(VOV5) - Những hoạt động về nhiếp ảnh ở Việt Nam không thiếu, nhưng đang rất thiếu môi trường chuyên nghiệp...
Nghệ sĩ thị giác, giám tuyển Nguyễn Thế Sơn |
Được triển khai từ cuối tháng tư, Photo Hà Nội 23 là sự kiện Biennale nhiếp ảnh quốc tế lần đầu tiên được tổ chức ở Việt Nam, với sự phối hợp giữa Viện Pháp tại Việt Nam và Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội. Đến thời điểm này, Photo Hà Nội 23 đã đi đến chặng cuối cùng, với hơn 20 triển lãm cùng các buổi tọa đàm, work shop, các tour nghệ thuật, chiếu phim tài liệu, giới thiệu sách…, diễn ra trên địa bàn 7 quận huyện của Thành phố Hà Nội.
Sự kiện này như một bức tranh lớn, đa chiều, cho thấy những thực hành nhiếp ảnh chuyên nghiệp trên thế giới, từ đó giúp chúng ta nhìn sâu vào đời sống nhiếp ảnh trong nước, nhận ra những khoảng trống trong môi trường đào tạo, thực hành nghệ thuật, thị trường nghệ thuật… Phóng viên Anh Thư phỏng vấn nghệ sỹ - giám tuyển Nguyễn Thế Sơn - Giảng viên Đại học Quốc gia Hà Nội, người giữ vai trò cố vấn và giám tuyển nhiều triển lãm tại Biennale Photo Hà Nội…
Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:
Nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn (thứ 3 từ phải qua) tại tọa đàm Nhiếp ảnh nghệ thuật trong khuôn khổ giáo dục bậc cao, một sự kiện của Photo Hanoi 2023. |
“...Những hoạt động về nhiếp ảnh ở trong nước cũng không thiếu, nhưng đang rất thiếu môi trường chuyên nghiệp. Qua các hoạt động triển lãm, tọa đàm, Photo Hà Nội 23 muốn đưa lại cho công chúng cũng như những người thực hành nhiếp ảnh hình dung về môi trường nhiếp ảnh nghệ thuật chuyên nghiệp trên thế giới đang diễn ra như thế nào, với những tiêu chuẩn gì.”
“...Tại biennale lần này với 21 triển lãm và gần 20 tọa đàm thì đều được diễn ra ở trong các không gian của thiết chế nghệ thuật. Đó là các không gian nghệ thuật, các gallery nghệ thuật, bảo tàng mỹ thuật, và quan trọng nhất là nằm trong một biennale nghệ thuật có giám tuyển. Đây là một biennale theo đúng format quốc tế.”
Một góc triển lãm Mười năm phơi sáng của nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn |
“...Nhiếp ảnh chính là mỹ thuật, là một phần của mỹ thuật, nằm trong mỹ thuật. Tôi đã đi xem rất nhiều bảo tàng ở châu Âu và Mỹ, bảo tàng nào cũng phải có bộ sưu tập nhiếp ảnh, và nhiếp ảnh đóng vai trò bình đẳng với tất cả các thực hành nghệ thuật khác như hội họa, điêu khắc, hay video art. Chỉ có ở Việt Nam mới thành lập một Hội nghề nghiệp riêng. Chính vì điều đó nên nhiếp ảnh lửng lơ, nó không hẳn theo tiêu chí là ảnh tài liệu, ảnh báo chí hay ảnh nghệ thuật”
“Một bản in nhiếp ảnh phải được kiểm soát bởi màu sắc, bởi chất lượng của giấy in, của mực in, để đảm bảo có độ axit hay không. Tiêu chí này rất quan trọng. Thực tế hiện nay ở nước ta đang in trên giấy ảnh chứa đầy a-xít, mực in đầy những vấn đề. Nếu in ảnh ở Việt Nam, cơ bản 10 năm không còn nữa. Nó sẽ bị biến màu biến sắc rất nhiều. Nghệ sĩ khi công bố tác phẩm của mình phải được kiểm soát về số lượng, chứ không phải muốn in bao nhiêu thì in”
“Nếu theo tiêu chí của thế giới thì Việt Nam chưa có nhiếp ảnh nghệ thuật. Chỉ khi nào chúng ta nhìn thấy tác phẩm nhiếp ảnh được sưu tầm ở trong các bảo tàng nghệ thuật, có mặt trong những triển lãm mỹ thuật chính danh của Nhà nước, được trưng bày giới thiệu trong các gallery nghệ thuật, thì lúc ấy mới bắt đầu có sự xuất hiện của nhiếp ảnh nghệ thuật một cách chuyên nghiệp, đúng nghĩa. Còn hiện tại nhiếp ảnh ở nước ta đang thiên nhiều về câu chuyện chụp ảnh đẹp. Chưa bao giờ tôi thấy cái chữ nghệ thuật được lạm dụng nhiều như bây giờ " - Nghệ sĩ, giám tuyển Nguyễn Thế Sơn.