghề.