Nghệ sĩ Thiền Hoạ Trịnh Hữu Ngọc: Từ những tác phẩm còn lại

(VOV5) -Cuốn sách đặc biệt lần đầu tiên hé lộ một cái nhìn tổng thể về Người hiền Trịnh Hữu Ngọc – từ một họa sĩ, nhà thiết kế nội thất nổi tiếng, cũng như “nhà tư sản dân tộc” với thương hiệu nội thất MEMO lừng danh đầu thế kỷ 20, đến một họa sĩ - thiền hoạ giữa chốn phồn hoa.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:


Một sự kiện văn hóa đầu năm, nhẹ nhàng, lịch lãm, và không thể bỏ qua, đó là việc ra mắt cuốn sách song ngữ Việt – Anh: “Trịnh Hữu Ngọc – từ những tác phẩm còn lại”.

Nghệ sĩ Thiền Hoạ Trịnh Hữu Ngọc: Từ những tác phẩm còn lại - ảnh 1
Buổi ra mắt sách ấm cúng tại phòng tranh Lotus, Thành phố Hồ Chí Minh - Ảnh: Fb Trịnh Lữ


Tư liệu tự kể chuyện cùng những biến cố lịch sử


Điều rất có giá trị của cuốn sách, là dù do người trong gia đình thực hiện, nhưng “Trịnh Hữu Ngọc – Từ những tác phẩm còn lại” mang đến một cái nhìn lịch sử, khách quan, khoa học về cuộc đời rất khác biệt của Trịnh Hữu Ngọc.

Nghệ sĩ Thiền Hoạ Trịnh Hữu Ngọc: Từ những tác phẩm còn lại - ảnh 2


Như lời  con trai ông - dịch giả, họa sĩ Trịnh Lữ, người thực hiện cuốn sách chia sẻ, thì: “Làm cuốn sách này thật ra cũng qua rất nhiều phiên bản khác nhau. Lúc đầu tình cảm của mình hơi mạnh quá, nên phác thảo  cho cuôn sách gần như một thứ hồi ký cá nhân. Mà tôi nghĩ  hồi ký của cá nhân mình thì nó không thể nào lại giới thiệu ông 1 cách khách quan để chia sẻ với xã hội. Cho nên cứ sửa dần, sửa dần, cuối cùng ra 1 hình thức mà mình nghĩ rằng nó thăng bằng hơn, tức là chỉ để cho những tư liệu của ông kể câu chuyện là chính. Mình chỉ là người nói đây là sự kiện như thế và đây là chứng cớ của nó, thế thôi. Không xen vào những giai thoại riêng tư mà chỉ phục dựng cuộc đời của ông, để cho thấy một nghệ sĩ như ông đã có những quyết định như thế nào, đã phản ứng như thế nào đối với những thay đổi của cả một giai đoạn lịch sử rất sôi động từ thời thuộc địa, giành độc lập rồi lại chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ, chế độ mới… cho đến khi ông già, ông qua đời. Một người đã sống qua ngần ấy biến cố, số phận làm cho ông ấy tham gia vào những biến cố đó với tư cách một người họa sĩ một cách rất tình cờ, nhưng ông lại không bị thời cuộc lôi cuốn, nên có nét riêng, đặc biệt. Khi nhắc lại câu chuyện về ông Ngọc mình có đặt ở trong bối cảnh lịch sử. Cái đấy sẽ lý giải một cách sâu sắc hơn, tại sao ông ấy vẽ, vẽ cái gì và như thế nào”

Nghệ sĩ Thiền Hoạ Trịnh Hữu Ngọc: Từ những tác phẩm còn lại - ảnh 3


Trong khuôn khổ cuốn sách 23cm x 31cm, bìa cứng, 400 trang in màu – tác giả đã phục dựng cuộc đời và sự nghiệp của họa sỹ Trịnh Hữu Ngọc (sinh 1912- mất 1997) từ những tư liệu và tác phẩm còn lại trong lưu trữ của gia đình: “ Cuộc đời nghệ sĩ như ông cụ nhà này ít gặp lắm, không phải là mẫu người nghệ sĩ mà người ta vẫn quan niệm một cách bình thường. Ông là một người muốn làm nghệ thuật một cách hoàn toàn tự do.  Tức là ông muốn có 1 cái nghề gì đấy cũng làm nghệ thuật của mình nhưng rất thực tế để phục vụ đời sống, cho nên ông mới chọn nghề thiết kế nội thất, làm đồ gỗ để nuôi sống mình và nuôi sống gia đình đã, khi vững chãi chuyện đó rồi thì ông bảo muốn vẽ gì thì vẽ. Lúc đó ngồi vào vẽ nó không phải lo thế này thế kia. Ông thích như thế….”


Lý giải tại sao tên sách là “từ những tác phẩm còn lại”, họa sĩ Trịnh Lữ cho biết đó là những tư liệu, tác phẩm khổ nhỏ được giấu kỹ trong hầm trú bom dưới căn biệt thự của gia đình ở 108 Quán Thánh trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ: “Làm cuốn sách này có cái may mắn là khi nhà này bị bom, thì một số những giấy tờ gì còn nho nhỏ như sổ sách giấy tờ thì mẹ tôi hay gói ghém rất kỹ để vào một vài thùng tôn cho vào hầm trú ẩn trong nhà đề phòng bị bom. Mà quả nhiên về sau bị bom, cả bố mẹ tôi cũng ở dứoi hầm, dân phòng họ đào lên. Những cái gì ở dưới hầm thì còn, những cái ở trên thì thất tán hết không còn nữa. …”


Trịnh Lữ đau đáu với những bức thư dặn dò của cha, mong muốn giữ lại được những bức tranh đã vẽ để con cháu sau này có thể biết ông đã từng làm những gì, trong lặng lẽ. Suốt quá trình làm, dịch giả Trịnh Lữ  kiểm kê thấy tranh Trịnh Hữu Ngọc còn hơn 600 bức, tức là còn rất nhiều, kể cả so với các họa sĩ cùng thời với ông. Từ đó  Trịnh Lữ  chọn lọc 272 bức đưa vào sách, kể từ phác họa đến những bức sơn dầu to nhỏ, một số tác phẩm thiết kế đồ gỗ đã đi vào lịch sử, những bài viết và ca khúc… Tất cả được trình bày như một triển lãm hồi cố nhìn lại từng giai đoạn sáng tác từ 1935 đến 1991:

Nghệ sĩ Thiền Hoạ Trịnh Hữu Ngọc: Từ những tác phẩm còn lại - ảnh 4


“Cuốn sách chia làm 3 phần. Phần đầu là câu chuyện về cuộc đời và sự nghiệp, nhưng có rất nhiều hình ảnh tư liệu, để minh chứng cho những sự kiện xảy ra. Cho thấy cuộc đời ông bắt đầu ở Bắc Giang, ở Phủ Lạng Thương, một đứa bé con như thế nào, rời làng sớm ra làm sao, rồi vào Sài Gòn, ra Hà Nội, lập nghiệp…Phần đầu để ngay lập tức mọi người biết được ông là ai, ông làm cái gì. Phần thứ hai tôi tổ chức như một cuộc triển lãm hồi cố tất cả những tác phẩm hội họa và kể cả những trang viết của ông. Tại vì tôi cho rằng ông Ngọc để lại không chỉ có tranh vẽ, mà còn để lại một kho tàng rất phong phú về những tác phẩm đồ gỗ nội thất mang tên MEMO cũng rất có tiếng từ thời trước năm 1954, thì đấy cũng là một mảng tác phẩm của ông. Còn 1 mảng nữa là những bài viết của ông về hội họa, những tư tưởng triết học, thái độ sống…có rất nhiều, nhưng chọn lọc ra, giới thiệu những bài viết tiêu biểu. …Đấy là 3 mảng tác phẩm đáng kể của ông, nhưng nhiều nhất vẫn là tranh vẽ., sắp xếp cũng theo trình tự thời gian.”


Người hiền từ Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương được gọi "họa sĩ - thiền sư"


Những bức tranh đã lý giải tại sao giới hội họa gọi Trịnh Hữu Ngọc là họa sĩ – thiền sư. Cả đời Trịnh Hữu Ngọc chỉ vẽ tranh phong cảnh, vẽ thiên nhiên, không bao giờ vẽ cảnh sinh hoạt xã hội của tầng lớp trung lưu, tức là rất khác những họa sĩ cùng thời cùng có cách vẽ theo kiểu hội họa ấn tượng như ông.

Nghệ sĩ Thiền Hoạ Trịnh Hữu Ngọc: Từ những tác phẩm còn lại - ảnh 5


Cái bất biến trong tranh Trịnh Hữu Ngọc, là tấm lòng người họa sĩ đã giao hòa mãi mãi với cảnh vật thiên nhiên. Và điều đó, ảnh hưởng sâu sắc cả về cách vẽ và cách nghĩ, trước hết đến những người con họa sĩ của ông, như Trịnh Lữ: “Cái thay đổi là phong cách, kỹ thuật của ông, tuy thay đổi ít nhưng sâu sắc, đó là càng về già thì ông càng nhẹ nhàng, buông bỏ, về sau ông vẽ cái gì nó cũng như là ở đấy mà dường như không ở đấy. Tức là khi về già phong cách vẽ của ông nhẹ nhàng, thanh thoát đến mức độ mà mới nhìn tưởng như không có gì, nhưng càng nhìn thì càng thấy không thiếu một cái gì cả, đồng thời nó cũng như sẵn sàng biến mất chứ nó không ở đấy. Tôi cho là lối vẽ của ông thể hiện thái độ, cách nhìn của ông, tư tưởng. Thế nên khi hỏi thế nào là phong cách, ông bảo con người thế nào thì phong cách ra vậy, nó là tự dạng, như là anh viết thư pháp, nét bút, con người của anh như thế nào bộc lộ ra như thế.”

Nghệ sĩ Thiền Hoạ Trịnh Hữu Ngọc: Từ những tác phẩm còn lại - ảnh 6
Dịch giả, họa sĩ Trịnh Lữ bên những người bạn tại triển lãm tranh và ra mắt sách ở căn nhà xưa 108 Quán Thánh, Hà Nội. Bức tượng chân dung họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc trang trọng giữa triển lãm - Ảnh: Fb Trịnh Lữ


Dịch giả, họa sỹ Trịnh Lữ cho biết, qua 6 năm trời chọn lọc tư liệu, hình thành bố cục của cuốn sách, mục đích của người làm sách là chia sẻ câu chuyện về một người họa sỹ có niềm tin rằng vẽ với lòng hướng thiện hòa đồng với cái nhiệm màu của thế giới là một lối Thiền giản dị ai cũng có thể theo được!

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác