(VOV5) - Nhà điêu khắc Nguyễn Nguyên Hà cho rằng “Điêu khắc như một mảnh đất khắc nghiệt, mà ở đó họa hoằn ta mới thấy đám cây sa mạc nở hoa. Thái Nhật Minh là một trong những tác giả như vậy.”
Nhà điêu khắc Thái Nhật Minh. - Ảnh do nhân vật cung cấp |
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Từ những tác phẩm trong triển lãm chung năm 2011, Thái Nhật Minh đã đi từ những bức tượng mang tính tối giản trong seri voi, , sên, mèo… cho đến những chú chim. Gặp Thái Nhật Minh dù trong một cuộc triển lãm hay những cuộc trò chuyện, sẽ luôn thấy nhà điêu khắc sinh năm 1984 này cầm theo một cuốn sổ da, và đôi lúc cặm cụi ghi chép hay phác thảo những hình thù khó hiểu trên đó. Đó là cách Thái Nhật Minh làm việc, quá trình làm việc của anh không đứt đoạn, anh không đợi khi kết thúc triển lãm này mới bắt tay vào ý tưởng mới, mà tự thân anh luôn thôi thúc bản thân mình lao động.
Triển lãm cá nhân “Những con chim” năm 2013 đã tạo nên tiếng vang lớn trong giới mỹ thuật. Mỗi con chim tác giả đều khai thác ngôn ngữ điêu khắc ở những khía cạnh khác nhau. Từng con đều là một khối của tâm trạng, thiên về sự lắng đọng... Ở những triển lãm chung và riêng đầu tiên, theo nhận định của giới chuyên môn, Thái Nhật Minh luôn đối mặt với chính mình.
Một tác phẩm trong triển lãm "Những con chim" (2013) |
Nói về Thái Nhật Minh, họa sĩ Nguyễn Mạnh Đức chia sẻ: “Càng xem càng tìm hiểu về Thái Nhật Minh, tôi càng thấy anh ta là người rất trung thành với cá nhân mình. Anh đối diện rất rõ ràng với niềm đam mê, sự trung thực với chính mình. Anh trung thành với sự tuyệt đối đơn giản. Thứ hai nữa là tuyệt đối trầm lặng. Điều đó phải rất trung thành mới tạo nên được Thái Nhật Minh. Minh có nói là Minh từng thay đổi , nhưng cái lõi của Minh chính là tạo nên điều đó. Các nghệ sĩ quan tâm đi tìm kiếm điều gì, không xa đâu mà chính là bản thân mình”.
Điểm đặc biệt trong tác phẩm của Thái Nhật Minh chính là sự sáng tạo trong việc xử lý chất liệu. Anh luôn dành rất nhiều thời gian để tìm hiểu về tiếng nói chất liệu và mỗi chất liệu đều tích hợp với ngôn ngữ nghệ thuật cá nhân anh. Trong một khía cạnh khác của chất liệu giấy, Thái Nhật Minh không sử dụng giấy bồi như cha ông ta trước đây thường làm mà nghiền, trộn với màu, nặn đắp như sử dụng với đất. Ở chất liệu nhôm đúc, anh không giữ lại ánh sáng trắng thuần túy mà sử dụng kĩ thuật nhuộm để tạo nên màu thời gian cho tác phẩm. Còn đá granite anh sử dụng kết cấu phiêu lưu và mỏng manh hơn.
Những tác phẩm trong triển lãm "Mùa sinh sản" (2014) |
Nghệ sĩ Thái Nhật Minh chia sẻ: "Đối với tôi mọi chất liệu đều khiêu khích quá trình làm việc của tôi. Tôi quý trọng chất liệu của mình đang sử dụng. Và tôi nghĩ rằng mỗi chất liệu đều có ngôn ngữ, tiếng nói, thế mạnh riêng trong sáng tác của mình. Tôi cho rằng mỗi nghệ sĩ đều có cách nhìn nhận chất liệu khác nhau, việc sử dụng, đối xử chất liệu như thế nào sẽ cho người ta cái nhìn riêng biệt về tính cá nhân của người nghệ sĩ ấy”.
Vào năm 2016, công chúng yêu nghệ thuật ấn tượng với triển lãm “Chinh phu – chinh phụ”. Một lần nữa, cách xử lý chất liệu của anh lại là điểm nhấn tạo cảm xúc mạnh mẽ. Ở chất liệu sắt, anh không sử dụng dạng tấm hay que thường thấy trong điêu khắc, mà xử lý chúng thành những mảnh hàn nhỏ, gợi kỹ thuật dệt áo giáp, hình tượng người lính xưa kia. Anh tâm sự rằng dường như mong muốn tạo hiệu ứng thị giác mạnh mẽ khiến anh không thỏa mãn những cách làm quen thuộc thường thấy với sắt.
Nói về những tác phẩm này, nhà nghiên cứu mỹ thuật Vũ Huy Thông bày tỏ: “Cảm nhận cá nhân tôi về hình ảnh người lính khá đặc biệt. Bên cạnh những phần dưới là sự vạm vỡ đúng của những người lính, ngược lại cảm giác mong manh, thụ động, yếu ớt. Điểm này khiến cho tôi ít nhiều cảm thấy xúc động, thân phận của con người trong bất kỳ cuộc chiến tranh nào đều rất dễ tổn thương. Mặc dù họ thực sự mong muốn ra trận nhưng cũng đều rất đáng thương".
Triển lãm "Chinh phu - chinh phụ" (2016) |
Có thể thấy sự chuyển biến của Thái Nhật Minh trong quá trình sáng tạo. Trong 4 năm liên tiếp anh đưa ra những triển lãm cá nhân công phu, từ “Những con chim” (2013), “Mùa sinh sản (2014), Chinh phu – chinh phụ (2016) và “Những hạt mầm (2016). Ngược lại với xu hướng làm những tác phẩm đơn lẻ có kích cỡ lớn, Thái Nhật Minh sáng tác những tác phẩm nhỏ, có chung chủ đề, bám sát ý tưởng ban đầu và chú trọng vào không gian sắp đặt tác phẩm. Trong quá trình lao động nghệ thuật, Thái Nhật Minh đã đi từ những câu chuyện cá nhân cho đến những câu chuyện lớn hơn. Và trong tác phẩm của anh luôn gắn câu chuyện quá khứ với đời sống đương đại.
Thái Nhật Minh nói: “Tôi thường sử dụng điều cũ để nói những vấn đề hiện tại, mới. Thực chất các tác phẩm của tôi đều có xu hướng hoài cổ, dấu ấn cái cũ trong tác phẩm. Tôi muốn tác phẩm có quá trình và chứa đựng tính thời gian, nó không chỉ gắn kết với hiện tại mà kết nối với quá khứ. Chính điều đó mang lại nhiều lớp ý nghĩa hơn. Tất cả thực tại đều bắt nguồn từ quá khứ, cuộc sống hôm nay bắt nguồn từ ngày hôm qua. Tôi cho rằng việc kết nối với quá khứ là việc cần thiết trong các sáng tác của mình”.
Tiếng tăm từ những triển lãm cá nhân giúp Thái Nhật Minh gặt hái được nhiều giải thưởng cũng như được giới chuyên môn đánh giá cao. Nhưng cũng không có ít khen chê có thể khiến một người nghệ sĩ phải suy nghĩ, trăn trở. Nếu như gặp con người Thái Nhật Minh ngoài đời, người ta cũng sẽ bắt gặp phảng phất đâu đó chính đường nét tác phẩm của anh. Đó là sự kiên định, chắc chắn và điềm đạm. Thái Nhật Minh không quá để tâm đến muôn vàn ồn ào xung quanh mà luôn tập trung nung nấu những câu chuyện, ý tưởng vẫn còn đang dang dở… Để rồi có thể công chúng yêu nghệ thuật sẽ lại tiếp tục bất ngờ khi được chiêm ngưỡng một triển lãm tới đây của anh…