(VOV5) - Những trang văn của nữ nhà văn trẻ này luôn mang tới cho người đọc cái cảm giác ấm áp của niềm yêu sống.
Nhắc đến những nhà văn có văn phong mang đậm phong vị vùng miền của phương Nam, thế hệ trước, người ta thường nhắc tới Bình Nguyên Lộc, Sơn Nam, Trang Thế Hy…, thế hệ trẻ hơn sau 1975, cái tên được nhắc nhiều hơn cả là Nguyễn Ngọc Tư. Và sau đó, đã có những cây bút tiếp nối, mà, thật đáng kể, có tên Nguyễn Thị Kim Hòa.
Đối diện với Nguyễn Thị Kim Hòa hay đối diện với tác phẩm của cô, độc giả đều thấy lấp lánh một niềm yêu sống. |
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Giải nhất của cuộc thi truyện ngắn Tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 2013-1014, Giải Nhất cuộc Vận động sáng tác văn học thiếu nhi Việt Nam Đan Mạch 2013-2015 đã là sự khẳng định với tài năng của nữ nhà văn trẻ này. Nhưng có lẽ, với người đọc, điều mang lại ngạc nhiên nhiều hơn cả, là dù Nguyễn Thị Kim Hòa thử sức với nhiều loại đề tài, từ thiếu nhi tới người lớn, từ truyện hiện thực tới viễn tưởng, hay truyện lịch sử, thì trong những trang văn của nữ nhà văn trẻ này luôn mang tới cho người đọc, cái cảm giác ấm áp của niềm yêu sống. Và cũng khác với cách hình dung trên báo chí về một cô gái “vượt qua nghịch cảnh”, hay một nữ nhà văn “có thân phận đặc biệt”, cách tiếp cận cuộc sống của Nguyễn Thị Kim Hòa kể cả ở ngoài đời hay trong tư cách một nhà văn cũng luôn tràn trề một năng lương sống: "Hòa nghĩ nhà văn khi viết một tác phẩm thì người viết có tài hay không là có khả năng bứt mình khỏi tác phẩm mình viết hay không. Cuộc đời của mình đương nhiên sẽ có những chuyện buồn, những bi kịch riêng. Nhưng điểm chính chúng ta phải tách ra con người nhà văn và con người thật là như thế nào. Hòa rất cảm ơn những bạn đọc đã đồng cảm với Hòa về hoàn cảnh, từ hoàn cành rồi yêu văn, chẳng hạn như vậy, nhưng mình mừng hơn, nếu bạn đọc đi từ văn, ra hoàn cảnh con người."
Hiện thực đời sống qua con mắt của Kim Hòa, cựa quậy và sống động, như những bông hoa xương rồng vẫn nở trên cát bỏng, như cây cỏ vẫn mọc trên vùng đất sa mạc cỗi cằn. Những truyện ngắn Hòa viết phần nhiều mang bản sắc của vùng miền nơi vùng đất nơi Hòa sống. Nguyễn Thị Kim Hòa chia sẻ: "Nếu mà có yếu tố hiện đại trong đó là vì tư duy của mình là tư duy mở của thế hệ viết sau này, mình tiếp cận rộng rãi với nhiều luồng hơn. Và mình có thể đưa kết hợp cả hiện đại và truyền thồng vào trong truyện của mình. Có thể Hòa hơi tham lam một chút khi muốn đưa vùng đất Phan Rang, Ninh Thuận của mình đến với nhiều bạn đọc hơn. Phan Rang kẹp giữa ba thành phố du lịch nổi tiếng là Nha Trang, Phan Thiết và Đà Lạt. Ninh Thuận trong con mắt nhìn của nhiều người hình như vẫn là một vùng đất trắng. Vì thế mình muốn truyền tải những điều rất hay của vùng đất này, có những đặc sản như cừu, dê, có cát trắng và được mệnh danh là sa mạc của vùng Nam Trung Bộ. Hơi tham lam nhưng không biết là bạn đọc đã được đi du lịch nhiều chưa qua những câu chuyện mà Hòa đã viết. Việc kết hợp yếu tố vùng miền vào trong văn theo Hòa rất nên làm, tại sao lại không khi chúng ta có một lợi thế như thế mà không sử dụng?"
Khi được hỏi, vì sao có thể nhiều đến thế, cái ánh sách lấp lánh của những hạt nắng trong truyện của cô, Kim Hòa nói, tinh thần lạc quan ấy được nhen lên từ ngọn lửa yêu thương của gia đình, từ những người bạn chân thành đã luốn chia sẻ cùng cô. Vì thế, qua văn chương, cô muốn truyền lại ngọn lửa lạc quan ấy cho độc giả của mình: "Có lẽ quý thính giả nếu mà tìm đọc thì cũng biết được hoàn cảnh của Hòa rồi. cái tinh thần lạc quan đó có thể nói không hiểu nó ăn sâu vào tiềm thức của mình ngay từ bé hay sao, nên khi đưa vào văn mình rất muốn truyền thêm cái tinh thần đó cho bạn đọc. Bởi vì những câu chuyện với kết thúc buồn, những thân phận bi ai đương nhiên lấy được nhiều nước mắt của độc giả. Nhưng sau đó, làm sao để vượt lên được những nỗi khổ đó, vượt lên những bi ai đó, chính là mục đích để có thể tạo một cuộc sống tốt đẹp hơn."
|
Tập truyện mới nhất của Nguyễn Thị Kim Hòa, có tên Con chim phụng cuối cùng, là một tập truyện lịch sử: "Đây cũng là lần đầu tiên tôi thử sức với dạng viết này. Về dạng viết lịch sử thì không phải thời gian gần đây tôi mới đam mê, mà xuất phát từ cuộc thi của Văn nghệ quân đội vào ba năm trước, với hai truyện ngắn lịch sử đầu tiên của tôi đó chính là Hương thôn dã và Nắng quái Tây Long thành. Sau đó tôi đã quyết tâm triển khai nó thành một tập truyện hoàn chỉnh với 9 truyện, và tôi đã mất gần hai năm để thực hiện cuốn sách này."
Trải suốt những truyện ngắn của “Con chim phụng cuối cùng” là những đau đáu về thân phận của người phụ nữ trong sóng cả của lịch sử. Lịch sử mang khuôn mặt và mắt nhìn của người phụ nữ sẽ như thế nào, chính là điều Nguyễn Thị Kim Hòa muốn gửi gắm tới bạn đọc. Lựa chọn cách viết dã sử, với câu chuyện về những Tuyên phi Đặng Thị Huệ, nữ tướng Bùi Thị Xuân, hay công chúa Chiêm Thành, công chúa Đại Việt…, như Nguyễn Thị Kim Hòa chia sẻ: Cô luôn quan tâm tới bi kịch của những thân phận đàn bà trong những biến động lịch sử, quan tâm trước những sự đóng đinh của lịch sử lên thân phận họ: "Tôi muốn đưa đến bạn đọc một cách nhìn khác. Đó chính là, đối với những phận người bị lịch sử đóng đinh, ví dụ như tuyên phi Đặng Thị Huệ. Tôi thường biết đến bà như một người phụ nữ ghê gớm, người dùng quyền lực của mình để cướp ngôi chúa cho con. Nhưng có bao giờ chúng ta nghĩ theo cái mắt nhìn của một người phụ nữ hay chưa? Một người phụ nữ 1 mình giữa cung cấm, khi phải đối phó với những cạnh tranh, những quyền lực, bà đã có những bi phẫn, những đau xót như thế nào trong thân phận. Tôi muốn đi sâu hơn vào tâm trạng của bà,bằng cái con mắt nhìn nhân văn, để độc giả có thể phần nào thông cảm cho cái con người đã bị lịch sử đóng đinh này chăng."
Nguyễn Thị Kim Hòa nói, cô thích thử sức với nhiều đề tài, nhiều thể loại trong văn xuôi. Và từ truyện ngắn, có thể tới đây cô sẽ triển khai thành một tiểu thuyết. Cô nói, khi cô “thay đổi liên tục” như vậy, “nhiều người đi trước cũng rất lo, vì định hình phong cách là một yếu tố tạo thành một nhà văn được bạn đọc ghi nhận. Nhưng Hòa nghĩ, ngoài việc định hình phong cách thì việc đa dạng phong cách cũng rất là tốt, có phải không?”