(VOV5) - Người dân hôm nay thưởng thức văn nghệ dân gian theo những cách rất là khác. Hội cần tìm những cách tiếp cận thân thiện với người dân theo thị hiếu của công chúng đương đại.
Trong những năm qua, hơn 1.400 hội viên của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam đã sưu tầm, biên soạn, dịch thuật gần 4.000 công trình về văn hóa, văn nghệ dân gian, đóng góp thiết thực vào việc xây dựng đời sống văn hóa tinh thần, phát triển văn hóa, du lịch ở các địa phương.
Tuy nhiên, trước đòi hỏi của thực tiễn, đặc biệt là khi công tác sưu tầm, biên soạn, dịch thuật đã cơ bản hoàn thành thì các văn nghệ sỹ có trăn trở, và mong muốn gì để làm tốt hơn công việc của mình đặng đóng góp vào việc phát huy di sản của cha ông trong đời sống hôm nay?
Một tiết mục văn nghệ dân gian Chăm mới được trình diễn tại di tích Mỹ Sơn (Quảng Nam) - Ảnh: baoquangnam.com.vn |
Nhà nghiên cứu Trần Vũ ở Khánh Hòa là người tâm huyết với vốn văn hóa của người Raglai (Rắc lây)-quê hương ông. Với sự giúp đỡ của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, ông đã xuất bản nhiều tập sách về di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của đồng báo Raglai. Tuy nhiên, hiện công trình nghiên cứu của ông về sử thi (dài khoảng 1.200 trang) của đồng bào dân tộc này đang gặp khó khăn ở khâu chuyển ngữ từ tiếng Raglai sang tiếng Việt: “Nếu chỉ nhận bản thảo của chúng tôi rồi để đó thôi mà chúng ta không có kinh phí để in ấn thì nó cũng không có ích gì nhiều. Nên in ra để phổ biến và gửi tác phẩm đến các thư viện từ tỉnh đến huyện trong toàn quốc. Đó cũng là một cách để lưu truyền vốn văn hóa dân tộc. Và như thế nó mới phát huy được tác dụng và khiến chúng tôi say mê hơn với công việc. Chúng tôi mong muốn được Đảng, nhà nước quan tâm hơn nữa đến việc sưu tầm, nghiên cứu, truyền dạy văn hóa của người Rắc lây. Bởi, chúng ta không truyền dạy kịp thời thì nét văn hóa của họ sẽ dần bị mai một” – Nhà nghiên cứu Trần Vũ nói.
Công tác trong ngành y, mặc dù công việc rất bận rộn, nhưng vì tình yêu và niềm đam mê đối với văn nghệ dân gian mà chị Đặng Phương Lan - một người con của đồng bào dân tộc Dao ở Yên Bái vẫn dành thời gian để đi điền dã, sưu tầm vốn cổ của cha ông mình. Mới đây, khi về Hà Nội tham dự Đại hội đại biểu Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam chị không quên gửi tới BCH mới những kiến nghị: “Mong BCH mới cầm cân nảy mực và làm thế nào đó để văn nghệ dân gian phát triển mạnh mẽ hơn, đừng để bị tụt lùi phía sau. Nếu bị lãng quên thì thật là phí, không thể để mất đi các giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc. Mong anh em hội viên có thêm những trại sáng tác để nâng cao chất lượng tác phẩm nghiên cứu về văn nghê dân gian...”
Các nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh biểu diễn quan ho trên thuyền. - Ảnh: Báo Văn hóa |
Nhà nghiên cứu Đào Quang Tố ở Sơn La chia sẻ, người làm công tác nghiên cứu, sưu tầm văn nghệ dân gian rất vất vả. Ngoài niềm say mê, sự kiên trì và vì đồng bào các dân tộc thì còn có quá trình tích lũy. Kiến thức không phải ngày một ngày hai có được mà phải tích lũy cả cuộc đời, đến khi 70-80 tuổi mới “lôi” cái vốn ấy ra để sử dụng. Đội ngũ những người làm công tác văn nghệ dân gian bây giờ đã phần mái đầu đã bạc, vì thế ông Đào Quang Tố không khỏi không lo đến đội ngũ kế cận: “Cái lĩnh vực văn nghệ dân gian này không như một bài thơ chỉ một lúc là xuất thần ra được nó phải cả một quá trình rất gian nan. Vậy người đam mê việc này có đủ can đảm để làm hay không, điều ấy khó. Hội phải truyền cho họ cái phương pháp nghiên cứu và hỗ trợ về kinh tế. Chứ nếu chỉ kêu gọi sức lực của họ để làm thì hơi khó khan”
Ông Nguyễn Thế-Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Thừa Thiên Huế gắn bó gần như cả cuộc đời với công tác nghiên cứu nên ông hiểu rất rõ làm thế nào để có những công trình nghiên cứu chất lượng: “Hoạt động ở BCH Hội dẫu là ở TƯ hay địa phương cũng cần những người tâm huyết, đặc biệt trong công tác nghiên cứu là phải mang tính khoa học cao. Với tư cách là quản lý ở một hội địa phương, chúng tôi mong muốn được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam giúp đỡ trong lĩnh vực chuyên môn, đặc biệt trong nghiên cứu khoa học. Tức là tổ chức nhiều lớp tập huấn cho anh em hội viên trẻ mới được kết nạp vào hội có năng lực nghiên cứu, nhưng phương pháp nghiên cứu họ vẫn chưa tiếp cận đầy đủ…
Là một giáo viên trẻ đang giảng dạy tại trường ĐH quốc gia Hà Nội, hơn ai hết chị Lư Thị Thanh Lê - thành viên trẻ nhất của BCH khóa VIII Hội Văn nghệ dân gian hiểu rất rõ giới trẻ hiện nay đang quan tâm và say mê cái gì. Theo chị, giới trẻ ít khi được biết về văn nghệ dân gian, ít có cơ hội được trải nghiệm trong khi họ biết khá nhiều về văn hóa đương đại. Không phải họ không thích mà nguyên nhân sâu xa là do họ chưa có dịp được trải nghiệm vốn văn hóa cổ truyền của dân tộc: “Với sự hoạt động tích cực của các hội viên văn nghệ dân gian ở khắp các địa phương trong cả nước thì các giá trị của văn nghệ dân gian được lưu giữ, được bảo tồn, được xuất bản và được trao truyền cho các thế hệ khác nhau. Đây là hoạt động ý nghĩa, những hội viên như những sứ giả đưa văn nghệ dân gian đến gần hơn với giới trẻ. Còn với Ban chấp hành cần có sự đổi mới như thế nào đó để giúp cho văn hóa dân gian, văn nghệ dân gian trở nên sống động và sống trong đời sống đương đại bằng nhiều hình thức, ví như có thể học hỏi kinh nghiệm của các nước tiên tiến trên thế giới. Bởi người dân hôm nay thưởng thức văn nghệ dân gian theo những cách rất là khác. Hội cần tìm những cách tiếp cận thân thiện với người dân theo thị hiếu của công chúng đương đại”.
Nếu chúng ta không tích cực sưu tầm, bảo tồn những vốn văn hóa quý báu của cha ông thì chẳng mấy chốc những nghệ nhân - những người nắm giữ ký ức của cộng đồng họ sẽ dần mất đi và đem theo những vốn quý đó. Văn nghệ sỹ hoạt động trong Hội Văn nghệ dân gian là những sứ giả luôn cần mẫn sưu tầm, nghiên cứu, lưu giữ và trao truyền. Những trăn trở, suy tư của họ mà chúng tôi có dịp ghi lại cũng không ngoài mong muốn các hội viên nâng cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm và tình yêu đối với hoạt động nghiên cứu, sưu tầm văn nghệ dân gian của 54 dân tộc trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam. Hội văn nghệ dân gian ngày càng hoạt động hiệu quả hơn trong công tác bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống.