(VOV5) - Cả cuộc đời Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Châu Sơn gắn bó với âm nhạc, với cây đàn violon.
Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Châu Sơn sinh năm 1951 tại Hà Nội. Ông là thế hệ nghệ sĩ đầu tiên của khóa Đại học Violon của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Ông nguyên là giảng viên, chủ nhiệm khoa Dây từ năm 1997 cho đến khi về hưu năm 2011.
Là người được học hành bài bản về âm nhạc, từng có thời gian tu nghiệp ở nước ngoài, nghệ sĩ violon Nguyễn Châu Sơn được biết đến là một người chơi đàn có kĩ thuật cao, chỉn chu với rất nhiều chương trình biểu diễn trong và ngoài nước, trên sóng phát thanh, truyền hình.. Năm 1997 ông được vinh danh Nghệ sĩ ưu tú. Năm 2019 ông được Nhà nước tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân.
Nghe âm thanh bài viết tại đây qua giọng đọc Kim Phượng:
Cả cuộc đời Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Châu Sơn gắn bó với âm nhạc, với cây đàn violon. |
Nghệ sĩ violon Nguyễn Châu Sơn sinh ra trong gia đình có truyền thống âm nhạc. Cha ông là Nguyễn Văn Chi- chỉ huy dàn nhạc dân tộc Trung ương đầu tiên của Việt Nam (hồi ấy do nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương làm trưởng đoàn)…. Từ nhỏ, ông được sống trong môi trường nghệ thuật rất phong phú tại khu Mai Dịch- Cầu Giấy- Hà Nội. Ông nhớ hồi nhỏ đã từng được xem vở nhạc múa đầu tiên của Việt Nam là “Tấm Cám” do chính cha ông sáng tác, biên đạo múa là chuyên gia Triều Tiên. Niềm yêu thích nghệ thuật đã dẫn dắt ông khi được gia đình tạo điều kiện mua một chiếc đàn violon. Năm 1960, khi mới 9 tuổi, ông được gia đình đăng kí học hệ sơ cấp 7 năm tại trường nhạc đầu tiên của nước ta (sau đổi tên là Nhạc viện Hà Nội và đến bây giờ là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam).
Ông cũng chính là một trong những sinh viên đầu tiên của khóa Đại học Violon do Giáo sư Bích Ngọc và Giáo sư Tạ Bôn- hai người được học hành bài bản từ Nhạc Viện Tchaicopxki (Nga) đào tạo trực tiếp: “Khóa đấy là khóa Đại học 5 năm đầu tiên tại Nhạc viện Hà Nội. Violon- Khoa dây có hệ đại học đầu tiên vào năm 1970. Sau đó mới có hệ đại học của Piano, Kèn và thanh nhạc. Tôi được học khóa chính quy đầu tiên tốt nghiệp năm 1975 đúng vào năm giải phóng Miền Nam. Sau khi tốt nghiệp thì tôi được hiuwx lại làm giảng viên luôn. Trong thời gian thực tập hơn 1 năm cũng được dạy luôn cấp đại học.” – Ông kể
Ngay từ khi còn là sinh viên, nghệ sĩ violon Châu Sơn đã có 3 lần được biểu diễn báo cáo tại Nhà hát lớn. Ông còn tham gia nhiều chương trình biểu diễn do Nhạc viện Hà Nội tổ chức, phục vụ tại các quân khu, đơn vị bộ đội. Ông đã được biểu diễn cùng các thế hệ ca sĩ như Mỹ Bình, Diệu Thúy, Thanh Hoa, Lê Dung… các nhạc công Ngô Văn Thành, Khắc Hoan, Phú Quang (nhạc sĩ Phú Quang hồi ấy còn là một nhạc công chơi kèn).
Đến năm 1972, 1973, khi Mỹ tiến hành ném bom phá hoại miền Bắc, cuộc chiến ngày càng cam go, khốc liệt thì nghệ sĩ violon Nguyễn Châu Sơn cũng tham gia biểu diễn cổ vũ tinh thần chiến đấu cho bộ đội: “Chúng tôi biểu diễn trong đợt đắp đê bên cầu Đuống. Ban ngày mọi người đi đắp đê thì buổi tối có những chương trình biểu diễn phát trên loa động viên mọi người. Vừa đánh đàn, vừa hát đồng ca. Đấy cũng là kỉ niệm, thay nhau lúc ngủ, lúc đánh đàn… lúc ấy mệt nhưng mà vui.”
Từ những năm 1997-1998, Nhạc viện Hà Nội thành lập dàn nhạc giao hưởng, các giảng viên trong trường đều tham gia cùng với một số sinh viên xuất sắc. Bên cạnh công việc giảng dạy thường xuyên tại Nhạc viện Hà Nội, nghệ sĩ violon Nguyễn Châu Sơn cũng là thành viên tích cực của Dàn nhạc giao hưởng Hà Nội, từng được Hoàng Gia Nhật mời sang biểu diễn và trao giải thưởng. Khi đã về hưu, ông vẫn hăng say tham gia đào tạo các thế hệ kế cận trong vai trò cộng tác viên, mở lớp dạy nhạc tại nhà. Với nghệ sĩ violon Phạm Trường Sơn, Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Châu Sơn là người hướng dẫn để anh thi vào Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam năm 1990.
Sau này, suốt cả quá trình học tập và công tác với nghệ sĩ violon Nguyễn Châu Sơn tại Khoa Dây, anh đã học tập ở người thầy của mình nhiều điều: “Không phải chỉ lúc học mà khi làm việc với thầy Châu Sơn có thể thấy đó là một con người có tình yêu âm nhạc nói chung, với đàn violon nói riêng một cách đặc biệt. Tình yêu đó được hun đúc suốt từ thời trẻ. Thầy Châu Sơn là một trong những người có sự lao động, cống hiến biểu diễn rất nhiều. Một buổi học lên lớp dạy đàn của thầy luôn là những tiết học thú vị , đầy nhiệt huyết, đầy năng lượng. Đó là sự nhiệt tình, cặn kẽ, đôi lúc rất mãnh liệt, khắt khe.”
Năm nay khi đã gần 70 tuổi, nghệ sĩ nhân dân Châu Sơn vẫn giữ được tinh thần và dáng vẻ trẻ trung. Có lẽ tình yêu với cây đàn violon đã tiếp thêm sự hăng say, yêu đời. Ông còn có ý định làm album, tập hợp các tác phẩm âm nhạc nổi tiếng Việt Nam để gửi đến công chúng yêu nhạc: “Vừa rồi tôi cũng có ý định chơi và ghi đĩa các tác phẩm âm nhạc Việt Nam. Trước đây tôi đã chơi nhiều tác phẩm Việt Nam rồi, ví dụ như “Hát Ru”, “Bài ca chung thủy” của nhạc sĩ Hoàng Dương, đã chơi “Bài ca chim ưng” của nhạc sĩ Đàm Linh tại Băng Cốc (Thái Lan) tại festival năm 1995, “Quê hương” của nhạc sĩ Lưu Cầu, chơi tam tấu “Tình Biển” của nhạc sĩ Nguyễn Đình Tấn, “Miền Nam quê hương ta ơi” của nhạc sĩ Huy Du. Nói chung đã chơi nhiều tác phẩm của Việt Nam rồi và bây giờ muốn có những tác phẩm chọn lọc, được in trong giáo trình của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.”
Có thể nói, cả cuộc đời Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Châu Sơn gắn bó với âm nhạc, với cây đàn violon. Người nghệ sĩ chuyên tâm, bền bỉ ấy vẫn đang ngày ngày hướng dẫn, mang tình yêu âm nhạc của mình đến những người trẻ. Nhiều học trò của ông nay đã thành danh như nghệ sĩ violon Nguyễn Thiện Minh, Lê Hoài Nam, Minh Thịnh…. Học sinh nhỏ tuổi nhất của ông là một cậu bé 5 tuổi. Đối với ông, tài năng âm nhạc chỉ một phần nhỏ thiên phú, còn lại là sự kèm cặp, luyện tập bền bỉ, say mê.