Nhà điiêu khắc Vũ Bình Minh: người có biệt tài "nắm" Mây Mưa Sấm Chớp

(VOV5)- Những tác phẩm điêu khắc truyền tải hơi thở của thời đại; cùng những nghĩ suy, cảm nhận và góc nhìn riêng của tác giả - một người trẻ, về triết lý của người xưa.

Nhà điiêu khắc Vũ Bình Minh: người có biệt tài
Tác phẩm Mây trong bộ Mây - Mưa - Sấm - Chớp của Vũ Bình Minh


Vũ Bình Minh sinh ra trong một gia đình làm nghệ thuật, ông nội là nhà điêu khắc Vũ Bảy và cha là nghệ sỹ Vũ Hải Bình. Từ thời sinh viên cho đến bây giờ khi vừa là nghệ sỹ sáng tác vừa là giảng viên bộ môn điêu khắc tại trường Đại học kiến trúc Hà Nội, Vũ Bình Minh sáng tác đều và có tác phẩm tham gia nhiều triển lãm cá nhân, triển lãm nhóm và triển lãm điêu khắc toàn quốc…

 
Từ nhỏ, cậu bé Bình đã được tắm mình trong không gian nghệ thuật. Mỗi khi ông ngồi làm tượng, cậu thường lân la bên cạnh. Mỗi lần thấy ông đăm chiêu, nhìn ngắm, nắn nót bên một bức tượng nào đó, Bình thường tự hỏi điều gì khiến ông lại có thể say mê đến thế với đất sét, thạch cao, gỗ đá cùng những hình thù còn chưa định hình. Trong một lần nghịch nắm đất thừa ông bỏ đi cậu đã khám phá ra một thế giới mới lạ mà các bạn cùng trang lứa chưa từng biết: "Trẻ con thường nhìn lên bầu trời, nhìn những đám mây rồi tưởng tượng ra những hình này hình kia, hình con ngựa, con cá hay nhiều những cái thứ định hình khác. Một lần tôi có nắn và bóp nắm đất lại thành hình con ngựa. Thế rồi ông tôi có hỏi: sao cháu lại làm thế? Và con ngựa trông cứ mập mạp, múp míp thế nào ấy? Tôi trả lời: Ông ạ, cháu nhìn thấy đám mây nó như thế, nên cháu đang thử nặn đám mây. Ông tôi bảo: Cậu này được. Đám mây lại bóp thành một thứ cầm nắm được chứng tỏ có năng khiếu nghệ thuật đấy…"


Năng khiếu nghệ thuật của một cậu bé hiếu động được ông phát hiện một cách tình cờ như vậy đó. Cũng từ đây, năng khiếu của Minh được ông lặng lẽ bồi đắp thêm qua từng lời giảng về loại hình nghệ thuật khi ấy còn khá xa lạ với cậu bé 9, 10 tuổi vẫn ham chơi hơn là ham học này. Ông nội còn kể cho Minh nghe nhiều điều về mảnh đất giàu truyền thống văn hóa Kinh Bắc; những tích xưa về các hiện tượng tự nhiên mây, mưa, sấm, chớp. Những điều ấy đã thấm vào trong Vũ Bình Minh như một lẽ tự nhiên. Lớn lên anh mới biết Mây, Mưa, Sấm, Chớp trong quan niệm của Phật giáo là các nữ thần và được biến thành Tứ Pháp: Pháp Vân (nữ thần mây), Pháp Vũ (nữ thần mưa), Pháp Lôi (nữ thần sấm), và Pháp điện (nữ thần chớp). Thoạt đầu, Tứ Pháp chỉ được thờ trong các chùa ở vùng Luy Lâu (Bắc Ninh), sau đó mới lan dần ra nhiều vùng quê ở đồng bằng châu thổ Bắc Bộ.

Nhà điiêu khắc Vũ Bình Minh: người có biệt tài
Tác phẩm điêu khắc Sấm

Yêu và hiểu văn hóa dân gian sâu sắc như vậy nên Vũ Bình Minh đã mượn câu chuyện xưa để thể hiện chùm tác phẩm điêu khắc (không phải điêu khắc gỗ mà bằng chất liệu sắt): Sấm-Chớp-Mây-Mưa, qua đó truyền tải hơi thở của thời đại; cùng những nghĩ suy, những cảm nhận và góc nhìn riêng của tác giả - một người trẻ về triết lý của người xưa: "Lúc đầu mọi người thường liên tưởng đến mây, mưa là phải nhẹ nhàng, là cái thứ khó cầm nắm, khó cảm nhận được. Nhưng với góc nhìn của tôi tôi muốn đưa đến một cảm giác thật mạnh của bầu trời, của sức mạnh thiên nhiên, của những cái nó to lớn hơn vì thế tôi sử dụng chất liệu sắt. Bình thường mây bồng bềnh và nhẹ, nhưng chất liệu sắt - một chất liệu được sử dụng trong xây dựng ấy khiến nó liên tưởng đến việc mây không còn nhẹ nhàng nữa mà là mây của thời hiện đại, thời công nghiệp. Nó vần vũ cuồn cuộn như những khối sắt để tạo một cảm giác khác trong khán giả về mây mưa sấm chớp-những hiện tượng của thời tiết."


Ngoài ra, có chất liệu giấy bồi cũng đã quen thuộc với anh ngay từ thuở ấu thơ khi theo ông nội đi làm tượng trong các đình chùa. Ông sử dụng chất liệu giấy bản cộng với vôi, mật và trấu để đắp nên những pho tượng - tác phẩm điêu khắc dân gian. Từ chất liệu dân gian mang đậm văn hóa Kinh Bắc ấy anh đã thực hiện chùm tác phẩm về làng: Chuyện làng 1, Chuyện làng 2, Chuyện làng 3. Những câu chuyện trong làng từ khung cảnh thiên nhiên, sinh hoạt của con người cho đến nét văn hóa…được hình thành từ chất liệu giấy bồi truyền thống. Và vẫn là mây. Những đám mây trong tích truyện cổ, trong ký ức tuổi thơ của Vũ Bình Minh đã “bay” lơ lửng trong chùm tác phẩm “Chuyện làng”. Hẳn qua đây tác giả muốn chuyển tải một thông điệp: mây như biểu tượng cho văn hóa Việt, vẫn bồng bềnh trôi, vẫn bao trùm và song hành cùng người dân thôn quê: "Tôi thích thể hiện những ý tưởng mà nó thể hiện được bản sắc văn hóa Việt Nam. Bởi vì quanh chúng ta có nhiều thứ thú vị về đời sống con người, về đời sống văn hóa. Tôi sử dụng những kỹ thuật, những góc nhìn mới để làm cho chất liệu văn hóa dân gian nó hiện đại hơn, hay hơn và thể hiện được thời đại tôi đang sống cũng như cách tôi nhìn và nghĩ về cái văn hóa dân gian ấy"


Không dừng ở ‘Làng 1”, “Làng 2”, ‘Làng 3’, Vũ Bình Minh cho biết anh còn dự định thực hiện nhiều câu chuyện tiếp theo về làng nữa. Bởi với một người có tình cảm sâu nặng với quê hương như anh thì, “dù chúng ta đi đâu làm gì thì cũng đều từ làng mà ra đi cả”:  "Thực ra tôi cũng như bao người trẻ đều quan tâm dến tình yêu, sự hưởng thụ. Nhưng bên cạnh đấy tôi có một cái thứ nó lớn hơn và nó thấm  và gần như chảy trong con người tôi, thôi thúc tôi phải làm về nó, kể những câu chuyện vẫn là tình yêu, nhưng tình yêu về làng quê-cái nơi mình sinh ra và lớn lên…"


Có thể nói, chất liệu là mục đích chuyển tải cảm xúc sáng tạo. Vì vậy, dẫu có không ít tác phẩm được làm với chất liệu composit như: “Ngày ấy”, “Chân dung Mẹ VNAH Nguyễn Thị Lộc”, “Tâm sự trẻ”, “Ranh giới”, song Vũ Bình Minh vẫn tìm cho riêng mình một vài chất liệu lợi thế, tạo được dấu ấn cá nhân:"Thường thì một nghệ sỹ khi bắt đầu con đường sáng tác của mình đều trải qua hầu hết các chất liệu. Bởi mỗi chất liệu sẽ có sức biểu cảm và giúp cho người nghệ sỹ thể hiện một cách trọn vẹn nhất ý tưởng của mình. Sau một thời gian sáng tác, tôi nhận ra chất liệu giấy bồi và sắt hàn khá hợp với mình. Hiện tại tôi đang thú vị với hai chất liệu này. Nó có thể khác hẳn nhau, nhưng mỗi thứ nó lại có cách biểu cảm riêng dành cho tác phẩm của tôi. Chất liệu giấy bồi có sức biểu cảm khá là sâu và nó giải quyết được những kết cấu mà nó phức tạp hơn chất liệu khác, ví dụ như chất liệu đồng và đá…"


Hiện Vũ Bình Minh đang dành nhiều thời gian và tâm sức để cuối năm nay có thể tổ chức một triển lãm cá nhân tập hợp các tác phẩm điêu khắc nói lên quá trình sáng tác chủ đề làng quê. Người xem có quyền chờ đợi một triển lãm dày dặn và ấn tượng của một nghệ sỹ trẻ dám nghĩ, dám làm lại được đào tạo bài bản, cùng nền tảng vững chăc là gia đình có truyền thống làm nghệ thuật.

Phản hồi

Các tin/bài khác