Triển lãm Nghệ thuật đảo ngược Upside Down của họa sĩ Nguyễn Đại Giang khai mạc chiều 3/11 tới đây tại 29 Hàng Bài, Hà Nội, là tiếp tục cuộc trở về cố hương cùng hội họa đảo ngược của ông, với bạn yêu nghệ thuật trong nước. Triển lãm diễn ra tới ngày 8/11. Triển lãm sẽ tiếp tục diễn ra tại Bảo tàng mỹ thuật Đà Nẵng từ 11 - 18/11.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Họa sĩ Nguyễn Đại Giang bên chân dung tự họa trong triển lãm. |
Lý do cho cuộc triển lãm lần này, với 22 bức sơn dầu và acrylic để khán giả thủ đô thưởng lãm, trong đó có những bức tranh từng được chọn treo ở các triển lãm lớn tại Mỹ, như họa sĩ Nguyễn Đại Giang chia sẻ: "Tôi cũng nhiều tuổi rồi. Điều này rất quan trọng. Tuổi tác không cho phép năm sau hay năm sau nữa lại có thể về Việt Nam. Triển lãm 4 năm về trước mở đầu nghệ thuật đảo ngược ở Việt Nam. Và qua bốn năm phát triển rộng rãi ở Mỹ, bây giờ về trình bày với đồng bào về sự phát triển của nghệ thuật đảo ngược.
Bốn năm về trước là triển lãm về nghệ thuật đảo ngược ở Trung tâm văn hóa Hàn Quốc. Lần này 2018, tôi muốn giới thiệu vẫn tiếp tục trên quan điểm sáng tạo của triết học về đảo ngược. Nhưng đặc biệt, muốn nhấn mạnh tới việc đưa nghệ thuật đảo ngược gần gũi hơn nữa với nghệ thuật dân gian Việt Nam.
Trong triển lãm này có những phần ảnh hưởng rất lớn của nghệ thuật dân gian.Tôi cũng muốn đưa một thông điệp: đúng vào thời điểm đất nước có một cuộc chuyển đổi, đổi mới, nghệ thuật muốn bền vững, thì nhất là những họa sĩ sống ở nước ngoài, cái tâm niệm đầu tiên là dân tộc, dân tộc nhưng phải kèm theo cái hiện đại, thì mới hội nhập với xã hội của những nước như Mỹ hay các nước khác."
Ở tuổi thất thập, lão họa sĩ thể hiện trọn vẹn niềm tin, niềm mong đợi vào cuộc đời tốt đẹp hơn qua những nét cọ. |
Nguyễn Đại Giang sinh năm 1944 tại Hà Nội. Ông học Cao đẳng Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội, sau đó tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Liên Xô năm 1974. Sang Mỹ vào những năm 1990, ông bắt đầu lại một cuộc sống mới ở cái tuổi rất nhiều người ngại làm lại.
Với upside – down, sự đặc sắc và cái riêng của tác giả được giới nghệ thuật đánh giá cao. Có lẽ, phải gọi là trường phái Đảo ngược Nguyễn Đại Giang, bởi trên thế giới cũng có những họa sĩ vẽ đảo ngược từ những năm 70 như họa sĩ Đức lừng lẫy Georg Baselitz.
Dù trong nghệ thuật, tư tưởng lớn gặp nhau, nhưng với Nguyễn Đại Giang, tranh đảo ngược đến như một sự khai sáng sau một quá trình tìm tòi, trăn trở, đau đáu với sáng tạo nghệ thuật, giữa miếng cơm manh áo để tồn tại, giữa không gian nghệ thuật rộng mở nhưng cạnh tranh khốc liệt nơi xứ người: "Lúc ở Việt Nam tôi vẽ hiện thực. Học ở Liên Xô nên tôi vẽ hết sức cơ bản về hiện thực. Nhưng đến Mỹ thì thấy, mình phải thay đổi. Bất cứ giáo nào mình phải tìm ra tiếng nói của mình thì mới tồn tại được ở nước Mỹ. Những văn nghệ sĩ mà không có được tiếng nói riêng, cứ na ná, thì anh sẽ bị lãng quên, trong im lặng. Có một khoảnh khắc lóe lên: sao cuộc đời mình thế này? Thế thì mình vẽ cuộc đời mình xem thế nào? Và đồng thời, sợ nhất là mình chủ quan, nên thực nghiệm xem ở bên ngoài cuộc đời khách quan. Một hôm, lúc tôi đi làm ở Mỹ, nhìn thấy một người đàn bà, còn trẻ, hơn 30 tuổi, bế một đứa con còn bé. Ngoài trời tuyết bay. Cô cầm một cái biển bằng carton đề "Không thuốc, không tiền, không thức ăn gì. Hãy giúp đỡ tôi." Tôi sững người. Tôi không tin được tại sao lại có cảnh ấy! Và sau đó tôi ngộ ra là, cuộc đời là như thế. Vấn đề là cách nhìn, và mình diễn ra hiện thực bằng một phương tiện của nghệ thuật. Mục đích không có nghĩa là nhắc lại những đau buồn của con người. Mà mục đích là qua con người nâng lên một tầng nữa để sống."
Hội họa upside - down Nguyễn Đại Giang tìm về với cội nguồn dân tộc. Ảnh: Bức tranh Ca Huế trên sông Hương của họa sĩ Nguyễn Đại Giang. - Nguồn :upsidedownism.vn |
Và bởi thế, là Đảo ngược Nguyễn Đại Giang, bởi có những yêu cầu, hình thức khắt khe về nghệ thuật thể hiện, bởi có một tư tưởng nhất quán trong việc tìm về với những giá trị cốt lõi của nghệ thuật: "Nghệ thuật đảo ngược là tôi vẽ cuộc đời tôi. Cuộc đời tôi có lúc lên có lúc xuống. Một phần nữa là tôi nhìn xã hội bên ngoài, cụ thể là xã hội Mỹ, một xã hội cực kỳ giàu có mà vẫn có người ăn xin ở ngoài đường. Khi tôi nhìn cảnh ấy và liên hệ với mình, thì mới thấy là cái đời sống đảo ngược này không phải ở nước Mỹ, không phải ở Việt Nam mà toàn thế giới. Cuộc đời này ai cũng thế, luôn song hành, lẫn lộn nhau. Và do đó mới sinh ra chủ nghĩa đảo ngược.
Bức tranh Albert Eistein của họa sĩ Nguyễn Đại Giang - Nguồn: upsidedownism.vn |
Nghệ thuật đảo ngược là vẽ một hình thể trong tranh có cái đúng và có cái sai. Bởi vì nó là cuộc đời. vẽ thì hết sức thay đổi, hư cấu, tưởng tượng, nhưng cuối cùng vẫn giữ được bản chất của nghệ thuật, một hiện thực hết sức đẹp đẽ. Họa sĩ của chủ nghĩa đảo ngược vẽ ngay đời sống chứ không vẽ ở đâu cả, và sự thay đổi, và để nâng lên cái tầng đẹp đẽ của cuộc đời."
Là họa sĩ người Việt duy nhất được sống trong tòa nhà Art Space do chính phủ Mỹ xây dựng dành cho các họa sĩ, suốt từ 1993 đến nay, ông luôn có các triển lãm cá nhân cũng như triển lãm nhóm tại Mỹ, Thụy Ðiển, Anh, Tây Ban Nha, và giành nhiều giải thưởng tại các triển lãm.. Năm 1996, tranh của ông được lựa chọn vào “CD Mỹ thuật Hiện đại nhất” tại New York.
Bức tranh Đánh cờ của họa sĩ Nguyễn Đại Giang - Nguồn: upsidedownism.vn |
Những bức tranh của họa sĩ Nguyễn Đại Giang ngập tràn một niềm yêu sống, vì khi chấp nhận cách đảo ngược cuộc đời, chấp nhận nhìn cuộc sống từ nhiều góc cạnh, là khi tấm lòng đã thực sự mở rộng với đời: "Về mảng tranh chân dung, như bức vẽ nhà khoa học Einstein, tôi gửi đi dự thi ở Mỹ và Ban giám khảo đã chọn để triển lãm. Có những tranh mới tôi vẽ về bài chòi, một nét văn hóa hết sức tuyệt vời. Tôi muốn trong kỳ triển lãm này có những tranh như vậy. Gần đây nhất để mang về triển lãm có một bức tranh vẽ mấy cô gái trong vườn đầy hoa quả, có những cánh bay của bướm đầy màu sắc. Trong bản hòa tấu giữa thiên nhiên và con người ấy, gần như mấy cô gái sống trong một điệu múa rất hoan lạc. Và trong đó vẫn thêm một nét truyền thống, có một người đàn bà quấn khăn, tôi nhớ lại lúc mẹ tôi quấn cái khăn tròn tròn trên đầu, có cả đuôi tóc (khăn vấn, khăn mỏ quạ). Tôi nhớ lại và tôi vẽ. Cái tranh ấy lấy tên là Đời vẫn đẹp lắm. Ở tuổi tôi bây giờ cũng nhiều rồi, và các bạn trẻ cuộc đời có lúc lên lúc xuống, cái tranh này có một thông điệp là: Cuộc đời vẫn đẹp!"
Đã có lúc phải quên mình là họa sĩ, để rồi gánh vác và gánh vác được những giá trị của cố hương hòa vào dòng chảy lớn của hội họa hiện đại, ở tuổi thất thập, họa sĩ Nguyễn Đại Giang tiếp tục mang đến tiếng reo vui rạng rỡ với nghệ thuật đảo ngược, trong triển lãm lần này trên đất Bắc.