(VOV5) - Độc giả, công chúng đã được trang viết của hoạ sĩ Lê Thiết Cương đưa đi thăm ngôi nhà của nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng.
Nghe âm thanh bài tại đây:
Hoạ sĩ Lê Thiết Cương là một gương mặt nổi danh về nhiều mặt trong làng hội hoạ đương đại Việt. Nhiều hoạ sĩ trẻ cũng đã được biết đến qua các triển lãm “đỡ đầu” giới thiệu, hỗ trợ của ông. Có một điều dễ nhận ra ở Lê Thiết Cương là tình yêu, sự trọng thị với văn chương và các văn tài.
Ông đã chung tay thực hiện các cuốn sách về cuộc đời và tác phẩm của nhiều người nổi tiếng như đạo diễn, NSND Đào Trọng Khánh, Nghệ sĩ nhiếp ảnh Hà Tường, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Thuỵ Kha…Lê Thiết Cương còn được biết đế với vai trò một cộng tác viên chuyên viết về văn hoá, nghệ thuật và minh hoạ cho các báo và tạp chí.
Những bài viết này đã được tập hợp in thành cuốn tản văn “Nhà & người” mới đây vừa ra mắt độc giả, công chúng. Hành trình sáng tạo ông luôn đề cao phong cách tối giản. Điều này cũng thể hiện rõ trong trang viết của Lê Thiết Cương: Gần 60 bài viết trong tập tản văn “Nhà & người” viết về chuyện đất, chuyện người, một cách gọn gàng, súc tích, cô đọng.
Độc giả, công chúng đã được trang viết của hoạ sĩ đưa đi thăm ngôi nhà của nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng như nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, nhạc sĩ Phú Quang, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, đạo diễn Đào Trọng Khánh… Tới những vùng đất Lê Thiết Cương từng đi qua như: thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Lạt, Sa Pa và Hà Nội - nơi ông sinh ra và lớn lên; một vài làng cổ ở Bắc Bộ, một ngôi chùa, một nhà thờ ngoài đê sông Hồng… Từ đó hiểu sâu hơn về nết người ghi dấu qua từng nếp nhà.
“Nhà & Người” là cuốn thứ hai họa sĩ Lê Thiết Cương in riêng. Ông có ba cuốn khác in chung cùng với nhà thơ Nguyễn Quang Thiều và nhà thơ Trần Tiến Dũng. So với cuốn tản văn “Lê Thiết Cương thấy” ra mắt cách đây 7 năm, cuốn “Nhà & người” có dung lượng lớn hơn, những hơn 300 trang, nhưng vẫn là một Lê Thiết Cương tối giản trong câu chữ, cô đọng về cảm xúc trong quan sát, nhìn nhận và cảm nhận về cuộc sống, lần này là về nết người và nếp nhà.
Họa sĩ Lê Thiết Cương chia sẻ với bạn đọc tại buổi giới thiệu sách “Nhà & người”. |
Trong lời giới thiệu mở đầu cuốn sách, họa sĩ Lê Thiết Cương bộc bạch: “Qua chuyện nhà cửa tôi muốn nói đến chuyện người, chuyện gia cảnh…Chỉ có nết người mới tạo ra được nếp nhà… Cũng như chuyện nhà, chuyện đất cũng là chuyện người…Nhà cửa đất cát thủy thổ nào thì sẽ sinh ra tính tình, phong hóa, phong tục đó… Viết về kiến trúc, trang trí nhà cửa, phong cảnh vùng miền nhưng những chuyện ấy chỉ là cái vỏ, lõi của nó là chuyện người”. Được biết họa sĩ Lê Thiết Cương viết những bài đầu tiên về chủ đề Nhà & Người từ những năm 2000. Ông đã có tổng cộng khoảng 130 bài viết về chủ đề này. Và cuốn sách chỉ là non nửa số lượng bài viết mà họa sĩ đã có trong những năm qua.
Có thể nói trong ba phần cơ bản của cuốn tản văn “Nhà & người” thì phần viết về Hà Nội, về những kỷ niệm với nơi đây riêng tư và thân gần quá đỗi. Bài viết về căn nhà phố cổ hay căn nhà tập thể cũ hàng xóm với gia đình họa sĩ Nguyễn Thị Hiền cho thấy một tâm hồn ưa lắng nghe, nhiều rung cảm, hoài niệm. Những bức tranh, ảnh minh họa tĩnh và mộc mạc. Phần viết về những vùng đất tác giả đã đi qua giàu quan sát và triết lý. Còn cuốn hút nhất có lẽ là phần viết về nếp nhà, quê nhà của các văn nghệ sĩ nổi tiếng như nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, nhạc sĩ Phú Quang, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, họa sĩ Đào Trọng Khánh, nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha. Với góc nhìn nào, Lê Thiết Cương cũng đều không quá nhiều lời. Đó cũng là tinh thần tối giản mà ông đã đề cao trong sáng tạo, không riêng gì với văn chương.
Khán phòng buổi giới thiệu sách “Nhà & người”. |
Hơn 20 năm góp nhặt chuyện nhà, chuyện người để thành một cuốn sách dày dặn, nhiếp ảnh gia Dương Minh Long cũng không thể ngờ rằng câu chuyện tưởng vu vơ ngày nào lại mở đầu và tượng hình nên một “Nhà & người” hôm nay của Lê Thiết Cương. Đó là thời điểm 20 năm về trước khi hai người bạn Dương Minh Long và Lê Thiết Cương ngồi cùng nhau và trò chuyện về một cuốn sách về ngôi nhà của các văn nghệ sĩ. Ý tưởng tưởng đã đi vào quên lãng, nhiếp ảnh gia Dương Minh Long bất ngờ khi cuốn sách của họa sĩ Lê Thiết Cương ra đời. Càng bất ngờ hơn nữa khi cả nội dung và hình thức của cuốn sách lại có một sức hút riêng. Ông càng khâm phục hơn nữa lao động chữ của người bạn.
Phần viết về nếp nhà, quê nhà của các văn nghệ sĩ nổi tiếng có thể xem như một điểm nhấn của cuốn tản văn “Nhà & Người”. Ở đó, tác giả đóng vai trò là một người có mối quan hệ quen thân với các nhà văn, nhà thơ, nghệ sĩ tài năng với góc nhìn cận cảnh vào nơi chốn dung thân hay đúng hơn là chốn dưỡng tâm, là “địa chỉ tâm hồn” của họ. Ai cũng biết nhà thơ Nguyễn Quang Thiều gắn bó với làng Chùa nhưng muốn khắc họa điều đó Lê Thiết Cương đã đọc rành rẽ thơ ông, cùng nhà thơ về nơi đó, tận mắt thấy ông ngồi câu ở đầm sen, ăn bữa cơm quê, nghe chính nhà thơ kể dăm ba câu chuyện tưởng đâu vu vơ mà hoang hoải trong trí nhớ. Chất văn chương của những trang viết cũng từ đó mà hình thành. Và cũng chính là chất văn chương, theo nhà văn, nhà báo Yên Ba – thấm trong từng trang “Nhà & người”.
Đi tìm bản thể con người qua từng nếp nhà, từng vùng đất, từng trang văn của họa sĩ Lê Thiết Cương không đơn giản là ghi chép về nơi chốn đã qua, con người đã gặp. Sức cuốn hút của “Nhà & người” với nhà văn Đỗ Bích Thúy đến từ góc nhìn câu chuyện riêng tư của một cá nhân, đặc trưng một vùng đất mà nền tảng là sự từng trải, sâu sắc của tác giả - họa sĩ Lê Thiết Cương.
Hơn 20 năm về trước, nhiếp ảnh gia Dương Minh Long và họa sĩ Lê Thiết Cương từng ngồi với nhau nói về ý tưởng một cuốn sách về “Nhà & người” – Ngày hôm nay đã thành hiện thực. Và cũng cuốn sách này đã truyền cảm hứng để Dương Minh Long lên một ý tưởng sáng tạo mới. Từ phần “chữ” của người bạn, họa sĩ Lê Thiết Cương, ông liên tưởng tới những khung hình, những chân dung, “kịch bản hình ảnh” dự tính sẽ thực hiện trong thời gian tới.
Trong tản văn “Duyên Hà Nội” có chi tiết tác giả lặng lẽ đi theo một người bán rong trên phố hay lo sợ một ngày nào đó vắng bóng những quán xá vỉa hè thì mặt tiền ngôi nhà phố của ông sẽ cô quạnh biết bao nhiêu. Còn trong tản văn “Nhà cũ”, họa sĩ Lê Thiết Cương kể về tiếng guốc mộc xa vắng điểm vào những câu hát ru con bằng ca từ Trịnh Công Sơn của nhà nghiên cứu mỹ thuật cổ Lê Dưỡng Hạo – người bạn đời đã khuất của họa sĩ Nguyễn Thị Hiền. Một vài điểm xuyết như vậy thôi cũng đã đủ làm nên đôi phút bần thần của người đọc khi lật giở cuốn tản văn “Nhà & người”. Chính đôi phút bần thần đó lại làm nên giá trị cuốn sách. Cũng như nết người – của tác giả và các chân dung khác dần hiển hiện qua những nếp nhà mà qua văn chương, ông kỳ công phục dựng và mô tả